VanVN.Net - Năm 2014 đã thực sự khép lại với nhiều sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây cũng là năm ghi đậm dấu ấn của nhiệm kỳ khóa VIII với những nỗ lực, những bứt phá nhằm khẳng định vị thế quan trọng của Hội cũng như sứ mệnh lịch sử của các nhà văn - những người làm công việc lao động chữ nghĩa đối với nền văn học nước nhà - Họ đang góp phần giữ đúng nhịp, đúng cốt cách của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trước xu thế toàn cầu hóa. Dưới đây là 10 sự kiện văn học nổi bật trong năm 2014 (được sắp xếp theo trình tự thời gian, do Báo Văn nghệ bình chọn).
1. Ngày thơ Việt Nam - 2014: Gắn kết lòng tự hào dân tộc (Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ - 2014)
“Ngày thơ Việt Nam” lần thứ 12 với chủ đề “Mùa Xuân đất nước: Từ Điện Biên đến Trường Sa” diễn ra tại Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây chính là sự kiện mở đầu cho chuỗi những hoạt động văn học đầy sôi động trong năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày thơ được đánh giá là đã kế thừa và phát huy chủ đề của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 năm 2013. Đồng thời cũng là một ngày hội lớn, là nơi gặp gỡ, sẻ chia và khơi dậy tình yêu thi ca; thắp sáng tình yêu quê hương đất nước trong hàng triệu triệu trái tim người dân Việt Nam khắp trong và ngoài nước. Sau ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu, nhiều đêm thơ, lễ hội thơ đã được các hội VHNT tại 63 tỉnh thành trong cả nước tổ chức, góp phần khơi dậy nhiều cảm hứng sáng tạo trong mỗi người làm công việc lao động chữ nghĩa, báo hiệu một mùa văn chương phía trước với nhiều thành quả rực rỡ.
2. Ra mắt Trung tâm dịch văn học Việt Nam (Tháng 5/2014)
Trung tâm dịch văn học Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đảm nhận chức vụ Giám đốc. Trung tâm ra đời xuất phát từ thực tế đời sống văn học của đất nước, đáp ứng nhu cầu quảng bá và giao lưu văn hóa Việt Nam với thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hội Nhà văn Việt Nam đã kí kết chương trình hợp tác với 36 tổ chức và các Hội Nhà văn ở nước ngoài. Chính vì vậy, quyết định thành lập Trung tâm dịch văn học của Hội Nhà văn Việt Nam ngay trong thời điểm xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực là một việc làm hết sức phù hợp và cần thiết. Nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm không chỉ là quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới, mà còn là kênh chọn lọc, du nhập văn hóa thế giới vào Việt Nam một cách hiệu quả nhằm đáp ứng mong đợi của nhiều thế hệ người đọc, người viết trong và ngoài nước. Song song với hoạt động quảng bá văn học, Trung tâm còn có nhiệm vụ phát triển đội ngũ dịch giả Việt Nam qua các chương trình hợp tác đào tạo với hội nhà văn các nước trên thế giới; kết nối với các tổ chức, cá nhân trên thế giới để xuất bản văn học Việt Nam ra nước ngoài; giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam trên các báo, tạp chí của các trường đại học, các tổ chức văn hóa ở các nước như Mỹ, úc, Nga, Ailen, Hàn Quốc… và đặc biệt trên tạp chí Hoa sen của Hội Nhà văn Á – Phi.
3. Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ của nền văn học Việt Nam (Tháng 7/2014)
Nhà văn Tô Hoài được coi là cây đại thụ trong khu rừng văn học hiện đại Việt Nam. Nói đến ông, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội. Tô Hoài với miền núi Tây Bắc và Việt Bắc cũng như Tô Hoài của Dế mèn phiêu lưu ký và những sáng tác cho thiếu nhi. Tô Hoài của hồi ký, tự truyện...
Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Cuộc đời này, tôi sống vắt mình suốt từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 cho đến tận bây giờ. Mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời tôi đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này”. Có lẽ vì thế mà những ký ức về Hà Nội luôn đong đầy trong những trang văn và câu chuyện của nhà văn Tô Hoài.
Tính đến nay, sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Trong quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình, nhà văn Tô Hoài cũng từng đoạt được nhiều giải thưởng lớn trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 1 năm 1996).
Năm 2014 cũng là năm Hội nhà văn Việt Nam chịu tổn thất lớn khi lần lượt vắng bóng các cây đại thụ lớn như Học Phi, Anh Đức… Họ ra đi, căn nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu lại có thêm những khoảng trống, nền văn học Việt Nam cũng ít xum xuê đi ít nhiều, nhưng những tác phẩm của họ sẽ còn mãi đi cùng nhiều thế hệ độc giả.
4. Hội nghị Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ 4 (Tháng 7/2014)
Hội nghị Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ 4 - Khoá VIII nhằm đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai chương trình hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2014 đã được tổ chức ngày 14/7, tại thành phố Đà Nẵng. Hội nghị đã thống nhất định hướng một số hoạt động 6 tháng cuối năm 2014 tập trung vào việc động viên văn nghệ sĩ cả nước đẩy mạnh sáng tác, các hoạt động lý luận phê bình, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đồng thời động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia cuộc vận động sáng tác Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2013- 2015. Hội thảo cũng là khâu chuẩn bị quan trọng để Liên Hiệp các Hội văn học nghệ thuật tiến tới tổ chức thành công Hội thảo lý luận phê bình văn học nghệ thuật về đề tài “Văn học nghệ thuật với vấn đề đạo đức xã hội” do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật được tổ chức vào tháng 8/2014 tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Theo sự đánh giá của những người hoạt động trong lĩnh vực VHNT thì đây cũng là Hội nghị cuối nhiệm kỳ được đánh giá là vô cùng quan trọng đồng thời là khâu chuẩn bị tốt nhất để các Hội chuyên ngành tiến hành tổ chức đại hội vào cuối năm 2014. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 hội chuyên ngành là: Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tiến hành đại hội và đã thành công tốt đẹp.
Trước đó, vào tháng 5/2014, được sự chỉ đạo và đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, thay mặt Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đã ký quyết định thành lập, kiện toàn Hội đồng lý luận, phê bình VHNT thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và chính thức ra mắt Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
5. Trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác viết về đề tài công nhân và Công đoàn Việt Nam (CN&CĐVN) giai đoạn 2010 -2014 (Tháng 9/2014)
Cuộc vận động viết về đề tài công nhân và Công đoàn Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – Hội Nhà văn Việt Nam chính thức phát động từ năm 2010. Sau 5 năm, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các nhà văn, nhà thơ và nhiều tác giả trong cả nước với 500 tác phẩm phản ánh đời sống lao động trong các lĩnh vực ngành nghề, về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong cả nước, về những tấm gương tiêu biểu trong công nhân lao động và cán bộ công đoàn.
Hội đồng giám khảo đã làm việc rất tích cực, công tâm chọn ra được 70 tác phẩm để đưa vào chấm vòng chung khảo. Kết quả có 32 tác phẩm ở hai thể loại chính Thơ và Văn xuôi được trao tặng giải thưởng.
Nhân dịp này, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết bản kế hoạch phối hợp phát động sáng tác văn học về đề tài CN&CĐVN giai đoạn 2015-2019 với mục đích hình thành hệ thống những tác phẩm văn học mới ca ngợi giai cấp công nhân và người lao động.
Trước đó, trong khuôn khổ hoạt động của nhiệm kỳ khóa VIII, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, Bộ VHTT&DL cũng đã xúc tiến ký kết nhiều văn bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải, cũng như nhiều lĩnh vực khác do Bộ VHTT&DL quản lý. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành với Hội Nhà văn Việt Nam đã và đang góp phần mở rộng biên độ sáng tác, sáng tác có trọng tâm đối với các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
6. Ra mắt tổng tập “Hồ Chí Minh với Văn nghệ sĩ – Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” (Tháng 10/2014)
Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người là một để tài lớn, hấp dẫn cho sáng tác văn nghệ. Người đã kiến tạo và chế tạo đường lối văn nghệ của Đảng trong suốt nhiều giai đoạn cách mạng được văn nghệ sĩ kính trọng, yêu mến và thể hiện trong nhiều sáng tác văn nghệ. Tổng tập Hồ Chí Minh với Văn nghệ sĩ – Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh là sản phẩm kết tinh của những tình cảm cao đẹp đó.
Sau 4 năm thực hiện, Tổng tập “Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ - Văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh” gồm 11 tập đã chính thức ra mắt đông đảo bạn đọc khắp mọi miền đất nước và được các nhà chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá là bộ sách thứ hai cùng với bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập tạo nên một kho tàng vô giá trong thư tịch Việt Nam hiện đại. Bộ sách cũng được coi là mốc son đáng nhớ đối với văn nghệ sĩ nói chung và nhiệm kỳ khóa VIII Hội nhà văn Việt Nam nói riêng trong việc triển khai thực hiện NQ 23 Bộ Chính trị của giới văn nghệ sĩ cả nước.
7. Hội nghị lãnh đạo các Hội Nhà văn tham gia giải thưởng Văn học Sông Mêkông (Tháng 10/2014)
Hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2007, theo sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam trong một cuộc họp các Chủ tịch Hội vào tháng 10. 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đi cùng với sự kiện này là Lễ trao Giải thưởng văn học Sông Mê Kông. Theo đó cứ hai năm Hội nghị và Lễ trao giải thưởng này sẽ diễn ra luân phiên giữa các nước Việt Nam, Campuchia, Lào nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác gắn bó và sự phát triển văn học của cả ba nước.
Hội nghị đã nhất trí thông qua Quy chế Giải thưởng văn học Sông Mê Kông gồm Lời nói đầu, 8 chương, 25 điều. Trong Lời nói đầu, Quy chế khẳng định đóng góp của Hội Nhà văn Việt Nam trong đề xướng Giải thưởng Sông Mê Kông và là nước đầu tiên tổ chức thành công giải thưởng này. Lời nói đầu cũng khẳng định tôn chỉ mục đích của Giải thưởng văn học Sông Mê Kông là: qua văn học làm cho bạn đọc hiểu biết đất nước, con người của nhau góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển giữa nhân dân các nước trong khu vực. Hội nghị cũng đi đến thống nhất hình thành quỹ giải thưởng và do Chủ tịch quỹ sẽ được bầu trong Hội nghị lần thứ 6 tại Lào vào năm 2015 điều hành.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thông báo về Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ 3, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 3 sẽ diễn ra vào tháng 3/2015; Chủ tịch Hội Nhà văn Lào báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức trao giải thưởng Văn học Sông Mêkông lần thứ 6 tại thủ đô Viên Chăn năm 2015.
8. Hội thảo VHNT với vấn đề đạo đức xã hội (Tháng 11/2014)
Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức với mục đích giải đáp câu hỏi: “Trong lĩnh vực sáng tạo văn nghệ tại Việt Nam hiện nay, những vấn đề đạo đức xã hội đang được phản ánh trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật như thế nào? Đâu là thành tựu, đâu là hạn chế và nguyên nhân?”.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả trong nước cùng các văn nghệ sĩ với gần 100 tham luận. Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, các tham luận đều đầy tâm huyết đối với các vấn đề được nêu ra, trình bày và phân tích cụ thể với các dẫn chứng thực tế tình hình VHNT trong nước hiện nay.
Hội thảo đã góp phần thiết thực vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn lý luận, phê bình văn học cho đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà văn, nhà báo trên toàn quốc.
9. Hội thảo “Thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Tháng 12/2014)
Đây là cuộc Hội thảo có quy mô lớn nhằm nhìn nhận và đánh giá những thành tựu của nền thi ca Việt Nam thế kỷ 20 - thể kỷ đã trải qua 4 cuộc phát triển văn học lớn, trong đó có hai cuộc bứt phá, đó là văn học thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Hội thảo đã nhận được 43 tham luận của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu thời kỳ chống Mỹ, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình có uy tín trên cả nước.
Điều được ghi nhân từ hội thảo là các tham luận đều khẳng định thế hệ các nhà văn chống Pháp và chống Mỹ đã tạo ra một hệ thống văn học dân tộc có tính quy luật của sự phát triển, tạo nên một chặng đường văn học mới. Cống hiến của thế hệ này là đã ghi lại nhịp thở và gương mặt tinh thần của một dân tộc trong chiến đấu vì tự do của Tổ quốc. Ghi lại một pho tư liệu quý giá cho thế hệ mai sau về thời kỳ bi hùng ấy. Đây là một cuộc kháng chiến mà các nhà văn vừa tham gia chống kẻ thù cướp nước, vừa chống lại một cuộc xâm lăng văn hóa của đế quốc Mỹ trên đất nước ta. Phẩm chất anh hùng ca được thể hiện rất nhân văn. Đóng góp tinh thần của thế hệ cầm súng và cầm bút ấy đã trở thành hành trang của một lớp người đi đánh Mỹ, trở thành một thứ lương thực tinh thần nuôi dưỡng dòng chảy liên tục của nền văn học Việt Nam.
10. Hội nghị công tác văn học 2014 (Tháng 12/2014)
Hội nghị diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2014, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, kinh tế chống được đà suy giảm, đất nước củng cố được vị thế, quan hệ đối ngoại được mở rộng dù vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại. Hội Nhà văn Việt Nam trong bối cảnh chung còn nhiều thử thách, đặc biệt là về kinh tế nhưng vẫn tổ chức tốt các hoạt động văn học thường niên, tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác, nghiên cứu về đề tài Bác Hồ… song song với đó là các hoạt động liên kết văn học được đẩy mạnh: ký kết văn bản hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo; ký kết văn bản hợp tác với Bộ VH – TT & DL; tổ chức chấm, trao giải cuộc thi văn học công nhân; phối hợp với Bộ giao thông vận tải tổ chức cuộc thi văn học, thu hút đông đảo hội viên Hội Nhà văn tham gia. Công tác đối ngoại của Hội được mở rộng với các nước trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt trong công tác xét giải thưởng hằng năm, công tác củng cố đội ngũ, xây dựng Hội, kết nạp Hội viên mới được tiến hành nghiêm túc, chất lượng.
Hội nghị cũng nhìn thẳng vào những khó khăn nội tại về kinh tế của các đơn vị trực thuộc gồm các báo, tạp chí, hãng phim. Đồng thời ghi nhận những nỗ lực vượt khó để duy trì những hoạt động tích cực; Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã và đang tích cực đòi quyền lợi cho Hội viên trên cơ sở pháp lý; Trung tâm dịch thuật đang kiện toàn tổ chức; Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du thu hút được nhiều học viên tham gia. Đặc biệt là Bảo tàng Hội nhà văn đã sưu tầm nhiều hiện vật được đăng ký là bảo vật quốc gia, dự kiến năm 2015 sẽ mở cửa đón khách tham quan. Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản và liên kết xuất bản nhiều đầu sách có giá trị…
Đây là một Hội nghị tập hợp nhiều ý kiến, cộng hưởng, tâm huyết, trí tuệ và có trao đổi dân chủ. Tuy có ý kiến tạo biệt lệ trong kết nạp hội viên, nhưng vẫn phải theo quy trình, đúng điều lệ. Tiêu chí giải thưởng hằng năm phải đặt trong tâm thế mở, đón nhận những giá trị mới, sự đổi mới cách tân, tìm tòi sáng tạo nhưng vẫn cần tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc.
Năm 2014, Ban Công tác hội viên đã nhận được 616 đơn xin kết nạp. BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII dự kiến sẽ kết nạp 46 hội viên mới. Tuy vậy, kết quả phiên họp lần thứ nhất, kỳ họp thứ 10 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa VIII đã có kết quả tích cực hơn. 50 ứng cử viên đã đủ điều kiện để được công nhận là hội viên mới trong những ngày sắp tới.
(Nguồn: Báo Văn nghệ số 1+2/2015)
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|