Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tác giả Huy Phương: ĐIỀU KHÔNG THỰC CHỈ LÀ GIẤC MƠ THÔI Tác giả Huy Phương: ĐIỀU KHÔNG THỰC CHỈ LÀ GIẤC MƠ THÔI , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Đọc “Giữa thanh thiên bạch nhật” NXB Văn Học 2009

                                        của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng)


 photo IMG_7878_zpsucbv5ztl.jpg

Tác giả bài viết (bìa phải) cùng Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (đứng bên cạnh)

Nguyễn Huy Hoàng viết: “Cái đang có trong tay/là những gì rất thực/Niềm hy vọng ngày mai/mãi mãi còn phía trước…Nghĩa là điều không thực/Chỉ là giấc mơ thôi” (Năm tháng rồi sẽ qua đi)
Không hiểu sao, những câu thơ trần trụi, không cảm xúc, không màu mè, đậm chất chính luận ấy lại hút hồn tôi, tiếp cho tôi sức mạnh để đọc một lèo hết cả tập thơ gần 90 bài. Thú thật, ở cái tuổi ngoài 70 như tôi, không mấy ai còn hào hứng đọc sách nữa. Người ta liệt tôi vào loại hâm. Hâm cũng được, chả sao cả. Nhờ hâm mà tôi đọc hết tập thơ: “Giữa thanh thiên bạch nhật” của Nguyễn Huy Hoàng do NXB Văn Học ấn hành năm 2009. Vừa đọc, vừa ghi chép, suy ngẫm.
Phải từng trải lắm và cũng phải gan lì nữa, Huy Hoàng mới viết được những câu thơ như rút ra từ gan ruột của mình: “Thẳng ngay không chút màu mè/Bình tâm trước cả bốn bề sóng xô/Cầm lòng lấy đói làm no/Lấy chua làm ngọt đổi ngờ làm tin/Thiệt thua nhận hết về mình/Khiêm cung gói một chữ tình vào tâm”(Nợ Đời). Vẫn chất chính luận ấy mà có sức ám ảnh, lay động người đọc về một nhân cách sống đáng trân trọng. Nói ra sự thật, nói thẳng thắn những điều mình nghĩ thật chẳng dễ dàng gì. Thổ dân Úc từng nói: "Nhìn vào sự thật sẽ mù mắt". Còn Hán ngữ có câu: "Trung ngôn nghịch nhĩ". Dân ta thì nhắc nhở nhau: "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Nhà thơ Huy Hoàng chủ trương làm thơ là phải tôn trọng sự thật. Phải chăng đây là tuyên ngôn thơ của anh.
Khi tuổi còn trẻ, Huy Hoàng đã từng yêu và cũng lãng mạn lắm chứ. Ai đang yêu mà chả mơ mộng:
…Cúc tần che lối rào thưa
Bao lần xao xuyến tôi chờ em qua
Thoáng tà áo trắng xa xa
Nơi em gieo bước đấy là cõi tiên
Mỗi khi em ngước mắt nhìn
Hồn tôi lạc lối giữa nghìn vì sao. (Chắc em chẳng biết được đâu)
Ở thôn quê Việt Nam là vậy. Ở một làng bên sông Oka tận bên Nga cũng thế thôi. Tuổi trẻ trao nụ hôn đầu cho nhau thường diễn ra trong một không gian đẹp, mờ ảo, thơ mộng của thiên nhiên hết sức lãng mạn:
Mé bờ sông bãi sậy lặng như tờ
Hơi khói tỏa, nước phủ mờ man mác
Bên gốc liễu có hai người vẫn thức
Tiếng thì thào như hơi thở canh khuya.

Đêm sắp tàn đã đến lúc chia ly
Sương thấm lạnh, cỏ vườn hoang ướt đẫm
Người con gái run sau làn áo mỏng
Trao chàng trai lữ thứ nụ hôn đầu. (Đêm ở một làng bên sông Oka).
Chẳng cứ gì yêu mới mộng mơ, lãng mạn. Huy Hoàng đã từng viết:
Tôi chỉ mơ về những cánh chim
Về biển cả, về núi rừng xa tắp
Còn cây cỏ những loài hoa gần nhất
Đất dưới chân sao tôi cứ hửng hờ. (Trước lúc đi xa)
Có một thời Tố Hữu ru người đọc bằng những câu thơ lãng mạn, bay bổng, mà ai cũng tin vào điều đó như tin một điều có thật để nuôi hy vọng:
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
Đã nghe gió ngày mai thổi lại
Đã nghe hồn thời đại bay cao
Núi rừng có điện thay sao
Nông thôn có máy làm trâu thay người…
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Ai cũng bảo, đó là lãng mạn cách mạng, lãng mạn tích cực. Nó hoàn toàn đối lập với lãng mạn tiêu cực, không lành mạnh của văn học lãng mạn theo ý thức hệ tư sản “Là thi sỹ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu). Ở đây, người sáng tác có niềm tin ngây thơ là thế và người đọc cũng không được quyền hiểu khác. Đó là định hướng tiếp cận văn hoc của một ý thức hệ mà bất cứ người nào cũng phải nghe theo. Huy Hoàng của thế kỷ XXI cũng có những câu thơ giống hệt như thế nhất là cái khẩu khi, giọng điệu:
Mai ngày rồi sẽ rạng danh
Bao nhiêu dự án trong tầm khả thi
Phía Nam cầu vượt Việt Trì
Sân gôn hoành tráng Ba Vì, Sóc Sơn
Nhà ga ngự tận bản mường
Hồ Tây rồi sẽ có đường thủy cung
Sông Tô thay nước xanh dòng
Tàu trên không lướt giữa đồng Phùng Khoang
Ngất trời cao ốc Keang Nam
Sông Hồng sẽ tựa Nam Hàn, Xơ Un… (Biết rồi)
Có điều khác với Tố Hữu, Huy Hoàng còn viết thêm hai câu:
Nghe ra mừng thiệt là mừng
Biết rồi mà vẫn tưởng chừng trong mơ.
Chỉ hai câu thôi, nhưng cách nhìn thế giới đã khác hẳn, nó giúp người đọc có cách hiểu khác và giọng điệu ở đây cũng khác, không còn mang tính trữ tình thuần túy nữa mà nó đã lấn sang giọng điệu hài hước – trữ tình. Hài hước ngay ở cái tiêu đề bài thơ; "Biết rồi". Nó nhại lại một câu nói của một nhân vật (cụ cố Hồng) trong “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng: "Biết rồi khổ lắm nói mãi". Đây sẽ là giọng điệu xuyên suốt tập thơ và tạo thành một nét cá tính phong cách trong sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ Huy Hoàng. Trước những đổi thay kiểu “Sông lấp” đã đem đến cho con người tâm trạng xót xa, hoài cổ, tiếc nuối cái đẹp trong quá khứ, trong tâm tưởng “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Nhà thơ trào phúng Tú Xương đã từng có giọng điệu hài hước - trữ tình như thế. Huy Hoàng đã chịu ảnh hưởng, kế thừa và phát huy nó lên ở mức độ cao hơn và lặp đi lặp lại nhiều lần trong tập thơ như một điểm nhấn.
Người ta kể về nàng, về người yêu ngày xưa của mình như một thông báo về sự thật khách quan, không thêm, không bớt "Người ta kể, mới gặp nàng tuần trước", "Vẫn dịu dàng và quyến rũ như xưa", rằng "nàng hoàn toàn mãn nguyện": "Chồng quan to con du học bên Tây/Có biệt thự ngay giữa lòng phố cổ/Thuộc vào hàng quyền quý của thời nay". Chàng trai không hề ngạc nhiên về điều đó, không oán trách nàng lấy một câu, trái lại chỉ mừng cho nàng thôi. Bây giờ nàng có chồng như thế, con như thế, nhà cửa như thế. Chả cần học hành nhiều vẫn có thể xếp vào hàng quyền quý có cuộc sống vương giả. Chàng trai liên hệ đến mình bỗng nhận ra một sự thật đáng sợ cho nàng mà cũng thật hài hước, xót xa cho một nhân cách:
Nếu thuở ấy đắm chìm vào sách vở
Nếu dại rồ, nàng gắn với đời tôi
Thì giờ đây dưới mái nhà cấp bốn
Mắt trũng sâu, tóc tổ quạ rối bời!

Chắc con cái chỉ học hành dang dở
Chạy xe ôm, hoặc phó mộc, phu hồ
Với ông chồng lưng thưỡn dài tốn vải
Vẫn chi hồ giả dã, sống như mơ.

Hãy cảm ơn cơn cuồng phong số phận
Đã hất nàng ra khỏi cuộc đời tôi
Người ta kể, người xưa, nàng có hỏi
-Vẫn làm thơ, lay lắt sống xứ người. (Người ta kể)

Giọng điêu hài hước - trữ tình đã bắt đầu hé lộ, gây sự chú ý cho bạn đọc ngay ở những bài thơ đầu tiên của tập thơ. "Nỗi niềm quê cũ" là bài thơ nỗi niềm, đầy ắp tâm trạng. Nó hướng tới một vẻ đẹp văn hóa làng xã tồn tại lâu đời trong lòng người dân Việt nay không còn nữa. Một thực trạng trớ trêu đang phơi bày trước mắt, thật đáng lên án, nguyền rủa. Nhà thơ chọn cho mình một cách thể hiện phù hợp. Đó là giọng hài hước - trữ tình:
Cây đa trăm tuổi trơ cành
Sân đình quy hoạch xây thành chợ phiên
Nhà lầu ngất ngưởng mọc lên
Bóng che đổ xuống vách phên liếp gầy
Đồng khô lác đác thợ cày
Quán bia, chiếu bạc suốt ngày, thâu đêm
Hỏi tìm mấy bạn đồng niên
Khai hoang dạt tận Tây Nguyên hồi nào...

Đi quanh xóm cũ một vòng
Rối bời trăm mảnh tơ lòng cố hương (Nỗi niềm quê cũ)
"Đáng buồn" là bài thơ đẫm chất chính luận, nhưng không hề khô khan, có chất khái quát, triết lý cao và đặc biệt phảng phất giọng điệu hài hước. Khi đọc tập thơ: "Giữa thanh thiên bạch nhật", tôi đã dừng lại rất lâu ở bài thơ này:
Đáng buồn là những việc đáng buồn
Mà không ai buồn cả
Đáng buồn là những việc đáng vui
Mà không ai vui cả

Đáng buồn khi người ta cố tình lãng quên
Những việc lẽ ra phải ghi vào cốt tủy

Đáng buồn khi phế tích đã chôn vùi
Lại đánh bóng, sơn son, tô vẽ

Đáng buồn khi người ta bỏ ngoài tai
Những lời ruột gan, chân thật
Đáng buồn khi phải nói thầm thì
Về những nỗi đớn đau, phẫn uất

Đáng buồn là khi những việc đáng lo
Mà vắng bóng người cầm cân, nẩy mực
Đáng buồn là trước hố sâu, miệng vực
Mà bao người vẫn nhắm mắt thờ ơ. (Đáng buồn)
Nó thuộc phong cách thể hiện "không màu mè",trần trụi, giản dị, dễ hiểu. Điều đáng nói là tác giả có óc quan sát tinh tế, phát hiện điều trái tự nhiên thật hài hước, dí dỏm. Ngồi một mình đọc, suy ngẫm, chiêm nghiệm những gì mình đã trải qua mới cảm thấy thú vị. Tôi cứ mỉm cười một mình khi đọc bài thơ này. Bài thơ gồm năm khổ tất cả. Đứng đầu mỗi khổ thơ là từ "Đáng buồn". Điệp khúc này ngân lên và kéo dài mãi cái âm hưởng của nó. Phải chăng đây cũng là âm hưởng chủ đạo trong thơ của Huy Hoàng. Nhìn vào đâu viết về cái gì cũng chỉ thấy buồn mà thôi. Theo tôi, hai câu thơ gieo vào lòng người nỗi buồn dai dẳng nhất, thấm thía nhất chính là:
Đáng buồn khi phải nói thầm thì
Về những nỗi đớn đau, phẫn uất.
Thậm chí không dám nói ra. Phải chờ đến ngày tận thế mới dám thổ lộ với em yêu thế này:
Nếu mai sẽ là ngày tận thế
Đến lúc này anh mới nói cùng em
Niềm thầm kín nằm sâu trong đáy ngực
Giam hồn anh như ngục tối gông xiềng. (Nếu mai sẽ là ngày tận thế).
Tôi cũng võ vẽ làm thơ. Cái tạng của tôi cũng vậy, ít có những bài kiểu tụng ca, náo nhiệt. Hầu như bài nào cũng buồn. Tôi có quan niệm hơi cực đoan: "Buồn là chất thơ đích thực". Cũng có người khuyên không nên viết thơ buồn làm người khác buồn lây. Tôi cũng đang thử sức:
Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần
Ước chi viết đực những vần thơ vui.
(Tản mạn về mùa Thu –Huy Phương)
Buồn là một mô típ được đề cập khá nhiều trong thơ trước cách mạng giai đoạn (1930 - 1945). Nhà thơ Xuân Diệu đã từng khẳng định:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.
Đó là cái buồn vẩn vơ, cái buồn của cả một thế hệ khi đã tiếp thu được luồng sinh khí mới của Tây học, khi đã ý thức được một cách rõ ràng về quyền sống, quyền làm người, quyền tự do. Suy cho cùng đó là cái buồn bắt nguồn từ cuộc sống nô lệ, bị giam hãm trong ngục tối gông xiềng. Cái buồn trong thơ Huy Hoàng cũng vậy thôi, nó bắt nguồn từ một thực trạng đáng buồn.  Huy Hoàng viết:
Hai mươi bảy triệu người Nga đã chết
Trong cuộc chiến tranh cả nhân loại căm hờn
Và giờ đây giữa thanh thiên bạch nhật
Kẻ giết người, thói phát xít vẫn nhơn nhơn. (Giữa thanh thiên bạch nhật)
Đó là thơ của một người từng trải đã vượt qua tầm nhìn dân tộc hẹp hòi để vươn tới tầm khái quát, tầm nhân loại, tầm triết học.
Vẫn cách nhìn ấy khi Huy Hoàng cảm nhận về trái đất:
Nhiều năm tháng tôi từng suy ngẫm
Mọi vật sinh ra, tồn tại, sẽ lụi tàn
Đến ngay cả cuộc đời ta cũng vậy
Rồi cũng già, bệnh tật, giã trần gian

Và tôi bỗng thương vô cùng trái đất
Phải đối mặt bao hiểm họa khôn lường
Phải còng lưng trên mình thêm gánh nặng
Thế kỷ này nhan nhản lũ bất lương! (Trái đất đáng thương)
Càng đi nhiều, càng thấy nhiều càng buồn nhiều. Càng đọc nhiều càng biết nhiều càng buồn thêm. Từ lúc mười tuổi, Huy Hoàng đã đọc cổ thư Trung Hoa, bây giơ trên đầu tóc đã bạc trắng, vẫn còn đọc và nhận ra rằng:
Những trang sách say sưa khi mười tuổi
Lúc này đây, đọc lại bỗng kinh hoàng
Tam Quốc Chí, Đông Chu, Thủy Hử
Kiệt Trụ, Tần Ngô, Hán Sở tranh hùng…

Năm ngàn năm liệu bây giờ có khác
Cổ thư còn soi tỏ được hay chăng? (Đọc lại cổ thư Trung Hoa)
Nhìn rộng ra không gian, nhìn sâu vào thời gian buồn đã đành. Thu hẹp lại càng buồn hơn. Nhất là khi đối diện với chính bản thân mình: "Giật mình, mình lại thương mình xót xa". Bây giờ mình là thế. Không còn trẻ trai nữa mà đang đần dần lão hóa, ít ngủ, nhớ nhớ, quên quên, hay nghĩ miên man, hay thở dài, thích hoài cổ, chớm lẫn rồi, bạn bè ngày càng thưa dần, thỉnh thoảng xóa tên một người trong sổ. Nhịp điệu uể oải, tâm trạng buồn chán, ý rời rạc:
Hay giật mình nhớ điều bất chợt
Đêm dằng dai ngủ rồi lại thức
Nằm miên man nghĩ ngợi miên man
Càng tính toán lại càng thấy mất

Gặp người quen mà tên chẳng nhớ
Thích chuyện trò, thở dài, hoài cổ
Thỉnh thoảng rưng rưng nghe tin buồn
Xóa tên một người trong quyển sổ. (Càng ngày)

Huy Hoàng quan niệm thơ phải mang tính chân thật, không được hùa theo cái xấu, cái ác, cái lỗi thời, mặt khác thơ chính là "người bạn đồng hành của những người thứ dân trong tâm tưởng". Huy Hoàng tâm sự: "Tôi dễ trải lòng trước những cảnh đời, những số phận bị vùi dập và nỗi lầm than". Điều này cũng dễ hiểu. Bởi tác giả sinh ra trong một gia đình nghèo của một vùng quê nghèo thuộc làng Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh. Đó cũng là nơi sinh ra một nhà thơ lớn Nguyễn Huy Tự, tác giả Hoa Tiên sống cùng thời với Nguyễn Du. Điều này chỉ cần đọc thơ của Huy Hoàng cũng dễ dàng nhận ra. Dù có đi tới phương trời nào, hình bóng quê hương vẫn luôn ở trong tim. Tình cảm quê hương bao giờ cũng căng như sợi dây đàn, hễ đụng tới là nó bật lên thành tiếng. Với Huy Hoàng "Chùm hoa dâm bụt" là một biểu tượng thiêng liêng. Bất chợt nhìn thấy chùm hoa này tại một khách sạn ở Volga trên đất nước Nga xa xôi, Huy Hoàng xúc động, cảm xúc dâng trào và bóng dáng quê hương từ trong tim lại hiện ra như khắc như chạm vào thơ:

Lặng ngắm hoa dâm bụt nở
Như nhìn cô bạn đồng hương
Ngàn dặm quê người lưu lạc
Lẻ loi thân gái dặm trường

Nhớ trưa mặt trời chói chang
Nhớ cơn mưa rào chợt đổ
Bốn mùa hoa dâm bụt đỏ
Thảm hoa trải trước sân nhà

Xa rồi khói thơm bếp rạ
Rặng tre đưa võng trong vườn
Xa rồi cây rơm đầu ngõ
Đàn gà mới nở vàng ươm. (Chùm hoa dâm bụt)
"Mẹ sinh tôi giữa tháng ba" là bài thơ viết về môt cảnh đời rất mực thương tâm, lại là bài thơ nói về chính bản thân tác giả khi còn trứng nước:
Thiếu ăn, đói lả mắt mờ
Mẹ mất sữa lay lắt nhờ cháo rau
Khoai riềng, củ chuối, củ nâu
Nước hồ gạn lấy, uống vào cầm hơi
Ngày dài, nồi cháo cứ vơi
Xót xa liệu có thành người hay không? (Mẹ sinh tôi giữa tháng ba)
Rồi đứa trẻ ấy lớn dần lên, vượt qua mọi chông gai, thử thách để lại trên mình bao nhiêu là vết sẹo. Những vết sẹo ngoài da. Những vết sẹo trong tim:
Vết thất vọng tuổi thơ
Vết mộng mơ sụp đổ
Vết âm thầm lầm lỡ
Vết đau đớn khôn nguôi

Vết ân hận suốt đời
Những đêm dài rỉ máu...
Lồng ngực tôi vẫn dấu
Sự bầm dập tháng năm. (Những vết sẹo)
Khi có tâm trạng hoang mang trước cuộc sống, người ta thường tìm đến tâm linh. Đọc lá số tử vi tìm thấy một chút an ủi:
Chỉ vượng cung Nô Bộc
Lắm bè bạn quan to
Sao Thái Âm đắc địa
Biết võ vẽ làm thơ. (Tử vi)
Biết làm thơ và trở thành nhà thơ (Hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam) càng biết chia sẻ, cảm thông hơn với đồng loại. Hình bóng cô thợ may lao động cật lực ở xứ người thật tội nghiệp: "Mỗi năm là mười hai tháng/Mỗi tháng là ba mươi ngày/Mỗi ngày làm mười sáu tiếng/Rã rời thân xác, chân tay". Còn đây là nỗi lo của người nghèo khi tết đến:
Con cái đứa đang cuối cấp
Đứa không tìm được việc làm
Đứa lớn lên rừng với bố
Nhập đoàn phu mỏ đào than

Tiền đâu sắm sanh lễ cúng?
Tiền đâu con nộp học thêm?
Tiền đâu gối mùa thóc giống?
Tiền đâu áo xống, thuốc men?

Trăm thứ đổ dồn vào tết
Gia tài bồ thóc trơ hom
Mai ra chợ người tìm việc
Kiếm thêm bát cháo, bát cơm! (Đêm nằm lo tết đến)
Còn hết tết thì sao? "Đám nhà quê ngóng việc làm dài cổ/Ngồi bất thần, giống hệt các nhà thơ". Một câu thơ được viết ra bằng giọng điệu hài hước - trữ tình làm người đọc cười ra nước mắt!
"Lên chùa thăm chị" là bài thơ giàu tâm trạng, bạn chỉ cần đọc lên, nếu ai mủi lòng dễ rưng rưng nước mắt. Đó là người chị từng tại ngũ mười ba năm. Khi phục viên về với gia đình, tuổi xuân đã hết, mang trong mình bệnh sốt rét rừng, ốm yếu tiều tụy. Hình ảnh người chị sừng sững trước mắt:
Môi thâm da đen xạm
Tháng vào viện mấy lần
Chẳng khác gì bà lão
Mùa hạ vẫn trùm chăn
Khi mẹ đã già, em út thành gia thất, "Chị tìm lên chùa lánh/Nương thân chốn cửa thiền/Sớm khuya lo kinh kệ/Khói hương quên tháng ngày/Áo nâu sồng, guốc mộc/Bè bạn với cỏ cây". Người em mới chân ướt chân ráo về nhà, mẹ đã giục lên chùa thăm chị. Mẹ cứ dặn đi, dặn lại: "Dù là chị, là em/Đã xuất gia, xuống tóc/Phải gọi Thầy, đừng quên". Lên chùa gặp chị, người em chỉ còn biết nghẹn ngào, không nói được nên lời:
Trong lòng tôi là chị
Trước mắt tôi, sư Thầy
Chấp hai tay vái lạy
Mà nghẹn ngào: em đây!
Dễ động lòng trắc ẩn, đó là phẩm chất đầu tiên của một nhà thơ đích thực. Ở Huy Hoàng, nét phẩm chất đó luôn thường trực và nổi trội. Không nhất thiết là người thân thích, ruột thịt của mình. Có khi chỉ là những nấm mồ không hương khói ở tận Căm pu chia: "Trên những cánh đồng Bát Tam Boong, Xiêm Riệp/Bao nấm mồ không có một nén hương". Có khi chỉ là những nhân vật trong sách:
Như bị thôi miên, tôi thẩn thơ suy tưởng
Quầy sách cũ rêu phong mấy thế kỷ qua rồi
Từng có mặt trong bao pho tiểu thuyết
Những nhân vật vô hình ám ảnh suốt đời tôi.

Như thấy dáng Huy Gô đang đứng lặng
Vị chân tiên thương xót mỗi kiếp người
Con búp bê nằm yên quầy tủ kính
Tuổi thơ khóc bao lần, Cô Dét của tôi ơi!

Tiếng cựa quậy chàng ngữ lâm vui nhộn
Trên tháp chuông thấp thoáng bóng anh Gù
Buổi học cuối cùng
Trong lòng tôi sống lại
Quầy sách cũ
bảo tàng
Hồn nước Pháp ngàn xưa. (Quán sách ở Pa Ri)
Nhưng xúc động hơn cả, để lại nhiều dấu ấn hơn cả là bài thơ cuối tập thơ "Trời còn để có hôm nay" viết về chính cuộc đời của tác giả - chủ thể trữ tình. Ngay cái tiêu đề của bài thơ đã khơi gợi trí tò mò của người đọc. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là một câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Quả nhiên, tôi đã tìm thấy nó:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. (Nguyễn Du).
Đây là hai câu thơ thuộc loại những câu hay nhất trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nó đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời của Thúy Kiều, chấm dứt chặng đường mười lăm năm lưu lạc "hết nạn nọ đến nạn kia/Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần", đã trải qua những cơn cùng cực, khổ đau "cát dập, sóng vùi" "mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn". Thế mà "Trời còn để có hôm nay". Thế là ta vẫn còn sống. May mắn biết bao. Hạnh phúc biết bao. Ta phải biết trân quý cái ngày hôm nay chứ. "Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Tan sương đầu ngõ, không còn u ám, không còn bóng tối nữa, ta mới thấy đường, thấy hoa. Vén mây giữa trời mới lộ rõ trăng. Hoa và trăng bây giờ mới đẹp làm sao. Hoa dường như tươi hơn. Trăng dường như sáng hơn. "Hoa tàn mà lại thêm tươi/Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa". Nói tóm lại Huy Hoàng đã chọn được một câu thơ hay nhất trong truyện Kiều để làm tiêu đề cho bài thơ của mình chắc không phải không có dụng ý. Hãy đọc chậm rãi bài thơ này để suy ngẫm, để thưởng thức cái ý tưởng sâu xa của nó:
Lở bồi một cuộc bể dâu
Mười lăm năm ấy, đớn đau đã nhiều
Dặm xa những núi cùng đèo
Bụi hồng gió nổi, ráng chiều mưa tuôn

Phận bèo chìm nổi nước non
Sóng vùi, cát dập vẫn còn hôm nay
Bè lau một khối tình đầy
Sông sâu may có phúc dày, đức cao

Sự đời nửa giấc chiêm bao
Mười lăm năm có ngày nào là vui
Mịt mù đất khách xa xôi
Ở đâu góc bể, chân trời quê hương?

Lẻ loi thân gái dặm trường
Nỗi lòng phụ tử, tìm đường về quê
Vượt ngàn tuyết phủ, mây che
Thuyền dong một mái, ngựa xe cửa ngoài

Mai rồi sạch bụi trần ai
Nguyệt mờ lại tỏ, đào phai lại hồng. (Trời còn để có hôm nay)

Về thể loại, đây là bài thơ lục bát nhuần nhuyễn. Tôi có cảm tưởng nó liền mạch với giọng điệu, âm hưởng cổ kính, trang trọng, mượt mà như truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Hoặc giả Huy Hoàng đã so dây cùng Nguyễn Du để viết ra bài thơ như một kiệt tác này. Tôi cho rằng ở tập thơ “Giữa thanh thiên bạch nhật”, bài thơ này là bài thơ hay nhất. Nhìn rộng ra thơ của Huy Hoàng, đây là bài thơ vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp sang tác của anh.
Hãy để truyện Kiều bên cạnh để so sánh, đối chiếu, tôi thấy một điều vô cùng thú vị bài thơ này nằm trong vòng phủ sóng của truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Khi đề cập đến thân phận của một kiếp người sóng lòng của Nguyễn Du và sóng lòng của Huy Hoàng dường như rung lên cùng một tần số. Nguễn Du đã hóa thân vào nhân vật Thúy Kiều để viết nên những vần thơ thấm đẫm máu và nước mắt. Còn Huy Hoàng thì chiêm nghiệm bản thân để viết ra chả cần phải hóa thân vào ai cả.
-Lở bồi một cuộc bể dâu. “Một cuộc bể dâu” là cụm từ của Nguyễn Du: “Trải qua một cuộc bể dâu”.
-Mười lăm năm ấy đớn đau đã nhiều. “Mười lăm năm ấy” rút từ: “Từ con lưu lạc quê người/Bèo trôi, sóng vỗ chốc mười lăm năm”, “Những là rày ước mai ao/Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” hoặc “Mười lăm năm bấy nhiêu lần/làm gương cho khách hồng quần thử soi”.
-Bụi hồng gió nổi, ráng chiều mưa tuôn. “Bụi hồng”, rút từ “Nàng từ lánh gót vườn hoa/Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng”. Bụi hồng chỉ bụi bặm giữa cuộc đời.
-Phận bèo chìm nổi nước non. Rút từ: “Hoa trôi bèo dạt đã đành/Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi”.
-Sóng vùi cát dập vẫn còn hôm nay. Rút từ: “Đành thân cát dập, sóng vùi”.
-Bè lau một khối tình đầy. Rút từ: “Giác Duyên dù nhớ lời nhau/Tiền Đường thả một bè lau rước người/Trước sau cho vẹn một lời/Duyên ta mà cũng phúc trời chi không”. Tam Hợp Đạo Cô khuyên ni sư Giác Duyên làm một chiếc bè lau để đợi vớt Kiều ở song Tiền Đường. Kiều nhảy xuống sông tự tử, nhờ có giác Duyên chờ sẵn để cứu vớt nên không chết.
-Mười lăm năm có ngày nào là vui. Điệp lại câu: “Mười lăm năm ấy đớn đau đã nhiều”.
-Mịt mù đất khách xa xôi/Ở đâu góc bể, chân trời quê hương? Rút từ: “Từ đây góc bể, chân trời/Nắng mưa thui thủi quê người một thân.
-Lẻ loi thân gái dặm trường. Câu này dùng lại lần thứ hai. Lần thứ nhất là trong bài: “Chùm hoa dâm bụt” nói về một loài hoa đặc trưng của vùng thôn quê Việt Nam lại có mặt tại khách sạn Volga – Nga. Câu này rút từ: “ Canh khuya thân gái dặm trường/
Phần e đường sá, phần thương dãi dầu. Đó là lúc Kiều trèo tường trốn khỏi Quan Âm Các tại nhà Hoạn Thư.
Lẻ loi thân gái dặm trường. Nó xuất hiện hai lần trong thơ Huy Hoàng. Nó không chỉ ám ảnh với tác giả mà nhức nhối cả người đọc, nếu ai hiểu được tâm trạng của một người cha khi có một đứa con gái (Nguyễn Quỳnh Nga) còn lưu lạc, chưa biết ở phương trời nào. Thông điệp này có liên quan đến câu: “Dành cho con gái nguyễn Quỳnh Nga ở phương trời lưu lạc” xuất hiện ngay đầu tập thơ.
-Mai rồi sạch bụi trần ai/Nguyệt mờ lại tỏ đào phai lại hồng.Rút từ ý hai câu Kiều:
Trời còn để có hôm nay
Sương tan đầu ngõ vén mây giữa trời.
Bài thơ này lấy chất liệu từ truyện Kiều bao gồm cả thể thơ, giọng điệu, ngôn từ, hình ảnh, thậm chí bê nguyên xi cả những câu thơ Kiều để nói về nỗi khổ bị đày ải của một kiếp người, một số phận nhưng kết thúc không bi lụy vẫn lóe sáng một chút hy vọng dù rất mong manh.
Sương đầu ngõ đã tan cho ta thấy đào.Mây giữa trời đã vén lên cho ta thấy trăng. Không phải đào phai mà đào hồng. Không phải trăng mờ mà trăng tỏ:
Mai rồi sạch bụi trần ai
Nguyệt mờ lại tỏ, đào phai lại hồng.
Niềm hy vọng dù mong manh ấy còn được lặp lại một lần nữa trong bài “Nợ Đời”
Biết đâu thành bại, dược thua
Cuộc đời sớm nắng, chiều mưa là thường
Đạo nhà ăn ở hiền lương
Gió sương sẽ tạnh, đoạn trường sẽ qua
Rồi điều rủi hạn phôi pha
Phúc đâu, phận đấy, con xa lại về… (Nợ đời)
Cái tạng của nhà thơ Huy Hoàng là thế, ít viết những bài thơ vui. Nhưng như thế không có nghĩa là không có. Ngay bài thơ đầu tập “Có một Hà Nội trong tôi” là bài thơ trong trẻo. Hình ảnh, ngôn từ, âm điệu đều trong trẻo để diễn đạt một tình cảm trong trẻo của nhà thơ đối với một Hà Nội trong tâm tưởng có phần hơi cổ kính, nhất là những khổ thơ:
Mãi vẫn còn một Hà Nội trong tôi
Hơi ấm của mùa xuân, heo may ngày tháng giá
Mùi bánh nóng ban mai, hương cốm xanh mới giã
Một bầu trời trong trẻo nắng mùa thu…

Hà Nội trong tôi, những đôi mắt biết cười
Những sóng tóc bồng bềnh như biết hát
Một dáng đi, tà áo dài tha thướt
Đêm xa nhà lại mơ thấy Hồ Gươm

Từ tiếng chào, từ ý tứ đoan trang
Nét thanh lịch, hào hoa người Hà Nội
Miếng quà ngon, thú ăn chơi, lễ hội
Phải chắt chiu, thanh lọc tự ngàn đời

Có gì lạ kỳ đâu, mà lại nhớ khôn nguôi
Tiếng tàu điện, hoa ngoại thành vào phố
Quán nhỏ đêm chong đèn, tiếng rao dài ngõ chợ
Tiếng xôn xao nước vỗ phía sông Hồng… (Có một Hà Nội trong tôi)
Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, thể thoe ấy, “Ngự giữa thiên đường” là bài thơ có những câu thơ đẹp như những cành hoa tỏa hương thơm. Mặc ai đi tìm thiên đường ở những chốn Thiên thai xa lạ, nhà thơ Huy Hoàng chỉ biết có môt “thiên đường ngự giữa trần gian”. Với Huy Hoàng, thiên đường chính là cuộc sống có thật trên mặt đất, là nơi không ồn ào náo nhiệt như phường phố mà tĩnh lặng. Ăn uống chỉ “rau dưa”, sinh hoạt “không đài, ti vi, máy tính/báo không, điện thoại cũng không”, không gian “chỉ suối, chỉ rừng”. Nơi ấy:

Ban mai, chim muông gọi cửa
Gió cây, nắng sớm, hương ngàn
Bếp lò rực hồng, than đượm
Thiên đường ngự giữa trần gian. (Ngự giữa trần gian)

Đó chính là Thiên đường ngự giữa trần gian!

Đọc thơ Huy Hoàng nên đọc chậm. Bởi vì đó la loại thơ đa thanh, đa nghĩa. Nó chia sẻ với chúng ta chính những điều mà chúng ta đang thực sự quan tâm. Đọc thơ Huy Hoàng không hề biết chán, nó lôi cuốn người đọc bằng những giọng điệu khác nhau khi chính luận, khi thì hài hước, dí dỏm, khi lại trữ tình khi giản dị, mộc mạc, khi lại cổ kính thâm trầm. Tùy đối tượng được nói đến để nhà thơ chọn một giọng điệu thích hợp, một thể thơ thích hợp, có thể là Lục bát, có thể Tự do, hoặc thể thơ năm chữ, tám chữ… Điều đáng lưu ý Huy Hoàng là nhà thơ có bản lĩnh nghề nghiệp, không ngại va chạm, không hề né tránh trước những vấn đề xã hội gai góc. Điều đáng tiếc có đôi bài lập ý còn đơn giản, hầu như ít có bài vui, hầu hết chìm đắm vào một nỗi buồn vô tận. Đọc những vần thơ sau đây, ta có cảm giác như đang đọc các nhà thơ mới giai đoạn 1930 – 1945, có một chút Phạm Huy Thông, một chút Đoàn Văn Cừ, một chút Anh Thơ, Chế lan Viên…
Không gian như tủ lạnh khổng lồ
Đồi xơ xác, cánh rừng phong tê tái
Thung lũng nhuốm một màu trắng muối
Tuyết ngập đồng, ào ạt gió đài nguyên.

Dòng sông băng không bóng một con thuyền
Dải bờ lạnh để tang ngày băng giá
Trên quảng trường tượng kiệt nhân tuấn mã
Tay vung gươm hóa đá giữa đất trời.

Về phương Nam không còn kịp nữa rồi
Những cánh sếu lạc bầy kêu thảm thiết.
Đàn chó hoang run xù lông nhá tuyết
Mắt đỏ ngầu tru giọng đến thê lương.

Quạ lẻ đàn rũ cánh xếp lặng im
Ngóng đôi mắt vô hồn về cuối bãi.
Sau ngọn tháp, phía làng xa, ngọn khói
Vài tiếng gà nhớ nắng gáy miên man… (Ngày đông giữa làng Nga)

Thành Phố Vinh, Một ngày đầu đông buốt giá.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65179664

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July