(NSHN) - Mía ướp hoa bưởi là món quà tinh tế, cầu kỳ của người Hà Nội xưa đã gói trọn sự quan tâm, săn sóc và tình yêu thương của người phụ nữ dành cho gia đình mỗi độ xuân về.
Hà Nội những ngày này ngập tràn sắc trắng và hương thơm dịu dàng thanh khiết của hoa bưởi trên những gánh hàng rong len lỏi khắp các con phố nhỏ. Bên cạnh sự ồn ào đô thị, gánh hoa bưởi đi tới đâu là thoang thoảng hương thơm, khiến người qua đường muốn nán lại, hít hà, níu giữ chút dịu dàng Hà Nội.
|
Mùa hoa bưởi, khúc giao mùa bình yên nhẹ nhàng của Hà Nội. Ảnh: LÊ BÍCH |
Ngày xưa ở Hà Nội không có hàng rong bán hoa bưởi như bây giờ. Thường nhiều gia đình vẫn trồng bưởi, lấy lá, lấy gai, lấy hoa, lấy quả. Những nhà có cây bưởi, vào mùa hoa sẽ có thêm các món ngon, thường là các món tráng miệng, có ướp hương hoa bưởi.
Hoa bưởi thơm dịu dàng, thanh khiết |
Hoa bưởi thường được hái vào lúc ban mai, khi có những tia nắng đầu tiên trong ngày đánh thức những nụ hoa còn đượm sương đêm từ từ hé nở. Đây là lúc mùi hương hội tụ, thơm nhất.
Các mẹ, các chị mua hoa về, chỉ cần một lọ nhỏ đặt trong nhà là cả không gian đã thơm lừng cái mùi dịu ngọt đó.
Ngoài việc để thanh lọc không khí, hoa bưởi còn được người Hà Nội nghĩ ra những món ăn tinh tế. Nào là món bột sắn dây ướp hoa bưởi để đến mùa hè uống cho mát, nào là vài bông bưởi thả vào bát nước đường ăn tào phớ cho thơm… Nhà nào có nhiều thì sẽ đem cất thành tinh dầu hoa bưởi để dành đến Rằm tháng Tám làm bánh dẻo...
Đặc biệt phải kể đến món quà thi vị: Mía ướp hoa bưởi.
Còn nhớ trong truyện ngắn “Đôi mắt”, Nam Cao kể, quãng năm 1947 - 1948, tác giả đến thăm nhà một người bạn tên Hoàng người Hà Nội đang đi tản cư. Trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ nhưng Hoàng vẫn không thay đổi lối sống trước kia, vẫn nuôi chó Tây, ăn mía ướp hoa bưởi… Thế mới biết ẩm thực của đất kinh kỳ công phu, kiểu cách và tỉ mỉ đến chừng nào.
Mía mua về, chọn đoạn giữa vừa mềm, vừa ngọt, róc xong tiện thành những đốt nhỏ, cho vào túi bóng, đặt vài bông bưởi vào trong rồi buộc kín lại. Có thể cho vào tủ lạnh hoặc đơn giản hơn là cho vào thau nước mát. Chỉ một lúc thôi, hương bưởi đã thấm vào mía. Trong những buổi trưa háo nước, được ăn vài khúc mía ngọt mát, ướp lạnh ấy sẽ thấy sảng khoái nhờ tinh dầu hoa bưởi lay động đến từng giác quan.
|
Mía chưng hoa bưởi. Ảnh: NGUYỄN MINH TUẤN |
Mía chưng hoa bưởi thì cầu kỳ hơn. Mía sau khi chẻ ra từng khúc nhỏ, bỏ cả vào một chiếc thố gốm, cứ một lớp mía lại rắc một lớp vài cánh hoa bưởi rồi đổ vào đó một gáo nước mưa cho ngập mía. Đậy nắp thố, đặt vào một nồi nước sao cho nước ngập lưng thố. Chưng khoảng 30 phút thì tắt bếp và giữ nguyên trong thố cho nguội dần để “hãm”. Mía sẽ có vị ngọt sâu hơn, và ngấm mùi hoa bưởi thơm ngào ngạt. Từng khúc mía ngả màu vàng, trong veo mềm ngọt.
Những món ăn chơi cũng là những món tráng miệng cực kỳ tinh tế, cầu kỳ của người Hà Nội xưa đã gói trọn sự quan tâm, săn sóc và tình yêu thương của người phụ nữ dành cho gia đình mỗi độ tiết xuân ẩm ướt, giở giời.