Bức ảnh ở Brazil khiến cả thế giới chú ý Bức ảnh ở Brazil khiến cả thế giới chú ý , Người xứ Nghệ Kiev
Thứ hai, ngày 09/01/2023
Hình ảnh Tổng thống Lula da Silva được chụp sau lớp kính vỡ khi ông tới hiện trường vụ bạo loạn đã lột tả cảnh tượng hỗn loạn tại tòa nhà chính quyền ở thủ đô Brazil ngày 8/1.
Truyền thông Brazil đưa tin Tổng thống Lula da Silva ngày 8/1 đã tới hiện trường xảy ra bạo loạn và xem xét thiệt hại từ các cuộc tấn công.
Nhiều cửa sổ bị đập vỡ
BBC đưa tin tại thủ đô Brasília, Tổng thống Lula đã tới tòa nhà Tòa án Tối cao. Hình ảnh ông được chụp sau lớp kính vỡ tại đây thu hút nhiều sự quan tâm.
Trước đó, khi người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro xông vào tòa nhà này, họ đã thẳng tay đập vỡ nhiều kính cửa sổ, tạo nên cảnh tượng đổ nát và hỗn loạn.
Theo New York Times, ông Lula tới hiện trường vụ bạo loạn vào khoảng 22h ngày 8/1 (giờ địa phương). Đi cùng với tổng thống là một số vị bộ trưởng. Ông đã kiểm tra sảnh vào chính của văn phòng tổng thống cùng các quan chức cảnh sát liên bang.
Nhóm binh sĩ quân đội vẫn đóng bên ngoài và xung quanh tòa nhà. Cơ quan chức năng dẫn các phóng viên ra khỏi tầng trệt, nơi những chiếc ghế nằm rải rác khắp nơi.
Theo AFP, ông Lula đang tới thăm thành phố Araraquara gặp tình trạng lũ lụt ở bang Sao Paulo khi vụ bạo loạn xảy ra. Sau đó, ông đã bay trở lại Brasília nhằm giám sát phản ứng với cuộc tấn công mà ông gọi là “phát xít”.
Trước đó, ông chỉ trích các sĩ quan cảnh sát tại hiện trường hôm 8/1, lên án việc họ thiếu hành động khi hàng trăm người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã xông vào quốc hội, dinh tổng thống và Tòa án Tối cao ngày 8/1 và trở nên bạo lực.
Những hình ảnh video sốc cho thấy nhiều người ủng hộ ông Bolsonaro xông vào Palácio do Planalto, văn phòng tổng thống, đi lại trong các hành lang của tòa nhà và phá hoại Tòa án Tối cao gần đó. Các cửa sổ tại tòa nhà Tòa án Tối cao bị đập vỡ.
Tổng thống gọi những những đứng sau cuộc tấn công vào là “những kẻ phát xít cuồng tín”, đại diện cho “mọi thứ ghê tởm” trong chính trị. Nhà lãnh đạo Brazil nói những người tấn công sẽ bị truy tìm và trừng phạt "bằng tất cả sức mạnh của pháp luật".
"Thật điên rồ và đáng sợ"
Trong nhiều tháng, nhóm biểu tình đã yêu cầu quân đội ngăn chặn ông Lula nhậm chức vào hôm 1/1. Nhiều người theo phe cánh hữu tại Brazil tin vào thông tin vô căn cứ rằng cuộc bầu cử có tính chất gian lận, theo New York Times.
Với cảnh tượng gợi nhớ đến cuộc bạo loạn vào Điện Capitol của Mỹ vào hôm 6/1/2021, những người biểu tình ở Brasília - trong trang phục vàng và xanh lục của quốc kỳ Brazil - đã tràn vào trung tâm quyền lực của nước này, phóng hỏa, dùng các rào chắn làm vũ khí, đánh gục các sĩ quan cảnh sát và dùng điện thoại quay cảnh mình đang vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi luôn khẳng định mình sẽ không bỏ cuộc”, một người tuyên bố khi tự quay cảnh mình đứng giữa hàng trăm người khác tiến vào tòa nhà Quốc hội. “Quốc hội là của chúng ta. Chúng ta đang nắm quyền lực”, người này nói.
Lúc đầu, nhóm biểu tình xông vào các tòa nhà tương đối dễ dàng. Cảnh sát đã cố gắng ngăn cản, nhưng số lượng người kéo đến quá đông. Thông tin về những cuộc biểu tình đã lan truyền rộng rãi trên mạng suốt nhiều ngày.
Những hình ảnh và video cho thấy nhiều người ủng hộ ông Bolsonaro xông vào Palácio do Planalto, văn phòng tổng thống, đi lại trong các hành lang của tòa nhà và phá hoại Tòa án Tối cao gần đó. Các cửa sổ tại tòa nhà Tòa án Tối cao bị đập vỡ. Họ cũng trèo lên nóc tòa nhà Quốc hội Brazil.
Đám đông hét lên họ đang giành lại đất nước và không ai có thể ngăn cản. Cảnh sát đã bắn đạn cao su và xịt hơi cay để kiểm soát đám đông.
“Cảnh sát đang cố gắng đuổi mọi người ra khỏi tòa nhà Quốc hội một cách hèn nhát, nhưng không thể đâu, bởi nhiều người khác đang tới”, một người quay video và nói.
Adriana Reis - 30 tuổi, nhân viên dọn dẹp tại tòa nhà Quốc hội - chứng kiến và mô tả cảnh tượng “thật điên rồ và đáng sợ”.
“Họ nỗ lực hết sức, dùng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông, nhưng tôi không nghĩ cảnh sát có thể làm vậy”, chị nói. Sau khi người biểu tình tràn vào, “chúng tôi đã chạy trốn”, chị nói thêm.
Quân đội Brazil sau đó phải vào cuộc và giành lại quyền kiểm soát tòa nhà. Tổng thống Brazil đã ban hành sắc lệnh khẩn cấp đến ngày 31/1 cho phép chính phủ liên bang thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” lập lại trật tự ở thủ đô.
“Những điều mà nhóm biểu tình hôm nay làm là chưa từng có tiền lệ. Họ phải bị trừng phạt”, ông Lula nói.