Ảnh minh họa
|
Từ độ lên thành phố theo nghiệp văn chương, tôi đâm ra nhớ quê hương mình da diết, cái chốn thị xã buồn mênh mang kỉ niệm. Lãng đãng chiều nay, giọt mưa bay vu vơ ngang ô cửa sổ nhà trọ, tôi cố thản nhiên, nhưng tránh sao khỏi cho lòng mình hai tiếng tha hương. Nỗi buồn trong cố hữu, nỗi buồn rơi như mưa…
Có phải vì ôm ấp mối tình quê mà tôi đâm ra hóa dại, hóa rồ mỗi khi bắt gặp đâu đó chút sản vật, chút hình ảnh quê hương. Tà áo dài nữ sinh bỗng trở thành dĩ vãng, khi mà đâu đâu, ở thành phố này cũng chỉ có những chiếc váy xanh váy đỏ lạ xa. Rồi biết tìm đâu những mái tóc đen ngoan hiền, buông trên lưng ong trong trẻo tinh khôi? Ngơ ngẩn. Lạc loài. Tôi thấy mình như kẻ sinh nhầm thời đại, thấy thấu hiểu tâm tình mà ngày xưa bác Vũ Hoàng Chương đã đôi lần bộc bạch: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ”.
Những ngày ở Hồng Ngự, tôi thấy tất cả quá đỗi bình thường. Những ngày ở Sài Gòn, tôi bỗng thấy Hồng Ngự sao quá thân thương. Một ly cà phê bệt cũng đủ gợi nhớ bao thứ về chốn chôn nhau cắt rốn của mình. Nhớ dòng sông đôi bờ lờ lững, anh đứng bên này sông vọng ngóng niềm xa xăm, trách người con gái quê sao tham sang phụ khó bỏ tình lờ lững như dòng. Nhớ chiếc xuồng con buông chèo hờ hững, nhớ rặng lau già phơ phất nhớ thương… Chao ôi, có biết bao cái để nhớ, để thương, để mai kia mốt nọ trở bước tìm về.
Tôi gọi những con đường ở chốn ấy là phố. Bởi nó đâu chỉ là đường, đâu chỉ là mảnh đất được tráng nhựa phẳng phiu để phương tiện lưu thông mà nó còn là những mảnh tâm hồn của người xưa cũ. Phố - có gì đó thân thương, kỉ niệm. Phố - có gì đó cổ kính, say sưa. Có biết nhiêu đời người được sinh ra và mất đi trên mảnh đất thị xã này. Có biết bao nề nếp truyền thống đã được gìn giữ và nâng niu ở chốn đây. Và hơn nữa, có biết bao nhiêu cặp tình nhân, bao nhiêu đôi lứa đã in bao kỉ niệm đón đưa suốt dọc dài những con phố thân thương. Những tháng ngày xa phố, xa quê, chỉ biết tự hỏi lòng mình: “Phố có còn những kỉ niệm đón đưa?/ Để ta giữ mãi mối tình khờ dại thế…”
Bờ kè gió lộng. Ngẩn ngơ nhìn hoàng hôn buông xuống dòng trong. Sông mang môt nỗi buồn riêng như kẻ đa mang tâm sự. Nhìn những vệt màu cam dài đổ bóng lênh loang xuống mặt nước, mấy ai cản được lòng mình chút đa cảm bâng quơ? Sông vẫn trôi đời sông, người vẫn đi đời người, chỉ có quê hương là chung thủy đến độ bạc đầu.
Đi qua những vùng đất lạ mới cảm thấy thương mảnh đất đã quen thuộc từ thuở ta vừa kịp khai sinh chào đời. Đường xưa lối cũ còn in hằn lại ngày tháng ấu thơ. Con đò từ trong kỉ niệm luôn cất tiếng gọi ta về, giờ đây, khoảng cách địa lí muôn trùng xa cách nhưng trong tâm khảm, đò vẫn ở đó, đò ơi...
Tự bao giờ, tôi đã nguyện giữ cho mình mối tình quê khờ dại thân thương, giữ cho mình một trái tim luôn khảm hình bóng của miền thị xã nơi đồng bằng lộng gió, giữ cho câu hát dòng sông bến nước vẫn mãi êm đềm.
Nguyễn Phạm Minh Thủy (Tạp chí Hội Nhà văn Tp HCM)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/di-qua-dat-la-20151124084038540.htm