TTO - Sau Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, thêm một tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel 2015 Svetlana Alexievich vừa được NXB Phụ Nữ giới thiệu đến độc giả VN: Lời nguyện cầu từ Chernobyl.
|
Dịch giả Nguyễn Bích Lan - Ảnh: M.LÂM |
Thế giới sách kỳ này có cuộc trò chuyện ngắn với dịch giả của cuốn sách Nguyễn Bích Lan.
* Là dịch giả của hơn 30 đầu sách các loại, có vẻ như Lời nguyện cầu từ Chernobyl không phải là một chọn lựa dễ dàng. Lý do gì để chị mặn mà với một câu chuyện về thảm họa đến thế?
- Kể từ ngày 26-4-1986, ngày xảy ra vụ nổ lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cái tên Chernobyl đã trở thành nỗi ám ảnh lớn của nhân loại.
Cũng giống như những barie cách ly khu vực nhiễm phóng xạ được thiết lập ngay sau đó, nỗi sợ hãi, bàng hoàng và những rào cản khác đã khiến sự thật về thảm họa này hầu như khép chặt trước thế giới bên ngoài.
Nhưng điều bí ẩn cần phải được giải mã và quá khứ luôn chứa đựng những bài học mà chúng ta cần tiếp thu để đi đến tương lai một cách an toàn và sáng suốt. Tôi tìm thấy điều đó khi đọc sách và hứng thú khi dịch.
Cuốn sách về sự thật ở Chernobyl này sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin hữu ích, nhiều bài học quý giá. Nó là một trong những tác phẩm chính giúp mang về cho tác giả Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương năm 2015.
* Những cuộc phỏng vấn mà Svetlana Alexievich thực hiện với hơn 500 người Belarus liệu có đủ để làm nên một tác phẩm lớn về thảm họa Chernobyl hay không?
- Tác giả Svetlana Alexievich nguyên là một nhà báo và là một người con của Belarus, đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Như một tế bào trong cơ thể bị tổn thương, bà đã cảm nhận một cách sâu sắc sự thay đổi vĩnh viễn cũng như những mất mát không thể bù đắp nổi trên quê hương mình kể từ khi xảy ra thảm họa nói trên.
Mười năm sau thảm họa, khi mà khả năng nhiễm xạ vẫn còn đe dọa bất cứ ai đặt chân đến vùng Chernobyl, Svetlana Alexievich có mặt ở nơi chết chóc đó.
500 nhân vật mà tác giả gặp gỡ và trò chuyện là những người đại diện cho hơn 300.000 quân nhân trực tiếp làm công việc khắc phục hậu quả của thảm họa.
Svetlana Alexievich cho tôi thấy rằng bản thân cuộc sống có những chất liệu giàu tính văn chương, nhưng phát hiện ra những chất liệu đó bằng sự tinh nhạy, chắt lọc chúng một cách khoa học và hiệu quả, chia sẻ chúng với số đông một cách cuốn hút, hữu ích và nhân văn là điều mà chỉ những tài năng lớn mới có thể làm được.
* Tài năng của tác giả đã được khẳng định với Nobel văn học, còn với riêng dịch giả, điều gì trong cuốn sách này gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị?
- Tôi đánh giá cao ý thức trách nhiệm và sự dấn thân của Svetlana Alexievich khi bà quyết tâm dựng lại bức tranh về thảm họa Chernobyl bằng ngôn từ. Để không chỉ chia sẻ với đồng bào mình những mất mát, những nỗi đau âm thầm mà còn gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với các công dân trên trái đất này, nơi mà bất cứ phát minh kỳ diệu và vĩ đại nào của khoa học và công nghệ cũng có thể kéo theo những thảm họa vượt ngoài sức hiểu và khả năng kiểm soát của con người.
Tôi cũng cực kỳ ấn tượng với cách bà đặt sự trung thực và tính khách quan lên vị trí cao nhất khi xây dựng một tác phẩm phi hư cấu đầy chất liệu lịch sử nhưng không bỏ qua những gì là nền tảng tạo nên tâm hồn Nga, tính cách Nga, và cao hơn nữa là tính nhân văn.
|
Cuốn sách được tờ Publishers Weekly nhận xét: "... Một cuộc chiếu X-quang tâm hồn Nga" - Ảnh: M.LÂM |
Lời nguyện cầu từ Chernobyl là tác phẩm của riêng Svetlana Alexievich và cũng là một cuốn nhật ký hiếm hoi của người Belarus về thảm họa hạt nhân xảy ra trên mảnh đất thân yêu của họ.
Những gì được viết trong cuốn sách này trung thành một cách đáng trân trọng với lịch sử của một góc địa cầu đã bị coi là vùng đất chết, một thế giới bị cách ly ngay trong lòng thế giới này.
NGUYỄN BÍCH LAN
|
ẨN LAN thực hiện
Nguồn tuoitre.vn
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20161027/cuon-nhat-ky-hiem-hoi-ve-tham-hoa-hat-nhan-chernobyl/1195492.html
|