Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tác giả Huy Phương: THƠ VẾT VỀ ANH BỘ ĐỘI THỜI CHỐNG PHÁP Tác giả Huy Phương: THƠ VẾT VỀ ANH BỘ ĐỘI THỜI CHỐNG PHÁP , Người xứ Nghệ Kiev
 


http://thuvienvanmau.com/wp-content/uploads/2015/08/phan-tich-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung.jpg

Ảnh nguồn Internet

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến vô cùng gian khổ, được tiếp sức từ truyền thống đánh giặc của cha ông, dân tộc ta một lần nữa đã vượt qua mọi thử thách đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vẻ vang: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Sự kiện này đã làm chấn động cả trái đất, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc. Nó chứng tỏ: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” (Lời Hồ Chủ tịch).
Cuộc kháng chiến vĩ đại ấy của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng chính là nguồn đề tài, nguồn cảm hứng vô tận của nền văn học mới nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Nó hướng tới quần chúng và phục vụ quần chúng đông đảo. Công, nông, binh trở thành nhân vật trung tâm của nền văn học mới. Văn học kháng chiến, với những thành tựu đáng kể, sẽ có vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về văn học kháng chiến, đặc biệt là thơ ca kháng chiến. Nó là một thành tựu nổi bật, đã khắc họa khá thành công hình ảnh anh bộ đội - lực lượng nòng cốt của cuộc kháng chiến. Tìm hiểu những vần thơ viết về anh bộ đội cũng là một cách tìm về nguồn cội để tri ân những người con của dân tộc đã chiến đấu, đã hy sinh, đã đổ máu, đã hiến dâng tính mạng vì tương lai của Tổ quốc, vì cuộc sống của chúng ta hôm nay, và mai sau.
Chủ thể sáng tạo của thơ ca kháng chiến chính là các nhà thơ. Hầu hết các nhà thơ lớp trước, từng nổi tiếng trong phong trào “Thơ mới” đều đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến. Đây là một bước chuyển. Không phải chuyển ba lô, mà chuyển tư tường, là chuyện đổi đời, là chuyện lột xác, là thay đổi cách sống, cách sinh hoạt, tác phong… Bởi vậy, những năm đầu của cuộc kháng chiến chưa có thơ. Có người nói, đây là thời kỳ “tìm đường”, “nhận đường” của văn nghệ sỹ. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948, đồng chí Trường Chinh đọc bản báo cáo quan trọng: “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam”. Tiếp đến là những đợt đi thực tế của văn nghệ sĩ để “kháng chiến hóa văn hóa” và “quần chúng hóa sinh hoạt”. Từ đó thơ ca kháng chiến bắt đầu khởi sắc. Các nhà thơ lớp trước bắt đầu tìm được hướng đi mới, họ đã tiếp xúc và gần gũi với quần chúng đông đảo. Bên cạnh những nhà thơ lớp trước, nhiều gương mặt mới xuất hiện đầy triển vọng, đầy hứa hẹn như Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Vũ Cao… Trong số họ, nếu không phải là nhà thơ quân đội như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Chính Hữu thì họ cũng lăn lộn ngoài mặt trận, tham gia chiến dịch như Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu… Giữa nhà thơ và anh bộ đội hầu như không còn có sự ngăn cách, họ gần gũi với nhau biết bao:
Ai biết trưa nay giữa bụi bờ
Anh nằm sưởi nắng mắt lơ mơ
Tôi ngồi không ngủ nghe anh thở
Khe khẽ lòng ngâm lên tiếng thơ
(Lên Tây Bắc- Tố Hữu)
Là cán bộ cách mạng, họ đồng thời là nhà thơ. Là nhà thơ, họ không thể có thơ nếu họ xa rời cuộc kháng chiến. Vì vậy: “Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh/Người lính trường chinh áo mỏng manh”. Tố Hữu đã theo anh bộ đội đi đánh giặc, “lên Tây Bắc”, theo anh vác voi ra trận, theo anh suốt chặng đường gian lao cho đến ngày cùng anh mừng chiến thắng: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”:
Trông bốn mặt lũy hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Tố Hữu thuộc nhà thơ lớp trước, nhưng không thuộc phong trào Thơ mới. Trước cách mạng tháng Tám, ông là nhà thơ cách mạng tiên phong. Sau cách mạng, ông vẫn giữ nguyên vị trí ấy. Ông thuộc một trong số ít nhà thơ cho ra đời những bài thơ khá thành công ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến như: Cá nước, Lên Tây Bắc, Bầm ơi, Bà bủ, Lượm…
Thơ viết về anh bộ đội có nội dung khá phong phú. Trước hết, các nhà thơ đều muốn cắt nghĩa nguồn gốc xuất thân của anh bộ đội, coi đó là tiền đề của một nhân cách cao đẹp. Nhà thơ Chính Hữu viết về họ: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Họ ra đi từ mái tranh nghèo. Tình cảm của họ luôn hướng tới nơi chôn rau cắt rốn của mình, nơi có giếng nước, gốc đa:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Trần Hữu Thung thì viết về anh nông dân ôm “chiếc xắc mây” lên đường đi tòng quân, vẫn không quên dặn vợ: “Ruộng mình quên cày xáo/Nên lúa chín không đều/Nhớ lấy để mùa sau/ Nhà cố làm cho tốt”. Trước đây, trong bài “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu đã cắt nghĩa lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì nước luôn gắn liền với bản chất giai cấp và dựng được một tượng đài nghệ thuật bất hủ về người nghĩa quân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc: “Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có. Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh”. Các nhà thơ ngày nay vẫn tiếp tục khẳng định điều đó, nhưng những câu thơ hiện đại vẫn có sức lay động trái tim người đọc. Trong bài “Nhớ”, Hồng Nguyên viết: “Lũ chúng tôi/Bọn người tứ xứ/Gặp nhau hồi chưa biết chữ/Quen nhau từ buổi một hai/Súng bắn chưa quen/Quân sự mươi bài/Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Nhấn mạnh nguồn gốc nông dân là nhấn mạnh bản chất giai cấp, bản chất cách mạng nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh điều kiện khó khăn trong chiến đấu. Một người lính “chưa biết chữ”, “súng bắn chưa quen” mà vẫn “cười vui kháng chiến”, dám đương đầu với một kẻ địch có vũ khí tối tân, với một đội quân được đào tạo chính quy, hiện đại. Thảng hoặc cũng có nhà thơ như Quang Dũng nói nguồn gốc xuất thân của người lính từ một hướng khác. Đó là học sinh, là trí thức. Những thanh niên Hà Thành hào hoa thanh lịch. Họ là những người có học, ít nhiều chịu ảnh hưởng sách vở. Họ rất lãng mạn, rất mơ mộng, nhưng luôn đeo đuổi giấc mộng anh hùng, đã ra đi là không trở lại như Kinh Kha, như những tráng sĩ ngày xưa:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Có một thời gian khá lâu, bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng bị bỏ quên. Người ta cho rằng, tác giả đã gán ghép cái buồn rớt, mộng rớt, cái chất tiểu tư sản cho người lính, phản ánh sai lạc bản chất anh bộ đội cụ Hồ. Lối cảm nhận văn học bị ý thức hệ chi phối ấy dần dần thay đổi. Ngay lập tức bài thơ “Tây Tiến” được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học phổ thông tương xứng với giá trị của nó. Chỉ riêng về nguồn gốc xuất thân của người lính, nhà thơ Quang Dũng đã góp thêm một tiếng nói khẳng định: Đây là cuộc kháng chiến của toàn dân. Người lính ngoài mặt trận thuộc bất kỳ một tầng lớp nào, giai cấp nào trong xã hội, họ có thể ra đi từ đồng ruộng, nhà máy, cơ quan, trường học, kể cả văn nghệ sĩ. Khi đã đứng trong một chiến hào thì họ cùng chung một lý tưởng đánh giặc cứu nước.
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cách hoa thơm
Đó là thơ của nhà thơ Vũ Cao trong bài thơ “Núi đôi” mà hầu như ai cũng thuộc. Có thể nói, thơ ca kháng chiến đã dành những vần thơ đẹp nhất, hùng tráng nhất để ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của anh bộ đội. Nhà thơ Thôi Hữu trong bài “Lên Cấm Sơn” đã viết về họ: “Họ vẫn gầy vẫn ốm/Mắt vẫn lõm da vàng/Áo chăn chưa đủ ấm/Ăn uống vẫn tồi tàn”.
Bài Thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu thì viết: “Áo anh rách vai/Quần tôi có vài mảnh vá/Miệng cười buốt giá/Chân không giày/Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Những câu thơ mộc mạc, chân quê, mà lay động lòng người. Cũng viết về cái gian khổ hy sinh của người lính, nhà thơ Quang Dũng lại sử dụng một bút pháp khác: bút pháp lãng mạn tạo nên những câu thơ thật ám ảnh:

binh giang tay tien quang dung

          Ảnh nguồn Internet
-Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
-Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Đành rằng địa bàn hoạt động của người lính Tây Tiến là núi non hiểm trở, rừng thiêng nước độc nhưng nếu không có óc tưởng tượng phong phú, bay bổng thì Quang Dũng không thể tạo ra được những câu thơ như khắc chạm vào tâm khảm của người đọc như vậy. Môi trường như thế tránh sao khỏi những tật bệnh, chết chóc: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm” hoặc “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Nét làm nên sự khác biệt với rất nhiều nhà thơ khác là ở chỗ Quang Dũng không hề né tránh khi nói về gian khổ, mất mát, chết chóc. Nhà thơ coi đó như một điểm tựa để làm nổi bật phẩm chất anh hùng của người lính. Đọc những câu thơ trên, người đọc bị cuốn hút bởi khẩu khí anh hùng diễn tả một trang hảo hán khác lạ “không mọc tóc” chứ đâu phải bị sốt rét trọc đầu! Ông cũng đã từng tâm sự: “Có chăng là cái hào khí một thời của dân tộc. Những chàng trai Hà Nội sẵn sàng ra đi, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình”. Mặt khác nhà thơ nhìn và nói về cái chết với một vẻ tôn nghiêm, sang trọng. Không phải ngẫu nhiên, nhà thơ dùng một loạt từ ngữ Hán Việt: Biên cương,viễn xứ, áo bào… Chính những từ ngữ Hán Việt này đã làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, sang trọng cho những nấm mồ chiến sĩ vùi lấp nơi rừng hoang lạnh lẽo. Cái chết của các anh như có sự an ủi vỗ về. Cái chết của các anh không chỉ rung động trái tim con người mà còn động thấu cả đất trời đến mức “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” để tiễn đưa người chiến sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: “Bài thơ mang phẩm chất anh hùng ngay trong nỗi buồn”. Phẩm chất anh hùng ấy còn được nhà thơ Hồng Nguyên diễn tả trong những vần thơ dồn dập, chắc nịch: “Lột sắt đường tàu/Rèn thêm dao kiếm/Áo vải chân không/Đi lùng giặc đánh”. Và nhà thơ Tố Hữu trong những vần thơ phóng khoáng, giàu cảm xúc và rất chân thực:
Năm mươi sáu ngày đêm
Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng, chí không mòn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão…
Đây nữa, Nguyễn Đình Thi đã có những vần thơ đẹp nhất, vừa hiện thực, vừa lãng mạn, rất cụ thể, chi tiết, đồng thời có giá trị tổng hợp khái quát cao tạo nên một bức tranh hoành tráng như nền gấm thêu chỉ vàng, trông thật lộng lẫy:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Bên cạnh anh bộ đội là các em thiếu nhi “Thư đề thượng khẩn/Sợ chi hiểm ngheo/Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo”, là bà bầm, bà bủ, bà mẹ Việt Bắc, là cô lái đò: “Ai lên bến Trấm thì lên/Về cho sớm sớm, mưa đêm khó chèo”. Tất cả những hình ảnh đó đều thể hiện một cách sinh động chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhưng tiêu biểu hơn cả, kết tinh cao độ hơn cả truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc trong suốt 4.000 năm lịch sử chính là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ.
Thật là thiếu sót không nhỏ khi viết về người lính mà không đả động đến đời sống tình cảm của họ.
Mối tình đồng chí, đồng đội là một nét đẹp trong tâm hồn của người lính. Nhà thơ Chính Hữu hiểu rất rõ điều đó khi ông viết bài thơ “Đồng chí”: “Súng bên súng đầu sát bên đầu/Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Là người lính, áo quần chưa đủ ấm, lại còn rách rưới nữa “Áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá”, nhưng họ thương nhau lắm, tình người của họ đậm đà lắm “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Vượt lên tất cả mọi thử thách, họ vẫn vui vẻ, lạc quan:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau, chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo!
Nhà thơ Hoàng Trung Thông viết về tình quân dân, tình cá nước với những vần thơ thật đầm ấm vui tươi: “Các anh về mái ấm nhà vui/Tiếng hát câu cười/Rộn ràng xóm nhỏ/Các anh về tưng bừng trước ngõ/Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau”:
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về.
Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, người lính luôn tâm niệm, luôn tạc dạ ghi lòng: “đi dân nhớ, ở dân thương”. Hồ Vi là nhà thơ không viết nhiều, nhưng đã để lại dấu ấn khá đậm trong lòng người đọc với bài thơ: “Lời quê”. Đó là bài thơ mộc mạc chân quê, có sức lay động tâm hồn bởi tình người ấm áp:
Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng
Chừng chưa bưa lụt nước còn cao
Khi hôm bộ đội hành quân tới
Trấn thủ dầm phơi chật cả sào

Chị ơi đem dụi ra ngoài ruộng
Kiếm ít dam, cua chút của đồng
Thêm đôi ba miếng anh em đỡ
Của nhà quê kiểng buổi thu đông

Bớ anh nội vụ khoan đi chợ
Xa ngái đàng trơn bấm cực chân
Xuồng bên chị Mót buôn tơi nón
Anh nhảy mà đi được đỡ chừng

Thương anh nỏ có cầu anh mạnh
Anh nện thằng Tây bể sọ dừa
Thương anh cơ khổ mà nghèo quá
Thiếu rơm lót ổ lạnh lùng khuya.
Một điều đáng lưu ý là do hoàn cảnh lịch sử, nền văn học mới nói chung, thơ ca kháng chiến nói riêng thường đề cập đến những tình cảm lớn lao như tình yêu nước, tình quân dân, tình đồng đội… mà ít đề cập đến tình cảm riêng tư cũng là điều dễ hiểu. Thảng hoặc, thấy xuất hiện đôi câu trong một bài thơ dài. Ta nhặt được hai câu trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
“Núi đôi” của nhà thơ Vũ Cao là trường hợp hiếm hoi ít thấy khi bài thơ đề cập đến tình yêu lứa đôi một cách trọn vẹn từ đầu đến cuối. Nhưng đây là một bi kịch tình yêu. Cuối cùng nó cũng hướng tới khêu gợi lòng căm thù, cổ vũ tinh thần chiến đấu. Mối tình đẹp đẽ là thế: “Bảy năm về trước anh mười bảy/Em mới đôi mươi trẻ nhất làng/Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/Bữa thì em tới bữa anh sang”. Nhưng kẻ thù đã giày xéo quê hương gây nên tang tóc đau thương:
Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi dưới gốc thông
Cái chết của người con gái cũng là mối tình đẹp đẽ nhất như tiếp thêm sức mạnh cho người con trai đi tiếp chặng đường của mình để thực hiện lý tưởng vì độc lập dân tộc:
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
Ở thời đại nào cũng vậy, văn học chân chính không bao giờ tách rời cuộc sống.Thơ ca kháng chiến cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nó xuất hiện ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Nó theo anh bộ đội, theo chị dân công đi khắp mọi nẻo đường, mọi chiến dịch cho đến ngày giành được thắng lợi vẻ vang.
Anh bộ đội từ cuộc đời đi vào thơ ca, rồi từ thơ ca lại bước ra cuộc đời. Nó góp phần động viên cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân hăng say chiến đấu để làm nên “một Điện Biên chấn động địa cầu”.
Những bài thơ thành công viết về anh bộ đội không phải là ít. Hy vọng nó sẽ sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng bạn đọc. Lịch sử văn học dân tộc sẽ dành cho nó một vị trí xứng đáng.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65182712

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July