Hồi sang sứ triều Nguyên, một hôm Mạc Ðĩnh Chi cùng với phái bộ triều Nguyên đi chơi. Tới gần một cái cầu, chẳng may Trạng Việt Nam bị sa hố, phái bộ đều chạy lại để đỡ ông dậy. Ðể đùa vui, họ ra cho ông một vế câu đối.
Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tư đạo
(Nghĩa là: Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng)
Cái khó của câu này là ở chỗ dùng toàn tên người ghép lại (1).
Mạc Ðĩnh Chi nhìn quanh nom thấy ở bên kia sông có cái đình dưới chân núi, nhân thế chỉ tay thẳng đình mà đối:
Ðại đình, anh thạch, vọng chi nghiễm nhược Thai sơn
(Nghĩa là: Ðình to, đá vững, nhác nom như thể Thiên Thai)
Câu này cũng dùng toàn tên người ghép lại như ở câu trên (2) mà lại có ý khoáng đạt hơn nhiều.
Một lần nữa, người Nguyên lại phải khâm phục tài văn học của Mạc Ðĩnh Chi.
(Sưu tầm)
...........................
Chú thích:
- Can Mộc: Ðoàn Can Mộc- một nhân vật đời Chiến quốc
- Hoành Cừ: tên hiệu của Trương Tải- một triết gia đời Bắc Tống
- Lục Gỉa: người nước Sở, giỏi biện luận, từng giúp Hán Cao Tổ
- Tương Như: Lạn Tương Như, một nhân vật nổi tiếng đời Chiến quốc.
- Tự Ðạo: Gỉa Tự Ðạo, người nước Tống, một quyền thần chuyên chế.
- Ðại đình: một biệt hiệu của Thần Nông
- An Thạch: Vương An Thạch, một nhân vật nổi tiếng đời Tống
- Vọng Chí: người đời Hán, làm phụ chính cho Hán Nguyên đế.
- Hai tên sau: chưa tra cứu được.
Theo Quehuongonline