VanVN.Net - Tô Hoài thường gọi tôi là Tú Nam, như nhiều người quen hoặc thân tôi từ thời kháng chiến chống Pháp, vì khi đó tôi dùng bút danh ấy. Mãi sau này tôi mới ký là Vũ Tú Nam. Tôi và anh Tô Hoài công tác với nhau trong nhiều năm, khi ở Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn, khi trong Đảng ủy cơ quan các Hội Văn học - Nghệ thuật, anh là bí thư, tôi là phó bí thư. Tô Hoài thường đi công tác nước ngoài đột xuất, tôi phải thay anh giải quyết các công việc Đảng. Tôi thường nhớ những lời dặn dò chi tiết của anh, rất thân tình và đầy tinh thần trách nhiệm.
Cuối tháng 10 năm 1980, anh Tô Hoài viết cho tôi:
Tú Nam,
Vậy là tôi phải nằm viện. Phải mất hàng tháng, vì bệnh cũng lôi thôi. Mọi viện Đảng ủy ở nhà, tôi đề nghị Nam lo cho, và tôi nghĩ có những việc như sau:
Việc Đảng ủy Văn nghệ, Nam tổ chức cuộc họp như ta đã bàn nhé. Nội dung là liên hoan phấn khởi và dặn dò đôi chút. Nói về quá trình phát triển liên tục của Đảng bộ ta cho tới ngày nay. Các chi bộ cần phải phát huy. Thành phần nên: các chi ủy cũ, chi ủy mới được chỉ định (kể cả đảng ủy ta), các phụ trách cơ quan, bốn đảng đoàn, các phụ trách công đoàn chi bộ và công đoàn khối. Còn mời trên cần mời ai thì Tú Nam tổ chức cuộc họp trước, đã biết. Thế nào cũng có kẹo và bia. à, nên đọc các nghị quyết của trên về việc này. Thôi, tùy tài của ông…
Ngày 3 tháng 8-1988, Tô Hoài gửi cho vợ chồng tôi bản thảo viết tay dày đúng 100 trang, một phần quan trọng trong hồi ký Chiều chiều, kèm theo một đoạn thư ngắn:
Anh Tú Nam,
Theo gợi ý của Tú Nam, tôi đã viết thêm chương “làm tổ trưởng” cho tập hồi ký. Như vậy sẽ có: 1- Đi thực tế Thái Bình. 2- Đi học trường Đảng. 3- Làm tổ trưởng khu phố. 4- Đi nước ngoài. 5- Chương cuối, lại về Thái Bình.
Gửi Tú Nam, Thanh Hương đọc chơi, và để cám ơn sự nhắc nhở. Tôi viết luôn một mạch, cho đến bây giờ cũng không mở sổ sách gì cả, tin mình nhớ đúng. Không ngờ mà cũng vô khối việc!
Tôi sẽ đưa in “Thế giới mới” chương tổ trưởng này.
Hoài.
Trước mặt tôi là cả trăm trang giấy viết tay, ngay hàng thẳng lối. Qua mỗi trang, tôi như được nghe Tô Hoài thủ thỉ trò chuyện, khi nghiêm trang khi hóm hỉnh, chữ viết của anh thật đều đặn, sáng trong.
Bản thảo của Tô Hoài là một món quà quý đối với tôi. Đọc chữ anh viết, như thấy anh ngồi bên mình, gần gũi và thân mến.
Thư cho tôi, Tô Hoài thường chỉ nói về công việc, rất ít khi anh kể chuyện tâm tình. Anh đã từng cười bảo tôi: “Mình cũng có những mối tình này nọ, nhưng chẳng ai biết đấy là đâu. Vì mình không viết thư, không ghi nhật ký. Còn cậu Th. thì cứ phô phang ra, thiên hạ đều biết cả, có chứng cứ để người ta ghen tức hoặc lên án”.
Tô Hoài thường gọi tôi là Tú Nam, như nhiều người quen hoặc thân tôi từ thời kháng chiến chống Pháp, vì khi đó tôi dùng bút danh ấy. Mãi sau này tôi mới ký là Vũ Tú Nam. Tôi và anh Tô Hoài công tác với nhau trong nhiều năm, khi ở Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn, khi trong Đảng ủy cơ quan các Hội Văn học - Nghệ thuật, anh là bí thư, tôi là phó bí thư. Tô Hoài thường đi công tác nước ngoài đột xuất, tôi phải thay anh giải quyết các công việc Đảng. Tôi thường nhớ những lời dặn dò chi tiết của anh, rất thân tình và đầy tinh thần trách nhiệm.
Lần duy nhất Tô Hoài bộc lộ tâm tình và nói thẳng với tôi là trong lá thư anh viết đề ngày 14 tháng 7 năm 1990 từ Vũng Tàu. Lá thư gửi từ khách sạn “Tháng Mười”, đường Thùy Vân, như sau:
Tú Nam thân mến,
Hôm trước khi đi, tôi có đến Ban công tác hội viên hỏi xem có giúp đỡ gì về việc tôi đi Vũng Tàu. Được biết Hội chỉ có 33 suất đi Đại Lải và chỉ giải quyết cho những người chưa đi nhà sáng tác bao giờ. Cũng chỉ hỏi xem có chút gì thêm thắt, chứ tôi cũng đã tự lo: nhà xuất bản Thông tin và Công an đã trả hoặc ứng trước, tiền tàu xe thì của Hội Văn nghệ Hà Nội. Trong nhiều năm nay tôi thường tự tạo ra phong tục đi nghỉ hè và làm việc ở nhiều nơi như vậy và cũng nhờ các cơ quan lo cho.
Được Hội Nhà văn Thành phố và Đoàn Minh Tuấn đưa ra Vũng Tàu, cũng lại tiếp tục sự nhờ vả khó khăn và tế nhị. Khách sạn biết tiếng và cũng quý thì cho hai ông cháu ở không lấy tiền buồng, 30 ngàn mỗi ngày đêm. Ăn uống thì trả loại bét, 20 ngày hết 400 ngàn, trong khi đó quanh mình các cán bộ cấp cao cấp thấp và người mới giàu thì đập phá khoe của khoe quyền ngay ở khách sạn nhà nước kinh doanh hẳn hoi.
Tôi kể thế để muốn nói là Hội mà không để tâm đến một số người cao tuổi một chút thì thật là không phải. Như tôi, một người 70 tuổi, viết và đã in 126 quyển sách, 46 tuổi Đảng, có các loại huân chương cao, có 8 năm phụ cấp thâm niên hoạt động trước Cách mạng - Hội ta chưa có ai hoạt động lâu mà được công nhận như thế, mà còn bị đối xử sơ sài đến vậy thì quả là lạ lùng. ấy là chưa kể sau 30 năm làm việc ở Hội, khi đi không nợ một xu, không mượn một cái ghế, chưa hưởng một tiêu chuẩn gì - đã kiểm điểm là ưu tiên trước khi chuyển công tác. Giá có ai ghen tức với tôi, tôi cũng thừa lý lẽ để bảo vệ. Nhưng khi viết những dòng này, ngoài cá nhân ra, tôi cũng nghĩ đến cả phần công việc chung. Những việc trên thực sự ảnh hưởng đến tâm tư tôi. Mặc dầu đã nhiều cố gắng, tôi muốn dồn sức làm cái khác hơn là làm việc chung nữa. Cho nên, tôi nhờ Tú Nam trình bày với Ban Chấp hành:
- Tôi được thôi ủy viên Hội đồng Văn xuôi.
- Tôi được thôi Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi.
Tú Nam biết tôi đã rất lâu, chắc hiểu ngoài mấy lời trên đây, tôi không có ý gì khác. Vì không có nội quy rõ hơn về xử lý các việc này, nên tôi chỉ đề đạt ý kiến với Ban Chấp hành: Tôi không tham gia các hội đồng trên, sau khi có thư này.
Tô Hoài
Tôi thực sự bị bất ngờ và khó giải quyết những đề nghị của anh Tô Hoài. Năm ấy (1990) tôi vừa được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn. Ban Chấp hành Hội mới hình thành, ý kiến chưa thống nhất. Tôi đã hết sức cố gắng nhưng không thu xếp được công việc này. Tôi đành phải âm thầm chịu trách nhiệm trước anh Tô Hoài.
Tôi biết anh xưa nay rất khiêm tốn, đến mức phải nói về quá trình cống hiến của mình là vạn bất đắc dĩ. Âu đó cũng là điều mà lãnh đạo Hội Nhà văn cần ghi tâm và suy nghĩ.
Đã 26 tháng Chạp âm lịch rồi. Chỉ còn mấy ngày nữa là sang xuân Giáp Ngọ.
Tết năm ngoái, vợ chồng tôi đã đến thăm anh chị Tô Hoài. Anh còn khỏe, còn trao đổi với tôi việc chữa bệnh gút. Trên bàn, trong cái bình thủy tinh có con cá vàng nhỏ lượn lờ. Ngõ Đoàn Nhữ Hài vắng vẻ.
Năm nay, nghe tin anh mệt nặng, nằm việc, vợ chồng tôi chưa đi thăm anh được. Anh đã 95 tuổi rồi. Tôi mường tượng được ngồi bên anh, nghe anh dặn dò, như những ngày cùng anh công tác.
Nhưng tôi cũng rất lo là anh không nói được nữa, như Chính Hữu năm nào nằm trong phòng cấp cứu hồi sức, khí quản đã mở, đôi mắt Chính Hữu tươi tắn mở to, nhưng giọng anh khào khào như gió, không nghe được câu nào. Chính Hữu, trước khi ra đi, đã nói gì với chúng tôi, đã nhắn nhủ đã dặn dò gì? Vợ chồng tôi nắm tay Chính Hữu, cố ghi nhớ những tình cảm anh gửi lại.
Với Tô Hoài, 95 tuổi thật là quý giá. Anh đã viết hết sức, làm việc hết lòng. Chúng tôi bảo nhau Tô Hoài thực sự xứng đáng là Anh hùng Lao động.
Nhớ lại bức thư cuối tháng 10 năm 1980 anh viết cho tôi: “Vậy là tôi phải nằm viện. Phải mất hàng tháng, vì bệnh cũng lôi thôi…”.
Mong anh sớm được ra viện, chắc là không khỏe được như trước, nhưng anh vẫn ngồi đó, ung dung và hóm hỉnh, để anh chị em viết văn quây quần bên anh, và để bạn đọc thấy mặt và tôn kính anh.
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|