Triệu Lam Châu: Nhân kỷ niệm 126 năm (19/5/1890 - 19/5/2016) ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, BBT Báo Người xứ Nghệ Kiev đăng lại bài giới thiệu của nhà thơ Triệu Lam Châu cho tập thơ dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh “Xéec mai chang rườn xăng”. Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc – 2009, Triệu Lam Châu dịch sang thơ lục bát Việt và lục bát Tày.
Bài này đã được đọc tại Đại hội Nhà văn Việt Nam - cơ sở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ngày 13 tháng 6 năm 2010, tổ chức tại Đà Nẵng.
Và đã in trong Tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam, số tháng 8 năm 2010.
Tập thơ dịch lục bát Việt và lục bát Tày Nhật ký trong tù “Xéec mai chang rườn xăng” đã vinh dự được Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phú Yên năm năm (2006 – 2010)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản quốc tế, được nhân dân ta và bạn bè thế giới gọi với một cái tên tôn kính: Bác Hồ. Không những là nhà cách mạng vĩ đại, Bác Hồ còn là một nhà văn hoá lớn. Một trong những di sản quý báu Người để lại cho chúng ta là tập thơ Nhật ký trong tù. Bác sáng tác tập thơ này trong thời gian bị bọn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch: Cầm tù từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943 ở Quảng Tây – Trung Quốc.
Tập thơ toát lên ý chí sắt đá, tinh thần lạc quan cách mạng của một Người cộng sản vĩ đại, yêu nước thương dân.
Nhật ký trong tù được Bác Hồ sáng tác bằng chữ Hán, gồm 133 bài thơ. Năm 1960 Viện Văn học dịch ra quốc ngữ. Sau đó Nhật ký trong tù được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông và đại học.
Tôi là người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Từ thời học cấp ba phổ thông (1967 – 1970), qua các giờ giảng văn và giọng nói Hà Nội trong sáng , đầy truyền cảm của thầy Đỗ Huy Quang, tôi vô cùng thấm thía cái hay cái đẹp của thơ Hồ Chí Minh, nhất là những vần thơ chứa chan tình cảm lãng mạn cách mạng của Người:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa, ngắm nhà thơ…
(Nam Trân – dịch)
Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi, tâm hồn đẫm chất núi rừng hùng vĩ. Vì vậy những bài trong Nhật ký trong tù, có liên quan đến hình bóng sông suối, núi rừng – đều gợi cho chúng tôi cảm thấy hết sức gần gũi và thiêng liêng vô hạn:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa…
(Nam Trân – dịch)
Đặc biệt khi biết tác giả của những vần thơ thép và lồng lộng tình người ấy là cụ Hồ (người dân miền núi vẫn thường kính cẩn gọi Người như vậy trong trái tim mình) – thì chúng tôi lại càng cảm thấy: Cần sống theo gương sống của cụ Hồ, học tập và rèn luyện tinh thần vượt khó khăn gian khổ theo phong cách của cụ Hồ:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
(Nam Trân – dịch)
Vì rất yêu thơ Bác Hồ, nên từ năm 1970 tôi đã manh nha ý muốn dịch thơ của Người ra tiếng Tày. Thực tế cho thấy trong các cuộc bàn luận về thơ Hồ Chí Minh, chúng tôi chỉ nói với nhau bằng tiếng Tày, nhưng khi trích dẫn thơ Người để minh hoạ cho một luận điểm nào đó, thì chỉ trích dẫn thơ tiếng Việt thôi. Bởi vì thơ Bác Hồ chưa được dịch ra tiếng Tày. Vì vậy cái hay cái đẹp của thơ Bác Hồ chưa đến được tâm hồn bà con người Tày một cách trọn vẹn, bởi rào cản của ngôn ngữ. Nếu dịch thành công thơ Hồ Chí Minh ra tiếng Tày, có nghĩa là thơ Bác Hồ sẽ đến được tâm hồn của nhiều dân tộc thiểu số ở miền Việt Bắc một cách trọn vẹn, bởi vì tiếng Tày gần như được dùng rộng rãi ở vùng này.
Năm 2000 kỷ niệm 110 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi bắt tay vào việc dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” ra tiếng Tày. Lúc đầu tôi phân vân: Nên chọn thể thơ nào để dịch đây. Các tác phẩm thơ truyền thống của người Tày chủ yếu là thơ bảy chữ vần lưng. Thể thơ này rất thuận lợi cho việc hát then theo nhạc đàn tính. Hình thức hát xướng này được đồng bào Tày rất ngưỡng mộ và trân trọng lưu giữ từ ngàn xưa. Dịch theo thể thất ngôn tứ tuyệt, thì chỉ phù hợp với giới trí thức Tày mà thôi, bởi vì họ có dịp tiếp xúc với văn chương bác học. Còn bà con vùng sâu vùng xa, nghe thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt, thì cảm thấy “Rậm tai” (không thuận tai). Tôi quyết định không dịch thơ Bác theo thể thất ngôn tứ tuyệt nữa, mà cũng không muốn dịch theo thể thơ bảy chữ nữa, vì cảm thấy nó mòn cũ…
Nội dung cách mạng trong Nhật ký trong tù là rất mới và rất lạ đối với văn học Tày. Vì vậy tôi không muốn dùng thể thơ cũ của người Tày để dịch tác phẩm này. Ý muốn của tôi là: Nội dung mới phải được thể hiện trong thể thơ mới, thì hay nhất.
Qua khảo sát thực tế ở các bản làng vùng sâu vùng xa của người Tày, tôi thấy bà con rất thích thể thơ lục bát của người Kinh. Ngôn ngữ Tày có năm thanh điệu và không đến nỗi thiếu sự bay bổng lãng mạn về mặt ngữ âm. Tiếng Tày có các dấu: hỏi, sắc, nặng, huyền và không dấu. So với tiếng Kinh, thì tiếng Tày thiếu mỗi dấu ngã mà thôi. Cuối cùng tôi quyết định dịch Nhật ký trong tù ra tiếng Tày theo thể thơ lục bát. Vậy là nó đảm bảo tiêu chí cho bản dịch là vừa mới về nội dung và mới về hình thức biểu hiện (thể thơ lục bát) đối với người Tày.
Tiếng Việt là tiếng phổ thông cho toàn thể các dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam thông nhất. Do vậy tôi nghĩ khi phát hành tập thơ dịch tiếng Tày Nhật ký trong tù, cũng cần phải in phần tiếng Việt của thơ Bác. Vậy nếu phần thơ tiếng Việt mà vẫn dùng các bản dịch cũ (dẫu dịch rất hay và rất chuẩn) theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thì khi đọc sang tiếng Tày lại theo thể lục bát – quả là tâm hồn cảm thấy một điều gì đó không liền mạch, hụt hẫng và chơi vơi…
Tôi từng thưởng thức nhiều bài thơ Việt và bài thơ Tày, nên nhận biết điều đó từ lâu. Tôi không muốn bà con người Tày vấp phải sự hụt hẫng ấy khi đọc thơ của Bác Hồ vĩ đại. Vậy thì phải làm sao đây? Thật là nan giải. Dịch lại Nhật ký trong tù từ tiếng Hán ra tiếng Việt ư? Các bậc tiền bối đã dịch rất chuẩn và rất hay rồi cơ mà.
Song tôi lại nhớ tới lời dạy của bác Hồ đối với văn nghệ sĩ: Việt cho ai? Viết cái gì? Và viết như thế nào?
Ồ, thế thì, mục đích của tôi dịch Nhật ký trong tù, là để phục vụ cho bà con người Tày ở vùng sâu vùng xa cơ mà. Còn ngại ngần gì nữa. Vậy là tôi dịch Nhật ký trong tù theo thể thơ lục bát ra tiếng Việt và lục bát tiếng Tày.
Nguyên tắc dịch của tôi là cố gắng chuyển được CÁI THẦN của bài thơ sang ngôn ngữ mới, không quá câu nệ vào câu chữ trong nguyên bản.
Thí dụ, lúc đầu tôi dịch “Trăng nhòm khe cửa, ngắm VẦNG thi nhân”. Câu này không phù hợp với đức tính khiêm tốn của Bác. Tôi sửa lại “Trăng nhòm khe cửa, ngắm LÒNG thi nhân”. Trăng là tri kỷ tinh thần của Bác Hồ. Rồi tôi dịch “Trông trời Nam, lại nhớ người bạn xưa”. Dịch thế không ổn, vì nó không thể hiện được tình cảm sâu xa của Bác đối với Tổ Quốc.. Và tôi dịch lại như sau “Trông trời Nam THẲM, nhớ người bạn xưa”.
Xin trích dẫn ra đây ba bài cụ thể Triệu Lam Châu tôi dịch lại theo thể thơ lục bát như sau:
NGẮM TRĂNG
Trong tù không rượu, không hoa
Đêm nay cảnh đẹp, hững hờ được chăng
Người chiêm ngưỡng nguyệt ngoài song
Trăng nhòm khe cửa, ngắm lòng thi nhân.
NGHE TIẾNG GIÃ GẠO
Gạo đem vào giã đớn đau
Giã xong rồi, gạo trắng màu tựa bông
Ở đời, người cũng vậy chăng
Gian nan, rèn luyện mới thành ngọc trong.
MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
Mây ôm núi, núi ôm mây
Không mờ chút bụi, sông đầy sáng tươi
Non Tây bước một bồi hồi
Trông trời Nam thẳm, nhớ người bạn xưa.
Tôi dịch Nhật ký trong tù để tỏ lòng tôn kính của mình đối với Hồ Chủ tịch. Và mong muốn phổ biến đến đồng bào Tày – Nùng một tác phẩm văn học tuyệt tác, một tinh thần lạc quan cách mạng của Người cộng sản Hồ Chí Minh.
Tập thơ dịch tiếng Tày Nhật ký trong tù (Xeéc mai chang rườn xăng) của Hồ Chí Minh, đã được Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc ấn hàng quý 2 năm 2009. Chất lượng bản dịch ra sao, mong bạn đọc vui lòng đánh giá.
Song đã có những tín hiệu đón nhận ban đầu thật nồng nhiệt đối với bản dịch tiếng Tày tác phẩm Nhật ký trong tù. Cụ thể Nhà thơ Tày Dương Sách ở xã Đức Long, Hoà An, Cao Bằng cho biết: Câu lạc bộ thơ của xã đã tổ chức ngâm một số bài thơ lục bát tiếng Việt và lục bát tiếng Tày ( trong tập Nhật ký trong tù) trong Đêm thơ xuân truyền thống của mình dịp đầu xuân năm 2010 vừa qua.
Cô giáo Bế Thị Hồng ở Trường phổ thông cơ sở Thị Xuân, Đa Thông, Thông Nông, Cao Bằng cho biết: Các thầy cô giáo nơi đây rất tâm đắc bản dịch tiếng Tày tác phẩm Nhật ký trong tù của Bác Hồ và đề nghị dịch giả gửi cho Trường nhiều cuốn nữa. Cô giáo Chu Thuý Cảnh ở Trường phổ thông cơ sở xã Ngũ Lão, Hoà An, Cao Bằng cũng cho biết: Một số cuốn thơ dịch tiếng Tày Nhật ký trong tù, do dịch giả tặng, Đảng Uỷ các xã Ngũ Lão, Bình Long, trân trọng đưa vào phòng lưu niệm của xã. Một số cuốn khác, cô giáo Cảnh chưa kịp chuyển tới bạn bè theo yêu cầu của dịch giả, đã không cánh mà bay, không tìm lại được. Nhận được tin này từ cô giáo Cảnh, dịch giả cũng vừa buồn lại vừa vui…
Nhân kỷ niệm 120 ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi xin có vài lời tâm sự nôm na như vậy, để chúng ta cùng thấm sâu thêm tầm tư tưởng và hồn thơ lồng lộng của Người.
Kính mong sự đồng cảm của bạn đọc gần xa.
Tuy Hoà, sáng 2 tháng 5 năm 2010
Triệu Lam Châu
trieulamchau@gmail.com
TRÍCH MỘT SỐ BẢN DỊCH THƠ CỦA TRIỆU LAM CHÂU
TỪ TẬP NHẬT KÝ TRONG TÙ (HỒ CHÍ MINH)
Bản dịch thơ tiếng việt:
ĐƯỜNG ĐỜI HIỂM TRỞ
I
Đi qua khắp núi đèo cao
Ngờ đâu đường phẳng lao đao khôn cùng
Bình an, gặp hổ giữa rừng
Gặp người đường phẳng, bị còng tống giam.
II
Ta là đại biểu Việt Nam
Đến Trung Hoa để hội đàm việc công
Đâu hay sóng gió bão bùng
Phải làm “khách quý” nằm trong lao tù.
III
Thẳng ngay, trong trắng lòng ta
Thế mà lại bị nghi là Hán gian
Từ xưa, xử thế khó khăn
Mà nay, xử thế gian nan hơn nhiều.
Bản dịch thơ tiếng Tày:
T’ÀNG T’ỞI D’AU NẢN
I
Pặt pây khoóp khuổi, khau ghèng
Ngở t’ầư thúc nản t’àng phjêng lai nò
Pình an, đông lẩc hăn slưa
T’àng phjêng phúng lỉnh, mẻn mừa rườn xăng.
II
Hây, gần tang nả Việt Nam
Thâng Trung Hoa, poóc p’joọm àn viểc công
Bấu thjên voòng cải lồm luông
Mẻn p’ần “tản bắt” nòn chang chắp gồm.
III
Hây chăn lạo slặt, slâư slăm
Nhoòng lăng mẻn ngở lẻ gần Hác chan
Tẳm t’ầư, hảng tó khỏ fàn
Cứ này hảng tó lai mòn nắc them.
Bản dịch thơ tiếng Việt:
HỌC ĐÁNH CỜ
I
Tù đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã cứ hoài đuổi nhau
Tấn công, thoái thủ thật mau
Ai chân lanh lẹ, tài cao, thắng người.
II
Phải nhìn cho kỹ, rộng dài
Phải kiên quyết, phải liên hồi tấn công
Hai xe bỏ, lúc lạc đường
Gặp thời, một tốt thành công ngay mà.
III
Ngang nhau thế lực hai phe
Mà sau thắng lợi thu về một bên
Tấn công, phòng thủ cho bền
Mang danh đại tướng xứng tên anh hùng.
Bản dịch thơ tiếng Tày:
SLON TỨC CỚ
I
Mẻn xăng, báy cớ tức dồm
Bân binh vản mạ cử lầng t’jẻp căn
Khửn kheng, thân t’jẻo khoái mjàng
Cầư kha khoái nẩư, quai quang, xẹ hình.
II
Mẻn ngòi quảng, cậy cà rình
Lồng slim khửn bảt mạ, lầng khửn kheng
Sloong xe lôm, p’ửa lông t’àng
Rổp slì, tốt t’oỏc tó p’ần công đeng.
II
Đú t’ầu sloong bưởng phjêng rèng
Lăng mà lẻ p’ạng đeo cheng ăn hềnh
Dửc hen bấu loắng, khửn kheng
Hất gần pan tưởng tảy ten tảm tài.
Bản dịch thơ tiếng Việt:
NGẮM TRĂNG
Trong tù không rượu, không hoa
Đêm nay cảnh đẹp, hững hờ được chăng
Người chiêm ngưỡng nguyệt ngoài song
Trăng nhòm khe cửa, ngắm lòng thi nhân.
Bản dịch thơ tiếng Tày:
DỒM HAI
Rườn xăng bấu lẩu, bấu va
D’ưởng đây gẳm nẩy, thúc gò slăm phông
Gần dồm noỏc táng hai lương
Hai ngòi rẻp, pjếm slăm rường slấy sli.
Bản dịch thơ tiếng Việt:
MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
Mây ôm núi, núi ôm mây
Không mờ chút bụi, sông đầy sáng tươi
Non Tây bước một bồi hồi
Trông trời Nam thẳm, nhớ người bạn xưa.
Bản dịch thơ tiếng Tày:
NÁO OÓC RƯỜN XĂNG, SLON PIN PHJA
Moóc – phja nua nét hốm căn
T’ả cương slâư mửn, nặm ngần rủng quang
Phja Tây, tấng d’ám đắn lầng
Mủng bân Nam lẩc – chứ pằng d’ạu quây.
NÁO OÓC RƯỜN XĂNG, SLON PIN PHJA
Moóc – phja nua nét hốm căn
T’ả cương slâư mửn, nặm ngần rủng a
Phja Tây, đắn tấng d’ám kha
Mủng bân Nam lẩc – chứ mừa bạn quây.
|