Thuở trước, lạc rang được các bà, các chị và nhiều em nhỏ đi bán dạo khắp nẻo phố phường Hà Nội. Lạc rang được ủ nóng trong các bao tải đay, vải, để khi tới tay người mua ăn nó vẫn còn nóng hổi, giòn tan. Tiếng rao: “Ai lạc rang húng lìu mặn, ngọt… đê” cứ rền vang, lảnh lót khắp phố, nhất là các đêm mưa rét. Những người đi bán dạo chỉ làm công lấy lãi chứ họ không thể tự rang lạc được, vì công nghệ rang lạc, tẩm ướp đòi hỏi rất nhiều công đoạn và đặc biệt phải có tay nghề cao. Các chủ rang lạc ở phố Tạ Hiện, Đinh Liệt những năm giữa thế kỷ XX làm ăn khá phát đạt. Nghề rang lạc thịnh hành suốt mấy chục năm về sau và cho tới tận bây giờ cả con phố Bà Triệu, nhiều hộ dân cũng đang “phất” lên nhờ lạc rang húng lìu.
Người ta rang lạc bằng chảo gang to và khi rang phải có cát rang cùng để lạc không bị xém cháy vỏ. Người ta rang cát tới độ nóng già, có khi lên tới hơn trăm độ C, sau đó mới đổ lạc đã tẩm ướp gia vị, hương liệu húng lìu vào rang cùng. Khi rang phải đảo đều tay, đảo thật nhanh để lạc không cháy mà chín vàng đều. Khi lạc chín người ta đổ ra, sàng cát đi và ủ lạc cho nóng. Nếu dùng bán dần thì khi lạc nguội người ta mới đóng túi.
Món lạc rang thơm, bùi vẫn luôn có “chỗ đứng” trong thói quen ăn quà vặt của người Hà Nội. Nếu bạn đang ở Thủ đô mà mua một gói lạc rang để ăn thì có lẽ chỉ là bình thường, song nếu ở Sài Gòn, ở nước ngoài hay một miền quê xa xăm nào đó mà được thưởng thức chút lạc rang húng lìu mang thương hiệu Hà Nội hẳn sự thi vị sẽ tăng lên gấp bội phần vì hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ càng khiến bạn nao lòng nhung nhớ…
(Theo Làng Việt)