Những ngày hè, khi rảnh rang, người miền quê thường hay lội xuống những nơi dọc theo các triền sông, mé rạch rồi dùng xà nel để xúc tép. Mớ tép rong tươi sau khi làm sạch, có thể đem rang mặn với nước dừa, hay nấu canh tạp tàng để ăn cơm. Nhưng độc đáo nhất vẫn là món chả tép rong do chính người bình dân vùng quê miền Tây Nam bộ chế biến.
Dân dã miếng chả tép rong.
Dọc theo các triền sông, mé rạch ở miền Tây Nam bộ thường có những hàng dừa nước mọc ken dày đặc. Chen vào đó là ô rô, cóc kèn và nhiều đám mái dầm, đám rong đuôi chồn sinh sống. Đó cũng là chỗ trú ngụ lý tưởng cho những loài tép ở vùng này.
Tùy hình dạng và kích cỡ, tép ở miền Tây Nam bộ có những tên gọi khác nhau như: tép bạc, tép đất, tép trấu (hay tép rong). Tép rong con nhỏ, thân tép cỡ đầu mút đũa ăn, tên gọi của nó được dân gian kêu như vậy bởi nó thường sống lẫn trong rong hay bám vào các rễ cây mọc hoang.
Những ngày hè, khi rảnh rang người dân miền quê thường hay lội xuống những nơi ấy rồi dùng xà nel (vật dụng đươn bằng tre của người Khmer, dùng để xúc thủy sản, hình dáng của nó giống như cái ki xúc lúc) để vớt tép.
Tép rong tươi trong, nhảy xoi xói sau khi làm sạch có thể đem rang mặn với nước dừa, hay nấu canh tạp tàng để ăn cơm. Nhưng độc đáo nhất vẫn không thể quên là món chả tép rong được người bình dân vùng này chế biến.
Tép xúc về lựa thật sạch rác và loại bỏ những con chôm chôm (đây là con vật có chân cao lêu nghêu hay sống lẫn với tép, con vật này ăn sẽ khiến người ăn đau bụng, đi ngoài dữ dội) dùng dao, kéo cắt bỏ phần gai nhọn.
Sau khi rửa sạch, để ráo người ta đem tép bằm thật nhuyễn, nêm chút hành lá xắt nhỏ, tiêu xay nhuyễn với nước mắm, bột ngọt, … Để một chút cho tép thấm rồi đập vài cái trứng vịt trút vô tô tép. Dùng đũa đánh cho thật đều.
Bắc chảo mỡ lên bếp, chờ mỡ sôi thì đổ hỗn hợp đó vào chiên. Lửa nhỏ sẽ làm cho miếng chả chín vàng. Trở lại mặt kia chờ chín và xúc ra dĩa. Miếng chả tép chiên vàng tươi gói với rau rừng hái từ vườn tạp, chấm nước mắm chua cay ăn với cơm gạo mới thì no quên thôi.
Cũng với những con tép băm ấy, người ta không trộn với hột vịt mà thả vào nồi nước sôi để nấu với rau cải. Nhìn bát canh rau, những dề tép nổi lên đỏ hồng, ngon ngọt khó tả …
Mới hay, một loài vật nhỏ bé, tưởng như không có nhiều giá trị giữa biết bao cá tôm miệt đất Chín Rồng này, nhưng với trí tuệ khéo léo, biết cách tận dụng tối đa những thứ “trời cho”, người dân quê đã làm phong phú thêm đời sống của họ qua nghệ thuật ẩm thực dân gian.
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1147456