Thứ Ba ngày 01/03/2016
(HNMO)- Sáng nay (1/3), tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (2/3/1916 – 2/3/2016) và Hội thảo về những đóng góp của nhà thơ lớn Yến Lan vào tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Hội thảo gồm tám tham luận của các nhà văn, nhà thơ… một lần nữa khẳng định công lao của nhà thơ Yến Lan trong nền văn học rất to lớn, ông là người đi tiên phong trong phong trào thơ mới.
Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang sinh ngày 2/3/1916, quê tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó.
Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là uỷ viên văn hoá Cứu quốc Bình Định (1947–1949); là Uỷ viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định.
Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất tại đây ngày 5/10/1998. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Tại Hội thảo, TS Lê Thị Bích Hồng đã phân tích, “Nhà thơ Yến Lan là một nhân cách văn hóa. Xét ở góc độ con người cũng như thơ ca, Yến Lan đã thể hiện sâu đậm tình yêu, sự gắn bó sâu nặng với quê hương Bình Đình. Tình yêu ấy da diết, thấm đẫm lên từng trang thơ”.
Cũng theo TS Lê Thị Bích Hồng, nói đến thơ Yến Lan, bạn đọc thường nghĩ ngay đến bài thơ “Bến My Lăng” viết ở độ tuổi 16 – 17 và ngược lại khi nhắc đến địa danh rất thơ ấy không thể không nhớ đến một hồn thơ rất tình, rất trong trong trẻo với quê hương. Yến Lan đã nhiều lần giải thích nguồn gốc Bến My Lăng là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền. Cái tên My Lăng có thể chỉ là một hồi ức được biến hóa. Cái tên huyền ảo, cái bến siêu thực ấy là cảm xúc sáng tạo của nhà thơ. Bến My Lăng vẹn nguyên trong cảm xúc thi nhân từ khi chàng trai tuổi đôi mươi cho đến cuối đời chân chậm, mắt mờ. “Cái tên My Lăng mang đầy ẩn ức. Thông điêp tác giả chia sẻ từ “Bến My Lăng” lớn hơn nhiều câu chữ văn bản, không dừng ở cái bến thông thường” “những ai đã một lần đứng đợi một chuyến đò ngang… và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải đợi cờ đợi… "Bến My Lăng" ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn…”, TS. Bích Hồng cho hay.
|
Nhà thơ Yến Lan và gia đình |
Còn theo nhà thơ Vũ Quần Phương, “thơ Yến Lan không có cầu non lép. Tôi nghĩ đó là một phần xét đúng. Đúng từ những bài viết ở chặng đầu, trước Cách mạng, đền suốt cả đời thơ ông… Bài, thì khi hay, khi xoàng nhưng câu, bao giờ cũng kỹ càng, cẩn trọng. Yến Lan đầu tư công sức vào đơn vị câu. Ông chọn chữ, đổi sắc các chất liệu bằng thơ bằng các động từ, các tác động chất liệu này lên chất liệu kia một cách khác biệt, tạo nên bối cảnh thơ kỳ lạ từ các chi tiết quen”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét rõ ràng là do cảm xúc của từng nhà thơ. Riêng với Yến Lan, tôi thấy còn có thêm một điều này, ở chặng thơ viết từ các cuộc đi thực tế sau cuộc đấu tranh tư tưởng Nhân văn giai phẩm, tính ghi chép đời sống khá đậm ở thơ ông, đậm hơn trước, chắc ông cũng thấy thế nên có bài ông ghi là bút ký thơ. Bài thơ khi ấy, là một báo cáo thu hoạch về tác động của đời sống vào cách nhìn, cách nghĩ, cách vui buồn của tác giả. Kể nhiều để thấy thu hoạch nhiều, để thấy cuộc sống mới đã tràn vào tâm hồn nhà thơ đầy chật và phong phú như thế nào. Đầu tư vào câu để lạ hóa, kỳ hóa thơ là một sáng kiến, một ưu điểm, giúp sự tiêu hóa các chi tiết sống. Nhưng sa vào câu nào mà quên mất bài thì lại là nhược điểm. Yến Lan đây đó cũng vấp nhược điểm ấy. Hãy coi đấy là sự trả giá cho những thành tựu mà ông đạt được.
Có thể thấy, hơn cả một đời thơ của mình, cái mà nhà thơ Yến Lan để lại cho mọi người là đạo đức, cách sống, tình cảm của ông đối với người, quê hương dân tộc. Những vần thơ chân thực, trang trọng lại ngọt ngào và giàu chất trữ tình của Yến Lan không để lại một chút mùi giáo điều, lên gân nào, chỉ thấy thơ ông tình yêu con người, quê hương khi ông hòa trộn những tình cảm cao quí đó vào nhau. Với sự đóng góp của Yên Lan suốt gần một thế kỷ dâng hiến cho đời biết bao uẩn khúc nhạc lòng quê hương ông dường như cố tình hờ hững. Điều đó cho thấy trong suốt một thời gian dài, tên tuổi và sự nghiệp thơ văn của Yến Lan dường như bị lãng quên...
Phải chăng đó là sự bất công hay nói như Chế Lan Viên “Có nhiều lí do. Nhưng thơ là cái đẹp im lặng, đi lầm lũi trong im lặng” thế nên thi sĩ ấy như một kiếp tằm, rút ruột nhả cho đời những sợi tơ óng ánh để rồi mình lặng im hóa kiếp chẳng ai hay, chỉ biết rằng mình hoàn thành nhiệm vụ “trả nợ dâu” và thanh thảnh! Còn cả đời ông không chức sắc gì to lớn, không giải thưởng đỉnh cao tột bậc, không tượng đài, không tên đường.
T.Minh
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/826568/nha-tho-yen-lan-va-nhung-dong-gop-cho-tho-ca-viet-nam
|