Tháng 10, khắp các cánh đồng ở Yên Bái rực rỡ màu vàng óng ả, nhất là ở Mù Cang Chải. Bạn đừng quên ghé những phiên chợ để tìm hiểu và thưởng thức những món ngon đã trở nên nổi tiếng nơi đây.
Cá suối tươi được nướng theo kiểu truyền thống, thơm ngon nức tiếng.
1. Bánh chưng đen
Mang đậm hương vị truyền thống của địa phương, chiếc bánh chưng đen là món bạn nên thử khi phượt vùng Tây Bắc. Đây là món ăn độc đáo của người Thái Mường Lò ở tỉnh Yên Bái.
Vào mỗi dịp Tết, lễ hội, người dân nơi đây vẫn làm món bánh này, có thể dễ dàng tìm thấy ở các phiên chợ vùng cao.
|
Bánh chưng đen. |
Thường sau mỗi vụ gặt lúa, người dân thường chọn những cọng nếp to, mọng đem về rửa sạch rồi phơi khô, đốt thành tro rồi rây lấy phần mịn nhất của tro nếp. Gạo nếp được ngâm kỹ qua đêm, trộn với tro nếp tạo thành màu đen. Ngoài ra họ cũng có thể làm từ loại lá cây núc nác. Nhân bánh chủ yếu là đỗ xanh cùng với hành, mỡ, hạt tiêu và thịt được ướp các gia vị của núi rừng. Bánh được gói thành hình trụ dài bằng lá dong rừng và cuốn lạt xung quanh. Bánh chưng được luộc kỹ, khi ăn cắt thành khoanh nhỏ, ăn rất lạ miệng.
2. Xôi ngũ sắc
Ai lên Tây Bắc cũng mê mẩn với món xôi ngũ sắc với vị dẻo thơm của gạo nếp nương.
Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. Những hạt xôi thôm dẻo được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng. Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn, 5 màu chính của xôi là trắng, xanh, đỏ, vàng, tím. Để tạo nên các màu sắc, người ta chọn những loại lá và củ cây rừng đem giã nhỏ rồi hòa với nước sôi, lấy ngâm gạo.
|
Xôi ngũ sắc, đặc sản vùng cao hấp dẫn du khách. |
Chỉ sau 6 tiếng, cho gạo lên đồ, xôi có màu sắc rất đẹp, bắt mắt. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của gạo kèm theo mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ của lá hoặc nguyên liệu chế biến cùng. Đây là món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết của đồng bào Tây Bắc, đặc biệt với người Thái tại Yên Bái.
3. Cá suối nướng pa pỉnh tộp
Cá nướng (pà pỉnh tộp) là món ăn mà nhiều du khách muốn thử nhất trong các phiên chợ vùng cao. Thường những con cá ở đây chỉ nặng tầm từ 4-6 lạng. Cá sau khi bắt dưới suối được làm sạch, mổ sống lương để khi nướng, úp cá lên sẽ mềm, dễ gắp. Cá được ướp các loại gia vị như mắc khép, rau thơm rừng, lá húng, củ sả, ớt, mì chính... Khi ăn bạn không cảm nhận được vị tanh.
Cá sau khi tẩm ướp các gia vị để chừng một tiếng cho ngấm vào thịt cá, nướng trên bếp than hoa hoặc kẹp vỉ, lật giở đều cho cá chín vàng, mùi thơm lan tỏa. Khi ăn bạn cảm nhận được thịt cá suối mềm, ngọt thơm, không bị bở và khô.
4. Gà nướng lá mắc mật
Thịt gà được nướng cùng là mắc mật có vị chua chua, ngọt ngọt của lá, vị ngọt dai dai của thịt là món ăn mà bất kỳ du khách nào lên Tây Bắc cũng muốn thưởng thức.
Những con gà thả vườn, nặng khoảng hơn 1 kg được làm sạch, mổ bụng nhồi lá mắc mật vào bên trong cho lên bếp than nướng, khiến du khách cứ xuýt xoa.
Món gà này được chấm với chẳm chéo, một loại đồ chấm đặc biệt mang hương vị của núi rừng thì càng tuyệt.