Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin văn nghệ: Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018: Thêm một mùa giải đẹp Tin văn nghệ: Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018: Thêm một mùa giải đẹp , Người xứ Nghệ Kiev
 


Xem hình

LTS. Như mọi năm, ngày giỗ của nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh cũng là ngày trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh. Năm nay, lễ trao giải lần thứ XI diễn ra tối 24.3.2018 tại khách sạn REX, TP.HCM.

Người Đô Thị trích giới thiệu diễn từ của nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - tại buổi lễ. Tựa của Người Đô Thị.

"... Cho đến giờ phút này, chúng tôi nghĩ đã có thể nói lần nữa chúng ta lại có được một mùa giải đẹp.

Trước hết xin nói về Giải Dịch thuật. Hẳn chúng ta còn nhớ Giải Phan Châu Trinh đã bắt đầu bằng một giải dịch thuật, rồi sau đó mới mở rộng thêm các hạng mục khác, và điều ấy không hề ngẫu nhiên.

Ngay từ đầu, chúng ta đã coi việc chuyển cho được sang tiếng Việt, cho người Việt và xã hội Việt, từng bước mà khẩn trương, từng bước dần cho đến toàn bộ tài sản trí tuệ tinh hoa của nhân loại là công việc vô cùng quan trọng, tới mức có tính quyết định đối với phát triển của đất nước. Cũng là thực hiện tâm nguyện khai sáng từ hơn trăm năm trước của Phan Châu Trinh.

Dịch giả Nguyễn Tùng, người nhận giải ở hạng mục này năm nay có một câu nói tôi xin phép nhắc lại ở đây. Ông nói: “… chừng nào Việt Nam chưa dịch được hàng trăm cuốn sách được xem là tinh hoa của thế giới về triết học, nhân học, xã hội học v.v.. thì chừng đó Việt Nam chưa có được một nền đại học đúng nghĩa về xã hội và nhân văn…’’


PCT chung w
 

 


Từ trái: Nhà văn Nguyên Ngọc trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018 cho: dịch giả Nguyễn Tùng, ông Đặng Văn Châm (đại diện nhóm Nhất Nghệ Tinh), nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhạc sĩ Dương Thụ, nhà nghiên cứu Lữ Phương. Ảnh: L.Ngạn

Quả hoàn toàn đúng, và không chỉ đối với lĩnh vực xã hội nhân văn ở Việt Nam, cũng không chỉ đối với đại học ở nước ta. Hẳn là từ mối lo sâu xa và đầy trách nhiệm và một tâm thế như vậy mà Nguyễn Tùng đã bắt tay vào công việc dịch thuật vốn không phải là chức trách chính của ông, lại hết sức khó khăn, bởi ông luôn chọn dịch những tác phẩm quan trọng nhất nhưng cũng vào loại khó nhất của những tác giả kinh điển quan trọng nhất nhưng cũng khó nhất trong lĩnh vực dân tộc học, nhân học, xã hội học, kinh tế học. Những cuốn sách như vậy là thiết yếu để đặt nền tảng căn bản cho khoa học xã hội và nhân văn trong nước.

Bắt đầu là cuốn Luận về biếu tặng. Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ của Marcel Mauss, người được coi là cha đẻ của ngành nhân học ở Pháp và là một trong những người sáng lập ngành nhân học trên thế giới. Mauss nhận xét rằng hành vi biếu tặng và đáp tặng trong các xã hội cổ xưa là theo nguyên tắc tương hỗ, có đi có lại, chính là hình thức kinh tế thị trường thời cổ sơ, nó thay thế hoàn toàn hệ thống mua bán bằng sự biếu tặng lẫn nhau…

Bằng nhận xét tinh tế và sâu sắc, Mauss phê phán và bác bỏ việc đề cao một cách máy móc những lô-gích của nền kinh tế thị trường hiện đại… quy giản con người chỉ còn là những “con vật kinh tế’’.

Về thực tiễn, cuốn sách này đã đóng góp lớn giúp vượt qua quan niệm từ thiện và bố thí trong các chính sách xã hội, và góp phần hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại ở Pháp và các nước tiên tiến ngày nay. Bản dịch cuốn sách gối đầu giường của mọi nhà nhân học này được Nguyễn Tùng thực hiện hết sức nghiêm cẩn, đặc biệt với một lối văn trong sáng, dễ hiểu vốn là không hề đơn giản đối với lối viết của Mauss.

Ấn bản được NXB Tri Thức công bố còn bao gồm một bài Claude Lévy-Straus Dẫn nhập vào sự nghiệp nghiên cứu của Marcel Mauss và bài Hướng đến một dân tộc chí về các cung ứng không thông qua thị trường của nhà nhân học Pháp Florence Weber, cũng do Nguyễn Tùng dịch.

 Đối với Nguyễn Tùng, công việc nghiên cứu khoa học của ông gắn liền chặt chẽ với công việc dịch thuật, sự gắn chặt này tạo cho ông khả năng và thẩm quyền đưa đến cho người đọc Việt Nam những dịch phẩm lớn, với chất lượng và độ tin cậy cao.

Dịch phẩm tiếp theo của Nguyễn Tùng là cuốn Định chế tô tem ngày nay của Claude Lévy-Straus, người sáng lập nổi tiếng của trường phái cấu trúc luận trong dân tộc học và nhân học.

Trước khi đi vào bản dịch, Nguyễn Tùng còn viết một bài giới thiệu dài 52 trang trình bày súc tích những tư tưởng chính của tác giả và ảnh hưởng của thuyết cấu trúc luận và của cuốn Định chế tô tem ngày nay đối với giới khoa học xã hội nhân văn trong suốt nửa sau thế kỷ XX.

Ngược với B. Malinovski hay Radcliffe-Brown thấy ở việc một tộc người chọn một con thú hay thảo mộc làm tô tem là vì chúng cung cấp cho họ thức ăn, Lévy-Strauss cho rằng họ chọn chúng làm tô tem “không phải vì chúng có thể “dùng để ăn” mà do chúng có thể “dùng để tư duy’’. Nghĩa là họ nhận ra ở con thú hay thực vật ấy của tự nhiên một cái mã phản ánh cấu trúc tư duy của chính họ.

Vậy nên, theo nhà nghiên cứu Jean-Pierre Vernant, cuốn sách của Lévy-Strauss vượt ra ngoài câu chuyện về định chế tô tem và trở thành gần như một thứ nhập môn cho nghiên cứu nhân học, đòi hỏi nhân học “trong các phương pháp tiếp cận và cả trong triết lý về con người, đi đến những quan niệm cấu trúc luận mới mẻ trong nhân học.’’

(...) Dịch phẩm thứ ba quan trọng của ông là một tác phẩm cũng rất khó và khá lạ, cuốn Xã hội diễn cảnh của Guy Debord, một tác giả phái tả, phê phán triệt để xu hướng bái vật hóa và sự thống trị của hàng hóa trong khuôn khổ của xã hội tiêu thụ tư bản chủ nghĩa hiện đại. Ngay đối với một tác phẩm rất khó đọc và khó hiểu như cuốn này, Nguyễn Tùng cũng đã tìm được cách chuyển ngữ sang tiếng Việt rất chuẩn xác, trong sáng và dễ tiếp cận. Ông còn góp phần quan trọng cùng một số người khác trong một số dịch phẩm lớn và kinh điển, trong đó có cuốn sách nổi tiếng Đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản của Max Weber …

Nói theo cách nào đó, những đóng góp và thành tựu dịch thuật của Nguyễn Tùng  vừa được lướt qua chỉ là một phần ở cạnh công vệc chính của ông. Nguyễn Tùng trước hết và chủ yếu là một nhà nghiên cứu dân tộc học và xã hội học. Ông đã làm việc 30 năm ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) với tư cách là nhà dân tộc học và xã hội học, đã giảng dạy ở đại học Sorbonne (Paris), đã tham gia trong hơn 20 năm chương trình nghiên cứu về làng xã ở châu thổ Sông Hồng, đã có những công trình quan trọng được công bố, như Mông Phụ, một làng ở châu thổ Sông Hồng, tham gia cuốn Làng ở châu thổ Sông Hồng, vấn đề còn bỏ ngỏ, và nhiều công trình khác’’…

Như vậy, có thể nói cho đúng hơn, đối với Nguyễn Tùng, công việc nghiên cứu khoa học của ông gắn liền chặt chẽ với công việc dịch thuật của ông, sự gắn chặt này tạo cho ông khả năng và thẩm quyền đưa đến cho người đọc Việt Nam những dịch phẩm lớn, với chất lượng và độ tin cậy cao. Trường hợp Nguyễn Tùng còn đặt ra một vấn đề lớn và quan trọng đối với nền dịch thuật, và cả với khoa học Việt Nam: vấn đề sự xuất hiện mô hình những học giả-dịch giả, cho yêu cầu của một nền dịch thuật nghiêm túc và ngày càng cấp thiết, mà chúng tôi đã nhắc đến ở đầu diễn từ này.

 

 


 
PCH duongthu w
 

 


Nhà văn Nguyên Ngọc trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018 cho nhạc sĩ Dương Thụ. Ảnh: L.Ngạn


Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục năm nay được trao cho một nghệ sĩ: nhạc sĩ Dương Thụ, và một tập thể những người làm sách: nhóm Nhất Nghệ Tinh.

Dương Thụ là một nhạc sĩ nổi tiếng (...) Có lẽ nét đặc sắc của Dương Thụ trong sáng tác của ông cũng như ở con người và hoạt động xã hội của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính giản dị, nhẹ nhõm, gần gũi đời sống và văn hóa dân gian, với xu hướng tinh hoa, bài bản, sang trọng, thậm chí vươn tới hàn lâm.

Là dân gian thì ông biết cách khai thác đến tận cái tinh hoa của dân gian, là bác học thì ông giỏi làm cho cái bác học đó trở nên gần gũi đến dễ tiếp nhận cho đại chúng và đi vào lòng người. Lại được cộng với một tài năng thật sự về tổ chức, rất khéo léo, tháo vát và hiệu lực.

Dương Thụ cũng là người có lòng tin sâu sắc ở sức mạnh của nghệ thuật khi nó đi được vào đại chúng, và phải đi vào đại chúng ở dạng tinh hoa. Bởi nâng cao năng lực thẩm mỹ và tri thức của xã hội, tạo nên đời sống thẩm mỹ và tri thức ngày càng được nâng cao của xã hội là nghĩa vụ đạo đức của nghệ thuật và của người nghệ sĩ chân chính, của nhà văn hóa.

Chính vì vậy mà là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng với âm hưởng rất riêng, tinh tế và sang trọng, không thể nhầm lẫn, ông còn dành nhiều thời gian, công sức và tài năng cho những chương trình âm nhạc lớn, là người tổ chức, biên tập và tổng đạo diễn Dự án Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, một chương trình tầm cỡ quốc gia đầu tiên tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của đủ các dòng nhạc từ tiền chiến, lãng mạn, nhạc Sài Gòn trước năm 1975, nhạc cách mạng, nhạc tình ca hiện đại…

 Đóng góp quan trọng nhất của Dương Thụ là những hoạt động nhằm kết nối giới tinh hoa văn hóa trong và ngoài nước với công chúng, đặc biệt với giới trẻ, giới thiệu những tư tưởng đổi mới, những ý tưởng sáng tạo độc đáo thông qua việc hình thành và tổ chức thành công, vượt qua vô vàn khó khăn…

Tiếp đó, từ năm 2009, là Dự án đồ sộ Điều còn mãi, một concert âm nhạc thính phòng, bao gồm cả các tác phẩm khí nhạc và ca khúc, được dàn dựng rất công phu với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hàng đầu cùng dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, diễn ra định kỳ hàng năm vào dịp 2.9 và kéo dài liên tục trong nhiều năm, gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn…

Tuy nhiên phải nói rằng, trong hoạt động văn hóa xã hội, đóng góp quan trọng nhất của Dương Thụ là những hoạt động nhằm kết nối giới tinh hoa văn hóa trong và ngoài nước với công chúng, đặc biệt với giới trẻ, giới thiệu những tư tưởng đổi mới, những ý tưởng sáng tạo độc đáo thông qua việc hình thành và tổ chức thành công, vượt qua vô vàn khó khăn, chương trình Cà phê Thứ bảy, một chương trình sinh hoạt văn hóa cao cấp, một kiểu salon văn hóa, thu hút những người thực sự có quan tâm đến văn hóa, đến những tư tưởng mới, đến đối thoại, tôn trọng sự khác biệt để cùng suy nghĩ.

Từ 2009 đến nay, Dương Thụ đã tổ chức được hơn 800 buổi sinh hoạt Cà phê Thứ bảy ở Sài Gòn và ở Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà văn hóa, khoa học, nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, thuyết trình và trao đổi về nhiều chủ đề khoa học, nghệ thuật, kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường… Quả là một đóng góp rất to lớn, một điểm sáng cho ta còn giữ niềm tin và hy vọng, đặc biệt trong tình hình văn hóa xã hội phức tạp và đáng lo hiện nay.

Nhân vật thứ hai cùng nhận giải thưởng Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục năm nay rất đặc biệt, đó là một tập thể đông đảo gồm hàng trăm chuyên gia và kỹ sư từng du học ở CHLB Đức trước năm 1975, từ nhiều năm nay đã lặng lẽ làm một công việc rất cụ thể, thiết thực, mà vô cùng cần thiết cho đất nước.

Chúng ta chưa được biết ai trong số họ ai là người nảy ra ý tưởng đầu tiên, họ đã liên lạc, tập họp, trao đổi cùng nhau như thế nào, tính toán tổ chức lực lượng và công việc ra sao… để đi đến quyết định thành lập một tủ sách lấy tên là Tủ sách Nhất Nghệ Tinh, nhằm chọn lọc những sách chuyên ngành có giá trị nhất của NXB Europa-Lehrmittiel, tổ chức dịch ra tiếng Việt và phổ biến sâu rộng trong giới đào tạo nghề cao cấp và các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam.

Tủ sách Nhất Nghệ Tinh đang có sức lan tỏa mạnh, được các nhà giáo và sinh viên nhiệt tình đón nhận

Cùng lúc lại dày công biên soạn và liên tục cập nhật một Từ điển thuật ngữ khoa học kỹ thuật, đến nay đã được hơn 20.000 mục từ. Đến nay, Tủ sách đã công bố các sách: Chuyên ngành cơ khí, Chuyên ngành cơ-điện tử, Chuyên ngành điện-điện tử, Chuyên ngành kỹ thuật ô tô và xe máy hiện đại. Đang và sắp in: Chuyên ngành chất dẻo, Chuyên ngành kỹ thuật hóa học, Chuyên ngành kỹ thuật sinh học, Chuyên ngành kỹ thuật xây dựng, Chuyên ngành kỹ thuật môi trường, Chuyên ngành kỹ thuật may mặc v.v..

Dày kinh nghiệm nghề nghiệp, nhóm đã chọn lựa những sách chuyên ngành có chất lượng cao của CHLB Đức. Chất lượng dịch các sách cũng rất cao, thỏa ứng các yêu cầu khắt khe của sách chuyên ngành đa lĩnh vực. Nhóm vừa làm việc vừa phát triển, ngày càng tập họp đông đảo chuyên gia các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ việc dạy nghề và du nhập phương pháp vừa học vừa làm rất hiệu quả của CHLB Đức vào Việt Nam. Tất cả các thành viên của nhóm đều hoạt động tự nguyên và vô vị lợi.

Cộng tác chặt chẽ với NXB Trẻ và Saigon Times Foundation, Tủ sách Nhất Nghệ Tinh đang có sức lan tỏa mạnh, được các nhà giáo và sinh viên nhiệt tình đón nhận. Không thể không có cảm giác chúng ta đang được sống lại không khí sôi nổi khuyến học và chuộng thực nghiệm do Phan Châu Trinh khởi xướng hơn trăm năm trước. Giải Văn hóa Phan Châu Trinh trân trọng chào mừng Tủ sách Nhất Nghệ Tinh, một góc thật đẹp của xã hội hôm nay.
 

 

PCT phancamthuong


 

 

          Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng . Ảnh: TL


Giải Nghiên cứu năm nay được trao cho hai nhà nghiên cứu Lữ Phương và Phan Cẩm Thượng.

Trong những năm 1960 ở Sài Gòn, Lữ Phương là cây bút chủ lực của tạp chí Tin văn, một tạp chí văn nghệ có xu hướng tiến bộ, cương quyết bảo vệ các giá trị của nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh chiến tranh có sự can thiệp của ngoại bang. Tác phẩm Mấy vấn đề văn nghệ của ông viết năm 1967 sớm cho thấy rõ thái độ của một trí thức dấn thân mạnh mẽ mà trầm tĩnh trong những bối cảnh xã hội phức tạp. Năm 1968, ông tham gia kháng chiến, giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.

Sau 1975 ông cho xuất bản Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, một công trình nghiên cứu khách quan, sâu sắc, khác hẳn với những cuốn sách tuyên truyền minh họa dễ dãi trên cùng đề tài.

Từ năm 1980 bắt đầu thời kỳ mà chính ông gọi là “mười năm diện bích’’ để “mọi chuyện trong quá khứ được nhìn lại tận nền móng’’, bắt tay đọc lại và nghiên cứu chủ nghĩa Marx một cách cặn kẽ, có hệ thống, từ nền tảng triết học và nhận thức luận, đến các vấn đề cơ

bản của kinh tế chính trị học mác xít, từ đó nhận thức lại mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội mác xít và chủ nghĩa xã hội hiện thực, giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, các vấn đề của công cuộc “đổi mới’’, đặc biệt là tác động văn hóa của “đổi mới’’ xét như một mô thức phát triển, đồng thời tăng cường trao đổi, thảo luận với các học giả trong và ngoài nước.Trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh cho nhà nghiên cứu Lữ Phương, Quỹ của chúng ta muốn bày tỏ lòng kính trọng và sự tán đồng rõ ràng của mình đối với một người trí thức coi sự thẳng thắn đầy trách nhiệm, dũng cảm và trung chính của người trí thức, người cầm bút...

(...) Lữ Phương khẳng định: “Sự phê phán quá khứ một cách nghiêm trang chẳng hề có ý nghĩa “dùng súng lục” bắn vào cái gì cả, chẳng qua là thái độ cần thiết của con người trưởng thành…’’…

Trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh cho nhà nghiên cứu Lữ Phương, Quỹ của chúng ta muốn bày tỏ lòng kính trọng và sự tán đồng rõ ràng của mình đối với một người trí thức coi sự thẳng thắn đầy trách nhiệm, dũng cảm và trung chính của người trí thức, người cầm bút, nhất là trong giai đoạn hiện nay, là nghĩa vụ đạo đức hàng đầu của mình đối với xã hội và đất nước.


 

 

PCT luphuong w

 

 

 


Nhà văn Nguyên Ngọc trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018 cho nhà nghiên cứu Lữ Phương. Ảnh: L.Ngạn


Người nhận giải ở cùng hạng mục với Lữ Phương là họa sĩ Phan Cẩm Thượng, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian uyên bác và độc đáo. Trong số những người làm văn học nghệ thuật, dường như những người làm nghệ thuật tạo hình thường quan tâm, gắn bó và hiểu biết sâu hơn cả với văn hóa dân gian và dân tộc. Có thể chăng là qua sáng tạo của dân gian, họ đi tìm và nhận ra hồn cốt của văn hóa Việt, con người Việt.

Tôi có một chị bạn họa sĩ, đã bỏ mười năm liền, chăm chú đi đo kích cỡ các đình chùa Việt Nam, để tìm ra cái mà chị gọi là “tỷ lệ vàng’’ ở các kiến trúc cổ ấy, nắm chắc được hằng số ấy rồi, chị bảo, thì vẽ gì cũng ra ngay Việt Nam, không thể nhầm.

Phan Cẩm Thượng cũng vậy, ông tự tạo cho mình một lối sống rất đặc biệt, ông từng về sống hẳn trong chùa Bút Tháp hàng chục năm, gắn bó và am hiểu tới cặn kẽ vùng Thuận Thành Kinh Bắc, vốn là một vùng đất cội nguồn của văn hóa Việt, thuộc lòng đến tỉ mỉ từng ngôi chùa cổ ở đấy, từng pho tượng cổ tuyệt đẹp đến lạ lùng trong bốn ngôi chùa Mây, Mưa, Sấm, Chớp - là dấu tích xưa nhất của tín ngưỡng thuần Việt, khi chưa có ảnh hưởng của Phật giáo và của phương Bắc, cho đến các chùa nổi tiếng như Bút Tháp, Phật Tích, Bổ Đà...

Sau Bút Tháp, Thuận Thành, ông lại về sống hẳn nhiều năm ở vùng Mường, như một người ở ẩn, chìm đắm trong văn hóa Mường. Còn vùng văn hóa Sơn Tây nổi tiếng của Quang Dũng, thì Phan Cẩm Thượng vốn đã thuộc nằm lòng từ bé… Ông là người lang thang trong đời thường và trong văn hóa dân gian, say mê và đầy ý thức để cho sự sống ấy ngấm vào mình, thành máu thịt và thành trí tuệ, đến uyên bác.

Có một số dịp được ông cho đi theo, tôi kinh ngạc và thú vị thấy các nhà sư ở các chùa vùng Kinh Bắc đều gọi ông là “thầy”. Tôi cũng kinh ngạc, thú vị khi thấy hầu như người dân nào gặp trên đường cũng là người quen thân của ông và cũng đều gọi ông là “thầy”; còn ông thì có thể kể rành rọt với tôi lai lịch, tính cách của từng người… Ông đi nhiều, chăm chú nghe và nhìn, hết sức tò mò, quan sát kỹ và tinh, ghi chép, tích lũy, nghiền ngẫm, và vẽ. Rồi viết.

Đến nay, Phan Cẩm Thượng đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản, đương nhiên là về nghệ thuật tạo hình Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình cổ và nghệ thuật dân gian Việt Nam, song đều là để từ đó cho ta một góc nhìn và một cách nhìn độc đáo dẫn dắt đến hiểu biết căn cốt về văn hóa Việt.

Trong các tác phẩm viết của ông nổi bật một bộ sách quan trọng, đến nay đã cho ra mắt hai cuốn, hai cuốn tiếp theo sẽ hòan thành trong khoảng 4 đến 5 năm tới. Ngay từ cuốn thứ nhất, có tên là Văn minh vật chất của người Việt, đã cho thấy đây có thể là một bộ sử của người Việt viết theo một cách riêng, một cách khác, không phải là lịch sử “lớn’’ của các triều đại, các ông vua, các cuộc chiến tranh và các vị tướng lừng danh, các cuộc cách mạng chính trị…, mà là lịch sử nhỏ, tầm thường, hằng ngày và trường kỳ của con người Việt, được kể qua nền văn minh vật chất của họ, hay nói giản dị hơn, qua “lời kể’’ của các đồ vật do họ làm ra để mà sinh tồn và phát triển (...)

Tiếp sau Văn minh vật chất của người Việt là cuốn Tập tục đời người với một phụ đề: Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ XIX và XX. Phan Cẩm Thượng khẳng định trong mỗi người Việt Nam, cho đến hiện đại nhất hôm nay, đều có một người nông dân; 36 phố phường Hà Nội là từ các làng nghề nông thôn đồng bằng Bắc Bộ tụ hội lên mà thành. Ông cũng định nghĩa tập tục là cái có trước pháp luật, trước cả hương ước, cũng là một kiểu luật của làng, do cộng đồng làng lập nên, mọi người bắt buộc phâỉ tuân theo.

Tập tục là cái có trước những quy định có tính bắt buộc đó; nó là cái người ta theo thói quen mà làm, mọi người vẫn làm thế ta cũng làm thế, làm thế là ‘’phải’’ với mọi người và mình cũng cho là phải, người xưa đã quen, người nay chấp nhận, thấy phải chăng và tự nguyện. Nên nó là cái từ trong mà ra, không phải từ ngoài áp vào, từ trên ban xuống như hương ước, như luật. Nó thật về con người hơn.

Thì ra, với cuốn thứ hai này, Phan Cẩm Thượng tiếp tục bộ sử thật về người Việt của mình. Con đường đi bằng văn hóa của ông (...)

Phan Cẩm Thượng là người lang thang trong đời thường và trong văn hóa dân gian, say mê và đầy ý thức để cho sự sống ấy ngấm vào mình, thành máu thịt và thành trí tuệ, đến uyên bác.

Cuốn thứ ba có cái tên lạ Mày là kẻ nào?. Cách đây mấy thế kỷ, mày tao là cách xưng hô thông thường của người Việt, các giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo và con chiên gọi nhau đều như vậy. “Kẻ’’ có nghĩa là vùng đất. Kẻ Chợ là tên xưa của Hà Nội. Mày là kẻ nào? có nghĩa là mày ở đâu (mà tới đây)? Cuốn sách viết về những cuộc di chuyển của các mảng lớn con người trong suốt lịch sử tạo nên diện mạo nước ta ngày nay.

Cuốn thứ tư, cuối cùng trong bộ sách này có tên là Việt Nam, thế kỷ XIX. Tại sao lại là thế kỷ XIX? Mọi sự vật thường tự bộc lộ ra sâu sắc, toàn diện nhất ở thời điểm bản lề. Ở Việt Nam thế kỷ XIX là một thời điểm như vậy, khi đất nước và xã hội từ cổ truyền chuyển sang hiện đại, bị và được xới tung lên tận nền tảng. Phan Cẩm Thượng muốn chọn đúng một thời điểm như vậy để cố gắng cung cấp bức chân dung chân thật nhất của người Việt, kết thúc bộ sử đặc biệt của ông.

 

 

 

PCT nguoiphap w

 

 

 


Hai nhà sử học Pháp: Pierre Brocheux và Daniel Hémery (phải). Ảnh: TL


Tân khoa của Giải Việt Nam học năm nay là hai nhà sử học Pháp Pierre Brocheux và Daniel Hémery, thường được coi là những người có thẩm quyền hơn cả về lịch sử Đông Dương và Việt Nam thời thuộc địa.

Hai ông là tác giả của một loạt công trình quan trọng. Có thể kể, của Brocheux: các sách Hồ Chí Minh in năm 2000; Hồ Chí Minh, từ nhà cách mạng đến bức tranh thánh in năm 2003; Một lịch sử kinh tế Việt Nam – Cây đòn gánh và chiếc xe tải’’ (2009); Châu thổ sông Cửu Long, Sinh thái, Kinh tế và Cách mạng; Lịch sử Việt Nam - Quốc gia có sức chống chịu mạnh mẽ  (2011); Công cuộc giải thực dân thế kỷ XX (2012); Lịch sử Đông Nam Á - Các cuộc nổi dậy, các cuộc cải cách và các cuộc cách mạng (2002)…;

Của Hémery: Các nhà cách mạng Việt Nam và chính quyền thuộc địa ở Đông Dương - Cộng sản, Trokiste, Quốc gia chủ nghĩa ở Sài Gòn từ 1932 đến 1937 (1975); Hướng dẫn nghiên cứu Việt Nam. Thư mục. Tư liệu và Thư viện ở Pháp’’ (1983); Tình trạng nô lệ quyền năng. Một lịch sử về năng lượng; Tiến tới một lịch sử của phát triển - Các quốc gia, các xã hội, và phát triển’’ (1988); Hồ Chí Minh - Từ Đông Dương đến Việt Nam…

Hai nhà sử học Pháp Pierre Brocheux và Daniel Hémery, thường được coi là những người có thẩm quyền hơn cả về lịch sử Đông Dương và Việt Nam thời thuộc địa.

Đặc biệt Pierre Brochueux và Daniel Hémery có một tác phẩm nổi tiếng cùng viết chung, Đông Dương, một công cuộc thực dân hóa nhập nhằng, 1858-1954 (Indochine, une colonisation ambiguë) như lời bình luận của nhà nghiên cứu Philippe Papin, là một cuốn sách “được chín muồi một cách chậm rãi, phần cốt yếu đã được biên soạn từ 1987-1988, được viết lại hoàn toàn và bổ sung trước khi ra mắt (năm 1994)’’.

Philippe Papin cũng nói rằng hai tác giả “đặt lại thực tế thuộc địa mà tránh các con đường đã trở thành quen cũ của lối viết sử theo truyền thống chống thực dân, để tư duy về công cuộc thực dân hóa như là sự tiếp xúc – trong giao thoa, chồng chéo – giữa hai nền văn hóa theo những mối quan hệ bất bình đẳng song mọi sự về những mối quan hệ này còn chưa được nói đến hết ...’’.

(...) Cũng không phải ngẫu nhiên mà Pierre Brocheux và Daniel Hémery thật thành công trong tác phẩm trằn trọc và tâm huyết này. Trong một bức thư rất ngắn gửi đến chúng ta, Brocheux, người “đã cống hiến 37 năm cuộc đời nhà giáo và nghiên cứu của mình cho lịch sử của dân tộc Việt Nam và số phận của quốc gia Việt Nam’’ viết:

“Tôi càng dễ nhạy cảm hơn trong thức nhận về các công trình chép sử của tôi khi nó bắt nguồn từ đất nước mà tôi gọi là đất mẹ của tôi trong khi tổ quốc tôi là đất nước của cha tôi. Nhà Brocheux vốn thuộc một dòng họ vùng Normandie còn mẹ tôi lại thuộc dòng họ Trương mà cái nôi sinh thành là Phan Thiết và sau đó đã di cư về Vĩnh Long’’. Vậy là ông viết về chính số phận “đất mẹ’’ của mình trong quan hệ lịch sử khó nhọc mà cũng giàu cả sinh sôi, với tổ quốc là đất nước của cha ông.

Còn Hémery thì là người đã nói về vị tiền bối mà Quỹ chúng ta mang tên như sau: “Phan Châu Trinh là khuôn mặt sáng giá nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX vì ông đã biểu đạt một cách mạnh mẽ và sáng rõ nhất những nan đề mà các thế hệ người Viêt Nam hôm nay còn phải tiếp tục đảm nhận’’. 
 

 

PCT phamquynh


Nhà văn hóa Phạm Quỳnh (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: TL

Tiếp tục chương trình khởi đầu từ ba năm trước, năm nay Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trân trọng tôn vinh nhà văn hóa Phạm Quỳnh là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Chúng ta đều biết, thường vẫn vậy, có những điều ta vẫn làm hằng ngày, chừng đơn giản và vô tư, như viết một bức thư, đọc một bài báo, thảo một công văn…, sang hơn chút nữa, cao hứng viết một bút ký hay một truyện ngắn, càng sang và cao hơn viết một tiểu thuyết, soạn một luận văn hay biên soạn một cuốn sách uyên bác về xã hội học, kinh tế học, triết học hay vật lý học thậm chí đến vật lý thiên văn, trình bày một lý thuyết mới về toán học cao cấp… với công cụ biểu đạt là tiếng Việt được viết bằng chữ quốc ngữ, loại chữ mà con ta đang học ở lớp một… và coi chuyện có cái công cụ đó là đương nhiên rồi… nếu còn đôi chút băn khoăn là nắn nót viết sao cho chính xác, cho hay…  

Vậy mà hóa ra chuyện đó, cái công cụ rất tuyệt đó không hề là đương nhiên, và cũng chỉ là mới đây thôi, mặc dù tiếng Việt viết bằng vần chữ cái la-tinh mà ta gọi là chữ quốc ngữ đã được Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes chế ra từ cuối thế kỷ XVII, còn vô cùng khó khăn để tồn tại, thậm chí đã từng có thể bị xóa đi mất, nếu còn thì cũng chỉ các giáo sĩ dùng để giao tiếp với các con chiên một cách thô sơ bởi sức biểu đạt của nó còn rất nghèo nàn…

 Hôm nay Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại một con người như vậy, một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước “không thể lay chuyển’’

Số phận của nó bấy giờ càng nguy nan hơn vì bị ép từ cả hai phía: sức phản kháng quyết liệt của cả một tầng lớp được coi là trí thức ưu đẳng và cũng là độc tôn của đất nước đã mấy nghìn năm sử dụng và coi chữ Hán là cao quý thiêng liêng của thánh hiền, mất nó đi thì vị thế xã hội của họ cũng sụp đổ; bên kia là người Pháp thống trị, cho đến tận thời các Toàn quyền Paul Bert, Paul Doumer rồi Albert Sarraut, theo như nghiên cứu của BernardLe Calloc’h, vẫn còn rất phân vân không biết nên chọn thứ chữ gì làm chữ chính thống cho thuộc địa này đây?Đã từng có chủ trương ưu tiên muốn dùng tiếng Pháp, chữ Pháp cho Việt Nam, như họ đã làm đối với các thuộc địa của họ ở châu Phi, cho đến tận ngày nay… Nhưng rồi khá tỉnh táo, từng người trong số họ dần hiểu làm như thế là “không thể và không thực tế đối với một đất nước có lịch sử phong phú và một nền văn minh đáng nể như Việt Nam’’. Vả chăng họ cũng biết dùng chữ Pháp cho đất nước này thì chẳng qua chỉ là thay cho nó một ngoại ngữ này bằng một ngoại ngữ khác.

Giữa chữ Hán và chữ Pháp, còn một thứ chữ: quốc ngữ. Và số phận đã thuộc về nó, nó đã được chọn. Chữ quốc ngữ đã sống sót như thế (...) Quả có một cuộc đấu tranh mất còn về mặt ngôn ngữ và chữ viết ở Việt Nam vào thời ấy, kiên định, quyết liệt, khôn khéo, thông minh, để hiện đại hóa tiếng Việt và lối viết bằng chữ quốc ngữ của nó, hoàn thiện nó thành vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh văn hóa. Và đã có những người chiến sĩ tiên phong của cuộc đấu tranh đó, những Pétrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi mà Quỹ chúng ta đã vinh danh trong mấy năm qua, và bao nhiêu người khác, trong đó nổi bật lên một người vào loại đặc sắc, có cống hiến rất quan trọng: người ấy là Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh (17.12.1892 – 6.9.1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Trong ảnh, từ trái sang, thứ hai: Phạm Quỳnh khi đang là Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục của Triều đình Huế, thời vua Bảo Đại. Ảnh: TL

(...) Về con người chính trị của Phạm Quỳnh, hôm nay chúng tôi chỉ xin nhắc lại ở đây một báo cáo nói về ông của viên Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn ngày 18.2.1945 gửi Toàn quyên Đông Dương Decoux và Trung tướng Mordant, Tổng đại diện và là Chỉ huy quân đội Pháp trên toàn cõi Đông Dương, nguyên văn như sau:

“Một lần nữa, viên Thượng thư Bộ Lại (tức Phạm Quỳnh) lại cực lực công kích việc trưng dụng thóc gạo cho Nhật Bản... Tôi đã lưu ý Hoàng Đế Bảo Đại rằng viên Thượng thư Bộ Lại của Ngài đã lơ là các chức vụ của mình để nằng nặc đòi hỏi mở rộng các quyền của Viện Cơ mật… Ông đòi hỏi chúng ta, trong thời hạn ngắn nhất, thực thi lời hứa thể hiện sự phát triển lũy tiến theo một tiến trình rõ rệt, và chúng ta phải cam kết trả lại cho Triều đình những biểu tượng của quyền uy tối thượng quốc gia bao trùm cả Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Phạm Quỳnh đe dọa khuyến khích các phong trào phản loạn, nếu trong những tháng tới chúng ta không cam kết thương thảo với Hoàng Đế Bảo Đại một quy chế chính trị mới, thay thế chế độ “bảo hộ”bằng một thể chế “Thịnh vượng chung” trong đó những chức vụ chính được giao cho người bản xứ.

Nói cách khác, Phạm Quỳnh đòi chúng ta ban bố chế độ tự trị cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ, bãi bỏ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và tạo dựng một quốc gia Việt Nam.

Tôi xin lưu ý Ngài về điểm với bề ngoài lịch sự và chừng mực, ông này là một người quyết liệt tranh đấu cho Việt Nam độc lập và chúng ta không nên hy vọng làm dịu tinh thần ái quốc của ông ta, một tinh thần chân thành và không thể lay chuyển, bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một chức vụ danh dự được hưởng nhiều bổng lộc. Cho đến nay, ông là một đối thủ hòa hoãn nhưng quyết liệt của nền thống trị Pháp…’’.

Hôm nay Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại một con người như vậy, một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước “không thể lay chuyển’’...

Nguyên Ngọc

Các hạng mục Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018

- Giải Dịch thuật: Dịch giả Nguyễn Tùng

- Giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục: nhạc sĩ Dương Thụ và nhóm Nhất Nghệ Tinh

- Giải Nghiên cứu: Lữ Phương và Phan Cẩm Thượng

- Giải Việt Nam học: Pierre Brocheux và Daniel Hémery

- Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại: Phạm Quỳnh

Nguồn: Người Đô Thị

Theo Hội VHNT VN tại LB Nga


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65112896

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July