Nem chua
Món nem chua khá phổ biến, xuất hiện tại nhiều vùng miền trên cả nước. Mỗi nơi lại mang hương vị riêng, nhưng nem Thanh Hóa có phần "nổi trội" hơn cả. Ai có dịp về thăm mảnh đất đầu miền Trung, thường không quên ghé mua vài túi nem về làm quà cho người thân.
Nem chua xứ Thanh nổi tiếng bởi vị chua dịu, đậm đà, không cay như nem Huế, ngọt như nem miền Nam, phù hợp khẩu vị với nhiều người. Nguyên liệu chính làm nem là thịt lợn còn nóng hổi. Sau khi xẻ xong, người thợ phải chế biến luôn. Nếu để thịt nguội sẽ không tạo độ kết dính của nem trong quá trình lên men. Bì lợn cũng được lựa chọn kỹ, làm sạch và thái mỏng. Hỗn hợp thịt lợn xay nhuyễn trộn cùng bì, thính, đường, bột ngọt, tỏi, ớt và lá đinh lăng. Bên ngoài, mỗi chiếc nem được bọc lá chuối dày, giúp quá trình lên men tự nhiên.
Sau vài ngày, quả nem chín đều, có màu hồng tự nhiên, hương vị thơm chua dịu, khi ăn cảm nhận được vị thơm của thính. Món nem phù hợp làm đồ nhậu, ăn vặt, ăn chơi.
Bánh gai làng Mía
Bánh gai làng Mía hay còn biết đến với tên gọi bánh gai Tứ Trụ, thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trước kia, bánh thường xuất hiện trong các dịp lễ lạt, ngày hội họp hay cúng tế, thì ngày nay, người làng làm bánh quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Nguyên liệu chính của bánh có lá gai, gạo nếp, đậu xanh, vừng, dầu chuối. Trong khi bánh gai Nam Định hay bánh gai Ninh Giang sử dụng hạt sen hay thịt mỡ, thì bánh gai làng Mía có vị đặc trưng của mật mía, thịt lợn nạc. Từng chiếc bánh được gấp vuông vắn trong lá chuối khô rồi hấp chín. Bánh Tứ Trụ nổi mùi thơm của dầu chuối, ngọt đậm của mật mía, béo ngậy của thịt và dẻo thơm của nếp, thoảng mùi lá chuối.
Nem nướng Thọ Xuân
Ngoài món nem chua, người Thanh Hóa còn tự hào với đặc sản nem nướng Thọ Xuân. Nguyên liệu làm nem nướng tương đối giống nem chua. Ngoài ra, nem còn cuốn thêm lá ổi để giúp quả nem lên men tốt hơn. Nếu nem chua được gói hình trụ dài, thì quả nem nướng to hơn, gần bằng nắm tay.
Nem được cuốn trong lá chuối rừng hoặc chuối hột để lên men cho ngấu. Trước khi ăn, người ta thường nướng vùi quả nem trong than bếp, để lớp lá chuối bên ngoài cháy xém, lộ phần nhân bên trong, tỏa hương thơm béo ngậy. Nem nướng thưởng thức cùng lá sung, đinh lăng, lá ổi, chấm thêm chút tương ớt cay cay, là món mồi nhậu tuyệt hảo.
Cá rô Đầm Sét
Xưa kia, cá rô Đầm Sét là một trong những đặc sản tiến vua, ngày nay, trở thành món ngon để thực khách nhớ mãi về đất Thọ Xuân. Hương vị cá rô Đầm Sét bắt tại dòng hạ lưu sông Chu khác hẳn so với cá những nơi khác.
Cá rô Đầm Sét rán vàng giòn.
Loại cá rô này chỉ nhỏ cỡ chừng 2, 3 đầu ngón tay, chế biến thành món đơn giản như nướng hay rán đều rất hấp dẫn. Cầy kỳ hơn, người đầu bếp có thể luộc chín cám gỡ từng miếng nhỏ rồi nấu canh cải. Món canh ngọt thơm vị tự nhiên của cá, thêm chút gừng thái nhỏ, dùng thích hợp vào những ngày mưa.
Bánh răng bừa
Món bánh có cái tên lạ tai, vì hình dáng giống cái răng bừa. Có nơi còn gọi món bánh này là bánh lá, hay bánh tẻ. Đây là thứ bánh truyền thống, dân dã tại một số nơi ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Bánh răng bừa có mùi thơm đặc trưng của lá chuối, bên trong là bột gạo tẻ mềm mịn, quyện cùng nhân thịt và mộc nhĩ.
Ở xứ Thanh, món bánh răng bừa nổi tiếng hơn cả là của làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân. Để cho ra lò mẻ bánh ngon, đòi hỏi người làm chăm chút cẩn thận khâu chọn nguyên liệu và từng công đoạn. Lá chuối tươi được phơi nắng hoặc hơ lửa tạo độ dẻo dai. Gạo thơm ngâm qua đêm, xay mịn rồi đun trên nồi, khuấy đều cho khỏi vón cục. Sau cùng là phần nhân bánh gồm thịt băm, tiêu, mộc nhĩ, hành khô đảo đều. Món bánh ăn lúc nóng hay để nguội đều vừa miệng, chấm cùng chén mắm ớt cay xè không còn gì bằng.
Hoàng Hà
Tổng hợp
http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/ve-xu-thanh-dung-quen-nhung-mon-ngon-lam-nen-thuong-hieu-20150731211336198.htm