Ông Cửu Thiện ở làng Hữu Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vốn tự đắc là người thông thái, nhiều chữ nghĩa điển tích. Nghe tin bên Nam Đàn có Phan Bội Châu nổi tiếng hay chữ liền tìm đến… thử tài.
Khăn gói trên vai, ông đến vùng này đúng một đêm hát phường vải, có Xứ San (Phan Bội Châu) tham dự. Cửu Thiện vào cuộc giữa sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Thường tình thì phường bạn người ta thường quen nhau, nếu có mời “thày dùi” nào thì sớm muộn đã có tin thóc mách. Đằng này, Cửu Thiện từ dáng người đến giọng nói đều khá xa lạ. Phe nữ liền hát ngay một câu:
Tối tăm biết trúc là mai
Biết đào là liễu, biết ai mà chào!
Thế nghĩa là người ta phải đòi hỏi xưng danh trước đã. Có lẽ cũng đúng vào bàn ý của Cửu Thiện. Ông đã có sự chuẩn bị trước để đối phó với tình huống này, mà phải đối phó một cách hiên ngang, vừa tự giới thiệu mình, vừa dồn đối phương vào chỗ bí. Cửu Thiện tự đắc hát lên:
Đào nguyên một giải thanh thanh
Tiền triều đã định, liên thành còn in.
Nói cái gì lạ vậy? Câu hát tả cảnh? Câu hát bâng quơ? Không có lẽ! Các bạn phường vải tất nhiên là ngơ ngác, mà các thầy nho sĩ tham dự đêm hôm ấy cũng lúng túng, ngỡ ngàng. Mọi người dồn cả vào cậu Xứ San cũng đang suy nghĩ. Im lặng kéo dài! Đột nhiên cậu Xứ mỉm cười gật đầu, rồi khẽ lẩm nhẩm câu thơ bên tai một chị vẫn nổi danh tốt giọng. Chị bạn hào hứng hát lên:
Hương Sơn là chốn quê nhà
Phải tên danh Bích có là đúng chăng?
Ngồi phía bên kia Cửu Thiện đang ung dung châm mồi thuốc, khoan khoái đợi chờ thắng lợi của mình trước sự “bí” của giới phường vải Nam Đàn, bỗng giật mình, cái điếu cày đang cầm tay rơi phịch xuống sân. Rồi bất chấp cả quy tắc, lề lối đêm hát, ông reo lên: Bái phục! Bái phục!
Thì ra mặc dù câu hát của ông đã dụng ý đặt một cách… uyên bác, dùng điển tích sâu xa, lấy tài liệu ở riêng địa phương mình, người ngoài khó lòng hiểu được, thế mà Phan Bội Châu vẫn luận ra, chỉ trong chốc lát. Đào Nguyên là một tên gọi khác của sông Ngàn Phố, thuộc huyện Hương Sơn. Tiên Triều cũng là một địa danh cũ. Nếu không đọc các sách huyện chí địa phương thì không thể nào biết được. Lại còn chữ “liên thành”. Dụng ý Cửu Thiện là mượn chữ trong “liên thành vi bích” (ngọc bích là ngọc liên thành). Phan Bội Châu vạch đúng thành ngữ ấy, lại dùng chữ tên “danh Bích” cũng có ý xách mé đôi chút. Đúng đó là tên trong sổ bộ của Cửu Thiện.
Ông Xứ San hây chữ nhất nước! Điều đó quả thực hôm nay Cửu Thiện mới được chứng kiến rõ ràng. Cả đám phường vải, làng văn làng nho Nam Đàn lâu nay vẫn biết thế rồi, mà đến bây giờ lại càng tự hào thêm vì người đồng hương của họ. Nghe nói, tiếp đó, Cửu Thiện đã nài nỉ xin gặp cho được Phan Bội Châu để trò chuyện, hỏi han suốt đêm cho bõ lòng khao khát.
(Theo Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng Giai thoại VN)