Muốn được nói ngay rằng, biển đây là biển đảo của Việt Nam, vùng lãnh thổ thiêng liêng in dấu khai mở, trấn giữ hằng mấy nghìn năm, của tổ tiên, ông cha ta. Biển Việt, tôi muốn dùng từ ấy để mặc định một cách chính xác, minh bạch nhất phần trời nước bao la đã, đang và sẽ thấm rất nhiều mồ hôi, máu xương của những người dân mang dòng máu Lạc Hồng. Phần thiêng liêng này của Tổ quốc thân yêu với tổng diện tích xấp xỉ một triệu cây số vuông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang hiển hiện từng ngày, từng giờ giữa lòng dân tộc, trong mỗi trái tim người Việt Nam. Biển đảo Tổ quốc đang trở thành nhịp đập, hơi thở của cuộc sống hôm nay; nó là tình yêu chung vừa rộng lớn vừa sâu thẳm của chúng ta, gắn chặt với dải đất cong cong hình chữ S như những cứ liệu lịch sử rất đáng tin cậy đã minh chứng, như muôn vàn dấu tích vật thể hay phi vật thể về quá khứ còn tồn tại đó đây mang tính thuyết phục rất cao. Chứng cứ, tư liệu lịch sử về biển đảo nói chung, về Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng của Việt Nam là cái có thể thấy, nghe và chạm tay vào được. Chính vì thế mà khi Trung Quốc có những hành vi xâm lược, xâm lấn biển Việt Nam đã phải chuốc lấy không ít lời lên án của thế giới trong đó có cả những học giả đầy uy tín ở nước họ.
Mỗi lần về quê, xã Thanh Trạch, một vùng đất sơn thủy hữu tình nằm ở cuối sông Gianh của Quảng Bình, tôi lại nhớ tới và ao ước người ta dựng lên nơi cửa biển một tấm bia bằng đá khắc tạc bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Vị vua thứ tư của nhà Hậu Lê này, được coi là một trong những minh chủ của đất Việt, khi đi qua sông Gianh (tên cổ Linh Giang) thời ấy vẫn được coi là miền biên thùy xa xôi hoang vắng đã cảm tác nên thi phẩm Linh Giang hải tấn (Cửa biển Linh Giang). Còn vọng vang trong tôi những câu thơ được dịch ra từ nguyên văn Hán ngữ của ông Nguyễn Đình Diệm: "Núi bọc chung quanh biển mịt mờ/ Bố Chính ngày trước vẫn hoang sơ/ Ven sông làng xóm nhà tranh cỏ/ Khuất bến tre pheo dựng cột cờ/ Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu/ Dân hòa giọng quých nói líu lo/ Trời Nam đã rưới ơn mưa móc/ Chẳng phải xa xôi bỏ cõi bờ."
Bài thơ như một bức kí họa đẹp về quê hương tôi ở thế kỷ 15, có sông núi biển và con người hòa quyện vào nhau, cuộc sống đơn sơ bình lặng nhưng hiền hòa khôn xiết. Con gái quê tôi đến bây giờ vẫn đáy thắt lưng ong và giọng nói dịu dàng ríu rít như chim hót. Tuy nhiên, cái khắc sâu vào lòng tôi nhất chính là lời chỉ huấn của bậc thánh nhân: "Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi" nghĩa là:" Không vì ngoài biên cương hiểm trở mà bỏ dân nơi đảo xa này". Ý thức về chủ quyền lãnh thổ rất khúc triết minh bạch, chăm sóc dân chúng nơi cõi bờ xa xôi chính là để gìn giữ non sông xã tắc thiêng liêng bền vững.Trước đó, Nguyễn Trãi từng đúc kết trong "Bình Ngô đại cáo":"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Sau này, Hồ Chí Minh khi nói về nguyên nhân sức mạnh dân tộc đã khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Tầm nhìn xa rộng của các bậc vĩ nhân ấy lẽ dĩ nhiên trở thành bài học giữ nước không chỉ của một người, một thời, một triều đại mà của muôn người, muôn đời. Tổ quốc ta là một dải đất liền cong cong nhìn ra biển cả, từ hàng triệu năm về trước sóng đại dương còn vỗ ì oạp dưới chân núi Ba Vì. Qua rất nhiều biến động của thiên nhiên, đại dương rút dần ra xa để lại những vùng đất ướt át, tạo nên dáng hình sông núi ruộng đồng biển cả hôm nay. Biển là một phần không thể thiếu, không bao giờ thiếu của đất nước mình. Thế mới có truyền thuyết năm mươi người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng và năm mươi người con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển. "Lên rừng xuống bể" đã trở thành câu phổ quát quen thuộc về đất nước bao đời nay của nhân dân ta. Quá nhiều câu ca dao Việt Nam nói về rừng với biển tha thiết mặn cay như muối với gừng: "Ai về nhắn với họ Nguồn/ Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên"; "Rừng xanh lẫn biển cũng xanh/ Để coi cây quế ngả cành về đâu"...Xin thêm khúc ca dao gắn biển với rừng vào tình yêu đôi lứa mộc mạc mà sâu lắng muôn vàn này: "Rủ nhau xuống biển mò cua/ Đem về nấu quả mơ chua trên rừng/ Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước bạc, ta đừng quên nhau."
Văn hóa Việt cũng nhờ thế mà cắm rễ, mọc mầm, trổ cành, ra hoa, kết trái từ rừng xuống biển. Chiếc bánh chưng, bánh dày của Lang Liêu làm ra để dâng cúng trời tròn đất vuông và trái dưa hấu vỏ xanh lòng đỏ do Mai An Tiêm trồng được kết nối với nhau bằng tình huyết thống ruột rà. Trong huyền ảo cổ tích ta nhận ra những phôi liệu cuộc sống rất thật thấm đẫm tính cách, tâm hồn con người Việt. Và, khi những con thuyền Việt hạ thủy xuống biển bao giờ cũng chở theo những giá trị văn hóa truyền thống có gốc rễ làng xã ấy. Không quá khó để hình dung lại hành trình đi ra biển lớn của bao lớp người Việt, nếu thấy sóng cả mà ngã tay chèo chắc chắn Tổ quốc ta hôm nay chẳng có trăm nghìn hòn đảo như Bạch Long Vĩ, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Phú Quốc...và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Minh triết làm chủ biển Đông lại tiếp tục được truyền lưu, hun đúc, thực hiện từ thế hệ này qua thế hệ khác. Như là tình cảm, như là trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta đối với đất nước. Nhà thơ - nhà tiên tri nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đỗ trạng nguyên năm 1535 thời Mạc viết: "Vạn lí Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình" (dịch: "Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình"). Quá đủ và quá rõ về một chiến lược biển lâu dài cho đất nước này, không dài dòng văn tự mà bao quát hết nhiệm vụ giữ nước của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Giữ nước làng là phải giữ biển đảo; hai trong một, một mà hai, mãi mãi như thế, muôn đời như thế.
Thiết nghĩ không cần nói thêm nữa tầm quan trọng của biển đảo đối với sự phát triển của nước ta trong hiện tại và tương lai. Chỉ nhắc lại điều này: biển đảo của chúng ta đang không toàn vẹn và bình yên bởi sự xâm lấn, xâm lược của Trung Quốc. Họ đã dùng vũ lực chiếm lấy Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Mùa hè năm 2014, họ lại ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa nước ta. Hoàng Sa nhấp nhô hàng trăm tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc hung hăng ngăn cản các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển chủ quyền nước mình. Hành vi tàu Trung Quốc cố tình va húc, phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu đánh cá Việt Nam thật côn đồ và xấu xa. Một nhà báo Pháp đã gọi đó là hành vi cướp biển. Ghê tởm và nhẫn tâm hơn sau khi đâm va làm hư hại tàu đánh cá và gây thương vong cho thường dân Việt Nam, bọn cướp biển ấy đã để mặc họ chìm trôi trên biển. Cái ác của kẻ xâm lược đã lộ rõ, bởi nhân chứng vật chứng đang còn đó, thế mà chúng vẫn cứ leo lẻo vu vạ cho Việt Nam. Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng.
Có thể khẳng định rằng lấn chiếm biển đảo của láng giềng bằng mọi cách là chiến lược dài lâu của Trung Quốc. Khó lòng mong họ thay đổi mưu đồ đen tối đó. Trung Quốc càng phát triển bao nhiêu về kinh tế, khoa học kỹ thuật càng thực hiện ráo riết và bạo liệt hơn công cuộc lấn chiếm biển đảo của họ. Đừng bao giờ tin rằng họ chỉ trỗi dậy trong hòa bình. Họ sẵn sàng gây hấn, xung đột với các nước khác vì quyền lợi dân tộc mình, bất chấp luật lệ quốc tế. Những gì Trung Quốc thể hiện trên biển Đông trong mùa hè năm 2014 là minh chứng rõ rệt nhất, thuyết phục nhất về bộ mặt thật của Bắc Kinh. Gã khổng lồ phương Bắc trong máu đậm đặc chất bành trướng không hề giấu diếm ý đồ này. Tấm bản đồ Trung Quốc dọc họ vừa in ấn bao gồm gần hết diện tích biển Đông, một phần biển của các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc...đã chứng minh cho điều đó. Đừng mơ hồ về thiện chí của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề biển Đông. Bằng mọi cách Trung Quốc đã, đang và sẽ hiện thực hóa đường lưỡi bò vớ vẩn trên giấy thành những vùng biển đảo giàu tài nguyên, chiếm lợi thế về quân sự, hàng hải có thật trên trái đất. Đế quốc Trung Hoa sẽ thực hiện chiến lược viễn chinh biển của mình bất chấp lẽ phải đạo lý.
Không còn con đường nào khác dân tộc ta phải trường kỳ giữ biển như trường kỳ kháng chiến chống giặc xâm lăng trước đây. Lịch sử lại thêm một lần nữa đặt gánh nặng lên vai dân tộc Việt Nam: tiên phong chống chủ nghĩa bành trướng. Hết hy vọng về sự chân thành, cao cả của người đồng chí, người anh em ở nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển phía Bắc, dân tộc Việt Nam hơn lúc nào hết phải thể hiện đầy đủ bản lĩnh và trí tuệ dựng nước và giữ nước của mình. Không có gì xa lạ cả, vẫn cứ phải tận dụng tối đa cái Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa như ông cha ta đã từng tận dụng. Chính nghĩa thuộc về ta, nhiều yếu tố lịch sử, pháp lý thuộc về ta, đó là Thiên thời. Sông núi của ta, biển đảo của ta, ta sẽ dựa vào đó để xây dựng và giữ gìn Tổ quốc đó là Địa lợi. Trước họa xâm lăng lòng yêu nước của dân ta càng dâng cao, muôn người như một sẵn sàng xả thân vì đất nước và nền quốc phòng toàn dân chứa đựng sức mạnh to lớn chính là Nhân hòa.
Tuy nhiên, không thể giữ nước tốt khi nền kinh tế yếu ớt, tiềm lực quân sự mỏng mảnh, xã hội rối ren...Lòng yêu nước phải được đo bằng những hành động, việc làm cụ thể mà theo tôi dù tình hình biển Đông có dậy sóng đến cấp nào cũng phải kiên quyết chống tham nhũng vốn được coi như thù trong của chúng ta. Tham nhũng cùng những tệ nạn khác sẽ làm cho đất nước yếu đi và cái đáng sợ nhất là lòng dân không an, không tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, của Chính phủ. Quá nhiều thử thách vô cùng to lớn và nặng nề đặt ra trước Đảng và dân tộc. Ai sẽ là người cầm lái giỏi dang của đất nước hôm nay? Lịch sử dân tộc sẽ khắc ghi tên tuổi những người lãnh đạo hết lòng vì nước vì dân, tâm sáng tầm cao, đại diện xứng đáng cho bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đấy cũng là niềm tin, lòng kính trọng và tự hào của nhân dân. Xưa nay đều thế cả, minh chủ là một yếu tố rất quan trọng trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hiểu một cách mềm mại thoáng rộng hơn, khái niệm minh chủ hôm nay vừa chỉ lãnh tụ của Đảng, của Nhà nước cũng vừa bao hàm Đảng ta, một tổ chức chính trị được Hiến pháp thừa nhận là lực lượng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện xã hội Việt Nam. Trước hết, Đảng phải thực sự trong sạch vững mạnh mới tập hợp, lãnh đạo được nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngược lại, kết cục ra sao chắc không khó hình dung lắm.
Trường kỳ giữ biển sẽ là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của dân tộc ta hôm nay và mai sau. Mồ hôi và máu của dân tộc Việt Nam đã làm mặn thêm biển Đông rồi chắc chắn sẽ còn đổ thêm nữa. Với dân tộc Việt Nam vốn đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh yêu nước không có khát vọng nào cao hơn, quý hơn, đẹp hơn khát vọng hòa bình. Thấm thía điều ấy nên chúng ta đã nhẫn nhịn, bình tĩnh xử lý rất ôn hòa trên vùng biển Đông dậy sóng trong mấy tháng vừa qua. Nhưng, không phải vì thế mà chúng ta lui bước để kẻ xấu lấn lướt, chiếm đoạt lãnh thổ ông cha để lại. Nhu cương tùy lúc, tôi tin dân tộc mình sẽ đứng vững trong cuộc trường kỳ giữ biển này.
Hà Nội, cuối tháng 6 năm 2014
Nhà thơ - Nhà báo Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn Việt Nam - Hội nhà báo Việt Nam
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 03/07/2014
|