Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Búp sen xanh và Bông sen vàng nhìn từ góc độ tiếp biến văn hóa, văn học dân gian Búp sen xanh và Bông sen vàng nhìn từ góc độ tiếp biến văn hóa, văn học dân gian , Người xứ Nghệ Kiev
 


BÙI THANH TRUYỀN

Có những nhà văn dường như dành cả cuộc đời cho một đề tài tâm huyết, dẫu rằng để “thuỷ chung” được với nó, họ đã phải vượt qua không ít những trở lực cả chủ quan lẫn khách quan. Sơn Tùng với hành trình sống và viết những câu chuyện về cuộc đời Bác Hồ là một trường hợp như thế. Hai tiểu thuyết bề thế Búp sen xanh và Bông sen vàng(*) đã khẳng định đóng góp cho mảng đề tài này cũng như chỗ đứng vững vàng của ông trong văn học đương đại nói chung, văn học cho thiếu nhi nói riêng. 

Ngoài sự tiếp cận nhân vật từ lăng kính đời thường – thế tục, một thành công dễ nhận thấy của Sơn Tùng trong cả hai cuốn sách là quan niệm mới mẻ về vĩ nhân dân tộc: tài năng và nhân cách của Hồ Chí Minh, ngoài tố chất thiên bẩm, những nỗ lực cá nhân còn là sự lắng kết, hội tụ vẻ đẹp của truyền thống, nguồn cội. Điều này được thể hiện thông qua một phương pháp có vẻ “ngược hướng” nhưng xem ra rất thuận chiều trong lĩnh vực sáng tác cho trẻ em của tác giả: khai thác, làm mới những chất liệu dân gian trên cơ sở tôn trọng tối đa tâm lí, thị hiếu của người đọc nhỏ tuổi cũng như quy luật vận động nội tại của cuộc sống mới để khắc họa hình tượng nghệ thuật.

Dấu ấn dân gian nhìn từ quan niệm nghệ thuật về con người  

Mặc dù viết về những giai đoạn khác nhau của tuổi trẻ Bác Hồ (thời thơ ấu, thời niên thiếu, tuổi hai mươi), nhưng có lẽ điểm chung - và cũng là ấn tượng mạnh mẽ nhất mà cả Búp sen xanh, Bông sen vàng để lại cho người đọc - là quãng đời ấu nhi của Bác khi cùng lúc được sống trên cả hai vùng đất giàu bản sắc văn hóa: Nghệ An và xứ Huế thần kinh văn vật. Ở đó, truyền thống gia đình là dưỡng chất đầu đời hình thành nên nhân cách lớn của Bác sau này. Nguyễn Sinh Côn được sinh ra và nuôi dưỡng trong một mái ấm có bà và mẹ đều là những “bảo tàng sống” về văn học bình dân. Chỉ với một vài câu tục ngữ quen thuộc nhưng đắt giá, nhà văn đã làm bật lên nét đẹp của gia phong và tấm lòng người mẹ - bà Hoàng Thị Loan. Đó là một người phụ nữ “thảo hiền, thương người như thể thương thân. Có một miếng ăn ngon, bà cũng bớt ra chia sớt với bà con láng giềng. Ai đứt bữa, ai tối lửa tắt đèn, bà chìa tay giúp đỡ trong tình lá lành đùm lá rách”. Từ mẫu ấy cũng là người luôn lấy câu “giấy rách giữ lấy lề” để khuyên dạy con mình. Chính gia đình, trong đó có vai trò quan trọng của người mẹ, là khởi thủy tạo nên tính cách của con người, đã khắc tạc vào tuổi ấu thơ những nguyên tắc đầu tiên của cuộc đời. Tinh hoa gia đình thanh cao và cả dấu ấn dân tộc hào hùng đã nuôi dưỡng tư cách, phẩm chất, khơi gợi những ước mơ thánh thiện của Bác ngay từ thuở còn thơ. Đây cũng chính là một chủ ý của tác giả nhằm tô đậm quan niệm rất mới mẻ nhưng cũng rất truyền thống của văn hóa, văn học dân tộc: vĩ nhân, bên cạnh những điều phi thường, cũng chính là một con người bằng xương bằng thịt, được kết tinh từ huyết thống tôn quý, từ tình làng nghĩa xóm, sức mạnh cộng đồng và thời đại.

Có khi mạch sống dân gian lắng trong tiềm thức, vô thức, đi vào cả đời sống tâm linh trở thành chuẩn mực cho cách hành xử tốt đẹp của con người. Đó là cách nghĩ, niềm tin chất phác mà thấm đẫm ân tình về cõi vĩnh hằng của người đã khuất - miền đất nặng trĩu thương yêu trong trái tim người sống: “Con cái ở đâu vong linh ông bà, tổ tiên ở đó”; “Con rất thương nhớ ông. Anh Khiêm của con rất thương nhớ ông. Cha mẹ của các con đều rất thương nhớ ông. Đó là con đường ông ngoại vô Kinh, con ạ”. Quan niệm vạn vật hữu linh là hệ quả tất yếu của một cách sống đẹp rất phù hợp và cần cho trẻ nhỏ: hòa hợp, thương mến, trân trọng đồ vật, cây cỏ, thiên nhiên gần gũi quanh mình. Cách bà Loan lí giải cho con trẻ hiểu ý nghĩa việc cúng thần đất, đem bánh tét dán vào tất cả các vật dụng trong nhà, cho vật nuôi các thức ăn của con người… vào ngày mùng một Tết thể hiện lối sống trọng tình, có trước có sau của người lao động: “Cả năm làm đầu tắt mặt tối. Tết là dịp để sum họp mọi người thân trong nhà, trong họ, trong làng và cũng là để nghỉ ngơi, ăn uống ngon hơn thường ngày. Mọi người được ăn ngon, được vui chơi thì phải nhớ đến con trâu, con bò và các đồ đạc, nông cụ đã cùng một nắng hai sương với con người làm ra của cải. Các thứ đó đều vô tri vô giác, nhưng con người phải biết nhớ đến những thứ nớ khi có miếng ăn, tức là tự nhắc nhở mình” (Bông sen vàng). Đó còn là niềm tin vào điềm gở và sự linh ứng của chúng, là tục thờ ông trời, ông thần nông, ông thổ công, ông bếp… Cả một dòng tín ngưỡng dân gian hội tụ làm nên nền tảng văn hóa tinh thần để thăng hoa bao khát vọng, lí tưởng sống đẹp đẽ, nhân hậu. Sống trong môi trường như thế, lại sớm có ý thức học hỏi, tri ân người thầy dân gian hiền minh mà chân chất, sự tỏa sáng trong tài năng, nhân cách của Hồ Chí Minh sau này cũng là điều hợp lẽ.

Văn hóa dân gian chính là thể hiện của những gì quen thuộc, gần gũi với mỗi con người. Người nào được sinh ra, được lớn lên từ cội nguồn văn hóa bình dân ấy thì sẽ luôn đi cùng minh triết dân gian, luôn gắn bó, hướng vọng về đồng bào, Tổ quốc. Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành hội đủ những tố chất này. Đây là cơ sở tạo ra sự song hành giữa hai đặc tính bình thường mà phi thường, dung dị mà cao cả trong nhân cách vĩ nhân dân tộc, khiến cho vầng hào quang thần tượng ẩn khuất trong lồng lộng con người.

Dấu ấn dân gian trong ngôn từ nghệ thuật

Xuất phát từ mong muốn làm nổi rõ mối liên hệ giữa sự hình thành, hoàn thiện nhân cách một vĩ nhân với truyền thống dân tộc như đã nói ở trên, trong cả hai tiểu thuyết, Sơn Tùng đã chủ động khai thác thế mạnh của ngôn ngữ dân gian để khắc họa tính cách nhân vật. Sự gia tăng chất liệu văn học bình dân như một phương tiện đắc lực tạo hiệu ứng thẩm mĩ cho thiên truyện là một cách tân đáng ghi nhận của người viết.

Tần suất của những sáng tác văn học truyền miệng khá cao và thực sự phát huy lợi điểm của chúng trong Búp sen xanh, Bông sen vàng. Có những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao được sử dụng nguyên văn như “Sinh con sáng dạ làu làu – Nhớ mẹ ngày trước chăm lau đĩa đèn”, “Sinh con quý tử khó nuôi – Trồng cây ngon trái lắm người lăm le”, “Con dại cái mang”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”… (Búp sen xanh); “Oan hồn thì hồn hiện”, “Nghe như vịt nghe sấm”, “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ vét lá đầu đường”, “Cha già con cọc”, “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, “Dẫu thơm dẫu đẹp hoa lài - Đàn bà con gái chớ cài lên khăn”, “Đưa con vô Nội mất con - Phò mã tốt áo chẳng còn cố tri”… (Bông sen vàng). Có trường hợp được tái tạo dưới dạng lời dẫn gián tiếp – một thành phần trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật: “Con nhà tông, giống lông giống cả cánh”, “Chúc cháu đi được trơn bọt ngọt lạch, chân cứng đá mềm” (Búp sen xanh); “Ai đứt bữa, ai tối lửa tắt đèn, bà chìa tay giúp đỡ trong tình lá lành đùm lá rách”, “Con nòi của giống, ông cha nói nỏ có sai”, “Cậu là con nhà khoa bảng, con nhà thầy, nhà quan mà đến nhà tui, phận bần hàn ni là rồng đến nhà tôm”… (Bông sen vàng).

Chiếm số lượng ít hơn là câu đố: “Thuyền gỗ, chèo sắt, đi dắt về chèo” (cái hộp mực kẻ của thợ mộc); những cách chơi chữ dân gian độc đáo: “Cớ sự vì sao mà cứ sợ - Dời chưng (chân) nỏ được hãy dừng chơi”, “Rầu rĩ rầu ri, râu ria ra rậm rạp - Rờ râu râu rụng, răng rứa rõ ra ri”… Có trường hợp nôm na, chân mộc nhưng cũng không ít lúc khởi phát từ những câu nói hàm súc, thâm thúy của người học rộng: “Ẩm thủy tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn), “Hữu chí giả, sự cánh thành” (người có chí thì việc ắt sẽ nên). Có câu dẫn ra để minh họa, đồng tình, nhưng cũng có lúc chúng là nguyên cớ cho sự đối thoại, bộc lộ chính kiến, nội tâm nhân vật như lời cậu bé Côn nói với mẹ: “Mẹ ơi, cái tục lệ coi bông hoa lài như cô gái không đứng đắn, nó thế nào ấy? Lại còn gán cho những người đàn bà con gái cài hoa lài lên khăn cho thơm cũng bị coi là người hư hỏng? Sao các cụ, các thầy lại thích uống trà ướp hoa lài? Ồ! Tục lệ ấy ngẫm thấy không hay mà còn dở nữa mẹ ạ” (Bông sen vàng).

Việc Sơn Tùng vay mượn, sử dụng ngôn ngữ văn chương truyền khẩu trong tác phẩm của mình phần lớn đều tự nhiên, không gượng ép do đặt đúng chỗ, đúng người và thường cô đọng, hàm súc vì vậy nhiều khi chúng có ưu thế hơn hẳn so với cách nói hiện đại. Chất dân gian đan xen một cách hợp lí, với dung lượng vừa phải góp phần thể hiện rõ tính cách nhân vật, khẳng định căn cốt của sự hình thành nhân cách con người phải từ nguồn cội nước nhà. Điều đó cho thấy quan niệm nghệ thuật tiến bộ của người viết: con người, đặc biệt là những bậc vĩ nhân, luôn là sự lắng đọng tinh hoa văn hóa của lịch sử cộng đồng; đó là điểm tựa của lí tưởng, lẽ sống, nhờ thế lúc nào, ở đâu trong tâm hồn họ cũng hiện diện rõ ràng một gương mặt quê hương.

Dấu ấn dân gian trong kết cấu tác phẩm           

Sự có mặt của lớp ngôn ngữ truyền thống đã tạo ra những thay đổi rất lớn về mặt kết cấu, cốt truyện của văn xuôi thiếu nhi hôm nay. Trong Búp sen xanh, bên cạnh số lượng các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao vừa nêu, Sơn Tùng còn đưa vào không ít những truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết dân gian (Thạch Sanh, Mị Châu - Trọng Thủy, Tống Trân - Cúc Hoa, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Truyền thuyết Tướng cụt đầu…), những câu hát ru, những bài đồng dao của trẻ con, lời ca của những người hát xẩm, thợ thuyền… Sự có mặt của chúng đã góp phần tích cực trong việc hình thành cách nghĩ, cách sống tốt đẹp, nhân bản ở nhân vật nhờ người viết đã khéo léo tạo ra mối liên hệ bền chặt giữa quá khứ và hiện tại, giữa trí tuệ hiền minh của cha ông với cái nhìn trong veo của con trẻ. Đây là thổ lộ của Côn khi được sự chiếu rọi của nguồn sáng dân gian: “Nghe mệ kể chuyện Thạch Sanh, ước chi con cũng có phép thần thông, có cây đàn thần thì con cũng sẽ gảy đàn cho giặc Tây ngủ hàng loạt, thu hết súng ống về, rồi nấu cho chúng một niêu cơm ăn mãi không hết, trải chiếu hoa trên đường, tống tiễn chúng về Tây”. Cũng có thể đó là những nghĩ suy của một cậu bé có tấm lòng nhân hậu, “chín” trước trong nhận thức, sớm có ý thức tự tôn dân tộc, luôn đau đáu cho vận mệnh nước nhà: “Truyện Mị Châu - Trọng Thủy hay tuyệt, tài tình lắm. Con nhận thấy vua nhà Triệu nước Tàu nham hiểm ghê gớm. Chàng Trọng Thủy ngoan ngoãn làm theo mẹo của cha bày đặt. Còn vua nhà Thục nước ta lại trọng chữ tín, thành thật muốn hai nước kề nhau có hòa hiếu để dân được sống yên ổn làm ăn. Nhưng vua nước ta lại không đề phòng sự gian giảo, bội ước của vua nhà Triệu. Nàng Mị Châu lại ruột để ngoài da. Cha vậy, con vậy thì giữ nước làm sao được? Nhưng câu chuyện lại cho thấy điều đáng trọng không khinh được vua Thục là: Người đã phải tự chém con gái mình và tự xử án mình bằng hành động nhảy xuống biển về tội để mất nước chứ không cam chịu nộp mình cho giặc nước” (Búp sen xanh).

Ở Bông sen vàng, mạch truyện giãn nở, khi ra xa, lúc về gần nhờ hàng loạt những truyện xưa tích cũ (sự tích Chử Đồng Tử, các tích trong Tả truyện, chuyện về tiếng “mệ” –  một danh từ chung gọi các vương tôn công tử triều Nguyễn), những bài vè dân gian, những câu đồng dao ngộ nghĩnh, những điệu hành vân, điệu hò mái nhì man mác… Không chỉ những người có kiến văn rộng mà người lao động cũng vận dụng thành thạo những câu nói “nôm na mà thâm thúy” trong giao tiếp hằng ngày. Đây cũng là nhân tố quan thiết để Sơn Tùng đa dạng, khách quan hóa điểm nhìn nghệ thuật – một đặc trưng quan trọng của văn xuôi hiện đại. Qua những suy nghĩ của chú phó Tràng, vẻ đẹp trong gia phong, trong từng nết ăn nết ở của gia đình ông Sắc hiện lên chân thực, sống động: “Ăn đũa tre người có học, đừng cầm đũa ngọc của kẻ trọc phú ngu si. Phương ngôn dạy rứa đó bác cử ạ. Mà nghiệm thấy cũng đúng rứa. Từ ngày tôi được ông bà thầy cử đây coi như thân hữu, các cháu quý như người ruột thịt, tui thấy đầu óc mình sáng ra. Như ta thường nói: ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng’”.

Là những tác phẩm hướng đến đối tượng chủ yếu là người đọc nhỏ tuổi, vì lẽ ấy, Sơn Tùng đã không quên đưa vào hai tiểu thuyết khá nhiều đồng dao – một thể loại văn học dân gian rất phù hợp với tâm lí, nhận thức cũng như đời sống sinh hoạt của các em. Đây có thể là những câu hát vần vè, hồn nhiên bất chợt của tuổi thơ, nhưng cũng có lúc lẩy ra từ kho tàng văn học của người lao động. Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng cũng tích cực tham gia vào việc thể hiện nội tâm nhân vật và thúc đẩy sự vận động hợp lí của cốt truyện. Đó là sự hóm hỉnh, tinh tế của Côn trong lối pha trò đùa vui cho bạn vừa bị ngã đau – một “phương thuốc” khá hữu hiệu trong hoàn cảnh “con trai không dám đụng vào người con gái, dù chỉ ở bàn chân”: “Chân hài cao ngất - Vấp trái mù u  - Ngã lăn ra đất - Bàn chân sưng vù - Mệ khóc hu hu…”. Là bài học vỡ lòng giản dị mà sâu sắc về lợi ích của việc rèn luyện thân thể: “Bụng béo, chân teo - Thịt nhão bèo nhèo - Ngồi đâu ngủ đó - Không bằng đi bộ - Xương cứng thịt săn - Tỉnh táo mắt thần - Học mau thuộc chữ”. Bài vè do Côn ứng khẩu khi vô Nội đã nói với chúng ta rất nhiều về sự trưởng thành của cậu thiếu niên sớm thấy rõ bi kịch của người dân mất nước, quốc gia mất chủ quyền: “Hoàng thành vàng - Đầu vua vàng - Chân lính vàng - Ngai ngự vàng - Lính gác vàng - Dân đói vàng - Mắt… vàng… vàng…” (Bông sen vàng). Và khát vọng vượt qua biển lớn, “sự quyết chí ra đi vì nước vì dân” của người thanh niên Nguyễn Tất Thành càng bừng lên mạnh mẽ, quyết liệt khi được “tiếp” năng lượng từ một bài hát ngây thơ của trẻ con bất chợt vang lên giữa một buổi chiều nơi cửa biển Phan Thiết: “Dang dang díu díu – Cánh níu níu nhau – Bay thiệt là mau – Qua trời qua bể (Búp sen xanh).

Hệ thống văn học truyền khẩu đã phát huy hiệu quả thực sự đối với sự phát triển của mạch truyện, sự khắc họa tính cách nhân vật, hoàn cảnh đặc thù… Chỉ bằng hai câu ca dao, tác giả Búp sen xanh đã diễn tả khá thành công ý thức giác ngộ, tình hữu ái giai cấp của những người cùng khổ: “Một khi lòng đến với lòng – Dù chênh dù lệch vẫn không nề hà”. Lời ca cùng tiếng đàn mộc mạc của ông già Đờn đã khiến “anh Ba sững sờ” và “chạnh lòng bỗng nhớ về cố hương”: “Rồng chầu ngoài Huế… Ngựa tế Đồng Nai… Nước sông trong sao lại chảy hoài… Thương người nho sĩ… lạc loài… đến đây…”. Tương tự như thế, để diễn tả sự thức nhận về sức mạnh của cộng đồng, niềm tự hào về dòng giống tiên rồng luôn thường trực ở nhân vật, người viết đã phải “tựa” vào minh triết dân gian khi để thầy giáo Nguyễn Tất Thành cắt nghĩa truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ cho học trò: “…Cái bọc ấy chính là lòng mẹ. Chung một lòng mẹ, nghĩa là cùng một nòi giống. Vì vậy mà dân ta có hai tiếng nghe rất thiêng liêng, đó là… Đồng Bào. Có nghĩa là cùng bọc, cùng một dòng máu (…) Còn sự tích một nửa số người đi lên ngàn, một nửa số người đi xuống bể, nó nói lên người Việt mình đã trải bao mưa nắng, người đi phương này, kẻ đi nơi kia để khai phá, mở mang bờ cõi, dựng xây đất nước. Nước Việt Nam ta được như ngày nay ta đừng quên công lao của bao đời đã đổ mồ hôi và máu. Người ta thường nói : ‘Tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào’ là từ gốc tích ấy”. Trong nhiều hoàn cảnh, ngôn ngữ, cách giao tiếp trực diện của nhân vật dường như bất lực thì tác giả dân gian đã kịp thời có mặt, giúp họ “gỡ rối tơ lòng”. Những lời ca dao vọng về trong tâm trạng ngổn ngang trăm mối của Út Huệ trước lúc anh Ba đi xa là một ví dụ: “Khăn thương nhớ ai mà khăn rơi xuống đất - Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt – Mắt thương nhớ ai mà mắt không khô…” (Búp sen xanh).

 Với kĩ thuật lắp ghép cốt truyện, kết cấu, mỗi tiểu thuyết giống như một kính vạn hoa, có thể thu vào rất nhiều mặt của hiện thực cuộc sống. Ngoài việc nới rộng biên độ nhận thức của người đọc, tác phẩm còn giúp cho độc giả, nhất là thiếu nhi, không cảm thấy ngán ngẩm vì phải thưởng thức một món ăn tinh thần độc vị, đơn điệu. Đây cũng là nhân tố để nhà văn tô đậm tính cách của cậu bé Nguyễn Sinh Côn: một con người luôn khát khao học hỏi, ham hiểu biết, một nhân cách lớn được bồi đắp nên bằng chính tinh hoa văn hóa của ông cha. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn để nhân vật “đứng vững dáng Con Người giữa cuộc đời khổ ải”. Điều này hơn một lần được hé lộ khi Sơn Tùng mượn lời người cha – ông Nguyễn Sinh Sắc – gửi gắm tới đứa con sắp ra đi tìm đường cứu nuớc: “Khi đi xa đất nước, con hãy nhớ, hãy nghĩ về những điều bình thường ấy, con sẽ thấy trong tâm hồn mình cả một quê hương, cả một dân tộc…” (Búp sen xanh).

Thành công của hai tiểu thuyết cho thấy năng lực “luyện đan ngôn ngữ” của người viết. Ít xảy ra trường hợp vênh lệch, gượng gạo, sự hòa kết giữa hai dòng dân gian và hiện đại trong ngôn từ nghệ thuật đã tạo đà để câu chuyện phát triển tự nhiên, giọng văn gần gũi bởi mang đậm bóng dáng cuộc đời của người lao động chân chất, nghĩa tình mà cũng rất đỗi anh hoa. Cái duyên của Sơn Tùng là biết cách vận dụng, cài đặt đúng chỗ, đúng người, đúng việc nhờ vậy mạch truyện không bị cắt vụn, không sa đà rào đón dài dòng mà rất liên hoàn, thuyết phục. Chỉ bằng vài câu ca dao xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm, người viết một mặt thể hiện được quan niệm của mình trước một vấn đề rất khó nói, rất dễ sa đà vào lập luận khô khan: tư tưởng lấy dân làm gốc; đồng thời cũng cho thấy sự phát triển nhất quán của tâm lí nhân vật từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, từ ngây thơ, hồn nhiên đến căm phẫn, trở trăn trong ý thức trách nhiệm: “Dân vạn đại, quan nhất thời - Ghế quan ai ngồi xin chớ thờ ơ - Thương dân, dân lập đền thờ - Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”; “Muôn dân một lũ cơ hàn – Vua ngồi chễm chệ ngai vàng hiếp dân” (Búp sen xanh). Nguyên nhân thành công của thủ pháp lắp ghép tài tình này là bởi tác giả cũng như những đứa con tinh thần của mình “luôn luôn gần người biết đi dưới ánh sáng của nhân dân” (Bông sen vàng). Chính vì thế, tính giáo dục được nâng lên một mức cao hơn nhưng vẫn rất dung dị, phù hợp với tầm đón nhận của người đọc.

Cuộc đời con - người - huyền - thoại Bác Hồ là nguồn cảm hứng bất tận đối với nghệ sĩ. Xét từ góc độ văn học, mỗi thời đoạn, do những thay đổi khách quan của đời sống xã hội cũng như những chuyển biến chủ quan trong nhận thức, quan niệm của người viết, đề tài anh hùng, lãnh tụ nói chung, Bác Hồ nói riêng, được nhìn nhận, tái hiện ở những phương diện không hoàn toàn giống nhau hòng đem lại cho người đọc một cái nhìn toàn diện và chân xác về con người, hiện thực cuộc sống. Khai thác, phục sinh và làm mới di sản văn hóa, văn học truyền thống, tạo cho chúng một y trang cổ xưa mà hiện đại là một nỗ lực đáng trân trọng của nhà văn hôm nay. Trên tinh thần ấy, công cuộc kiếm tìm những phương cách hữu hiệu để thay đổi diện mạo văn học Việt Nam đương đại ghi nhận những cống hiến của Sơn Tùng thể hiện qua hai sáng tác sẽ còn đi mãi cùng độc giả: tiểu thuyết Búp sen xanh và Bông sen vàng

 

     B.T.T

----------

(*) Mọi trích dẫn trong bài viết này đều có nguồn từ Búp sen xanh, Nxb Kim Đồng, 2005 và Bông sen vàng Nxb Thông tấn, 2007.

 Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 16
Total: 65229850

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July