Bánh canh cua
Bỏ qua những "drama" khẩu chiến trên các diễn đàn mạng, bánh canh cua vẫn là món ăn được nhiều vị khách đánh giá cao khi thưởng thức ẩm thực tại Sài Gòn. Bánh canh cua có phần nước dùng đậm đà, sánh đặc với phần thịt cua đầy ắp, sợi bánh dai, bùi bùi ăn cùng miếng quẩy giòn thơm.
Tại quán bánh canh cua nổi tiếng trên đường Tôn Đản (Q4, TP.HCM), theo ghi nhận, không chỉ có những vị khách là người Bắc đến ăn trải nghiệm mà nhiều người dân bản địa cũng rất yêu thích món ăn này. Anh Long Hưng (54 tuổi, Q7, TP.HCM), chủ quán bánh canh cua cho biết: "Sợi bánh canh được làm từ hai loại bột chính là bột gạo và bột lọc, nhờ vậy vừa có độ dai và bùi. Phần nước dùng được nấu theo công thức riêng của quán, thịt cua nhiều làm nước dùng có độ ngọt tự nhiên. Ngoài ra, còn có thêm những phần hương liệu đặc trưng khác như hành ngò, tóp mỡ".
Tại đây, mỗi bát thường có giá 55.000 đồng. Với nhiều khách muốn ăn thêm có thể gọi phần 150.000 – 200.000 đồng có thêm mai cua, thanh cua và càng cua. Đối với khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc, món ăn này tương đối dễ ăn và phù hợp với khẩu vị.
Mỗi bát có giá dao động từ 45.000 - 200.000 đồng tuỳ vào lượng topping
Bún mắm/Lẩu mắm
Vốn là đặc sản của vùng sông nước miền Tây, bún mắm và lẩu mắm được du nhập vào TP.HCM và trở thành một trong những món ăn đường phố hút khách. Đúng như tên gọi, hai món ăn này có mùi mắm đặc trưng, phần nước dùng thường được nấu chung với nguyên liệu như hành phi, cà tím và thưởng thức cùng nhiều loại rau thơm để cân bằng mùi mắm.
Với những tín đồ của các loại mắm, đây chính là món ăn lý tưởng mà bạn không nên bỏ lỡ khi chỉ có ít thời gian tại Sài Gòn.
Món ăn này có mùi mắm đặc trưng, với những người lần đầu thưởng thức sẽ hơi... khó ăn
Hủ tiếu Nam Vang
Đi dọc các con phố tại những trung tâm quận lớn như Quận 1, Quận 3, Quận 10 cho tới những con hẻm nhỏ, đâu đâu khách du lịch cũng có thể bắt gặp các hàng hủ tiếu Nam Vang. Món ăn này vốn có gốc từ người Campuchia, du nhập về Sài Gòn và được biến tấu phù hợp với khẩu vị người dân Việt.
Do vị trí địa lý gần nhau, nền ẩm thực nước ta cùng ẩm thực Campuchia có thể xem như “thân thiết”. Hủ tiếu Nam Vang là món ăn như thế. Món ăn này mang âm hưởng xứ sở chùa tháp với đặc trưng là cách nấu nước dùng rất công phu.
Phần nước dùng từ thịt băm là đặc trưng của món ăn này
Hủ tiếu Nam Vang có sợi nhỏ, dai, phần nước dùng đặc trưng được nấu từ thịt bằm có vị ngọt thanh, thường ăn cùng tôm, thịt quay, trứng cút,… Một số địa điểm bạn có thể ghé thưởng thức hủ tiếu Nam Vang như: Hủ tiếu Nam Vang Đạt Thành, Hủ tiếu Nam Vang Nam Lợi,…
Cơm tấm Sài Gòn
Nhắc đến cơm tấm, người ta luôn nghĩ về một Sài Gòn nồng hậu, đơn giản, gần gũi và phần ẩm thực đậm đà. Cơm tấm Sài Gòn luôn mang hình bóng con người và văn hoá miền Nam, trở thành món ăn mang tinh hoa tinh tuý, có thể ví như bún chả hay bánh cuốn ở miền Bắc. Cơm tấm thường nấu bằng loại gạo rời, không quá khô như cơm gà Hội An nhưng cũng không dẻo, mềm như miền Bắc, nhờ vậy khi ăn có hương vị rất lạ. Ngoài những món ăn kèm như chả trứng, bì, nộm, thịt quay,… phải kể đến chén nước chấm. Nước chấm chua ngọt, dậy mùi tỏi ớt, khi ăn nên được rưới lên phần cơm hoà quyện đậm đà.
Cơm tấm là một trong những món ăn tinh hoa của người Sài Gòn
Tại một hàng cơm tấm có tiếng trên Phường 3, quận Bình Thạnh, mỗi suất cơm tấm có giá 50.000 đồng. Cô Huyền (47 tuổi, quận Bình Thạnh) chủ quán cho biết: "Mỗi đĩa cơm tấm thường có phần cơm nhiều, thịt nướng, sườn, bì và dưa góp. Ở đây có phục vụ nồi nước chấm để riêng, ai muốn ăn nhiều hay ít có thể tự phục vụ". Cơm tấm của quán cô Huyền có vị đậm đà, thiên ngọt, ngon thơm nhất phải kể đến những miếng thịt nước, thịt heo quay vừa tới, bên ngoài giòn rụm, bên trong mềm rất hấp dẫn.
Ốc Sài Gòn
Nói đến các món ốc, người ta thường nhớ đến những thủ phủ như Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng,… Tuy nhiên, nếu đã đến Sài Gòn, nhất định đừng bỏ lỡ món ốc tại đây. Các món ốc vẫn là những loại quen thuộc như ốc mít, ốc hương, ốc móng tay,… nhưng điểm khiến nhiều người mê mẩn ốc Sài Gòn chính là cách chế biến hương vị rất hấp dẫn, có phần thiên ngọt và cay.
Các món ốc có cách chế biến riêng, không giống với bất cứ vùng miền khác
Ốc tươi ngon, được nấu vừa đủ lửa, thêm các loại rau xào như rau muống, hành tây, rau răm làm dậy mùi vị. Bên cạnh đó, một số món ốc được nấu theo phong cách đặc trưng của người miền Nam phải kể đến như: ốc len xào dừa với phần nước dừa ngọt thơm, béo ngậy, sò lụa xào bơ, ốc mỡ xào hành tây.
Để tìm được quán ốc ngon, bạn nên đến tại khu vực quận 4. Một số địa chỉ mà bạn có thể tham khảo khi ăn ốc tại Sài Gòn như: Ốc nhỏ, ốc Thảo,…