Giá như không có tai nạn xe máy oan nghiệt xảy ra với ông thì sắp tới đây giới ngôn ngữ học nước nhà sẽ được quây quần bên ông để chúc thọ vị giáo sư già “lão thực” bước sang tuổi 80. Dù sự kiện đau lòng đã trôi qua hơn mười năm, mỗi khi nghĩ đến khoảnh khắc ông hụt tay lái ngã xuống đê quai tôi vẫn cứ rùng mình ngơ ngác hồi lâu. Nhớ hôm nào trò chuyện cùng ông, tôi hỏi ông đã chuẩn bị những gì đầu tiên khi sắp sửa về hưu, rồi vui đùa nói rằng, theo tôi, ba trong số những điều rất cần thiết đối với người về hưu là sức khoẻ, sống vui sống khỏe và có sổ tiết kiệm. Ông cười vang tán thưởng - tiếng cười hồn nhiên của một vị giáo sư già đã chạm đến tuổi 70 hôm nay vẫn vang lên trong tôi, một người thuộc thế hệ hậu sinh về học thuật, nỗi niềm tiếc thương. Câu chuyện giữa tôi và ông qua đi cũng đã lâu, nay bỗng ùa về khiến tôi nhớ lại những lần ông đang ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, khuôn mặt chất phác hiền lành nhưng trong đối đáp lại rất hoạt bát, dí dỏm. Tôi không biết ông có chuẩn bị cho mình sổ tiết kiệm nào không, nhưng với tôi và chắc chắn là cả với nhiều người khác nữa trong giới ngôn ngữ học và Việt ngữ học, ông có hai vốn tích luỹ lớn để lại cho đời và cho ngành ngôn ngữ học nước nhà: đó là vốn tích luỹ tri thức về từ vựng- ngữ nghĩa tiếng Việt và vốn tích luỹ về đức độ làm người.
Ở dãy số chẵn phố Lý Thái Tổ, nơi có trụ sở Viện Ngôn ngữ học Việt Nam hồi đó, người ta thấy khi nghỉ giải lao ông thường hay ra ngồi uống chè chén chuyện trò, hòa đồng với đồng nghiệp. Với người dân lao động bình thường ở dãy phố này hầu như ai cũng biết ông, gặp ông cũng chào hỏi đôi câu, song có lẽ họ chỉ biết ông là một cán bộ nhà nước, chứ đâu biết ông đang giữ trọng trách người đứng đầu một Viện nghiên cứu quan trọng của nước nhà. Còn với dân làng quê ông - làng Tình Quang bên bờ sông Đuống, ông được coi là một trí thức tài đức vẹn toàn. Không lâu trước ngày ông đi vào cõi vĩnh hằng, ông được mời là một trong hai người cao tuổi đức độ thay mặt dân làng lên nóc đình làm lễ thượng lương. Hôm ông ngã xe máy lăn xuống đê quai khi về gần đến nhà thì cũng chính một người dân làng Tình Quang nhà ở cạnh chân đê phát hiện thấy vội đưa ông đi cấp cứu, công việc xong xuôi rồi mới về báo cho gia đình bà Hồ, vợ ông. Anh thanh niên này không quên cất đi chiếc giày kiểu Biti’s đã cũ của bác Hành rơi xuống chân đê. Hai hôm sau khi nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, đi xe máy ghé vào hỏi thăm đường đến nơi cử hành lễ tang, anh thanh niên đã trân trọng nhờ nhà văn trao lại cho gia đình chiếc- giày- kỉ - vật trước giờ làm lễ truy điệu. Người dân Tình Quang gắn bó với ông thật là thân thiết.
Trên lĩnh vực hoạt động khoa học ông là người viết đều và viết khoẻ. Như con tằm không mệt mỏi trong gần 40 năm kể từ năm 1966, ông đều đặn “nhả tơ” cống hiến cho đời và cho giới Việt ngữ học nước nhà những công trình có giá trị khoa học. Trong số những công trình của ông, mảng vấn đề mà ông quan tâm chăm chút chủ yếu là về từ vựng và ngữ nghĩa của từ tiếng Việt. Cuốn Từ láy trong tiếng Việt (1985) là một trong hai chuyên luận đặc sắc của ông mà đến nay nghiên cứu sinh và học viên cao học vẫn coi là cẩm nang cần tham khảo khi đi vào địa hạt cơ cấu nghĩa từ láy tiếng Việt. Kể từ bài báo đầu tiên (Từ nhiều nghĩa trong Truyện Kiều, một biểu hiện phong phú về vốn từ của Nguyễn Du, T/c Văn học. Số 1/1966) ông đã chú ý phân tích rành rẽ việc Nguyễn Du khai thác tính nhiều nghĩa của từ trong truyện Kiều. Ông cho rằng, sự tìm tòi và tài sáng tạo (về mặt ngôn ngữ) của Nguyễn Du là ở chỗ nhà thơ đã biết tạo ra một mối quan hệ liên tưởng giữa từ mình dùng với nguồn gốc thành ngữ, ca dao... của nó, và rằng, chính mối quan hệ liên tưởng gián tiếp ấy đã khiến cho người đọc hiểu được nghĩa mới của từ.
Với 106 công trình lớn nhỏ, trong đó có 14 đầu sách (3 đầu sách đứng tên riêng) GS Hoàng Văn Hành được giới ngôn ngữ học nước nhà biết đến như một trong số ít những chuyên gia hàng đầu về từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt. Trong những bài báo viết về lĩnh vực này người đọc nhận thấy sự nhạy cảm ngôn ngữ của Giáo sư trong tri nhận và trong cảm thụ ngôn từ với những sắc thái khác nhau. Những bài báo như Những đơn vị từ vựng kiểu như “au, ngắt” trong đỏ au, xanh ngắt lừng tiếng một thời những năm 70 của thế kỉ trước; hoặc Về bản chất của những thành ngữ so sánh trong tiếng Việt, Về nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt… đăng trên tạp chí Ngôn ngữ thể hiện một cách nhìn sắc sảo của ông khi luận giải về nghĩa của từ và sự hành chức của chúng trong lời nói. Ông lí giải một cách tinh tế rằng, (đỏ) au, (đỏ) chót, (đỏ) lòm đều biểu thị mức độ cao của đỏ, song au gợi tả vẻ tươi, nhìn thấy thích mắt, chót gợi tả vẻ tươi rói, nhìn thấy rợ, còn lòm thì tả cái vẻ thuần sắc máu, nhìn thấy khó chịu, thấy ghê. Ông đặc biệt rất say sưa viết và nói chuyện về thành ngữ - có lẽ đây là đề tài hễ cứ động đến là ông luận bàn sôi nổi không biết chán. Chẳng thế mà tuy bận rộn công tác quản lí của Viện ông vẫn đảm nhiệm chủ biên hai cuốn Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ được bạn đọc háo hức tìm đọc. Trong những năm đầu thập niên thế kỉ 21 GS Hoàng Văn Hành còn chú ý phân tích nghĩa của từ nhìn từ góc độ ngôn ngữ - văn hoá học. Là Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội và là người có công lớn trong việc vận động thành lập Hội Ngôn ngữ học Hà Nội năm 1998, ông tự thấy trách nhiệm của mình phải đầu tư thời gian để viết về tiếng Hà Nội. Với những phát hiện mới mẻ có tính chất khái quát theo hướng nghiên cứu mới, ông đã cho công bố các bài viết Tiếng Hà Nội - sự hội tụ của bốn phương, tinh hoa của một nền văn hóa; Tiếng Hà Nội từ góc nhìn của ngôn ngữ văn hóa học. Ông nhận định có lí rằng, tiếng Hà Nội là tiếng Việt được người Hà Nội sử dụng trong suốt tiến trình lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và phát triển Thăng Long - Hà Nội, ngày nay nó đã có một diện mạo mới, không còn là thổ ngữ của Vĩnh Thuận và Thọ Xương ngày xưa mà đã trở thành một thứ siêu phương ngữ không chỉ của vùng châu thổ sông Hồng, mà còn của cả Bắc Bộ và của cả ba miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam, là sự hội tụ của bốn phương, là tinh hoa của một nền văn hóa – văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
“Tạng người” của ông luôn gắn bó với đời sống dân dã, nên trong ông hình như vẫn có một góc riêng cho văn nghệ dân gian và cho thơ (GS Hoàng Văn Hành còn là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). Thơ ông viết không nhiều, song thơ ông giàu cảm xúc, có sự đan cài với những rung cảm của một con người đa cảm nên nhiều người trong làng Việt ngữ chúng tôi thường gọi ông là “nhà ngôn ngữ học có trái tim nhà thơ” (Phạm Văn Tình). Thơ Hoàng Văn Hành là những chiêm nghiệm cuộc đời, trong thơ, ông không nói về cá nhân mình mà hướng về mối quan hệ của con người với xã hội, với môi trường tự nhiên (bài Uống rượu dưới trăng thu): với người thân, tưởng nhớ Nguyễn Du, với cô gái Nga (bài Huyền thoại cây quỳnh cành giao, Trước mộ Nguyễn Du, Mắt xanh…). Bài Huyền thoại cây quỳnh cành giao là một bài thơ hay về ý tưởng (tình gắn bó của cây quỳnh cành giao hay là đây là tình gắn bó của đôi bạn tâm giao, tri kỉ) và về sự chăm chút của tác giả trong việc chọn từ: Quỳnh thương giao trụi thân cành; Động lòng trời kết thành đôi vĩnh hằng; Vắng quỳnh giao tủi đơn côi; Thiếu giao quỳnh thẹn đứng ngồi chông chênh… Bài thơ Trước mộ Nguyễn Du nói lên sự xúc động thật của ông khi đứng trước mộ Nguyễn Du, nhớ về đại thi hào thì không thể không nhớ đến nàng Kiều trong bối cảnh như họ đang hiện về dương thế trò chuyện cùng ông: Phải nàng Kiều đã về đây?/ Hay Nguyễn Du đó? Cho hay một lời! / Hỏi rồi, lòng những bồi hồi.../ Thầy trò ngơ ngẩn, đứng ngồi ngẩn ngơ.
Nhớ về Ông, trong lòng mỗi chúng tôi hôm nay hình ảnh Ông như vẫn còn đó - một con người dung dị, điềm đạm, một nhà ngôn ngữ học có nhiều đóng góp cho ngành Việt ngữ học nước nhà, một người anh, người bạn, người thầy hiền từ và rất đỗi yêu quý đối với tất cả những ai đã từng biết ông.
NGUYỄN XUÂN HÒA
|