Phan Bội Châu
|
|
Nhưng nhìn cho kỹ thì thấy trước đây, Phan Bội Châu được nhắc nhở chủ yếu như một ngòi bút có mãnh lực đặc biệt trong việc khơi gọi lòng yêu nước và thúc giục đồng bào ta đấu tranh. Những gì ông viết ra trước khi bị bắt (1925) được hết sức trân trọng, còn những sáng tác của ông khi đã bị giam lỏng ở Huế ít được kể tới. Điều có vẻ ngẫu nhiên đó thực ra nằm trong quan niệm về văn học một thời: Một là đánh giá văn thơ qua tác động trực tiếp của nó với người đương thời và hai là gắn văn chương với thành công trước mắt mà quên rằng nhiều khi ngay trong thất bại, vẫn có thể nảy sinh những tác phẩm có giá trị thực thụ.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của Phan Bội Châu (29/10/1940 – 29/10/1990), nhà nghiên cứu Chương Thâu, được sự ủng hộ của Nhà xuất bản Thuận Hoá cho in liền một lúc mười tập Phan Bội Châu toàn tập. Đồng thời với việc gợi ra ý niệm về khối lượng sáng tác đồ sộ của Phan Bội Châu, bộ sách còn làm được một việc lớn lao là đính chính lại hình ảnh Phan Bội Châu trong chúng ta nữa.
Ngay cách bố cục của bộ sách đã nói lên điều đó. Ba tập đầu được dành cho sáng tác của Phan Bội Châu từ 1925 về trước. Còn những gì ông viết 15 năm cuối đời được dành hẳn cả bảy tập cuối. Vả chăng, vấn đề không phải chỉ là số lượng. Vấn đề còn là trong bảy tập cuối này, có chứa hai công trình nghiên cứu lớn của Phan Bội Châu. Một về Chu dịch. Một về đạo Khổng. Trước khi hoạt động cách mạng, Phan tiên sinh đã có một căn cốt tri thức vững vàng. Nhờ thế, lúc đã về già, trong cảnh cá chậu chim lồng, ông vẫn tìm được việc để làm và sự thực là đã có những công trình hữu ích! Trước mắt chúng ta Phan Bội Châu hiện lên không chỉ như một ngòi bút có sức cổ động mạnh mẽ, mà còn là một nhà nghiên cứu sâu sắc đủ sức viết nên những tác phẩm đánh dấu trình độ tri thức một thời.
Ngoài việc giới thiệu Chu dịch quốc âm dẫn giải và Khổng học đăng, Phan Bội Châu toàn tập còn dành cả một tập để giới thiệu văn xuôi tự truyện của tác giả và đây cũng cần coi là một đóng góp nữa của bộ sách. Bởi lẽ, như chúng ta biết phần sáng tác này của Phan Bội Châu cũng thường bị lãng quên một cách oan uổng.
Trên danh nghĩa ai cũng bảo Phan Bội Châu niên biểu là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Phan tiên sinh. Nhưng không kể lần trích in một phần ở Huế 1946, thì đến nay cuốn hồi ký đó của ông chỉ được in thành sách riêng hai lần, một lần vào năm 1955, một lần vào 1957 rồi không thấy được in lại nữa, kể cả trong một số bộ tuyển. Vậy nên, riêng việc tiếp xúc với một tác phẩm nay đã trở thành ấn bản hiếm ấy cũng đã hứa hẹn nhiều thú vị với những ai sẽ đọc Phan Bội Châu toàn tập. Và người ta lại sẽ hào hứng hơn nếu biết rằng cuốn Niên biểu ấy là một thứ hồi ký mẫu mực. Ở đó tác giả không định kể công, không tự tô vẽ, không muốn biến mình thành thánh, ở dó, ông chỉ mong người sau trông vào vết xe đổ của mình để tránh thất bại. Xưa nay cái yếu tố tự phán ấy (như một tựa đề vẫn được truyền tụng để gọi Phan Bội Châu niên biểu) thường vẫn là tinh thần chính toát ra từ các cuốn hồi ký tài ba của các nhà văn, đồng thời là những trí thức chân chính.
Vương Trí Nhàn (Chuyện cũ văn chương)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/cong-viec-cua-phan-boi-chau-luc-ve-gia-20151028094826508.htm