Ngày thứ 9 của hải trình ra với Trường Sa, tàu HQ 571 đưa đoàn công tác chúng tôi vượt sóng biển có lúc cấp 8, để đi từ đảo Phan Vinh sang đảo chìm Tốc Tan. Ngay từ sáng sớm ngày 13/1, trời trở lạnh, sóng bạc đầu xuất hiện với bước sóng dài hơn và cao hơn như thông báo của một “bản tin đặc biệt” của biển, ấy là sáng ngày 12/1 khi tàu đang neo ở đảo Phan Vinh thì một đàn cá heo đã xuất hiện và lượn quanh tàu chúng tôi khoảng 10 phút. Khi cá heo lao vun vút lên trên mặt biển, tiếng reo hò chào đón mỗi lúc một lớn, nhất là từ phía cánh lính trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa nhận nhiệm vụ.
Thiếu tá Vũ Xuân Thuân, quê Thái Thụy (Thái Bình), người đầu bếp phục vụ đoàn công tác, có thâm niên 16 năm gắn bó với biển cả, lộ nét mặt hơi đăm chiêu. Qua các kinh nghiệm học hỏi từ ngư dân và bề dày trải nghiệm, anh Thuân cho chúng tôi biết ở Trường Sa cá heo thường chỉ nhảy lên quanh boong tàu mỗi khi có sự thay đổi về thời tiết. Nếu biển đang động dữ dội, mà cá heo nhảy lên từng đàn, thì sau đó biển sẽ lặng. Còn nếu biển đang lặng mà gặp cá heo nhảy lên, thì chỉ một buổi hoặc một ngày sau là sóng to gió lớn. Vì thế, thủy thủ và ngư dân Trường Sa coi cá heo là bạn, là “sứ giả” báo tin của biển và cũng gọi là “ông cá”, không câu bắt và ăn thịt cá heo bao giờ.
|
Tuần tra trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: PV |
Điều mà anh Thuân lo lắng, cũng đã nằm trong sự tính toán của những thủy thủ ngành hàng hải trên tàu. Bởi sang ngày biển động cũng là ngày tàu đến đảo Tốc Tan, một đảo chìm nằm trên rạn san hô được bao quanh bởi các mép san hô và đá mồ côi, ở giữa có lòng hồ vô cùng rộng lớn, có nơi sâu hơn 10m. Nhờ đó, Tốc Tan còn là nơi tránh trú bão lý tưởng cho tàu thuyền hải quân và ngư dân khi đánh bắt cá ở Trường Sa. Vậy là sau các điểm đảo ở Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, chúng tôi đến đảo Tốc Tan – nơi có hồ trú tránh, vừa đúng lúc biển “trở mình”. Thì ra, hải trình của đoàn công tác đã được lập trình chi tiết, bài bản và khoa học dưới sự tổng hợp tính toán tỉ mỉ từ rất nhiều góc độ, nhiều chuyên ngành, cả những kinh nghiệm được thừa kế từ nghề ngư nghiệp tồn tại hàng bao đời nay ở Trường Sa.
|
Bình báo tường mừng Xuân Ất Mùi ở đảo Trường Sa Đông. Ảnh: NK |
Cùng vào đảo Tốc Tan với đoàn công tác lần này có y sĩ Cao Văn Tứ (sinh năm 1991), nhà ở xóm 12 xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) là một trong những người lần đầu ra nhận nhiệm vụ mới ở Trường Sa. Tứ vừa mới tốt nghiệp Trung cấp quân y 2 (TP. Hồ Chí Minh) tháng 6/2014. Tứ cho biết, từ khi học ở trường đã có rất nhiều bạn trẻ ấp ủ khát vọng thử thách ở Trường Sa. Hiện nay không chỉ sinh viên các trường quân y ra trường mong muốn công tác ở Trường Sa, mà các y bác sỹ quân y, các bệnh viện dân sự cũng nhiều bác sỹ xung phong ra với đảo. Đến nay, tất cả các bệnh viện quân y đều cử bác sỹ, y sỹ, dược sỹ luân phiên có mặt tại các điểm đảo Trường Sa. Được biết, Bệnh Viện Quân khu IV (đóng tại TP. Vinh, Nghệ An) nhận đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe chiến sỹ đảo An Bang đã mấy năm qua. Cao Xuân Tứ cho biết, rất vui là trong chuyến hành quân ra các đảo lần này, anh gặp 3 đồng nghiệp công tác ở Bệnh viện Quân khu IV ra nhận nhiệm vụ ở đảo An Bang gồm: 1 cử nhân điều dưỡng, 1 y sỹ, 1 nhân viên gây mê hồi sức.
Tại hội trường điểm đảo Tốc Tan B, trong buổi trò chuyện khi nhận nhiệm vụ mới, các cán bộ và chiến sĩ trẻ đến với đảo lần đầu đã rất vững tâm khi bên cạnh có những người trẻ tuổi nhưng dày dạn như Trung úy Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1980), quê xã Lạc Sơn (Đô Lương). Anh Nguyễn Văn Dương ra với Tốc Tan C từ tháng 8/2014, nhưng trước đó đã có 4 năm liên tiếp làm nhiệm vụ canh gác ở các nhà giàn cụm Tư Chính, Phúc Tần từ năm 2007 - 2011. Khi các chiến sĩ mới đang chộn rộn cảm giác sẽ đón Tết Ất Mùi xa nhà, anh Dương cho biết bản thân anh đã có “thâm niên” đón Tết cổ truyền ở biển và lần này là lần thứ 5, nhưng không hề buồn mà rất phấn khởi vì ở đảo cũng có những niềm vui riêng rất đặc biệt bù đắp Tết xa nhà, xa đất liền.
Các chiến sĩ mới còn thú vị hơn khi được biết anh Dương là con út trong một gia đình có 4 anh chị em đều gắn bó với hải quân: Anh trai đầu là đại úy Nguyễn Văn Hùng hiện là Thủy thủ trưởng tàu Biển Đông 134 (Hải đội 921, Hải đoàn 129); chị gái thứ hai là Trung úy Nguyễn Thị Bình và chồng đều công tác tại Hải quân Vùng 4; Em gái là Nguyễn Thị Phượng lấy chồng là Thượng úy Nguyễn Văn Tú, công tác tại Hải quân Vùng 3. Dương cho biết, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ và chiến sĩ đảo Tốc Tan còn có nhiệm vụ ứng cứu và giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản khi gặp nạn, gặp khó khăn trên biển. Đó vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm vui của cán bộ và chiến sĩ ở đảo. Anh mới chuyển đến Tốc Tan B chưa được 5 tháng nhưng đã chứng kiến nhiều ngư dân vào xin nước ngọt, xin thuốc chữa bệnh, thậm chí cả xin gạo. “Xác định bà con có khó khăn mới nhờ đến mình, vì vậy lúc nào anh em cũng sẵn sàng giúp đỡ. Có những lúc nước không còn nhiều, nhưng khi có ngư dân vào xin thì đảo vẫn san sẻ để bà con đủ vượt qua khó khăn” – Nguyễn Văn Dương tâm sự.
Về chuyện giúp ngư dân trên biển, trước đó, vào ngày 8/1 khi chúng tôi vào thăm đảo Đá Đông A, bác sỹ quân y, Trung tá Nguyễn Văn Lâm quê ở xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) cho biết, do cán bộ chiến sỹ ta rèn luyện sức khỏe tốt, lại được khám sàng lọc kỹ trước khi ra đảo, nên ít khi xảy ra những trường hợp đau ốm đáng kể, mà chủ yếu là khám chữa và ứng cứu cho ngư dân. Trong năm 2014 đảo Đá Đông A có đến 68 lượt ngư dân đi biển vào xin thuốc. Chủ yếu là các loại thuốc chữa đau dạ dày, viêm loét đại tràng, sốt cao do cảm cúm, viêm phổi. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của vị bác sỹ này là những lần chữa trị cho một số ca ngư dân ngộ độc thức ăn do ăn phải độc tố trong cá, ốc. Năm 2014 bác sỹ Nguyễn Văn Lâm từng theo xuồng ra chữa trị cho ngư dân một tàu cá ngư dân Tiền Giang đánh bắt tại Trường Sa, có 8 người thì 6 người bị ngộ độc. May mắn sau khi chữa trị mọi người đều qua khỏi. Một lần khác, ngư dân Quảng Nam bị ngộ độc do ăn phải ốc lạ, suy kiệt sức khỏe hơn chục người, bác sỹ quân y ra đến tàu thì không còn một ai đủ sức để điều khiển tàu. Nguyễn Văn Lâm và đồng đội vừa chữa trị, vừa cơ động đưa tàu về nơi neo đậu an toàn. Chuyến đó may mắn mọi người đều được giải cứu và đưa vào bờ để bình phục sức khỏe.
Thạc sĩ, Trung tá Phạm Quang Trung, Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh (nguyên là Phó Chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Quân y 7), cho biết trước đây đảo tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân dùng miệng ngậm vòi hút xăng dầu khi tiếp nhiên liệu trên biển bị sặc, rất nguy hiểm, bị viêm phổi khá nặng. Quân y của các đảo đã thống nhất coi đây là nội dung cần tuyên truyền để bà con ngư dân chấm dứt biện pháp thủ công thô sơ gây độc hại ấy. Vì thế, trong năm 2014 vừa qua không còn xảy tình trạng ngư dân bị sặc xăng, dầu…
Cũng tại Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ được các ngư dân trao truyền vô số những kinh nghiệm, những cẩm nang quý đối với nghề đi biển, để rồi người vào lại trao truyền cho người ra, người trước trao truyền cho người sau. Như hôm nay, một trong những bài học mà Cao Xuân Tứ ra Tốc Tan phải được biết, đó là tại đảo này “cấm chỉ” không được ăn cá mú, cá hồng gai bắt được ở khu vực này. Thượng úy Nguyễn Cao Cường, Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B cho biết cá mú và cá hồng gai là đặc sản của biển, là món ngón đãi khách ở Trường Sa, nhưng riêng cá mú và cá hồng gai câu bắt được ở Tốc Tan lại có độc tố do đảo này có loài tảo độc, bất cứ con cá mú cá hồng gai nào ở vùng này nếu ai bắt, ăn vào sẽ bị ngộ độc, bị suy liệt, xương khớp cứng đờ, đầu gối như có ai bẻ khuỵu xuống. Nhưng cũng ngay từ buổi đến đảo đầu tiên, Cao Xuân Tứ được biết rằng ở Tốc Tan có loài cá mó sừng là một loài cá quý, thịt cá mó sừng ngon vào loại bậc nhất ở biển Trường Sa. Gọi là cá mó sừng vì đầu có lớp sừng cứng, loài cá này húc vào san hô để san hô vỡ vụn và tìm kiếm thức ăn trong đó...
Tuyến công tác của chúng tôi lần này chủ yếu đi qua các điểm đảo chìm. Trong 9 ngày đầu, chúng tôi đã đi qua được 7 điểm đảo chìm, và ấm lòng vì đã cuối tháng 11 âm lịch, giai đoạn cuối của mùa gió mưa lớn ở Trường Sa, nhưng không có điểm đảo nào thiếu rau và thức ăn. Một điểm đáng chú ý là đảo nào cũng làm được đậu phụ, ủ được giá để ăn. Bác sĩ quân y Nguyễn Văn Tuấn, quê huyện Kinh Môn (Hải Dương) là người đem “nghề” làm đậu phụ đến cho anh em đảo Đá Đông C. Anh Tuấn cho biết đó là nghề anh học được khi công tác ở đảo Thuyền Chài. Khi ở đảo Thuyền Chài anh thường lấy nước của lá me chua làm chất kết tủa. Đến khi sang đảo Đá Đông C, hết lá me chua, những tưởng “thất truyền” nghề này, thì được ngư dân ở tàu cá Ninh Thuận “bổ cứu” phương thức mới là làm chất chua từ mẻ. Với một ít mẻ ngư dân này cho, công việc tiếp theo chỉ là lấy cơm nguội hàng ngày ủ làm mẻ. Làm đậu phụ từ mẻ màu lại trắng đẹp hơn, thơm ngon hơn….
Mới trải qua một phần hải trình lênh đênh trên biển rộng, những mẩu chuyện nhỏ mà chúng tôi lắng nghe, lượm lặt được, neo lại trong chúng tôi những điều vô cùng sâu đậm về vẻ đẹp của tình quân dân, tạo nên một điểm tự vững chắc để cùng khai thác tiềm năng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải giàu đẹp, thiêng liêng của Tổ quốc với một niềm tin vững chãi… Tạm biệt đảo Tốc Tan, khi dưới thân tàu biển vẫn động ầm ào dữ dội, chúng tôi lại cùng tàu HQ 571 hùng dũng thẳng tiến. Phía trước, là những đồng đội, đồng chí thân yêu đang chờ đón…