Phở khô Gia Lai
|
Có nhiều quan điểm khác nhau nói về sự ra đời của phở, nhưng nổi bật và được chấp nhận nhất cho đến nay vẫn là quan điểm, phở là món ăn được biến tấu từ một món tương tự của người Pháp, xuất hiện vào khoảng những năm thập kỷ 20 của thế kỷ trước, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam. Nơi xuất hiện phở đầu tiên là ở Nam Định, sau đó, người Hà Nội đã làm cho món ăn này trở nên nổi tiếng và phổ biến.
Riêng với phở khô Gia Lai, tuy chưa có một điều tra chính thức, song đa số người dân cho rằng, món phở khô ấy là “đứa con tinh thần” của ông Nguyễn Thành Mỹ- chủ tiệm quán ăn Đại Hưng tại số 41 Hoàng Diệu, nay là đường Hùng Vương- TP Pleiku. Hiện nay, ông Mỹ đã 93 tuổi và có cô con gái Nguyễn Thị Bích Hồng- là chủ của cửa hàng phở Hồng nổi tiếng lâu nay.
Nhắc đến phở, người ta có thể điểm qua những cái tên quen thuộc như: phở Hà Nội, Nam Định, Sài Gòn, phở Huế… thế nhưng, chỉ duy nhất ở một tỉnh lẻ như Gia Lai lại sở hữu riêng cho mình một món phở được nhiều nơi biết đến. Không giống tất cả các loại phở thường thấy khác, phở khô Gia Lai… “không giống ai” khi được để trong 2 chiếc tô, một đựng phở, một chứa nước súp. Thế nhưng, đó không thể là điều khiến người ta ăn rồi có thể nhớ mãi. Chính hương vị đặc trưng của phở khô mới là chất níu giữ hồn người, mới là cái làm nên một dấu ấn khác biệt và ấn tượng giữa hàng ngàn, hàng vạn các món ăn khác.
Lý giải về lý do ra đời của món phở lạ lùng này, chị Hồng cho rằng, đơn giản đó là một cái duyên trong nghiệp mưu sinh mà cha cô đã may mắn có được. Điểm yếu của phở nước thông thường là nếu ăn không nhanh, sợi phở thấm nước, nở ra sẽ mất ngon. Phở khô đơn giản là sự biến tấu để khắc phục yếu điểm đó.
Phở khô Gia Lai chinh phục lòng thực khách bởi chính chất riêng, không lẫn vào đâu được. Thứ món ăn ấy dân dã và phổ biến, không phải hàng cao lương mỹ vị, xa vời mà bất cứ ai, dù cho kẻ giàu, người nghèo cũng đều có thể được thưởng thức. Cũng vì thế, mà phở khô được người ta biết đến nhiều hơn, gắn quyện nhiều hơn với cuộc sống người dân phố núi.
Cùng một món phở nhưng mỗi cửa hàng lại có những bí quyết chế biến riêng để món phở ấy mang những hương vị thơm ngon, đặc biệt nhất. Tuy nhiên, yếu tố quyết định chất lượng của món phở khô chính là việc lựa chọn nguyên liệu để chế biến. Từ xương hầm, gạo làm bánh phở cho đến gia vị, tất cả đều phải tươi, ngon thì món phở mới ngọt, đậm đà. Muốn có được bánh phở ngon, dai và dẻo nhất thiết phải chọn được loại gạo thích hợp. Nước súp phải được hầm kỹ, vớt bọt thường xuyên để giữ độ trong, việc căn chỉnh lửa sao cho phù hợp cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên hương vị đậm đà cho món nước dùng.
Phở khô nhất thiết phải được ăn kèm với tương nâu - một trong những món tương cũng không kém phần độc đáo. Đây là loại tương được ủ từ đậu nành và đường vàng. Ngoài ra, nhất thiết phải có tóp mỡ, hành khô thái lát mỏng, phi với dầu cho ruộm vàng. Rau ăn kèm thường là giá trụng, rau húng quế, ngò gai, ớt… Thưởng thức món phở khô, người ăn có thể cảm nhận thấy cái ngọt đậm đà của nước dùng nóng hôi hổi, từng sợi phở vừa dẻo, dai lại béo ngậy của mỡ quyện với tương nâu thoang thoảng trong hương thơm của ngò gai, húng quế và chút cay nồng của ớt.
Sẽ là thiếu sót, là lãng phí nếu ai đó đã đến Gia Lai lại chưa thưởng thức món ẩm thực độc đáo này. Pleiku chưa xa đã nhớ là thế đấy! Tạo hóa đã ưu ái ban cho phố núi Pleiku những cái “vốn” nho nhỏ làm nên duyên níu giữ hồn người- mà trong những cái duyên ấy, phở khô xứng đáng được ví như nụ cười tươi trên gương mặt thiếu nữ “má đỏ, môi hồng” làm đắm lòng thực khách muôn phương.
(Theo Lê Hòa/ Báo Gia Lai)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/pho-kho-gia-lai--mon-an-de-thuong-de-nho-20171103091638903.htm