Nếu như Đà Lạt được biết đến với món ăn đường phố nổi tiếng là bánh tráng nướng, thì ở Huế cũng có một đặc sản tương tự có tên bánh ép. Tuy có vẻ ngoài khá tương đồng nhưng thực chất cả mùi vị lẫn cách chế biến của hai món ăn này hoàn toàn khác biệt.
Dẫu vậy, sự thơm ngon và gây “nghiện” ở cả hai món ăn chơi này chính là điểm chung thu hút bao du khách tìm kiếm và ăn thử cho bằng được.
Chiếc bánh dẹp và nhỏ nhưng chứa đầy những trải nghiệm ẩm thực đặc biệt, từ độ dai dai của bánh, mùi thơm của hành lá, thịt, trứng hòa cùng cái giòn giòn, thanh thanh của rau sống ăn kèm.
Những chiếc bánh nhỏ nhắn nhưng đầy thơm ngon và cực gây "nghiện". (Ảnh: bachuaviahe)
Ngay từ cái tên, người ta cũng đã phần nào hình dung được về cách thức làm ra món bánh ép. Những chiếc bánh đều được làm thủ công trên những chiếc khuôn gang phả hơi nóng từ bếp than đỏ rực ở dưới.
Sở dĩ gọi là bánh ép vì bánh được chế biến bằng cách ép trên chiếc khuôn gang. (Ảnh: quangvinh_nv)
Nguyên liệu làm bánh khá đơn giản, bao gồm bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá… Những viên bột nhỏ được vo sẵn điểm thêm ít thịt heo rim đặt vào giữa hai tấm gang nóng rực, đóng lại ép trong khoảng 5 - 6 giây. Sau đó, người bán sẽ mở khuôn, đập thêm vào quả trứng rồi tiếp tục ép thêm vài giây nữa. Trong quá trình ép bánh, khuôn sẽ được lật trở khoảng vài lần để bánh được chín đều.
Những chiếc bánh được ép dẹp với phần nhân là bột lọc, trứng, thịt. (Ảnh: thuong_1096)
Nguyên liệu đơn giản nhưng quá trình ép bánh cũng khá mất thời gian, mà nếu làm sẵn thì sẽ mất đi độ nóng giòn, giảm vị ngon của bánh, vì vậy để thưởng thức được một chiếc bánh ép chất lượng, thực khách phải kiên nhẫn chờ đợi.
Bánh ép ngon nhất khi vừa ra lò. (Ảnh: homecookingdaily)
Nhưng chỉ với một chiếc bánh ép vừa ra lò, nóng hổi thôi chưa đủ, cần phải có một chén nước chấm chuẩn vị nữa thì bữa ăn mới trọn vẹn. Quá trình thưởng thức bánh ép có ngon không còn phụ thuộc không ít vào những chén nước chấm.
Nước chấm ngon cũng là một thành phần không thể thiếu. (Ảnh: thuong_1096)
Tùy vào mỗi hàng quán mà lại có những cách thức pha nước chấm khác nhau, có nơi dùng nước mắm chua ngọt kèm tỏi ớt, chỗ khác lại sử dụng mắm trộn tương ớt hoặc ớt chưng. Nhưng điểm chung chính là không thể thiếu cái vị cay nồng của ớt để tăng thêm phần kích thích vị giác.
Miếng bánh ép với vỏ ngoài giòn dai và phần nhân béo thơm vị trứng, thịt. (Ảnh: tyboohuechi)
Bánh ép truyền thống chỉ có bột lọc, trứng ăn kèm rau sống, nhưng ngày nay để phục vụ thị hiếu của thực khách, nhiều phiên bản biến tấu khác như thêm tôm, pate, xúc xích… được ra đời, tăng thêm phần hấp dẫn cho những chiếc bánh.