Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine leo thang nghiêm trọng nhất kể từ cuối tháng 2 vừa qua, đặc biệt sau vụ tấn công hồi tuần trước nhằm vào cây cầu huyết mạch nối bán đảo Crimea với lãnh thổ Nga hay hàng loạt vụ tấn công tên lửa mới đây tại các thành phố lớn của Ukraine.
Tới nay, hỗ trợ quân sự mà NATO dành cho Ukraine mới dừng lại ở việc cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ bờ biển. Tuy nhiên theo Đại sứ Mỹ tại NATO Juliane Smith, liên minh quân sự này muốn tìm cách tốt nhất để bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine và việc cung cấp các hệ thống phòng không dường như là lựa chọn nhiều khả năng nhất vào thời điểm hiện nay.
Trong khi đó Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Chúng ta cần tăng cường sản xuất đạn dược và vũ khí để vừa đảm bảo khả năng răn đe và phòng thủ của các đồng minh, cũng như đảm bảo khả năng tiếp tục hỗ trợ Ukraine về lâu dài. Công việc này đã diễn ra một thời gian dài, tuy nhiên cùng với nguy cơ cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài, thì điều này càng trở nên quan trọng hơn”.
Chuyên trang phân tích chính trị Politico tuần trước cho biết, Ukraine đã mở rộng danh sách những hỗ trợ quân sự mà nước này mong muốn nhận được, trong đó đặc biệt hối thúc Mỹ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các hệ thống tên lửa đất đối không tiến tiến. Hồi đầu tuần này, Đức đã chuyển giao lô đầu tiên trong tổng số 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM cho Kiev. Bộ Quốc phòng Đức mô tả, đây là vũ khí lợi hại, có khả năng bảo vệ toàn bộ các thành phố lớn của Ukraine khỏi các cuộc tấn công tầm xa.
Tuy nhiên theo chuyên gia Tom Karako, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng, thách thức là phương Tây có rất ít hệ thống phòng không có sẵn để cung cấp ngay lập tức, bao gồm cả hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, do ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp sản phẩm công nghệ cao từ châu Á. Trong khi đó, Thời báo châu Á cho rằng, với những khó khăn trong việc gia tăng sản xuất vũ khí, cộng với những lý do thuyết phục khác, Mỹ và NATO nên nghĩ đến cách chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine thay vì tiếp tục theo đuổi mục tiêu làm cho Nga bị suy yếu.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm qua (11/10) một lần nữa cảnh báo, Mỹ và đồng minh đã đến gần “lằn ranh đỏ” khi cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, những gì mà Mỹ và các đồng minh phương Tây làm hiện này chỉ càng làm tăng số nạn nhân, sự tàn phá, cũng như kéo dài xung đột:
"Chúng tôi tiếp tục nhận được những tín hiệu trái ngược nhau từ chính quyền Tổng thống Joe Biden khi đặt cái gọi là “mối đe dọa hạt nhân của Nga” bên cạnh mong muốn của nước này giải quyết nhanh chóng và hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Cùng với đó, nước này cũng tăng cường các nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị khác có thể khiến căng thẳng leo thang hơn nữa”, bà Maria Zakharova cho biết.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng là cuộc họp đầu tiên kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid hồi tháng 6 vừa qua và cũng là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên mà Phần Lan và Thụy Điển tham gia với tư cách khách mời. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh NATO được cho là đang thúc đẩy các cuộc tập trận hạt nhân đã được lên kế hoạch từ lâu vào tuần tới, bất chấp căng thẳng leo thang tại Ukraine. Cuộc tập trận này được tổ chức hàng năm và thường kéo dài khoảng một tuần, với sự tham gia của 14 trong số 30 quốc gia thành viên NATO. Một quan chức NATO cho biết phần chính của cuộc diễn tập sẽ được tổ chức cách Nga hơn 1.000 km