Thứ Năm ngày 09/06/2016
(HNM) - Mặc dù theo dự báo, ngoài khơi biển động do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhưng chuyến tàu KN 490 ra thăm Trường Sa vẫn xuất phát đúng kế hoạch mang theo ăm ắp những háo hức, mong chờ được tận mắt thấy, được hít thở bầu không khí và đặt chân lên các hòn đảo nơi trùng khơi.
|
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên đảo. |
Tâm trạng ấy, tình cảm ấy hòa chung ở cả người đến lần đầu, lần thứ hai, cũng như người đã đến nhiều lần... Khát vọng ấy không phải chỉ của tôi, của các thành viên trong đoàn công tác trên chuyến tàu KN 490 mà hẳn là của bất kỳ người dân Việt Nam nào, sinh sống ở trong nước hay ở nước ngoài. Điều đáng mừng, đáng tự hào là Trường Sa hôm nay đã thay da đổi thịt rất nhiều, đã rõ hình hài đầy sức sống trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Đảo Sinh Tồn, hình ảnh đầu tiên mà bất kỳ ai trong chúng tôi bước chân lên cũng dễ dàng nhận thấy, đó là cột mốc chủ quyền thiêng liêng và người lính nghiêm trang bồng súng đứng gác với khuôn mặt bừng lên trong nắng biển, trẻ trung và rắn rỏi. Sinh Tồn là một trong nhiều đảo ở Trường Sa không có nước ngọt. Sinh hoạt của quân và dân trên đảo chủ yếu dùng nước mưa chứa ở các bể. Đảo nằm trên nền san hô ngập nước. Khi thủy triều xuống, nền san hô nhô cao trên mặt nước từ 0,2 đến 0,4m. Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát.
Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng với nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ, quân và dân đảo Sinh Tồn đã phát triển được thảm thực vật đặc thù và phong phú như phi lao, bàng thường, bàng vuông, nhàu, phong ba, muống biển... Thậm chí, gần đây có cả một số loài cây ăn trái, rau xanh mà trước kia vốn chỉ sinh trưởng ở đất liền. Cây xanh ở đảo trưởng thành và đầy sức sống trong nắng gió Biển Đông. Bất cứ ai đi trên đảo Sinh Tồn hôm nay, đều cảm giác như đi giữa một vùng quê Việt Nam thuần hậu, yên hòa, có bóng cây, có bóng nắng, có tiếng chim gù thương mến và xao xác tiếng gà gáy trưa...
Chùa ở Sinh Tồn được xây dựng ở một vị trí đẹp của đảo. Chùa nằm giáp với khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa điển hình ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh không thể thiếu của nhân dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt xa bờ. Ngoài không gian thờ tự, nơi đây còn đặt trang trọng tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong vụ đụng độ ở Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) năm 1988. Hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên đảo đến thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chị Phạm Thị Thương cùng gia đình ra đảo sinh sống từ năm 2013 nói: Những người dân sống trên đảo Sinh Tồn, mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, cảm thấy ấm lòng hơn và đất liền như gần với mình hơn.
Trường Sa không còn là những doi đất nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển cả; nơi chỉ có sóng gió, bão dông mà trở nên thân quen, gũi gần như một dải đất liền, như một làng chài của ngư dân ven biển. Bởi ở đó, cuộc sống đang sinh sôi, ngọt ngào cây trái, trong trẻo tiếng cười của trẻ thơ và nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ trẻ… Và điều mà lãnh đạo xã đảo Sinh Tồn, cũng như thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây hết sức quan tâm là việc học hành của con em nhân dân trên các đảo. Hiện các trường học trên đảo chỉ dạy học cho các cháu đến hết tiểu học, sau đó các cháu sẽ vào đất liền học tiếp. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ, tình nguyện ra đảo Sinh Tồn đã được 3 năm, nói với chúng tôi: Trường Tiểu học Sinh Tồn có 7 học sinh, được chia làm hai lớp. Lớp mẫu giáo và lớp tiểu học. Do lớp học ghép nên cả thầy lẫn trò luôn phải cố gắng khắc phục khó khăn. Cả hai cấp học đều học ngày hai buổi, sáng học chính khóa, trưa phụ huynh đón các con về nhà, chiều lên lớp ôn tập bài. Sau khi kết thúc tiểu học, các em được đưa về đất liền để học tiếp THCS.
Đến các đảo ở quần đảo Trường Sa, vui nhất là được thấy trẻ con xúng xính sắc phục hải quân lon ton theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ, hớn hở đi đón đoàn từ đất liền ra thăm. Trong số đó, có những cháu sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, có những cháu chào đời trên đảo. Trong năm 2015, đã có hai công dân sinh ra trên đảo là cháu trai Nguyễn Gia Khanh - con anh Nguyễn Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Kim Loan, ở xã đảo Sinh Tồn; cháu trai Thái Bình Hải Thùy - con anh Thái Nhật Trường và chị Nguyễn Bình Phương Ái, ở thị trấn Trường Sa. Cầm trên tay nâng niu và ngắm nghía tấm giấy khai sinh của cháu Thái Bình Hải Thùy, tôi cứ bâng khuâng cảm động. Chị Nguyễn Bình Phương Ái nói, sở dĩ đặt tên con như vậy là mong cháu lớn lên sẽ nối tiếp truyền thống anh dũng kiên cường của những người lính biển và dân đảo Trường Sa, góp phần nhỏ bé giữ gìn sự bình yên cho biển đảo thiêng liêng.
Trường Sa càng thêm gần hơn khi nơi đây đã có bưu điện để cho người dân trên đảo và đất liền thông tin cho nhau nhiều hơn, thời gian gửi và nhận thư sẽ ngắn hơn, việc kết nối yêu thương sẽ sâu nặng, đậm đà hơn. Và trong Đoàn công tác số 15 đến thăm quân dân trên các đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này, phần đông là cán bộ, công nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vấn đề bảo đảm điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở quần đảo Trường Sa đã được triển khai bằng nhiều giải pháp như xem xét, lắp đặt và kiểm tra hệ thống, thiết bị... để có hướng giải quyết. Hệ thống điện ở Trường Sa đã được xây dựng là phong điện và điện mặt trời.
Với số ngày nắng trên đảo khá nhiều, khoảng 300 ngày/năm, lại chịu sự chi phối của 3 đới gió mùa Đông bắc, Đông nam và Tây bắc nên gió quanh năm sẽ là nguồn năng lượng sạch cho Trường Sa. Như vậy, vấn đề để ổn định cung cấp điện chỉ còn là đào tạo cán bộ vận hành cho các đảo và duy tu bảo dưỡng định kỳ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận hệ thống nguồn điện hiện có, bảo đảm vận hành và cung cấp điện đáp ứng nhu cầu trên các đảo.
(Còn nữa)
Thanh Mai
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/836889/truong-sa-hom-nay
|