1. Nướng bánh trung thu bằng nồi gang hoặc nồi cơm điện:
- Nguyên liệu làm bánh:
+ Phần vỏ bánh: Nước đường bánh nướng: 200g; Dầu ăn: 50ml; Baking soda: 1/4 tsp; Bột mì: 300 – 320g
+ Phần nhân bánh: Hạt điều rang chín: 100g; Vừng trắng rang chín: 100g; Hạt dưa bóc nõn rang chín: 100g; Lạp xưởng luộc chín: 150g; Mứt bí: 150g; Mứt sen: 100g; Mỡ đường: 100g; Lá chanh thái sợi: 5 lá
+ Nước sốt trộn nhân: Đường xay: 20g; Nước lọc: 40g; Mật ngô: 50g; xì dầu: 5ml; Dầu mè: 10ml; Rượu: 20ml; Bột nếp bánh dẻo
Cách làm:
- Bước 1: Bạn trộn đều tất cả các nguyên liệu ở phần vỏ bánh với nhau thành một hỗn hợp (trừ bột mì). Sau đó cho từ từ bột mì vào đến khi quyện thành một khối dẻo mịn. Để nghỉ ít nhất 4 tiếng trước khi làm bánh. Nếu khối bột quá ướt thì cho thêm bột mì, nếu quá khô thì cho thêm nước đường bánh nướng.
- Bước 2: Trộn đều tất cả các nguyên liệu trong nước sốt trộn nhân (trừ phần bột bánh dẻo) và khuấy đều cho tan đường.
- Bước 3: Thái hạt lựu tất cả các nguyên liệu ở phần nhân bánh, còn lá chanh thái sợi. Cho phần nhân bánh vào một âu to. Cho từ từ nước sốt trộn nhân ở trên vào. Rồi cho từng thìa bột bánh dẻo vào, vừa cho vừa trộn đều. Thử nắm xem các nguyên liệu đã kết dính được với nhau chưa. Nếu rời rạc thì cho thêm rượu hoặc mật ngô vào. Nếu ướt quá thì cho thêm bột bánh dẻo. Khi các nguyên liệu có thể nắm thành các viên tròn là đạt.
- Bước 4: Phần vỏ bánh với nhân có tỷ lệ là 1 : 2, tức là 1 phần vỏ thì 2 phần nhân. Chia nhân và vỏ thành các phần và nặn thành viên tròn.
Ví dụ: Với bánh có trọng lượng 150g thì vỏ bánh sẽ là 50g, nhân bánh là 100g (bao gồm cả trứng muối nếu có).
- Bước 5: Lấy từng phần vỏ bánh, cán mỏng vỏ bột. Cho từng phần nhân bánh vào giữa, nặn và miết bánh sao cho phần vỏ ôm vừa khít phần nhân. Rắc một chút bột áo vào bột đã viên và cho một ít vào khuôn để chống dính. Dùng tay ấn kỹ để bánh có độ sắc nét, sau đó chuẩn bị nướng bánh thôi.
* Cách nướng bằng nồi gang:
– Bước 1: Trước khi nướng, bạn nên làm nóng nồi trong 5 phút. Sau khi đóng khuôn bánh, bạn hãy chuẩn bị một nồi gang, đặt úp 3 thìa inox vào nồi, rồi đặt 1 vỉ inox của lò vi sóng vào và 1 khay nhôm mỏng lên trên, lót thêm giấy bạc và đặt bánh vào nướng.
– Bước 2: Khi bắt đầu cho bánh vào thì đậy vung và cho lửa nhỏ nhất. Thời gian nướng bánh bằng bếp ga sẽ nhiều hơn thời gian nướng lò một chút, cũng nướng 3 lần như lò nhưng bạn phải canh. Vì làm bánh trung thu không cần lò nướng sẽ không có chuông báo khi bánh chín.
– Bước 3: Làm bánh Trung thu không cần lò nướng cũng có các bước phết mặt bánh khi nguội. Bạn phết mặt bánh và xịt nước 2 lần.
– Bước 4: Lần 1 nướng bánh trong 10 phút, khi thấy thành bánh vàng đục và mặt xém vàng thì cho ra nghỉ, xịt nước chờ nguội rồi phết một lớp trứng. Lần 2 nướng tầm 12 phút và lặp lại các bước như lần 1. Lần 3 nướng trong 10 phút và cũng lặp lại các bước như hai lần kia.
Lưu ý: Tùy nồi nướng bánh Trung thu to hay nhỏ mà bạn nên điều chỉnh và canh nhiệt độ hợp lý.
– Nồi dùng nướng bánh Trung thu là nồi gang, chứ bạn không nên dùng nồi nhôm hay nồi inox vì sẽ bắt nhiệt mạnh, gây ra cháy bánh. Nếu không có nồi gang, bạn có thể dùng nồi nhôm đế dày để nướng bánh.
– Bạn có thể tận dụng vỉ nướng bánh trong lò nướng hoặc dùng vỉ 4 chân hay dùng để úp bánh bông lan lúc để nguội.
* Cách nướng bằng nồi cơm điện:
Chuẩn bị một vài tấm giấy nến, lau sạch phần bên trong nồi rồi sau đó lót phần giáy nến lại. Để bánh nướng được thơm hơn, bạn nên làm nóng nồi cơm trước bằng cách bấm nút "Cook" rồi sau đó dùng chổi phết một lớp bơ hoặc dầu ăn xuống đáy nổi rồi lót phần giấy nến lên.
Sau khi định hình cho bánh bằng khuôn có sẵn, bạn cho bánh vào nồi, xếp khoảng cách giữa các bánh xa nhau để tránh bị dính rồi bấm nút nấu. Thường với nồi cơm sẽ có chế độ nấu tầm 35 đến 50 phút, bạn đợi cho đến khi nồi cơm chuyển sang chế độ giữ nóng thì tiếp tục ấn nút cook để nướng lần hai. Làm như vậy cho đến khi bánh đạt độ vàng như ý muốn.
Nếu không muốn bánh bị khô thì mỗi lần chuyển sang chế độ hấp, bạn mở nắp rồi quết lên trên bề mặt bánh lớp nước đường còn sót lại để bánh được thơm và có độ giòn nhất định
2. Bánh trung thu khoai lang tím
- Nguyên liệu: 450gr khoai lang tím; 200gr hạt sen tươi; 100gr đường; 20ml dầu ăn;
Bước 1: Rửa sạch hạt sen, tách đôi hạt để bỏ tâm rồi cho vào nước hầm nhừ.
Bước 2: Xay hạt sen thật nhuyễn mịn cùng với đường, sau đó bắc chảo lên bếp, đun lửa nhỏ, xào hỗn hợp hạt sen cho đến khi thấy hỗn hợp dẻo đặc lại thì cho dầu ăn vào, trộn đều.
Bước 3: Hấp chín khoai lang tím, bỏ vỏ rồi giã nhuyễn. Sau đó lọc qua rây để loại bỏ xơ, cho vào ngăn mát tủ lạnh ít nhất 30 phút.
Bước 4: Chia đều khoai lang và vo viên nhân hạt sen thành những phần bằng nhau (Lưu ý là phần khoai lang gấp đôi phần nhân hạt sen).
Bước 5: Nặn dẹt phần khoai lang, cho nhân vào giữa, vo tròn rồi cho vào đóng khuôn tạo hình. Để vào ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng hoặc dùng ngay đều rất ngon.
Bánh trung thu khoai tím mang đến màu sắc đẹp mắt, cách làm đơn giản, vị ngọt bùi lạ lạ sẽ khiến người dùng vô cùng thích thú.
3. Bánh dẻo nhân lá dứa:
- Nguyên liệu cho vỏ bánh: 460gr bột nếp rang còn gọi là bột bánh dẻo; 1 lít + 50ml nước đường bánh dẻo; 1/2 muỗng cà phê tinh dầu lá dứa; 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi; 60ml dầu ăn (chọn loại dầu có màu nhạt).
- Nguyên liệu cho nhân bánh: 250gr đậu xanh không vỏ; 170gr đường; 60gr bột bánh dẻo + 100ml dầu trộn chung trong một bát; 30gr mứt bí thái nhỏ; 1/3 muỗng cà phê muối.
Bước 1: Cho đậu xanh vào ngâm trong nước ít nhất 3 tiếng trước khi làm, sau đó vo sạch. Cho đậu xanh cùng khoảng 600ml nước lạnh, muối vào nồi, bắc lên bếp nấu chín.
Bước 2: Cho đậu xanh còn nóng cùng đường vào máy xay nhuyễn.
Bước 3: Cho nhân xay nhuyễn vào chảo không dính cùng với dầu ăn pha với bột, bắc lên bếp sên với lửa vừa. Khi nhân bắt đầu quyện thành 1 khối thì hạ lửa thấp tiếp tục sên cho đến khi nhân quyện lại một khối không dính nồi thì cho mứt bí vào sên thêm 5 phút nữa là tắt bếp. Để cho nhân hơi nguội rồi vo viên.
- Phần vỏ bánh
Bước 1: Cho nước đường, dầu ăn, tinh dầu lá dứa, nước hoa bưởi vào một âu to, sau đó cho bột từ từ vào, dùng muôi nhẹ nhàng khuấy đều.
Bước 2: Khi bột quyện thành 1 khối, dùng tay nhồi bột cho bột mịn. Lấy màng thực phẩm bọc âu bột lại để ít nhất 6 tiếng hay qua đêm.
Bước 3: Sau khi để bột để qua đêm, bạn chia bột ra từng phần theo cân nặng của khuôn.
Với loại bánh dẻo, nếu bạn dùng khuôn 200gr thì nhân là 80gr còn bột là 120gr.
Bước 4: Lấy viên bột ấn dẹt xuống, cho nhân đậu xanh đã vo viên vào giữa rồi vo tròn lại.
Bước 5: Rắc một ít bột khô vào khuôn để chống dính, sau đó cho viên bột có nhân vào khuôn, dùng lòng bàn tay ấn mạnh xung quanh. Sau đó gõ nhẹ một góc khuôn rồi nhẹ nhàng lấy bánh ra.
Bánh dẻo lá dứa nhân đậu xanh vị thanh mát, có màu xanh đẹp mắt vừa dễ ăn lại dễ làm. Đặc biệt rất phù hợp cho người ăn chay.
Chúc các bạn thành công!