Sò vẹo nướng mỡ hành; sò huyết xào rau răm hay sò điệp nướng phô mai... là những món ngon mà thực khách khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của nó.
ảnh minh họa
Tuy không nhiều và phong phú như các loại ốc, những món ăn từ sò vẫn luôn có sức hấp dẫn rất riêng. Tùy từng loại sò mà các quán ăn có nhiều cách chế biến như nướng mỡ hành, nướng phô mai hay xào me, nướng mọi...
1. Sò dương nướng mỡ hành
Đây là loại sò có giá trị kinh tế cao, phân bố rộng khắp trên các vùng biển Phú Yên. Sò dương có hình dáng lớn, con trưởng thành có thể bằng nắm tay người lớn. Thịt sò dai giòn, có vị ngọt nên được nhiều người ưa thích. Sò dương thường được chế biến bằng nhiều cách như nướng, hấp, nấu cháo. Tuy nhiên, phổ biến hơn cả là sò dương nướng mỡ hành vì dễ chế biến nhưng lại mang đến hương vị thơm ngon khó tả.
Sò phải chọn con còn tươi, ngâm sạch đất cát rồi cho vào nồi luộc chín. Tách vỏ sò, thái thịt sò thành từng phần nhỏ, xếp lại vào vỏ rồi cho lên vỉ nướng. Sau đó cho mỡ hành vào, nướng đến khi mỡ hành tỏa mùi thơm nức thì rắc lên ít đậu phụng rang, cho ra đĩa và dùng kèm với nước mắm pha hơi ngọt.
2. Sò vẹo nướng mỡ hành
Đây là món chế biến khá công phu nhưng lại được nhiều người ưa thích vì cho thịt ngọt, giòn ngon và hơi béo. Để làm món này, phải chọn con sò còn sống thì khi chế biến thịt sò mới giòn, thơm ngọt. Sò được rửa sạch vỏ bên ngoài, rồi đem luộc vừa há miệng (không luộc chín vì khi nướng sẽ làm thịt sò khô, không có vị ngọt) thì vớt ra.
Sò được tách bỏ một bên vỏ, rồi xếp lên vỉ nướng chín trên bếp than hồng. Khi thịt sò tiết nước ra, bắt đầu cho mỡ hành lên, nướng đến khi món ăn tỏa mùi thơm nức của mỡ hành thì gắp ra đĩa, rắc lên ít đậu phộng rang rồi dùng khi còn nóng. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm ngon của món ăn này, dĩ nhiên không thể thiếu chén muối ớt xanh hoặc nước chấm hơi cay.
3. Sò cổ đại nướng bơ
Sò cổ đại là loài hải sản còn tương đối xa lạ với những tín đồ nghiền các món ăn từ nghêu, sò, ốc, hến... Tuy nhiên, đối với người dân đảo Phú Yên thì đây là một quà tặng của biển cả dành cho người dân đảo. Do sống sâu dưới bề mặt nước, sò không có bùn đất nên người dân đảo thường không mất nhiều thời gian để ngâm hay rửa sò.
Sò bắt về còn tươi nguyên, được rửa sơ qua với nước sạch, để ráo rồi đặt lên nướng trên bếp than hồng. Khi sò há miệng là bắt đầu chín, dùng kẹp tách đôi vỏ sò, rồi cắt thịt từng phần nhỏ. Tùy theo ý thích mà bạn có thể nướng sò với phô mai, bơ, mỡ hành hoặc sa tế. Nếu lần đầu tiên ăn thử thịt sò cổ đại, bạn sẽ cảm nhận được cái giòn dai, đậm đà gia vị, khi ăn xong vẫn còn vị ngọt thanh lưu lại trong cổ rất dễ chịu. Không chỉ là món ăn lạ và ngon miệng, thịt sò còn có tác dụng an thần rất tốt cho sức khỏe.
4. Sò điệp phô mai đút lò
Đây là món ăn được biến tấu một cách tài tình, giúp nó trở nên hấp dẫn và được nhiều người ưa thích. Thành phần đơn giản với sò điệp và phô mai, nhưng cái ngọt thịt của sò kết hợp với vị béo thơm của phô mai làm cho món ăn tưởng chừng như bình thường lại trở nên vô cùng hấp dẫn.
Sò sau khi sơ chế được đặt lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Phô mai được phủ kín lên trên từng con sò. Khi hương thơm nức từ món ăn tỏa ra là bạn đã có thể bắt đầu thưởng thức từng con sò béo ngậy, thơm ngon này.
5. Sò huyết xào rau răm
Để làm món này, bạn nên lựa chọn những con sò còn sống, không quá to cũng như quá nhỏ. Nếu sò nhỏ quá, khi chế biến bị teo lại, không ngon, ngược lại nếu con lớn quá sẽ dai. Sò huyết khi mua về phải ngâm với nước vo gạo hoặc nước muối ớt pha loãng để sò nhả hết bùn đất, dùng bàn chải cọ sạch lớp vỏ bên ngoài, rửa lại bằng nước sạch và chế biến món ăn.
Cho sò huyết vào nồi luộc sơ cho mở miệng. Tách đôi sò huyết, bỏ một bên vỏ không chứa thịt. Đặt chảo dầu lên bếp, phi thơm tỏi rồi cho sò vào xào chín, thêm ớt sa tế, xào nhanh tay lửa lớn để sò không bị dai. Nêm vào một thìa nhỏ nước mắm, nửa thìa hạt nêm, nửa thìa nhỏ muối, đảo đều. Cuối cùng cho rau răm vào đảo cùng, tắt bếp, múc ra đĩa dùng nóng. Món ăn có vị thơm của rau răm, cái cay cay của sa tế vừa đậm đà vừa rất ngon miệng.