Thứ Sáu ngày 01/12/2017
(HNM) - Chúng tôi về thăm dòng sông Bạch Đằng lịch sử vào một chiều thu lộng gió, con sông vẫn rộng lớn, đỏ ngầu phù sa và đứng trên một bãi bồi nhô ra, có thể hình dung một vùng chiến địa hiểm yếu năm nào.
|
Khu di tích Bạch Đằng giang. |
Sông Bạch Đằng vốn là một chi lưu của sông Thái Bình, nằm giữa ranh giới Quảng Ninh và Hải Phòng. Sông ngắn nhưng là một trong những con sông sâu và hiểm trở nhất miền Bắc. Đứng ở bờ Bắc dòng sông, phía trung tâm thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh mà ngắm sông nước, những con thuyền nhỏ đánh cá chạy rầm rì, những bãi sú vẹt um tùm như một khu rừng nhỏ, tiếng sóng vỗ vào bờ ì oạp đều đều... Không gian rộng lớn ấy gợi cảm giác hồi hộp khi đứng trước bến bờ của lịch sử.
Ngay sát bờ sông Chanh, một chi lưu của sông Bạch Đằng là những hàng bán sò huyết, trai, hà, nghêu và hải sản trong vùng. Nếu không phải người nơi đây, ít ai biết rằng, con hà cồn là đặc sản của vùng vì mình to, ruột dầy và khi nấu canh chua sẽ có món ăn tuyệt hảo. Thị xã Quảng Yên nổi tiếng với những sản phẩm thủy, hải sản do ngư dân đánh bắt. Vào chợ Rừng giữa trung tâm thị xã, cơ man nào là mực, tôm, sò, cá, ốc… Chợ vùng sông nước bao giờ cũng toát lên vẻ đặc trưng ngay từ cửa chợ: Mùi của tôm, cua, cá, mực… và dáng lam lũ, tất bật của những người đánh cá, tiểu thương vội vã trên những xe hàng chở cá, tôm đến chợ cho kịp tươi ngon.
Thị xã Quảng Yên nằm bên bờ sông Bạch Đằng vốn là một đô thị cổ có lịch sử hơn trăm năm. Trước đây thị xã là trấn lỵ của trấn Yên Quảng thời Nguyễn, sau thành thủ phủ của tỉnh Quảng Yên, từng được chọn là nơi nghỉ dưỡng của người Pháp, sau lại hạ cấp thành thị trấn và mới được tái lập thành thị xã.
Mảnh đất trải qua nhiều thăng trầm này mang trong mình nhiều nét thú vị. Tôi đặc biệt chú ý đến Hồ Xuân Hương, vì nữ sĩ này đã có một thời gian sống ở đây khi bà lấy lẽ chồng là Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển, dưới thời vua Gia Long. Người ta vẫn lưu truyền rằng khi sống ở Quảng Yên, bà đã cùng chồng lên công đường xét án và thăm vịnh Hạ Long (ngày ấy mang tên là vũng Hoa Phong). Nữ sĩ đã làm một chùm năm bài thơ chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp của vịnh và là một trong những chùm thơ sớm nhất về thắng cảnh nổi tiếng này.
Quảng Yên vừa có nét cổ kính của một đô thị cổ, vừa có nét hiện đại, tươi mới của một đô thị mới đang chuyển mình. Những biệt thự người Pháp xây dựng vẫn còn giữ lại được khá nhiều, Dinh Công sứ Pháp có kiến trúc tương tự tòa Bắc Bộ phủ ở Hà Nội nhưng quy mô nhỏ hơn, giờ là trụ sở HĐND và UBND thị xã.
Dấu vết về một vùng chiến địa năm xưa vẫn còn lưu giữ khá nhiều. Trong thị xã Quảng Yên có hai cây lim cổ thụ mọc cạnh giếng Rừng. Theo các nhà khoa học, hai cây lim đã gần ngàn năm tuổi, trùng khớp thời gian chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Trần Quốc Tuấn rất có thể khi đó đã tận dụng cánh rừng lim ngay bên sông Bạch Đằng mà đóng cọc, dàn binh. Vùng đất này xưa kia vốn là một khu rừng lớn vì các địa danh vẫn còn lưu chữ “rừng” từ nguồn gốc của mình: Giếng Rừng, bến Rừng, chợ Rừng… Hai cây lim trải qua bao khắc nghiệt của thời gian và lịch sử, thân cành có chỗ khô mốc, rêu phong, tưởng chừng có lúc không trụ vững, nhưng giờ đây đã hồi sinh tươi tốt, tỏa bóng xuống hai cái giếng cổ nước lúc nào cũng mát lạnh và trong vắt.
Cũng không khó để tìm thấy dấu vết bãi cọc ngầm của trận chiến năm xưa. Ngay rìa bờ sông Bạch Đằng và các chi lưu, người ta đã tìm thấy những bãi cọc vẫn còn nguyên vẹn. Những cái cọc to, chắc chắn nhất đã được đưa về bảo tàng quốc gia và tỉnh. Bảo tàng thị xã Quảng Yên cũng trưng bày một số cọc lim tiêu biểu và một số cọc nhỏ hơn vẫn nằm giữa bãi sông, vào những ngày triều rút có thể nhìn thấy những đầu cọc nhờ nhờ dưới nước.
Trong thị xã Quảng Yên, người ta thường hay kể về một bà hàng nước ngồi bên gốc cây quếch ở bến sông. Người đàn bà này đã mách bảo Trần Quốc Tuấn về quy luật lên, xuống của thủy triều để ông bố trí dẫn dụ giặc vào bãi cọc. Giặc tan, khi Trần Quốc Tuấn quay lại để cảm tạ thì không thấy bà đâu, gốc cây nơi bà hàng nước ngồi, mối đùn lên đống lớn. Trần Quốc Tuấn đã cho lập miếu để tưởng nhớ người có công giúp nước, dân quanh vùng gọi là miếu Vua Bà. Trải qua gần ngàn năm, gốc quếch bên bến sông vẫn còn, thân cây quá già, đã mục ruỗng nhiều nhưng vẫn còn những đoạn chồi non xanh tốt. Quan sát địa thế nơi này thì thấy có một luồng sông ăn sâu vào bờ, gần sát gốc quếch cổ thụ năm xưa.
Qua cầu sông Chanh là vào vùng Hà Nam của thị xã Quảng Yên. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và dân gian truyền lại thì vùng đảo này chính là nơi diễn ra những trận giao tranh ác liệt nhất của trận Bạch Đằng năm 1288. Ngồi một quán nước hỏi thăm thì được một cụ già phơ phơ tóc trắng đọc cho câu ca: Bạch Đằng giang là sông cửa ải/Tổng Hà Nam là bãi chiến trường. Về thực hình có thể dễ dàng nhận ra tổng Hà Nam xưa kia, giờ là các phường, xã của thị xã Quảng Yên ngày nay có mặt bằng khá thấp và trong khu đảo có rất nhiều các nhánh sông, kênh rạch nhỏ. Khi trận chiến diễn ra trên sông thì vùng này rất thuận tiện cho việc ém quân, giấu thuyền hoặc chuyên chở lương thực, vũ khí. Khi giặc Nguyên Mông bị đánh rát quá ở giữa sông, chúng chạy lên bờ bãi nhiều lau sậy tìm cách thoát thân, nhưng nơi đó quân ta đã phục kích đợi sẵn.
Khu vực đảo Hà Nam cũng là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, nhiều di tích lịch sử văn hóa nhất tỉnh Quảng Ninh. Đi trên vùng đảo, chốc chốc lại gặp một mái đình hay một ngôi miếu cổ. Một số làng trên đảo đã tôn Trần Quốc Tuấn là thành hoàng làng, càng minh chứng cho vùng chiến địa này. Đặc biệt ở đình làng Trung Bản có một pho tượng gỗ tạc Trần Quốc Tuấn đầy vẻ phiêu bồng, oai dũng và đã được nhiều nơi mang về làm mẫu. Đình Phong Cốc, nằm trên phường Phong Cốc cũng là một trong những ngôi đình cổ nhất và đẹp nhất của miền Bắc còn lại. Mái đình cổ thấp tè, những hàng cột bằng gỗ lim một người ôm không xuể đã bóng nước thời gian, sân đình lát đá xanh với một chợ quê họp ngay gần đó, tạo không gian vừa cổ kính, vừa dân dã của một vùng đất cổ.
Dân vùng đảo Hà Nam chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản và nông nghiệp. Tương truyền sau chiến thắng Bạch Đằng, nhiều chiến binh xin chủ tướng ở lại vùng này để lập nghiệp vì đất đai màu mỡ, cá tôm đầy sẵn. Còn giờ đây, Quảng Yên nổi tiếng là vùng trồng rau sạch với những ruộng su hào, bắp cải, cải thảo, cà chua… xanh tốt. Quảng Yên đang phấn đấu trở thành thủ phủ rau sạch của Quảng Ninh.
Trong không khí bồi hồi của một chiều thu, vừa đón gió sông Bạch Đằng mát rượi, vừa ngồi trong một cái quán nhỏ thưởng thức bát canh hà nấu chua, con điệp nướng dân dã, gắp đĩa rau sạch mà thêm yêu, thêm quý mảnh đất chiến địa lịch sử này.
Bình Nguyên
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/884334/ve-tham-chien-dia-bach-dang
|