Nhiều người nôn nóng chờ đợi dĩa cua gạch son tự nhiên bừng sáng. Một số ít lại đả kích. Nghe râm ran đang mùa cua cái so (yếm vuông) tìm bạn tình, từ Trà Vinh ngược ra Phú Yên.
Nhiều cặp “tình nhân” cua, mới chuẩn bị tỏ tình đã phải lên dĩa! Ảnh: Tấn Tới
Ác như cua cái?
Những lúc gặp lại anh em thân thiết, sau hồi “ngậm đắng nuốt cay”, bắt đầu tê tê, anh Sáu Nhọn ở Cần Thạnh, Cần Giờ, TP.HCM, thường cất giọng mùi mẫn hát tặng bài Chuyện tình hai con cua hay Lòng dạ đàn bà, của soạn giả lừng danh Viễn Châu.
“Đến ngày lột vỏ của con đực thì cua cái mặc tình đi dọc về ngang. Bỏ cua đực nằm hiu quạnh trong hang, con ác phụ đã đem lòng tàn nhẫn. Dẫn về một gã nhân tình có đôi càng to lớn, đến xé xác anh chồng xấu số vô duyên...”
Cua gạch đầm Ô Loan, Phú Yên, thơm béo lạ thường! Ảnh: Kim Tuấn
Từng là chủ 3 - 4 hàng đáy ở đây, anh Sáu khẳng định vụ cua đực tận tình chăm sóc, bảo vệ cua cái lúc yếu ớt lột xác, để rồi đón nhận kết cuộc thảm thương là có thật trăm phần trăm.
Còn tài của tiền bối Viễn Châu là, mượn hiện tượng tự nhiên để nói về nhân tình thế thái, trong đạo vợ chồng, khiến những lời ca ấy vượt thời gian.
Thế nhưng, xét ở góc độ đấu tranh sinh tồn hoặc sàng lọc tự nhiên, thì đó là chuyện thường tình.
Vả lại, dân sành ăn càng dễ cảm thông với cua cái. Bởi “ả” không tùy cơ ứng biến thì làm sao tích vun mai lớp gạch đỏ tươi (buồng trứng; cua đực cũng có gạch và đó là hệ thống tế bào sinh tinh của chúng), dâng hiến nhiều món ngon tận đỉnh!
Anh Hà Thanh Linh, cựu giám đốc Khu du lịch sinh thái Vàm Sát, Cần Giờ, lần đốt ngón tay giảng giải: “Những nơi nào còn cánh rừng ngập mặn rộng, sẽ có nhiều cá, cua... cho hương vị ấn tượng. Nhờ chúng ăn con này con kia, nhất là lượng phiêu sinh bổ dưỡng, đặc thù dưới tán rừng.”
Theo đó, ở phía Nam, cua thịt cũng như cua gạch các vùng Cần Giờ, Gò Công đứng đầu bảng so với Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau.
Tuy vậy, cua rừng ngập mặn các nơi kể trên lại lép vế một chút so với đầm nước lợ miền Trung.
Cua gạch đầm Ô Loan, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đáng xếp thượng hạng. Trọng lượng cua cái son ở đầm này, có thể đạt 350g, trong khi các nơi khác phía Nam, cua cùng loại nặng từ 230 - 260g/con.
Miếng gạch thanh tao, béo bùi nhưng không gây ớn ngán. Chấm với ít muối ớt xiêm xanh càng tuyệt. Cơm ớt giòn thơm, cay vừa phải lẫn hậu vị ngòn ngọt. Còn gì hơn!
Chất dân dã của món thời trân đang nói là, không cần chế biến cầu kỳ: hấp, luộc hoặc nướng đã ngon “tới bến” rồi.
Nướng dạng cua bụng mang dạ chửa, thơm ngon đúng điệu là cả một nghệ thuật.
Cua cái so Trà Vinh nặng cỡ 250g/con, nhưng dây cột nặng bằng 1/3 trọng lượng cua
Ảnh: Tấn Tới
Theo anh Hai Ti Na, ở Bạc Liêu, phải canh lò than đước nóng riu riu, úp bụng cua xuống trước. Phần lưng cua hong sau. Cái khó là canh gạch cua đạt độ nửa đặc, nửa sệt.
Lấy vài muỗng nước gạch sền sệt, đỏ son ấy pha thành nước sốt với ớt hiểm cùng tiêu sọ, muối hột rang giã 5 - 6 mới cao tay.
Đồng thời, cua cũng không thoát khỏi luật bù trừ, hễ gạch đầy thì thịt lạt và ngược lại.
Mùa cua gạch rộ ở Cần Giờ, Gò Công từ khoảng tháng 10 - 11 âm lịch. Phía Bến Tre chạy xuống Cà Mau, cua cái có thể vun gạch sớm hơn hai tháng.
Những vùng Phú Yên, Bình Định, khoảng đầu tháng 8 âm lịch, đã lai rai gạch cua.
Và dẫu sao, hành động của giống giáp xác ưa bò ngang này vẫn dễ hiểu hơn bao thực khách.
Người cũng chẳng hiền!
Chuyện có nên ăn cua gạch trong mùa ôm trứng hay không vẫn còn tranh luận sôi nổi trong nhóm chúng tôi, cùng các nhóm khác.
Phe thiểu số đưa ra lý luận khá thuyết phục: ăn cua mẹ trong mùa sinh sản là ngược với luật bảo ngư của các nước tiến bộ.
Ở Mỹ, Canada, chính quyền cấm tuyệt. Ai vi phạm, phạt sạt nghiệp. Ngay cả nước láng giềng Campuchia, cũng ban hành đạo luật tương tự - rất gắt gao.
Có vị còn biện luận rằng, mới đây, tại Mỹ quốc, để khuyến cáo người ta cân nhắc khi ăn thịt bò, nhằm ủng hộ xu hướng sống xanh, các nhà khoa học nước ngoài còn tạo ra trò chơi thử nghiệm làm bò.
Vào phòng thí nghiệm, tình nguyện viên sẽ tưởng mình là... bò. Họ trải nghiệm cảm giác được vỗ béo, chích điện trong lò mổ.
Nếu bổ sung thêm trò chơi làm cua gạch: được cua đực vuốt ve, bị giăng bắt rồi mang... hấp bia, chắc thống khổ không kém!
Luận cứ thứ 2 là trữ lượng cua, cáy ở ven rừng, trong đầm phá, nơi gành vịnh nước ta đang sụt giảm nghiêm trọng.
Một số thương lái cua lớn phía Nam cho biết, lượng cua gạch trời... nuôi, mùa rộ, chỉ đáp ứng khoảng 20 -30% nhu cầu thị trường hàng quán TP.HCM.
Hiện không ít nhà hàng lớn ở TP.HCM, đang chào giá mềm, từ 300.000 - 320.000 đồng/kg cua gạch Cà Mau, dạng nuôi.
Vẫn chưa thuyết phục người biết ăn và đôi khi, không sòng phẳng ở cọng dây trói. Dây trói còn lớn hơn càng càng cua, khiến cả vật lẫn người đều bị xì – trét.
Bên cạnh đó, dân gian vẫn xếp thịt cua biển vào loại khó tiêu, gây dị ứng với một số người cơ địa không phù hợp.
Đồng thời, về dinh dưỡng cùng y thực Việt, cua thịt lại kém khoáng tố và không nên thuốc bằng cua đồng.
Cụ thể ít: 4899mg canxi, 0,9mg sắt, 239mg phospho/100g, theo sách Thành Phần Dinh Dưỡng 400 Thức Ăn Thông Dụng, của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, trang 278.
Tóm lại, cua ngang tàng - không ai trách. Còn bạn thản nhiên bóc lột cả dĩa trứng cua, cần ngẫm kỹ chuyện được, mất!