Cá ngát là loại cá ít xương, thịt dẽ dặt thơm ngon, có giá trị thương phẩm cao, là đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cá ngát được các bà nội trợ miền Tây chế biến nhiều món ngon như: kho mắm, nướng sả, nấu canh chua cơm mẻ, kho tương,… nhưng được mọi người ưa thích nhất và dùng trong dịp Tết là: Đầu cá ngát kho tương hột.
Có thể nói, người dân Đồng bằng sông Cửu Long không còn ai xa lạ gì với con cá ngát. Cá ngát thuộc loại cá da trơn, sống nơi tầng đáy vùng nước lợ ven biển và cửa sông. Cá ngát có hình dáng trộng tựa cá trê trắng. Cá ngát nước ngọt da đen mun, mình trơn bóng (khác với cá ngát nước mặn da vàng). Miệng cá ngát có 8 sợi râu dài (4 sợi hàm trên, 4 sợi hàm dưới) như một ăng - ten để dò tìm thức ăn. Bên 2 mang cá ngát có ngạnh nhọn liên kết với một túi nọc nằm trong mang, rất nguy hiểm khi bị cá đâm phải vì nhức nhối vô cùng.
Theo kinh nghiệm dân gian, chỉ cần móc họng cá lấy nước nhớt thoa lên vết đâm thì sẽ dịu ngay cơn đau nhức. Cá ngát trưởng thành có con đạt chiều dài khoảng 1,5 m, nặng trên 10 kg. Cá ngát hoạt động vào ban đêm, ban ngày ần núp nơi hang sâu có nhiều ngách, nơi ít ánh sáng.
Biết được những đặc điểm nêu trên, ngư dân miền Tây, ngoài việc đánh bắt cá bằng lưới (đóng đáy, lưới vây v.v.), còn dùng mồi để câu hoặc bắt cá bằng tay (thụt hang)…
Cá mua về làm sạch nhớt với nước cốt chanh. Móc bỏ ruột, chỉ chừa lại mang cá và mõm cá vì đó là phần ngon nhất. Để nguyên đầu cá khi chế biến (nếu lớn, có thể chẻ đôi để nấu mau chín).
Trước hết, đầu hành lá bằm nhuyễn cho vào chảo, phi mỡ (dầu) cho thơm đổ tương hột vào xào chín cùng với một ít nước lạnh. Chờ tương hột sôi, nêm nếm vừa khẩu vị, múc ra tô. Kế đến, chuẩn bị các phụ liệu như: gừng tươi (cạo vỏ, xắt sợi), cần tàu (xắt khúc), củ hành tím (lột vỏ, rửa sạch, đập giập) để sẵn. Cho đầu cá ngát vào chảo mỡ (dầu) chiên sơ cho thịt cá xăn lại. Đổ tương hột (đã xào) vào cùng với đầu cá với ngọn lửa liu riu cho đến khi nước gia vị rút vào, thịt cá mềm nút da là chín. Cuối cùng, cho củ hành tím, cần tàu, gừng vào. Chờ sôi vài dạo, cho các phụ liệu vừa chín, nhắc xuống. Nhớ cho một ít tiêu xay, vài trái ớt hiểm chín lên cho có mùi thơm và màu sắc bắt mắt, múc ra đĩa cùng chuẩn vị đĩa rau sống để chấm nữa là xong!. Món nầy nhớ ăn lúc còn nóng mới ngon!.
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng bới ra chén. Dùng đũa giẽ phần sụn mềm mại, béo thơm nơi phần đầu cá, cặp miếng rau sống (dưa leo, chuối chát, khế chua, xà lách, rau thơm,…) đưa lên miệng từ tốn nhai. Và miếng cơm nóng gạo mới dẻo thơm vào, bạn sẽ cảm nhận được hương vị rất đậm đà, dân dã đặc trưng của món ăn.
Nếu có dịp về miền Tây trong những ngày Tết, mời bạn hãy thử khám phá món ăn nầy để thay đổi khẩu vị và đỡ ngán (ngấy) vì phải ăn nhiều thịt mỡ.
(Theo Dân Việt)
|