Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
(Tổ quốc nhìn từ biển - thơ Nguyễn Việt Chiến)
Trong những ngày nắng nóng tháng 5, tháng 6, mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính luôn cảm thấy như sôi lên, nghẹn đắng, luôn nén chặt lòng mình hướng ra biển Đông, nơi Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan HD981. Một lần nữa chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đang bị những hành vi ngang ngược, thiếu thiện chí của Trung Quốc đe dọa. Chính Trung Quốc chứ không phải ai khác luôn ẩn chứa tiềm tàng sự bất ổn, khó lường mặc dù nhân dân ta, Tổ quốc ta luôn yêu chuộng hòa bình, bởi hòa bình của chúng ta đã phải đổi bằng quá nhiều xương máu. Điều này không riêng nhân dân Việt Nam mà nhân dân Trung Quốc và thế giới đều thấy rất rõ.
Không phải đợi đến hôm nay, những nhà thơ luôn giàu xúc cảm và linh cảm mới âu lo mọi phập phồng, rình rập từ phía biển. Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết trong lần tham dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục Chính trị quân chủng Hải quân tổ chức với đề tài sáng tác về “Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân”, đã in trong Tạp chí Văn nghệ quân đội số 5-2009. Ngay trong trại viết ấy và sau khi bài thơ được in ra, các bạn thơ, độc giả, anh em nhà văn nhà thơ ở Văn nghệ Quân đội đã nhận được nhiều sự đồng cảm, phản hồi tích cực.
Nguyễn Việt Chiến vốn là người lính. Nhà thơ từng có bốn năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông nhập ngũ năm 1970 và xuất ngũ năm 1974, liền đó thi đỗ đại học học ngành địa chất. Chất lính dữ dội ẩn tàng trong sự mềm mại của nhà thơ luôn mau chóng sôi lên trước những biểu hiện bất công trong đời sống. Thật dễ hiểu khi cuộc đời Nguyễn Việt Chiến luôn có quá nhiều va đập, thậm chí có những cú anh phải trả giá quá đắt - đó là sự mất tự do một khoảng thời gian. Tôi hiểu nỗi đau của anh. Tôi hiểu sự im lặng của anh trong quãng thời gian ấy. Có những việc biện minh là rất thừa. Vấn đề là anh đã sử dụng quãng thời gian cam go nhất ấy vào những việc hữu ích hơn nhiều sự biện minh. Đó đã giải thích tại sao thơ Nguyễn Việt Chiến luôn sôi sùng sục, chìm xuống để bùng lên, ào ạt vỡ, vì cái chung lớn lao hơn những thua thiệt ở đời.
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Tôi luôn cho rằng, một nhà thơ của Tổ quốc, của nhân dân luôn đồng thời là một người yêu lịch sử nước mình. Lịch sử dù đớn đau, khuất khúc hay rạng rỡ, huy hoàng đến mấy trước tiên và trước hết phải là sự trung thực. Lịch sử của Việt Nam ta là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Chúng ta luôn phải đặt việc giữ nước lên hàng đầu trong mấy nghìn năm dằng dặc. Họa xâm lăng luôn đến từ phương Bắc. Và giặc phương Bắc luôn phải diệt vong ở mảnh đất thẫm đẫm mồ hôi và máu của cha ông chúng ta đã nghìn đời. Tổ tiên chúng ta thao thức. Việt Nam hôm nay đã trưởng thành từ máu và nước mắt nhưng chúng ta vẫn luôn thao thức. Thức lâu mới biết đêm dài. Thương đất nước. Thương nhân dân cần lao, chân chính, yêu chuộng hòa bình mà lúc nào đại họa xâm lăng cũng rình rập. Tổ quốc nhìn từ biển là sự thao thức khôn cùng của nhà thơ, của nhân dân Việt Nam. Tổ quốc nhìn từ biển là tiếng chuông âm âm từ nghìn vạn năm luôn gióng lên trong bữa cơm, giấc ngủ. Tổ quốc nhìn từ biển còn như một nỗi đớn đau của cái đúng, của lẽ phải, của chính nghĩa tại sao cứ mãi phải đương đầu với u tối, tham tàn, cuồng vọng.
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Tôi đã từng khẳng định rằng, trong các cuộc xâm lăng Đại Việt của lũ giặc phương Bắc, mặc dù mười lần xâm lăng mười lần đại bại, hàng vạn, hàng triệu quân tướng giặc chôn vùi xương cốt, hồn vong trận điêu linh phiêu dạt, trú ngụ, bảng lảng xứ người và ngay như mỗi tên lính tên tướng giặc Bắc đều biết chắc mười phần đi không chắc một phần trở lại nhưng dường như chúng ít có con đường nào khác. Không bị xúi giục vào cơn binh lửa thì cũng bị kẻ cầm quyền nồi da xáo thịt bằng đủ mọi hình thức man rợ bấy lâu nay. Ngay đến như Thoát Hoan - Thái tử Nguyên triều cũng chỉ là một nạn nhân của sự tối tăm, tham tàn của cái thói bành trướng đã ăn vào máu thịt bọn chúng. Thoát Hoan kia sống hay chết đều nhơ nhuốc. Ô Mã Nhi kia nằm trong bụng cá cũng chỉ là con cờ thí của kẻ sắt máu chiến tranh. Thương là thương những binh lính, những dân thường trong đó có không ít cụ già, con đỏ vô tội bị mất mạng. Đó là những thê lương của kiếp người.
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Tôi luôn thán phục thơ anh, không riêng gì Tổ quốc nhìn từ biển. Thơ Nguyễn Việt Chiến có một nỗi lo chung. Một tiếng lòng trong triệu triệu tiếng lòng day dứt. Gia đình tôi có rất nhiều liệt sĩ. Sao các gia đình người Việt Nam ta luôn nhiều liệt sĩ đến thế trong các cuộc chiến tranh? Hôm chúng tôi ở nghĩa trang Điện Biên, ai nấy đều ngơ ngẩn dưới chiều chạng vạng bên hàng hàng bia mộ có tên, khuyết danh, chập chờn sương khói. Đất nước ta trải dài tươi đẹp quá nhưng cũng quá ken dày nỗi đau xương máu chồng nhau. Lớp này lớp khác, người trước kế tiếp người sau cầm súng và ngã xuống để chúng ta có được độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Những yên hàn thanh thản là mơ ước không riêng của người Việt Nam, của người Trung Quốc mà là của cả nhân loại tiến bộ. Nào ai muốn vùi thân dưới sóng mặn. Nào ai muốn giấc ngủ phải chập chờn tàu địch đâm giết lương dân. Tôi luôn nghĩ những ngày này, nếu Bác Hồ còn sống hẳn rằng Bác cũng thao thức trăn trở lắm. Trước tiên Bác của chúng ta luôn là con người mang trái tim chất chứa mọi nỗi niềm của nhân dân, của Tổ quốc.
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
Tổ quốc nhìn từ biển sáng rõ một tiếng lòng trong triệu triệu tiếng lòng dân nước Việt Nam. Tiếng lòng thiêng liêng, tiếng lòng chính nghĩa mang đậm hồn cốt Việt. Lời ăn tiếng nói ông bà ta, tổ tiên ta suốt một mạch ngầm mấy nghìn năm luôn nhu thuận, khiêm cung đến nghẹn ngào. Hồn cốt thiêng liêng ấy, bản sắc văn hiến ấy đã lặng lẽ nhưng mãnh liệt, âm thầm nhưng sẽ cuồn cuộn, ầm ầm cuốn phăng sự phi nghĩa ở những thời điểm lịch sử như đã từng đàng hoàng viết ra viết trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất không riêng ở Việt Nam mà ở toàn cầu.
Tổ quốc thân thương! Tổ quốc với triệu triệu điểm nhìn chung một tiếng lòng với biển.
P.V.K
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội
|