Người Việt Nam tự hào về những giá trị vượt trội so với các nước trong khu vực, là quốc gia của những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, là đất nước có bờ biển dài, rất thuận lợi cho phát triển du lịch...
Liên hoan ẩm thực Hà thành lần thứ hai. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Một giá trị vượt trội khác của đất nước, con người Việt Nam, rất ích lợi cho phát triển du lịch, đó là văn hóa ẩm thực đặc sắc. Ẩm thực Việt Nam được định vị như một thế mạnh góp phần tạo nên sự khác biệt, dễ thu hút du khách.
Việt Nam - quốc gia của văn hóa ẩm thực đặc sắc
Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, ông cho biết mấy năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá cho ẩm thực Việt cả trong và ngoài nước; tuy nhiên, phần lớn các hoạt động xúc tiến mới dừng ở quy mô và tính chất địa phương, chưa mang tầm quốc gia.
Một số sự kiện được nhắc đến như năm 2010, tại thành phố Vũng Tàu đã diễn ra Lễ hội văn hóa ẩm thực thế giới. Lễ hội thu hút đại biểu 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 40 tỉnh, thành trong nước tham dự với chủ đề rất ấn tượng “Nếm cả thế giới - Taste the World.”
Năm 2012, Liên hoan ẩm thực món ngon các nước được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức. Trên 80 gian hàng của 50 đơn vị nhà hàng, khách sạn đại diện cho nền ẩm thực của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ; các đơn vị, nhà hàng đạt chuẩn trong chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị”; các cơ quan lãnh sự, đại diện của nhiều nước tại Thành phố Hồ Chí Minh… cùng tham gia và giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đất nước, quê hương mình.
Lễ hội trái cây Nam Bộ năm 2013 được tổ chức tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Liên hoan ẩm thực đất phương Nam năm 2013 tại Công viên văn hóa Đầm Sen, Thành phố Hồ Chí Minh với điểm nhấn là các hoạt động trình diễn nghệ thuật ẩm thực theo chủ đề vùng, miền như ẩm thực biển miền Trung, ẩm thực Tây Nguyên, Nam Bộ…
Bên cạnh đó, tính vượt trội bởi những đặc trưng riêng của văn hóa ẩm thực Việt Nam đã làm nên những sự kiện có tiếng vang trên thế giới. Cô gái khiếm thị 33 tuổi, người Mỹ gốc Việt đến từ Đại học Houston Christine Hà đã giành quán quân cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ mùa thứ 3 (2012) với các món ăn cơm thịt ba chỉ, trứng ốp la đặc trưng hương vị Việt Nam.
Một bất ngờ thú vị là ngày 30/8/2012, tại Ấn Độ, Tổ chức kỷ lục châu Á đã xác lập 10 món ăn Việt Nam là Kỷ lục châu Á theo tiêu chí Giá trị ẩm thực châu Á. Phở Hà Nội, cơm tấm và phở cuốn Thành phố Hồ Chí Minh, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mỳ Quảng, phở khô Gia Lai, bánh khọt Vũng Tàu đã được tôn vinh.
Mới đây, trong “40 món ăn ngon của thế giới mà chúng ta nên ăn thử một lần trong đời” do trang Business Insider đưa ra thì Phở bò của Việt Nam đứng đầu danh sách. Phở là món ăn đặc trưng truyền thống của người Việt, cùng mỗi tô phở là những gia vị thơm ngon, những bí quyết gia truyền đầy hấp dẫn.
Ẩm thực Việt Nam hướng đến Thương hiệu du lịch Việt
Xây dựng văn hóa ẩm thực như một thương hiệu du lịch quốc gia là việc các nước khu vực và nhiều nước trong châu lục đã làm và rất thành công. Đầu năm 2013, Tổng cục Du lịch Thái Lan, Cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, Ngân hàng Bangkok đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp Thái Lan lần thứ nhất (1st Thailand Culinary World Challenge 2013). Cuộc thi với mục đích thu hút du khách thông qua ẩm thực truyền thống Thái Lan. Đầu bếp từ 15 quốc gia đã đến Thái Lan phô diễn tài nấu bếp cũng như quảng bá văn hóa ẩm thực đất nước mình.
Người Hàn Quốc, từ quan chức Chính phủ đến người dân, hễ có dịp là lại quảng bá cho văn hóa xứ Kim chi. Người Hàn quốc tự hào cho rằng kim chi được coi là một trong 5 loại thực phẩm mạnh hàng đầu thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá món ăn Hàn Quốc như một ví dụ về món ăn lành mạnh, làm nổi bật các giá trị ẩm thực Hàn Quốc. Hàn Quốc sẽ tích cực quảng bá để món ăn Hàn Quốc trở nên phổ biến và quen thuộc với thế giới.
Văn hóa ẩm thực Nhật Bản lại đề cao sự tinh tế, tự nhiên trong từng món ăn; trong đó, nhấn mạnh đến tính tự nhiên, mỹ thuật và sự đa dạng. Sushi là món ăn phổ biến của Nhật Bản được thế giới ưa chuộng bởi sự hấp dẫn của mầu sắc, vị ngọt tự nhiên của cá sống, vị cay của gừng hay vị nồng của wasabi.
Nhìn sang châu Âu, thấy Pháp tự hào với rượu vang Bordeax; Italy với pizza, spaghetti…
Ngành du lịch Việt Nam đang trong thời kỳ trăn trở, lựa chọn nội dung xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu du lịch điểm đến của các vùng, miền, địa phương. Điều đó cho thấy sự giầu có về các di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực đặc sắc, tính vượt trội của Việt Nam về một số giá trị văn hóa, thiên nhiên, con người…
Khá nhiều người đang hoạt động trong ngành du lịch cho biết nếu phải lựa chọn giữa “Văn hóa ẩm thực” với “Du lịch sinh thái biển đảo,” họ chọn Văn hóa ẩm thực để xây dựng thành Thương hiệu du lịch Việt Nam.
Những người bảo vệ quan điểm chọn văn hóa ẩm thực với lý do đó là giá trị sẵn có, một hệ thống nhà hàng, đầu bếp hàng đầu khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, nếu chọn văn hóa ẩm thực thì hoạt động xúc tiến nhanh nhất, chi phí tốn ít nhất.
Văn hóa ẩm thực tạo nên phép so sánh về sự khác biệt giữa văn hóa ẩm thực các quốc gia; tạo cảm nhận bao trùm các nền văn hóa chung của dân tộc. Văn hóa ẩm thực khai thác tối đa thế mạnh từ văn hóa và nền kinh tế nông nghiệp tại mỗi nước, hỗ trợ ngành nông nghiệp, thủy hải sản trong nước gia tăng giá trị.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam đáp ứng tất cả những yêu cầu khắt khe nhất theo điều kiện cần và đủ khi xây dựng Thương hiệu du lịch Việt Nam. Hãy biểu thị sự ủng hộ lựa chọn Thương hiệu du lịch Việt Nam “Bếp ăn của thế giới” hoặc “Hương vị của thế giới”