Trong hải trình ra với với Trường Sa đợt thay, thu quân và chúc Tết Ất Mùi lần này, đoàn công tác trên tàu HQ 571 đã đến đảo Trường Sa Đông. Bước chân vào hội trường đảo, chúng tôi đã cảm nhận được sắc xuân, hương vị Tết vô cùng ấm áp từ khói trầm hương thơm ngát, từ ma-két trang trí hội trường “Chúc mừng năm mới Ất Mùi 2015” được kẻ vẽ thanh thoát trên nền cành đào xuân chúm chím nụ hồng, những dải ruy-băng sặc sỡ do lính đảo tự cắt xếp và kết nối khéo léo xung quanh hội trường. Và thật ngạc nhiên, khi ở đây hiện diện một cây quất có dáng rất đẹp với quả lúc lỉu ken dày từ chân đến ngọn thành một tháp quả xanh. Thiếu tá Hoàng Thanh Tú, Chỉ huy trưởng Trường Sa Đông cho biết cây quất này là một thành quả ngọt ngào đem đến niềm vui, niềm phấn chấn của cả đảo trong dịp chào Xuân đón Tết Ất Mùi.
Chuyện là, trong chuyến ra thay thu quân và chúc Tết Giáp Ngọ 2014, một người bạn thân đã gửi tặng Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông năm đó là đồng chí Ngô Trí Thực một chậu quất cảnh. Món quà này là niềm vui chung của cán bộ, chiến sỹ Trường Sa Đông, nên sau Tết Giáp Ngọ cây quất được giao cho phân đội chiến đấu số 2 chăm sóc. Binh nhất Phạm Minh Tuấn, người ra nhận nhiệm vụ cùng chuyến tàu chở cây quất này ra đảo vào ngày 2/1/2014, và cũng là một trong những người được giao trực tiếp “chăm bẵm” cây quất kể rằng, phân đội 2 yêu quý cây quất như… một người em, một “chiến sỹ màu xanh” của phân đội (!). Phân đội luân phiên cắt cử người cắt tỉa, chăm bón. Vào mùa nắng tháng 3, tháng 4 ở Trường Sa nước sinh hoạt trên đảo bị hạn chế, nước tắm có thể thiếu nhưng cả phân đội đều dành dụm không để cây quất thiếu nước.
Tháng 8/2013, đồng chí Ngô Trí Thực chuyển công tác, đồng chí Hoàng Thanh Tú ra thay. Không chỉ tiếp quản công việc mới, Thiếu tá Hoàng Thanh Tú còn “tiếp quản” cả món quà của vị tiền nhiệm để lại, và còn treo thưởng cho phân đội 2 nếu chăm sóc cây quất để cho quả vào đúng dịp Tết Ất Mùi. Thế là việc chăm sóc, tìm hiểu kỹ thuật để thúc, hãm quất trở thành niềm cảm hứng mới cho cả phân đội. Và thật bất ngờ, khi nhận được kế hoạch thay thu quân mới, thì cũng là lúc cây quất bung nở những nụ, những hoa. Ngày đón đoàn công tác ra thay thu quân và chúc Tết Ất Mùi 2015, cũng là ngày cây quất đến độ kết thành tháp quả xanh. Thiếu tá Hoàng Thanh Tú cho biết, cây quất như là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tiếp nối, làm đẹp thêm những khát vọng xanh màu tuổi trẻ để người chiến sỹ luôn vững chắc tay súng nơi biên cương hải đảo này.
|
Chiễn sĩ hát mừng xuân sớm về trên đảo dưới tán cây bàng vuông. |
Không chỉ ở Trường Sa Đông, mà ở các đảo chìm Đá Đông A, Đá Đông B, Đá Đông C, đảo nổi Phan Vinh A và điểm đảo chìm Phan Vinh B, mới được một nửa hải trình công tác, mà đến điểm đảo nào chúng tôi cũng bắt gặp những màu xanh non mơn mởn của hoa lá, cỏ cây tự tay người chiến sỹ ươm trồng. Tất cả các điểm đảo chúng tôi đi qua đều có “Vườn rau thanh niên”. Tại đảo chìm Đá Đông A, bên cạnh nhà nổi xây dựng để làm căn cứ phòng thủ và sinh hoạt, là một khu vườn rất độc đáo được dựng kỳ công như một nhà giàn, một “vườn treo babilon” trên biển. Cán bộ và chiến sỹ đã dựng cọc, làm sàn và đổ đất để trồng rau. Chỉ một vuông đất nhỏ nhưng có nhiều loại rau như: rau muống, mồng tơi, bầu đất, cải bẹ, rau sam... Ngoài ra còn có các chậu trồng chanh, ớt cay, đinh lăng, nghệ, riềng, sả, rau húng, lộc quế...
Trung tá, bác sỹ quân y Nguyễn Văn Lâm, quê ở xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc), người đã từng đến với Trường Sa từ năm 1988 để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ, từ đó đến nay đã có 6 lần ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, cho biết: “Mùa này khó trồng rau nhất, vì cứ vào tháng 11, 12 âm lịch ở Trường Sa gió mưa nhiều, rau gặp mưa và gió biển rất khó phát triển. Còn vào tiết tháng 3, tháng 4 rau mọc tươi tốt nhất. Mùa nhiều rau thì có luộc, xào, mùa ít rau thì chỉ nấu canh. Nhìn chung bữa ăn nào cũng có rau xanh”. Chúng tôi ai cũng vui, vì đang mùa khó trồng nhất, mà ở đây những ngọn bầu đất, mồng tơi, những luống cải bẹ vẫn tốt tươi, bậm bạp, mướt mát.
Còn ở các điểm đảo chìm Đá Đông B, Đá Đông C, Phan Vinh B, phổ biến là kiểu trồng rau “di động”. Rau được trồng trên các chậu, bồn, ở các hành lang, chân cột sóng viettel... bất cứ chỗ nào có mặt bằng xung quanh nhà nổi ở đảo chìm đều được tận dụng làm nơi trồng rau. Cứ chỗ nào có gió nhiều thì phải di chuyển và che chắn. Được trồng nhiều nhất vẫn là các loại rau bầu đất, mồng tơi, cải bẹ. Ở điểm đảo Đá Đông C trồng thêm nhiều cây me để lấy lá kho cá. Ở các điểm đảo Phan Vinh A, Trường Sa Đông và Đá Đông C thì trồng được bầu, bí.
Ngoài các loại rau, trên các ô cửa sổ, góc bàn, góc nhà, những không gian nhỏ ở các điểm đảo cũng được đặt những chậu cây cảnh tạo màu xanh. Tại điểm đảo Đá Đông C, trên bàn làm việc của Thượng úy Phan Đức Sinh - Chính trị viên điểm đảo, chúng tôi đã sững sờ trước vẻ đẹp của những cây xương rồng nở hoa, được trồng trong các vỏ ngao “cô đơn” và chung quanh gốc có trang trí ốc biển. Tạo nên thế “bonsai” rất lạ, vừa giản dị, lại cũng rất đài các. Hay trên tủ thuốc phòng bác sỹ quân y đảo Phan Vinh B, là một bình hoa xương rồng 3 nhánh xanh thẩm, đặt bên cạnh là một bức ảnh gia đình hạnh phúc gồm bố mẹ và một bé trai kháu khỉnh, trên bức ảnh ghi “Kỷ niệm ngày con trai tròn 16 tháng tuổi”...
Ở Trường Sa, mỗi điểm đảo là một pháo đài canh giữ chủ quyền biển trời Tổ quốc. Trong cảm nhận của chúng tôi khi đặt chân đến các điểm đảo trước thềm xuân mới Ất Mùi thì đây có thể xem là những “pháo đài xanh” với vô số những bóng cây rợp mát. Trước sóng và gió biển luôn dập dồn dữ dội, với nước mặn đại dương, đối mặt với muôn vàn khắc nghiệt của thiên nhiên, từ bao đời nay Trường Sa đã lựa chọn cho mình những loài cây mà sự thích nghi, khả năng chịu đựng và kiên gan bền bỉ để tồn tại của nó cũng mang đậm tính cách của dân tộc Việt Nam. Trong đó điển hình là 4 loài cây: cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông và cây tra. Chẳng biết chính xác thời điểm cha ông xưa đã lựa chọn ra những loài cây với những cách định danh đầy hàm ý này để vượt trùng dương đưa ra trồng nơi biển lớn? Nhưng chợt nghĩ, phải chăng theo như Sắc chỉ năm 1835 nhà Nguyễn cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa mà người dân huyện đảo Lý Sơn mới tìm thấy được, thì có thể đây là ý tưởng của một ông vua nhà Nguyễn nào đó giỏi giang về thi phú chữ nghĩa là tác giả của những tên gọi các loại cây này?
|
Bộ đội chăm sóc vườn rau trên đảo ở Trường Sa. |
Đêm, dạo bước trên đảo Phan Vinh, dưới những tán cây dày sum suê, mềm mại mà dẻo dai trước những đợt gió giật cấp 6, cấp 7, Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (phiên hiệu của Đoàn Trường Sa) chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, chiêm nghiệm sâu sắc: Cây phong ba là cây thân gỗ cao, cành cứng, vừa tạo màu xanh và tán che mát cho đảo, tạo cảnh quan cho đơn vị, vừa ngụy trang công sự, trận địa. Đây là loại cây có khả năng che chắn lớn trước các sự tấn công của kẻ thù bằng hỏa lực, vì cành cây cứng nhưng không giòn, khó gãy. Cây bão táp tầm vóc nhỏ hơn, có lợi thế lớn để trồng bao quanh làm đai chắn bão giông, sóng biển, vừa để che chắn tầm nhìn thấp từ xa hướng tới.
Cây tra cao lá dày xanh mẫm bóng như sức sống của đảo, lớp lá non có thể hái ăn với thịt luộc, các loại hải sản, là một thức rau bốn mùa ở đảo cung cấp thêm vitamin cho chiến sỹ và nhân dân. Cây bàng vuông riêng chỉ có ở Trường Sa, vừa mang dáng dấp cây bàng ở đất liền, hoa bàng vuông đẹp kiều diễm như thể sắc màu của hoa quỳnh, chỉ nở về đêm. Nhụy hoa bàng vuông thành chùm dài màu trắng hồng phớt tím ở đầu nhụy, mềm mại và mong manh, cánh hoa bàng trắng, làm cho hoa bàng vuông có thể sánh với bất cứ loài hoa đẹp nào trên thế gian. Lạ thay sắc hoa thơ mộng đó lại cho thức quả bàng vuông cứng cáp, rắn rỏi. Rất lạ nữa là khi quân và dân Trường Sa đưa vào chậu, bồn cảnh, những loại cây này vẫn căng tràn sức sống với màu xanh tươi tắn giàu sinh khí.
…Đến với Trường Sa, mảnh đất xa xôi địa đầu Tổ quốc, được đón ánh hồng ban mai rực rỡ mỗi sáng sớm bên cạnh cột chủ quyền của dân tộc sừng sững vững chãi, dưới tán lá xanh mát rượi, chợt trào dâng cảm giác hạnh phúc vô bờ, như đã thực may mắn được chạm tới những điều thiêng liêng, cao cả, như có sự kết nối rất tự nhiên giữa mỗi số phận nhỏ nhoi với những gì lớn lao và rộng dài của đất nước, của dân tộc, cả về không gian địa lý lẫn thời gian lịch sử.