Thứ Năm, 3/5/2018
Thói quen đọc lướt hàng loạt bài viết, các câu chuyện thường ngày đăng trên trang mạng của tôi, hình thành từ cái thời facebook lên ngôi. Các thứ thông tin đều đều, na ná như nhau dường như tôi không cần động não cũng đủ để tiếp nhận được hàng loạt nội dung trôi trên những hàng chữ dày đặc. Dường như chỉ có cách đọc này mới đủ thì giờ chạy đua với kỷ nguyên thông tin; nhưng cách đọc này đã vô tình làm hại não, bổ báng trí nhớ và dần dần sẽ giống như một kẻ phàm ăn tục uống nuốt lấy, nuốt để, bất chấp mùi vị.
Thói quen chẳng mấy hay ho này của tôi bị khựng lại, khi tôi đọc xong trang truyện ngắn đầu tiên của một cây bút, cho đến lúc này, chưa hề có tiếng trên văn đàn: Nguyễn Công Tiến.
Tôi bị chinh phục, bị cuốn hút vào tập truyện ngắn của anh, hãm hết tốc độ và đọc như đếm từng chữ, từng từ trên trang sách của anh. Các truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến đã mê hoặc tôi không phải là cốt truyện lạ lùng, bí hiểm; tôi lật từng trang, như lật lại từng mảng sự thật đã bị ngủ quên từ lâu, nhưng hãy còn tươi rói. Hiện thực được miêu tả trong các câu chuyện của anh đã trôi qua hơn một phần ba thế kỷ, khi thì một góc phố nước Nga, khi thì một thị trấn ở nước Đức, khi thì một xóm nghèo đồng bằng Bắc Bộ, nhưng khi đọc lại, nó hiển hiện ra trước mắt tôi dường như vừa mới xảy ra.
Chín truyện ngắn của anh như chín gian bảo tàng trưng bày một cách vừa ngẫu nhiên, vừa hợp lý những lớp, những mảng đời thực mà ai đã từng sống ở ở Đông Âu vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, đều cảm thấy mình đã gặp đâu đó một lần. Còn những ai chưa trải nghiệm bối cảnh dữ dội này đều không khỏi giật mình trước bức tranh đủ mọi sắc màu được mở ra.
Trong tập truyện có mọi cung bậc của tình cảm, có nhiều khoảng không gian viễn cận của nước Đức, có một quãng thời gian xuyên suốt ba chục năm và hai thể chế. Tôi muốn dùng câu Kiều “Lời tan hợp, chuyện xa gần thiếu đâu”, để nói lên sự đa thanh, đa diện của tập truyện “Đất khách” mà Nguyễn Công Tiến đã dày công thai nghén và thể hiện trong suốt một thập niên.
Đầu những năm tám mươi, sau khi hiệp ước Lao động và Hợp tác của ta và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu được ký kết, gần nửa triệu người lao động Việt Nam đã có mặt tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc. Những ai có tên trong danh sách ra đi, thời đó người ta gọi là xuất khẩu lao động, là những người có thể nói là được thần may mắn gọi tên. Được rời khỏi lũy tre làng, rời khỏi những công trường xây dựng và rời quân ngũ, khi bước chân lên máy bay, coi như họ đã chia tay giã biệt mâm cơm nghèo đói và tấm áo sờn của thời bao cấp. Một chân trời ấm no đang hứa hẹn; một tương lai màu hồng đang vẫy gọi họ. Rồi gia đình, bà con làng nước sẽ vẽ nên hình ảnh một sự đủ đầy và hạnh phúc khi họ ra đi. Cảnh hàng đoàn người từ thôn quê vượt hàng trăm cây số bươn chải lên sân bay Nội Bài, bấy giờ mới chỉ có một đường băng và một ngôi nhà ba tầng thô mộc, với những khuôn mặt phờ phạc, để tự hào chia tay với người thân đang chen lẫn trong dòng người trong trang phục quần bò, áo phông, áo Nato, xách chiếc túi ba tầng Thái Lan giống hệt nhau, đi bộ rồng rắn từ phòng đợi đến cửa cầu thang máy bay, đã nói hết lên điều đó. Những nụ cười, những cái vẫy tay và những tiếng khóc lúc này đều hạnh phúc.
Nhưng bức tranh tương lai lại không như vậy, bên mảng sáng về người thành đạt, lao động vượt năng suất, được tăng lương, dành dụm được tiền nong, hàng hóa gửi về nhà cứu gia đình thoát khỏi sắn khoai và cơm độn, thì còn có một mảng tối khác, đó là sự nổi chìm của bao thân phận, bao sự đổ vỡ và bi kịch của người lao động ở nước ngoài trong chuỗi thời gian triền miên kéo dài nhiều thập kỷ.
Chín truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến chủ yếu viết về mảng tranh tối và tranh sáng này. Ngòi bút hiện thực của anh đã rạch từng nhát rất sắc trên chiếc bọc căng tròn màu sắc bắt mắt, mỹ miều, làm lộ ra một sự thật phũ phàng khác của không ít người rời nơi cắt rốn, chôn rau đi tìm miền đất hứa.
Những tác phẩm mang tính quảng trường, ngợi ca sự thành đạt, chân dung những gương mặt đủ đầy, những nụ cười viên mãn, chúng ta đã gặp không ít trong các tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca được in ra trên các tạp chí và các xuất bản phẩm. Viết về điều này không khó lắm.
Nhưng viết về những gì phía sau tấm huân chương, đòi hỏi phải có một vốn sống rất lớn, một sự từng trải có bề dày và một đầu óc phân tích khách quan và sắc lạnh.
Cuộc mưu sinh của người lao động người Việt tại Đức được phản ánh trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến là một bể khổ trần ai. Không hề có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng” mà người đời tưởng tượng khi chỉ thấy những chiếc xe mokich mới cứng nhả khói trên đường làng, những khuôn mặt bợt bạt gió tuyết về quê trong những bộ cánh lạ mắt, đắt tiền. Đằng sau đó là sự bươn chải của những người Việt nhỏ bé oằn mình kéo những chiếc xe, cảnh thức khuya, dậy sớm trong những khu nhà thuê, căng đôi mắt thèm ngủ để lo chuẩn bị hàng cho buổi sớm mai, là sự phấp phỏng triền miên về cuộc sống bấp bênh không chỗ dựa … (Điềm gở). Ngoài sự đối phó với thời tiết mùa đông khắc nghiệt, họ còn phải gánh chịu bao nhiêu hiểm họa rập rình và bao trở trăn không tên khác.
Một trong những mối hiểm họa tiềm tàng, đó là nạn đầu gấu, chỉ điểm giấu mặt và xã hội đen tồn tại và hoành hành xuyên biên giới trong cộng đồng người Việt kéo dài nhức nhối suốt hàng mấy chục năm. Nạn lừa đảo, buôn người từ trong nước qua Nga, qua Đông Âu để làm gái mại dâm của bọn tội phạm với nhiều thủ đoạn tàn nhẫn, vô nhân tính đã được Nguyễn Công Tiến phơi bày qua hàng loạt truyện ngắn. Phải có một sự từng trải, phải có một bề dày vốn liếng sống như thế nào, anh mới phản ánh được một cách sâu sắc đến như vậy. Các bản mặt cơ hội như Hoành (Ngọn cờ), cô hồn và nhẫn tâm như Thanh gấu (Nhành tre run rẩy), hay bất lương như Tuấn Hoàng (Người xưa trở lại) không xa lạ gì đối với những ai đã từng biết đến các băng đảng vẫn lộng hành trong cộng đồng người Việt. Những kế hoạch hành động, âm mưu và sự tàn ác của thế giới ngầm như thế được miêu tả bằng ngòi bút tự sự trong các truyện của Nguyễn Công Tiến, giúp cho người đọc hình dung ra bối cảnh nghiệt ngã đến nghẹt thở. Có cảm tưởng như anh là người đang đối mặt và chứng kiến những sự việc xảy ra.
Từ xưa tới nay, các cuộc ra đi của người Việt bao giờ cũng đầy lệ chia ly và những đoạn trường bi thương. Những tác phẩm văn xuôi và cả thơ ca hải ngoại đã viết, và viết rất nhiều về những trang đẫm bùn, máu và nước mắt này rồi. Cốt truyện và những tình tiết trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến không có gì lạ hơn, không có gì ly kỳ hồi hộp hơn, nhưng xuyên qua vỏ bọc câu chữ trong các truyện của anh là một trái tim đa cảm, là một nỗi ngậm ngùi về thân phận và thế sự.
Có đi xa nước, mới thấm thía hơn cái từ “Thân” của Cụ Nguyễn Du: “Thân này thôi có còn gì mà mong!, Thân này đã bỏ những ngày ra đi!, Rằng tôi bèo bọt chút thân, Thân lươn bao quản lấm đầu, Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân, Cửa người đày đoạ chút thân. Chút thân quằn quại vũng lầy, Đành thân cát dập sóng dồi, Thân sao thân đến thế này…”. Hình như cái nghèo, cái khổ nó đeo đẳng với người Việt bao đời, và bao đời nay văn chương cũng dành cho nó một chuỗi tiếng than dài chua xót. Trước trùng trùng thử thách, trước cái nỗi “thân” bé mọn, một tiếng nói dứt khoát “Đục trong, thân cũng là thân” của nàng Kiều đồng nghĩa với sự thách thức, sẵn sàng đứng dậy. Với sự vùng dậy bất chấp này, người Việt ở nước ngoài dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vươn lên, vượt qua số phận để ngẩng đầu. Tôi có cảm tưởng các truyện ngắn của Nguyễn Công Tiến đã thấm sâu và khẳng định được điều này, bênh vực những số phận “rũ bùn đứng dậy”
Nhưng cao quý hơn, đáng trân trọng hơn, đó là tính nhân văn chan chứa trong văn xuôi của anh, nói đúng hơn là trong tâm hồn của anh. Ở đâu, anh cũng nhìn ra phẩm giá sáng ngời của người Việt. Cho dù bị vùi dập, bị rơi xuống vũng lầy, bị chà đạp, nhưng tâm hồn của cô gái Xoan vẫn trong trẻo như một đóa sen (Nhành tre run rẩy). Bị lừa phỉnh, bị bắt vào động mãi dâm, mắc bạo bệnh, rồi lại tiếp tục bị lừa và bị đánh đập tàn nhẫn, đối mặt với cái chết, nhưng trong tâm trí cô lúc nào cũng nghĩ tới mẹ già, nghĩ tới quê hương, vẫn dành dụm những đồng tiền xương máu để báo hiếu, vẫn trong trẻo một tâm hồn thánh thiện vươn tới cái đẹp. Bên cạnh cô còn có những người Việt chân chất, thiện tâm như ông Ngạc sẵn lòng cưu mang kẻ khó, chấp nhận mọi điều thị phi và thua thiệt ở đời.
Còn câu chuyện “Đất khách” tác giả mượn tình trạng phân biệt chủng tộc hiện hình sau khi nước Đức tan rã, không phải là để tố nước Đức, không phải để nói tới sự thăng giáng của một mảnh đất đã từng được coi là chốn thiên đường, mà mục đích của nó chính là sự trân trọng, ngợi ca trái tim đôn hậu, vị tha và thủy chung của hai cha con người Việt đối với những người bản xứ đã từng một thời gắn bó với mình.
Tôi hiếm gặp một tác phẩm nào viết về lòng cao thượng của một người lính hay và xúc động như nhân vật ông Ngọ trong “Quà tặng của Trời”. Ông biết hai đứa con của Thùy... nhưng ông vẫn dành tình cảm của người cha cho hai đứa trẻ, không một lời trách cứ với người vợ có máu trăng hoa. Không biết Nguyễn Công Tiến đã đọc “Người đàn bà phù phiếm” (Попрыгунья) chưa, mà chất văn và tình người trong truyện ngắn này của anh lại phảng phất giọng điệu của nhà văn Trekhov như vậy! Tôi có cảm tưởng dường như nhân vật ông Ngọ là hiện thân của nhân vật bác sĩ Đưmov với đức hy sinh thầm lặng mà cao cả của nhà văn Nga vĩ đại này.
Tôi vững một niềm tin rằng, còn những tâm hồn ấy, những tấm lòng ấy, thì văn hóa nước Nam dám bất chấp thời gian và không gian sẽ còn và sống mãi.
Nguyễn Công Tiến có lẽ là một người rất hoài cổ, đọc qua một số truyện về quê nhà của anh sẽ thấy rõ điều ấy. Kỷ niệm trong anh là ruộng lúa, bờ tre, mái tranh, làng xóm; là những đứa bé lam lũ sớm hôm, là những người dân nghèo nàn chân chất. Anh không thiên về sự bi lụy mà anh chắt lọc ra trong khung cảnh ấy những giá trị về tình người, về đức hy sinh, về vẻ đẹp của tình yêu. Càng nặng lòng với quê hương, tôi có cảm tưởng Nguyễn Công Tiến càng dị ứng với sự dị hợm, sự hãnh tiến của hạng trọc phú, hào lý một thời đang sống lại và lừng lững lên ngôi.
Những người xa nước sẽ tìm gặp trong các truyện ngắn của anh bức họa đồng quê êm đềm, sẽ trân trọng hình ảnh những con người bình thường mộc mạc, nhưng sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn (Máu anh hùng). Nguyễn Công Tiến đã mượn màu sắc huyền bí để vinh danh những người anh hùng đã ngã xuống trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, để lại trong lòng người đọc một sự tiếc thương, đồng thời cũng là một niềm kiêu hãnh về sự bất tử.
Tôi đồ rằng, độc giả đọc xong tập truyện này, sẽ nghĩ đây là sản phẩm của một cây bút văn xuôi chuyên nghiệp bởi các cốt truyện hấp dẫn, bởi cách xử lý tình huống một cách logic, bởi kết cấu chặt chẽ và văn phong trong sáng, cách khai thác tâm lý nhân vật rất biện chứng. Xin thưa rằng, Nguyễn Công Tiến chưa hề đi qua một trường lớp viết văn nào, chưa hề được đào luyện qua một trường nghề chữ nghĩa nào. Nghiệp của anh là một cán bộ quân đội; tốt nghiệp khoa triết ĐHTH Hà Nội; làm giáo viên tại một trường quân sự; sang CHDC Đức lao động vào cuối những năm 80 của thế kỉ trước và từ bấy đến giờ vẫn chung thân với cuộc mưu sinh ở nơi đất khách, quê người. Trong khi hàng chục ngàn người mải mê với việc kinh doanh, dồn mọi mục đích cuộc sống cho việc kiếm tiền, thì việc sáng tạo, lao tâm khổ tứ, không vụ lợi của anh đáng trân trọng biết bao. Tám năm, viết được mười truyện ngắn (một truyện không có mặt trong tập sách này), anh cho là quá ít, nhưng hoàn toàn không phải như vậy, bởi vì sản phẩm của anh cho ra đời là dạng tinh luyện, cần phải có thời gian để gia công và mài giũa.
Những câu chuyện anh viết, được chắt lọc từ cuộc sống của chính mình; chắt lọc từ những điều mà anh được nghe, được chứng kiến và cảm nhận. Vì vậy nó thấm đẫm vị mồ hôi của lớp công nhân làm việc trong nhà máy; mang theo ngọn gió lạnh buốt xương của người ngả mũ ăn xin; mang theo lời trăng trối của người con gái tủi nhục trước khi lìa bỏ cuộc đời; mang theo mùi rạ rơm hương quê đồng nội…
Cùng với văn xuôi và thi ca của những nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Thế Dũng, Lê Minh Hà… tập truyện ngắn “Đất khách” của Nguyễn Công Tiến sẽ góp phần làm phong phú không chỉ riêng mảng Văn học Việt Nam ở Liên bang Đức, mà còn khẳng định một chất giọng riêng, không lẫn vào đâu được trong sự tiến triển của dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại.
Được biết Nguyễn Công Tiến sẽ dành toàn bộ tiền bán tập sách này để làm từ thiện, tôi rất cảm kích trước tấm lòng và nghĩa cử của anh.
Hy vọng tập “Đất khách” của anh, sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận như một món quà tinh thần quý giá của một nhà văn Việt Nam sống xa Tổ quốc.
Matxcơva 29/1/2018
GS. VS. Nguyễn Huy Hoàng
|