Miền đất trung du quê tôi, miền Tây xứ Nghệ bao đời được ví von là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” bởi điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Mùa đông thì giá lạnh như cắt da cắt thịt; những tấm tranh được đan bằng gốc rạ, dày cả ba, bốn tấc; trải chiếu lên, đắp chăn dày mà vẫn còn rét. Mùa hạ thì dư dả gió Lào vừa nóng vừa khô với cái nắng như ai đổ chảo lửa lên đầu. Xưa người dân quê tôi có “sáng kiến” chống nóng là chặt tàu lá chuối xanh rồi nằm lên đó. Hoặc những trưa hè quá oi ả, mọi người vào hang đá trong núi để trú nắng, nghỉ ngơi giữa tiếng ve và tiếng chim quanh mình.
Nhà thơ Chính Hữu viết “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”- hình ảnh “nước mặn đồng chua” ở đâu thì không biết nhưng hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” là chỉ có ở vùng đất quê tôi. Đất trên đồi lổn nhổn đá ong, đá sỏi. Đất đồi trồng được cây chè thơm và ngon bởi chất đất, khí hậu… Bên cạnh đó là những rẫy sắn xanh tươi; cây khẳng khiu nhưng cho củ nhiều.
CHiều về trên dòng Lam
Nhưng thiên nhiên bao giờ cũng hào phóng, “đền bù” cho quê tôi dòng sông Lam như dải lụa xanh mát, dịu dàng. Bãi bồi hai bên sông là món quà vô giá của thiên nhiên. Sông bồi bên nào thì bên ấy hưởng, coi như trời đất ban tặng cho mình. Chẳng may, sông lở bên nào thì bên ấy phải chịu. Vì thế có câu ca dao “Con sông bên lở bên bồi/ Bên lở thì đục, bên bồi thì trong”.
Mùa nào thức nấy, cả cánh đồng xanh tươi màu ngô non, màu xanh khoai lang; màu xanh của đậu, lạc… Sau mùa lụt, cánh đồng càng thêm sức sống bởi phù sa mà sông đưa về. Những thửa ruộng bên thung lũng, bên những dòng suối cũng lên xanh màu lúa.
Nhớ nhất là mùa cơm mới tháng năm, tháng mười. Hạt gạo còn thơm mùi sữa lúa, độn cùng khoai lang vừa thu hoạch ngoài đồng. Bắc nồi cơm lên, khi cơm sôi là để khoai đã cắt từng khoanh nhỏ vào. Hương gạo, hương khoai hòa quyện vào nhau, tỏa mùi thơm dễ chịu, hấp dẫn. Có thể hồi ấy, đang tuổi ăn tuổi lớn nên cơm độn khoai bao giờ ăn cũng ngon, cũng hết nồi cơm mẹ nấu.
Quên sao được cơm độn sắn non bà nấu thuở nào. Sắn non được cắt từng khúc ngắn, cho vào khi cơm đang sôi. Bỏ thêm nhúm muối nhỏ vào cho đậm đà hương vị. Mùi sắn non cùng mùi cơm gạo mới sao hấp dẫn thế? Sắn trồng đất đồi đá ong cho củ thơm lắm.
Những ngày mưa, mẹ mang sắn lát phơi khô hoặc khoai lang xắt lát ra độn cơm. Vào mùa thu hoạch trời nắng; sắn, khoai lang được xắt lát mỏng phơi khô. càng được nắng thì sắn lát, khoai lát càng thơm, càng trắng. Xong cho sắn lát vào chum sành, có đậy lá chuối khô chống ẩm; để dành ăn trong những ngày mưa, ngày giáp hạt.
Nhà có cha mẹ và sáu người con chỉ có chừng một lon gạo; còn lại là khoai, sắn lát. Đun lửa cho cơm sôi lên, khoai hoặc sắn lát lần lượt bỏ vào. Lấy đũa trộn đều và đậy nắp lại. Khi cạn nước, cời tro than nóng và đưa nồi cơm xuống vần xoay đều cho cơm chín.
Chờ hơi cơm bốc lên thơm nhè nhẹ, dùng đũa bếp ( đũa cả) xéo khoai, sắn cho nhuyễn chung cùng gạo. Một nồi cơm thơm và cả nhà trò chuyện vui vẻ trong hương vị miền quê dân dã ngàn đời… Nhưng ngon nhất, thơm nhất là cơm độn khoai lang vừa thu hoạch, đưa ngoài đồng về. Khoai còn tươi, vỏ tím ngát (gọi là khoai lang mật; khi nấu chín, để nguội, mật khoai tứa ra).Đặc biệt hương vị khoai lang mới còn nguyên mùi nhựa không dễ gì quên được khi đã được ăn vài lần.
Cơm độn ngô cũng là một kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức thế hệ chúng tôi. Trước hết, ngô được đem ra giã nhỏ bằng cách đổ vào cối và dùng sức người giã. Cối giã bao gồm một cối đá chôn xuống đất; một cần cối và một mỏ cối ( còn gọi là chày) được làm bằng thân cây duối già.
Một dàn cối gồm bốn cái cọc đóng xuống đất, hình chữ nhật. Cần cối được lắp vào hai khe của hai cọc trước. Người giã đứng đằng sau, đạp xuống rồi thả chân cho chày nện xuống cối đá. Một người ngồi bên, đưa tay cho ngô vào đều và phải luôn nhanh tay lẹ mắt; nếu sơ sẩy là bị chày nện trúng bàn tay…
Giã xong, dùng sàng sàng lại chọn những mảnh ngô nhỏ; trôn chung cùng gạo. “Công thức” trộn là ba gạo bảy ngô ( cứ ba lon gạo thì trộn chung bảy lon ngô). Vui nhất là chiều thứ bày, nhà nào cũng thình thịch tiếng cối giã ngô cho con mang đi ăn trong một tuần.
Mảnh ngô lớn hơn thì để ăn độn ở nhà. Do ngô đã giã nhỏ nên khi nấu, đều chín cùng gạo. Nồi cơm độn đỏ một màu ngô trông đẹp mắt. Cơm độn ngô có vị ngọt của ngô, vị thơm của gạo; ăn riết rồi quen và thích ăn cơm độn ngô…
Cuộc sống đổi thay, nhà nhà đều dư dả lúa gạo; cảnh ăn cơm độn không còn nơi làng quê. Bây giờ ăn cơm gạo trắng, nhiều khi thấy rất nhạt miệng vô cùng. Gạo được xay, đánh bóng trắng thì còn đâu “vỏ cám” bổ dưỡng, chỉ là ăn xác gạo thôi !
Ngày xưa, cơm độn – suy ra cho cùng, lại là sự phối hợp khoa học để bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong ngô, khoai, sắn, đậu có nhiều loại vitamin cần thiết mà trong gạo không có được. Vậy mà ngày ấy, chúng tôi vẫn lớn lên, thân thể chắc nịch, chạy nhảy, đá bóng tối ngày…mà không biết mệt.
Nghe đâu ở Hà Nội, có quán cơm độn để mọi người nhớ về một thời gian khổ. Nhưng cũng nghe nói thì dù “bắt chước” nhưng vẫn không ngon, không “đậm đà” bằng cơm độn “thứ thiệt” ngày xưa!
Nên chăng, mỗi tuần chúng ta cùng nấu một nồi cơm độn để ‘đổi món”; bổ sung chất cho khẩu phần ăn hàng ngày. Cơm độn ngày xưa mang hương vị quê hương, mang tình thương của bà của mẹ nên dù sống ở phương trời nào; mùi cơm độn khoai, độn sắn, độn ngô luôn phảng phất quanh mình khi chúng ta cùng ngược dòng năm tháng ấy…
LÊ LAM HỒNG
……………………………………………………………..
Lê Đức Đồng- Trường THPT Chuyên NT Minh Khai- Sóc Trăng
|