Cứ vào những ngày đầu xuân năm mới là các hàng quán có bán món bún ốc tại Hà Nội lại vô cùng đắt khách
Để làm nên một tô bún ốc ngon thì cách nấu nước dùng cũng như kỹ thuật nêm nếm gia vị là quan trọng nhất, vì cũng giống như phở, nồi nước có ngọt, có thơm thì tô phở mới ngon, người ăn mới xuýt xoa và nhớ nhà hàng.
Vài thứ gia vị đi kèm theo tô bún ốc luôn không thể thiếu được, bởi thiếu nó là sẽ giảm tới 50% hương vị thơm ngon và đúng chất của bún ốc, đó là: rau tía tô thái nhỏ, hành lá thái nhỏ, vài đoạn gốc hành chẻ và mắm tôm.
Tô bún thường phải có những con ốc luộc béo ngậy đã khêu sẵn được chủ hàng rải lên trên bát bún theo một định lượng nhất định, khoảng vài chục con đối với loại ốc đá nhỏ, hoặc dăm con đối với loại ốc bươu, ốc mít. Nếu là ốc nhồi, thường là được cắt nhỏ làm hai, làm ba cho vừa miệng.
Đáp ứng nhu cầu của thực khách, người ta thường cho vào tô bún thêm những miếng đậu phụ cắt nhỏ chiên vàng để thêm phần hấp dẫn. Rồi có quán bỏ vào đó cả giò tai, giò lụa, chả cốm...
Rau sống ăn kèm với bún ốc cũng rất cầu kỳ, phải có rau muống chẻ, rau chuối thái rối, rau húng Láng, tía tô, xà lách, mùi tàu cùng kinh giới, giá đỗ... Những ngày đầu năm lạnh tê tái, bê bát bún ốc nóng hổi, thêm vào đó chút tương ớt chưng cay nồng thì chỉ một loáng xuýt xoa thôi cũng húp cạn phần nước trong tô bún lúc nào không hay.
Hà Nội không thiếu gì các hàng quán bún ốc, và quán bún ốc ngon lại càng không thiếu. Nhưng nổi danh hơn cả về sự hấp dẫn, độ ngon cũng như số lượng các quán hàng thì không đâu bì nổi khu vục Phủ Tây Hồ.
Đến hẹn lại tới, khi những giọt mưa Xuân bắt đầu rơi, chút lành lạnh còn vương lại và những chú ốc hồ Tây béo tròn lấp đầy miệng vỏ cũng là thời điểm khách thập phương về Phủ thắp hương cầu lễ. Món ăn ngon có tác dụng chống ngán này dường như hợp khẩu vị với hết thảy mọi người. Chẳng vậy mà không chỉ có đàn bà, cụ già, em nhỏ thường ăn mà nhiều cánh thanh niên, đàn ông cũng luôn coi món này là khoái khẩu mỗi khi đi chúc Tết du xuân..