Nguyên liệu để làm món sứa đỏ là những con sứa tươi được lấy từ vùng biển Hải Phòng. Sau khi bắt về, sứa được rửa sạch với muối và cắt khúc thành những miếng nhỏ vừa phải. Sau đó bỏ vào ngâm với nước đun từ cây sú vẹt và nước quất cho thơm và bớt mùi tanh. Đặc biệt, vỏ cây sú vẹt phải được đun sôi khoảng một tiếng trước khi cho sứa vào ngâm, thời gian ngâm từ 3-4 tuần.
Sứa có màu đỏ đặc trưng, trong như thạch, phần thân sứa mềm, mọng nước còn phần chân thì dai và giòn hơn. Cách chế biến đặc biệt như vậy thì mới ra hương vị của nó. Khi ăn nên dùng kéo cắt tảng sứa thành từng miếng nhỏ khoảng 2cm rồi bày ra đĩa. Nước chấm sứa là mắm tôm pha với chanh ớt, ăn kèm với những loại nguyên liệu không thể thiếu như lá tía tô, kinh giới, đậu phụ nướng,dừa già nhỏ.
Lấy một lá tía tô và kinh giới thật to, thêm miếng sứa, miếng đậu, đặt một miếng dừa lên trên rồi cuộn lại, sau đó chấm vào mắm tôm đã đánh sủi bọt. Sứa mát như thạch, ăn với đậu nướng thơm ngậy và dừa bùi bùi, thêm mùi thơm của rau tía tô, kinh giới, lại chấm với mắm tôm pha vừa miệng rất hấp dẫn. Miếng sứa nhỏ, giòn tan như thạch rau câu. Ban đầu ăn vào có cảm giác vị nhạt nhưng dần dần sẽ cảm nhận được vị thanh mát.
Sứa đỏ quả thật rất kén người ăn, không phải ai cũng thích ăn sứa đỏ. Quả đúng như vậy, bởi sứa gần như không có vị, nếu tinh ý lắm mới thấy được chút khác lạ bên trong miếng sứa. Thứ làm nên hương vị của món này chính là những món ăn đi kèm. Thế nhưng, nếu không có miếng sứa đỏ ở trong đó, thì món ăn lại chẳng còn gì thú vị nữa. Bởi vậy mới nói, ăn sứa đỏ phải đúng cách, phải đầy đủ nguyên liệu thì mới ngon được.
Tuy sứa đỏ là món ăn đặc trưng của đất Cảng nhưng những năm gần đây, sứa đỏ đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Hà Nội. Những gánh sứa đỏ bắt mắt ở khắp các góc phố cổ, người mua kẻ bán đông vui nhộn nhịp dường như đã trở thành hình ảnh không thể thiếu của mùa hè thủ đô./.
Minh Phương / Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/sua-do-mon-an-dac-trung-dat-cang-20210513151513561.htm