Nhà thơ Tú Mỡ
|
|
Hoàng Ngọc Phách khuyên bảo Tú Mỡ học tập các nhà thơ cổ điển, từ cách nuôi dưỡng hồn thơ đến kỹ thuật niêm luật các thể loại thơ. Có bài ông được tiểu thuyết gia họ Hoàng khen ngợi. Nhưng cuối cùng, con đường Tú Mỡ chọn lại là trào phúng.
Vì sao thế?
Tú Mỡ giải thích:
- Thuở nhỏ, tôi là một thằng bé tinh nghịch, vui tính hay đùa nhả, thích pha trò và thích châm chọc. Hồi học lớp Nhì trường Hàng Vôi, cũng vì giễu cợt một bạn học mà bị anh ta cáu, ném một hòn đá vào mồm, gẫy một nửa cái răng cửa nay hãy còn dấu tích... Khi lên học trường Bưởi, năm thứ nhất, vì cười khẩy trước một thầy giám thị mà bị thầy giáng cho hai cái tát, ngón tay hằn trên má một ngày mới lặn...
Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Tường Tam chủ soái Tự Lực Văn Đoàn mới là người phát hiện và khích lệ năng khiếu trào phúng của Tú Mỡ.
Chuyện kể rằng, một lần ở Toà soạn báo Phong Hoá, nhân chuyện vãn, Nguyễn Tường Tam thao thao triết luận về học thuyết Mạc Địch. Khi Tam dẫn điển câu: “Nước trong ta giặt giải mũ, nước đục ta rửa chân...”, Tú Mỡ thình lình chen luôn một câu tiếp: Nước đá ta cho vào rượu bia ta uống, khiến mọi người cười ồ. Còn Nguyễn Tường Tam thì reo to: “Khá đấy! Anh nên làm thơ hài hước đi, anh có khiếu về trào phúng đấy!”.
Ngạn ngữ Pháp có câu: Chassez le naturel, il revient au galop. Có nghĩa là: Đuổi tính tự nhiên đi, nó lại phóng tới. Đúng thế! Không gì trái được với bản tính tự nhiên. Nhưng tài năng còn là sự phát hiện. Về sự kiện trên, Tú Mỡ viết: Một lời đã biết đến nhau... Câu nói của anh Tam thế mà thấm vào tâm trí tôi!
(Theo Văn Hiến Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn