Kể chuyện làng: Về ăn bún Hến Phú Xuyên Kể chuyện làng: Về ăn bún Hến Phú Xuyên , Người xứ Nghệ Kiev
Hoa Lê Thứ tư, ngày 04/05/2022
Vẫn biết cơm hến là đặc sản xứ Huế và món hến xào xúc bánh tráng quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, món bún hến thì nghe khá lạ lẫm, gợi cho tôi một sự tò mò háo hức. Một buổi trưa, tôi có việc ngoài thị trấn và do đã biết địa chỉ bún hến gia truyền nên tôi rẽ vào.
Bún hến, bạn đã bao giờ ăn chưa? Tôi sống tha hương đã lâu, cách đây mấy năm, trong một lần về làng mới biết quê mình có món bún hến khá nổi tiếng. Cái tên nghe như đặc trưng của một vùng sông nước cồn bãi nào đó, nhưng hóa ra quán bún hến truyền thống này đã có từ mấy chục năm nay ở một vùng đồng chiêm trũng ngoại ô Hà Nội, thị trấn Phú Xuyên quê tôi. Cũng định ăn thử rồi mua một phần đem về cho người ở nhà để khỏi phải nấu nướng.
Đường vào quán nằm khá sâu trong con hẻm nhỏ cảm giác hơi chật chội nhưng ấm cúng như đang len lỏi trong một ngõ ngách ở hàng Ngang hàng Đào vậy. Vào trong khuôn viên mới thấy nhà quán cũng khá rộng rãi. Một cái sân rộng có mái che nơi đặt hệ thống bếp lò và bày bàn ăn cho khách luôn. Chủ quán lớn tuổi hơn tôi, chị cười tủm tỉm khi tôi hỏi bún hến. "Cô đến sớm thế chiều mới có bún, quán bán từ chiều đến khuya cô ạ!". "Ôi vậy ạ, em lần đầu ghé đây nên không biết thế".
Tiếc thật đấy vì từ làng tôi ra đây phải năm, sáu cây số mà giờ lại về không. Chợt nhìn thấy cạnh bếp là một chảo lớn như chảo nuôi quân đầy thịt hến vừa xào chín còn đang bốc khói thơm phúc, bèn gạ "chị bán cho em một ít hến xào này đi". Chị chủ vẫn cười hiền lành vừa luôn tay sắp sửa bếp núc vừa bảo, tí nữa cô ghé đây ăn bún cho ngon chứ mua hến làm gì. Tôi thầm hiểu chị không muốn bán nên lựa lời chối khéo.
Có lẽ chị không muốn bán mở hàng cho một ngày lại là thứ gì đó không trọn vẹn, chứ nếu cuối buổi mà còn dư nhân hến thì chắc chị sẽ sẵn sàng ngay. Phải nói là chảo hến xào trông rất hấp dẫn làm tôi cứ vương vấn mãi. Cũng phải chiều hôm sau nữa tôi mới có dịp trở lại quán cùng với vợ chồng đứa em. Biết tôi chưa thưởng thức món này nên chúng săn đón mời chị đi ăn bằng được, chị cứ ăn đi một lần cho biết rồi mà nhớ.
Chị có biết người ta bảo rằng, đến Phú Xuyên mà chưa ăn bún hến coi như chưa biết Phú Xuyên đấy. Tôi bật cười thật vậy sao, món ăn nổi tiếng vậy nhất định hôm nay phải thưởng thức. Sự nhiệt tình của các em khiến tôi cảm động đến rộn ràng bởi chảo hến xào hôm trước vẫn còn thơm nức trong tôi. Tất nhiên, hai đứa em không đời nào biết vụ tôi đi ăn bún trượt. Ra đến quán hơn năm giờ chiều đúng vào giờ cao điểm tan tầm, công nhân, giáo viên và cả học sinh từng tốp kéo nhau vào quán đông nghẹt.
Phải chờ quá mười lăm phút mới được phục vụ tô bún. Vậy là vẫn còn may bởi có tốp không chờ được đã phải kéo nhau ra về trong hậm hực. Hẳn là cơn bực mình đã át cả cái nhu cầu muốn thưởng thức. Tôi thầm tiếc cho cái tầm của quán này mà lùi được ra ngoài đường cái thì vô cùng tuyệt vời. Mà biết đâu chính vì chìm trong ngõ sâu lại là yếu tố gợi tò mò cho khách thập phương kéo về cũng nên. Đứa em bảo ở đây chiều nào cũng thế này tới khuya đấy chị ạ. May thì có được chỗ ngay không là phải chờ, mà chuyện chờ lâu không được rồi bỏ về như thế này cũng không hiếm. Mải ngắm thiên hạ giờ tôi mới nhìn tô bún nóng hổi vừa bưng tới.
Một tô to không bóng bẩy màu mè mà chân chất giản dị như tính cách người ở quê. Vài cọng rau cần rau thơm, hành lá xắt nhỏ điểm xuyết, tô bún không có mỡ màng gì và trên cùng là một lớp hến xào đầy hấp dẫn. Húp miếng nước dùng thấy ngay vị hến đậm đà thanh mát. Rau thơm rau mùi, dấm ớt ngâm tỏi ăn kèm tùy khẩu vị của khách và đặc biệt có bát sung non muối chua chuẩn vị quê hương. Tôi không ăn được sung muối nhưng nghe mấy thanh niên bàn bên nhai sung cứ đôm đốp rồi còn cầm bát đi xin thêm cũng thấy hào hứng quá.
Ăn bún kiểu gì cũng nên gọi thêm đĩa chả hến và đậu phụ rán. Miếng chả ở đây đậm đà ngọt dai vị hến, man mát thơm mùi thì là, hạt tiêu chấm nước mắm tỏi ớt cùng đĩa đậu phụ cắt mỏng rán giòn vàng rụm trông đến là ngon mắt. Hai đứa em luôn miệng giục chị ăn đi, chị ăn có hợp không, có ngon không. Chị yên tâm không sợ lạnh bụng đâu, bún ở đây được nấu sôi trong nước hến rồi mới múc ra tô và rắc hến xào lên trên. Thì ra là vậy, mà ăn thế cho lành bởi cái giống trai hến là nhiều khi sợ nó mát ruột quá. Ngon lắm chứ, không ngon sao được khi các em đã dành cho người xa quê bằng cả tấm chân tình xen lẫn chút tự hào về mảnh đất quê hương.
Được cùng nhau thưởng thức món ăn ngon trong không khí quán xá vui vẻ thân tình mà hầu như ai cũng rất niềm nở này. Bàn nọ bàn kia khách bắt chuyện chào hỏi nhau, bác ở làng nào mà trông quen quá, thảo nào... tưởng xa lạ gì chỗ ấy tôi vẫn đi qua liên tục... Những câu chuyện làng quê rôm rả thân mật giống như tất cả đều là người quen chứ không phải là khách vãng lai. Dân trong vùng đều biết tiếng tăm quán này vừa rẻ vừa ngon nên thường kéo nhau về đây thưởng thức.
Khách nào không chịu được sự chờ đợi đông đúc thì tranh thủ đến sớm trước giờ tan tầm. Khi ấy quán vắng tha hồ nhẩn nha chuyện trò với chủ quán và những người làm bếp đều rất thân thiện. Ai ưa đông vui thì đến vào giờ cao điểm sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp mà đầm ấm thân tình. Như tôi bây giờ ngồi ăn đây mà lòng dạ cứ bâng khuâng, nửa hồn ngụp lặn trong tô bún, nửa rơi rớt lửng lơ. Ước gì trong số những đông vui nhộn nhịp kia chợt thấy được một gương mặt xưa cũ thân quen thì thật là hạnh phúc.
Ba năm cấp ba trường huyện biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi phượng hồng bên bạn bè nơi thị trấn nhỏ thân yêu này, giờ thì mỗi người một phương. Thật đúng là "bạn bè đã đi xa/ tung cánh rộng trời mây". Bún hến rất dễ ăn, mùa đông cũng như mùa hè đều ngon mà lại rẻ chỉ có 20 nghìn/tô. Nếu có dịp qua Phú xuyên thì bạn có muốn thử không? Từ Hà nội xuôi theo quốc lộ 1A khoảng ba chục cây số thì tới thị trấn.
Qua Ga Phú Xuyên rẽ sang trái có con ngõ nhỏ, đi sâu vào trong vài chục mét nữa là tới bún hến gia truyền Đạt Hiền đấy, chắc chắn nó sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Còn tôi, từ đó mỗi lần về Phú xuyên kiểu gì cũng phải ghé bún hến. Nếu không cùng anh em con cháu thì đi với mấy người bạn làng từ thuở hàn vi. Và quanh tô bún là những câu chuyện, là tình cảm vui buồn thắm đượm tình làng nghĩa xóm để rồi khi đi xa, hồn quê mang theo trong hành trang bên mình có cả vị bún hến quê hương.