Chiếm số lượng lớn trong thơ Cẩm Thạch là những bài thơ viết về thiên nhiên - nhất là thiên nhiên miền Tây xứ Nghệ - nơi chị đã gắn bó máu thịt một phần ba thế kỉ.
- Trôi miền Tây xanh trongThiên nhiên trong thơ Cẩm Thạch chứa chất biết bao kỷ niệm, chứa đựng những bồi hòi, bâng khuâng, rạo rực…,là những bức tranh đa dạng , phong phú, nhiều màu sắc, âm thanh, hương vị, những bức tranh vừa thơ mộng, huyền ảo, vừa thoáng đãng, trong trẻo, vừa sinh động, giàu sức sống:
Nghiêng bóng chiều bên suối
Nước chảy mòn bóng núi…
(Bồi hồi Xao va)
- Ngôi nhà gác núi cheo leo
Tiếng cồng chiêng, tiếng chim kêu gọi bầy
Rộn ràng một thoáng chiều Tây
Dùng dằng sương núi mây bay trắng trời
(Một thoáng chiều Tây)
Suốt hai mươi lăm năm kể từ ngày ra trường, ở tuổi đôi mươi, lên làm cô giáo dạy Văn ở miền sơn cước, một phần ba đời chị gắn với thiên nhiên như hình với bóng. Những tháng năm thơ mộng ấy cũng chính là ngọn nguồn của cảm xúc trong trái tim của nhà thơ - sơn nữ.
Với Cẩm Thạch, khoảng thời gian sống trong bóng lá mây ngàn là những lát cắt vừa êm ái vừa đầy trăn trở. Những gió núi, mưa rừng, trăng khuya, suối vắng… đã xoá nhoà nỗi u hoài, cô đơn vốn là một trong những đặc tính của nhà thơ - sơn nữ này để thắp lên trong trái tim chị những cảm xúc bùng cháy (Nhớ rừng, Thời gian, Nắng và trăng, Chung trăng, Tháng giêng, Hoa biên cương, Chợ vùng cao,…). Thiên nhiên đi vào thơ chị mang những nét mới, lấp lánh vẻ đẹp của những kỷ niệm một thời tuổi trẻ, của hi vọng, niềm tin và mơ ước, được thể hiện bằng nhiều cung bậc, giai điệu và sắc độ khác nhau, khi da diết “Như cơn mưa kín trời/ Nhớ anh buồn kín núi/ Thương anh đầy chín suối/ Theo lá rừng trôi xuôi” (Quê mình), lúc rộn ràng “Chim chuyền ríu rít ca vang/ Dăng dăng mây nhuộm non ngàn trời xanh” (Nhớ rừng), khi dâng hiến “Chỉ biết rằng em đến/ Cả tấm lòng cho anh/ Giữa trời cao lồng lộng/ Ngôi sao nào lung linh” (Cả tấm lòng cho anh), lúc khát khao tột cùng “Em muốn trái tim anh có tình yêu nồng cháy/ Thiêu em ngàn lần/ Trong ngọn lửa - tình anh” (Điều em muốn), lại có cái băn khoăn “Ngày vui em không đến/ Đâu phải vì cách xa” (Cả tấm lòng cho anh), cái khắc khoải “Đêm chợ tình lòng khao khát đợi/ Nên khuya về ngan ngát dạ hương bay” (Đến Sapa), cái thổn thức “Như không còn nghe tiếng suối/ Chỉ nghe tiếng đập con tim” (Trăng soi đáy nước), cái ước mơ “Muốn như làn mây trôi/ Bay về ngang núi/ Giọt sương đêm thầm gọi/ Hạt ngô mau nẩy mầm” (Lời nguyền), có cái đắm say “Giờ đi hương ngát cà phê/ Nắng thơm rừng biếc, ô che kín trời” (Miền nhớ), cái hối tiếc “Thương nhau đi đến cùng trời/ Mà chưa hiểu hết tình người, tình cây” (Miền nhớ), lại có cái triết lí “Ồn ào là lúc buồn tênh/ Dịu êm là lúc biết mình cô đơn” (Không đề), các non tơ, trẻ trung, tràn trề nhựa sống: “Ngực nhú vòm tơ vầng trăng khuyết/ Giếng trời sâu bằng đáy mắt trong/ Trái tim rực lửa sau lần áo/ Đất cằn cháy hạn đợi cơn giông” (Xuân mười sáu)… Có thể nói thiên nhiên vừa thấm đẫm, vừa bàng bạc trong mọi cung bậc cảm xúc của nữ thi sĩ. Chị xúc động trước cả những gì tưởng như nhỏ bé. Những tâm trạng ấy trong thơ chị khi bộc lộ, khi ẩn kín, khi hiện lên trên những dòng chữ, khi đằm xuống và ẩn vào bên trong và cũng có khi chỉ nhằm gợi lên một điều gì đó để người đọc tiếp tục chặng đường suy nghĩ.
Trong thơ Cẩm Thạch, vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên vừa giàu chất hiện thực, vừa có dấu ấn của một tâm hồn dồi dào cảm xúc. Với sự quan sát tinh tường và một trực giác nhạy bén trước vẻ đẹp ấy, chị đã đem đến cho người đọc sự quyến rũ lặng thầm mà mãnh liệt. Những xúc cảm tươi mới và nồng nàn trước thiên nhiên toát lên tâm hồn trẻ trung đang rạo rực trong ước mơ và khát vọng, làm cho những bức tranh thiên nhiên vừa hấp dẫn lại vừa có hồn. Cảnh vật như cũng biết chào đón, mời mọc và tình tứ:
Rừng cây vẫy chờ em
Rừng ca vang chào đón
Ngàn ánh mắt trừu mến
(Vui bếp lửa nhà sàn)
Đọc thơ Cẩm Thạch, người đọc có cảm giác chị chú ý tới thiên nhiên như một phút lặng, phút hồi tưởng, phút lãng quên mọi ưu tư, lo lắng trong nhịp sống vội vã, ồn ào của dòng chảy cuộc đời để hướng tới cái tinh khôi, thanh khiết, cái hoang sơ, trinh nguyên, cái trẻ trung, thanh tân… của thiên nhiên. Không chỉ quan sát, lắng nghe những âm thanh của thiên nhiên mà chị còn mở rộng tâm hồn mình để giao cảm với những khung cảnh gần gũi, mộc mạc của nó. Cái mới của chị ở đây là bằng cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên, Cẩm Thạch đã coi thiên nhiên như một sự phân thân của bản thân mình, đã hoá thân vào thiên nhiên, muốn ở các tư thế buông thả mình trong thiên nhiên, trong sự gần gũi với núi non, đất trời, sông biển, một cảm giác tìm thấy mình trong dòng chảy của tự nhiên, vừa chan hoà, vừa say sưa, vừa thư thái, bình yên:
Dầm mình trong nước trong
Lắng nghe thầm tiếng suối
Cây hương cải lên ngồng
(Nơi đất trời giao nhau)
Một điểm mới nữa của thơ Cẩm Thạch là theo cách nhìn của chị, thiên nhiên vẫn gửi được dấu ấn vĩnh cửu của sự bắt đầu: vẫn trẻ trung, náo nức, vẫn thơ mộng, tươi mới, vẫn quyến rũ…:
Trăng cứ lung linh đáy nước
Như ngàn mắt biếc soi gương
…Nhấp nhô trắng rải đầy đường
(Trăng soi đáy nước)
Ta cùng trăng dạo bước
Như đi vào động tiên
Chim rừng vui cùng thức
Hương rừng bay dịu êm
(Đêm rừng)
Thiên nhiên trong thơ Cẩm Thạch không đơn giản là một thiên nhiên tồn tại có vẻ khách quan mà trái lại, trong cảm nhận của chị, sự vĩnh cửu, trường tồn của thiên nhiên là chỗ dựa cho sự bình yên, là điểm tựa cho tâm hồn, là sự chở che. Đây cũng là cái mới của Cẩm Thạch:
Anh nằm đây trong lòng đất Trường Sơn
Gió đại ngàn thay lời ru của mẹ
Đàn voi rừng ngàn đời nay vẫn thế
Bên mồ anh canh giấc ngủ ngon lành
(Về Trường Sơn)
Điều đáng chú ý nữa là trong thơ Cẩm Thạch viết về thiên nhiên, hình ảnh ánh trăng xuất hiện với tần số cao (29 lần) và chị có riêng một tập thơ mang tên trăng (Thao thức trăng ngàn). Chị sử dụng dày đặc và có hiệu quả các tính từ chỉ màu sắc, tâm trạng, các động từ, từ láy, lối điệp ngữ, cách nhân hoá, so sánh tu từ… “Dòng Lam giang nghẹn ngào trôi chảy/ Râm bụt mừng hai mắt đỏ hoe” (Mưa miền Trung), cách nói của người miền núi được chị sử dụng đã gây được ấn tượng “Nhớ anh buồn kín núi/ Thương anh đầy chín suối” (Quê mình)… Thơ chị giàu nhạc tính, giàu chất trữ tình nên được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc (ít nhất đã có 70 bài thơ được phổ nhạc, hầu hết các bài hát này đều có nhịp , vừa phải, tình tứ, thân thương…).
Có thể nói thiên nhiên trong thơ Cẩm Thạch là một sinh thể sống động, hấp dẫn, có cấu trúc, không gian và thời gian riêng. Đó là biểu hiện ự phong phú, đa dạng, sinh động của cái tôi trữ tình trong thơ Cẩm Thạch. Vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Cẩm Thạch không chỉ vang bóng một thời mà còn tồn tại mãi mãi trong thế giới nghệ thuật… thơ Cẩm Thạch, trong tâm khảm người đọc cũng như trong lòng thời gian không ngừng xoay chuyển. Có thể nói, thiên nhiên là một trong những công cụ đắc lực để Cẩm Thạch nói lên sự xúc động mãnh liệt của trái tim mình trước cuộc đời.
Đoàn Mạnh Tiến
Ths giảng viên chính khoa văn trường Đại Học Vinh
Ban lý luận hội liên hiệp VHNT Nghệ An
Địa chỉ liên lạc: Số 9, ngõ 5, đường Phạm Kinh Vỹ, Vinh
ĐT: 01239961839
|