Lòng được chế biến sạch sẽ, giòn dai, nhâm nhi cùng bát cháo nóng ngon ngọt, thơm phức trong tiết trời se lạnh vừa ngon miệng lại ấm bụng.
ảnh minh họa
Vào những ngày trời dịu mát hay những khi có không khí lạnh bỗng nhiên ùa về, nồi lẩu nóng hổi nghi ngút khói là món ăn mà những người “có tâm hồn ăn uống” thường nghĩ tới đầu tiên và không khỏi cảm giác thèm thuồng. Nổi tiếng là “thiên đường lẩu” ở Hà Nội, phố Phó Đức Chính đã trở nên quen thuộc với các quán lẩu ếch, lẩu riêu cua, bò nướng nằm san sát nhau, kéo dài gần như cả dọc phố. Nhưng nếu muốn thử một lần “đổi gió” cho bữa tụ tập anh em, bạn bè thì quán lẩu lòng nằm tách biệt ở đoạn gần cuối phố là một địa điểm bỏ túi không tồi.
Nếu không phải là khách quen hoặc được bạn bè giới thiệu, hẳn nhiều người đi đường sẽ chẳng dám “mạo hiểm” ghé vào bởi tâm lý món lòng lợn chế biến ở các hàng ăn thường rất mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng những thực khách đã một lần ăn thử ở đây rồi chắc chắn sẽ chẳng bận tâm hay lo ngại gì nữa bởi có thể tận mắt nhìn thấy những cỗ lòng được mang ra cắt thái hoàn toàn sạch sẽ và chất lượng.
Lẩu lòng nghe có vẻ lạ tai nhưng thực chất nó là biến tấu của món cháo lòng quen thuộc. Nói thì đơn giản vậy nhưng để có được một nồi lẩu lòng ngon ngọt như ở quán thì không dễ chút nào. Thoạt đầu, khi nồi lẩu mới được bưng ra đặt trên bếp, nhiều người sẽ cảm thấy hụt hẫng vì trông chẳng màu mè, hấp dẫn như lẩu riêu hay lẩu ếch. Nhưng khi nồi lẩu bắt đầu bốc khói, một mùi thơm lan tỏa khó cưỡng khiến thực khách cứ phải liên tục hít hà và muốn thưởng thức ngay lập tức. Anh chủ quán tiết lộ nước cháo phải được ninh bằng xương bay (loại xương thường dùng nấu bột/cháo cho các bé) và chim trời Hà Tĩnh mới ngọt thơm được như vậy. Hơn nữa, bí quyết còn nằm ở chiếc nồi gang được đúc rất dày giúp món lẩu cháo dù được đun bao lâu cũng không bị khê và còn giữ cho món ăn luôn nóng hôi hổi.
Tùy theo sở thích và yêu cầu của thực khách mà chủ quán sẽ mang ra những đĩa lòng khác nhau, từ tràng, dạ dày, cuống tim cho đến lòng xe điếu, gan, dồi lợn đều có đủ cả. Cách ăn cũng giống như các loại lẩu khác, thực khách thả dần các loại lòng vào nồi nước cháo sôi trên bếp, vừa nhâm nhi lòng vừa nhúng rau cải cúc, nấm kim châm ăn kèm. Sau khi đã chán với kiểu ăn nhúng thả này, bạn có thể múc cháo ra bát rồi ăn kèm với quẩy giòn rụm. Trong không khí se se lạnh của những ngày cuối thu, cùng người thân, bạn bè quây quần bên nồi lẩu thơm phức, vừa lai rai lòng vừa xì xụp bát cháo nóng thật không gì “thú” bằng. Một nồi lẩu lòng có giá 250.000 đồng dành cho khoảng 3 - 4 người ăn.