AI GIẬT ĐỨT DÂY ĐÀN… AI KHÔNG SỐNG HOÀ THUẬN VỚI LÁNG GIỀNG?...
Lời tâm sự của Triệu Lam Châu:
Nhà thơ Raxun Gamzatốp sinh năm 1923, người dân tộc thiểu số Avar, nước Cộng hoà tự trị Đaghextan, thuộc Liên bang Nga. Ông được tặng danh hiệu nhà thơ nhân dân Liên Xô (1959), Nhà hoạt động xã hội, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô (1974). Năm 1963 Raxun Gamzatốp đoạt Giải thưởng Lênin về văn học, với tập thơ Những ngôi sao trên cao. Bạn đọc Nga say mê phong cách thơ độc đáo của Raxun Gamzatốp, phản ánh mảng hiện thực miền núi Đaghextan với một loạt tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của tôi, Tổ quốc của người sơn cước, Trái tim tôi trên núi, Bên bếp lửa, Và trò truyện cùng sao, Chuỗi hạt tháng năm, , Cô sơn nữ, Cái giá cuối cùng, Trò truyện với người cha, Hãy phán xét tôi theo đạo luật của tình yêu, Hãy bảo vệ các bà mẹ, Hòn đảo của phụ nữ… Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình Đaghextan của tôi (đã được dịch sang tiếng Việt) càng thể hiện rực rỡ phong cách sáng tác độc đáo của ông.
Nhà thơ Raxun Gamzatốp
Ảnh nguồn - Internet
Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Raxun Gamzatốp là sự giản dị giàu chất dân gian, nhưng thấm đượm một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc, đôi lúc có pha chút hóm hỉnh rất giàu chất dân dã của miền Đaghextan xứ núi. Nó thể hiện thành công tâm hồn mộc mạc, đôn hậu, giàu nghĩa khí của người miền núi quê ông, cùng những giá trị thăm thẳm của lịch sử và chiều sâu văn hoá của miền Đaghextan xa xôi mà gần gũi với chúng ta.Thơ Raxun Gamzatốp là sự giao thoa đẹp đẽ giữa hai nền văn hoá Nga và Đaghextan.
Trước kia, thơ Raxun Gamzatốp là tiếng ca lạc quan, là sự suy ngẫm và trải nghiệm sâu xa về tình yêu, cuộc đời, về dân tộc, thời đại, về Tổ quốc, lịch sử, về tình đoàn kết các dân tộc xây dựng cuộc sống mới trong Liên bang Xô Viết.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, một nhà thơ giàu ý thức công dân như Raxun Gamzatốp, hẳn ông cảm thấy đau đớn vô cùng. Chính vì vậy thơ của ông sáng tác thời kỳ sau này nhuốm một nỗi buồn thế sự rất sâu xa. Mỗi vần thơ của ông chính là máu thịt của ông giữa cuộc đời này.
Thơ Raxun Gamzatốp đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Đồng cảm với tâm hồn Raxun Gamzatốp, tôi chọn dịch những vần thơ tứ tuyệt của ông từ tiếng Nga ra tiếng Việt và tiếng Tày - Rồi tập hợp thành tập “Cây tiêu huyền nghe mưa”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa…
Phú Yên 2008 – Cao Bằng 2012
Triệu Lam Châu
Sau khi hoàn thành bản dịch tập thơ này, gồm 154 bài tứ tuyệt, tôi đã gửi đăng dần trên các Trang mạng văn học như: nguoibanduong.net (Cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật Việt nam tại Nga, trụ sở đóng tại Matxcơva) – Vũ Nho Ninh Bình (Trang mạng văn học của Phó giáo sư – tiến sĩ Vũ Nho) – vuthanhhoa.net – trannhuong.com…
Đặc biệt PGS – TS Vũ Nho rất tâm đắc với thơ Raxun Gamzatốp, nên tôi đã gửi ông cả tập thơ dịch Cây tiêu huyền nghe mưa (Nga – Việt – Tày) hồi cuối năm 2013 vừa qua. Vậy là Chủ trang mạng đã dùng dần những bài thơ dịch ấy, mỗi lần đăng năm bài. Và tới bây giờ đã đăng đến bài thứ 85.
Hôm nay tôi lại vào Trang Vũ Nho Ninh Bình, thấy một tựa đề làm tôi giật mình “Ai giật đứt dây đàn? Ai không sống hoà thuận với láng giềng?”. À hoá ra, thơ đã có sẵn trong bản dịch. Song đăng vào lúc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam – thì thật là đúng tính thời sự cấp bách hiện nay.
Những bài thơ này của Raxun Gamzatốp làm đã lâu, nhưng giá trị của nó, nói về quan hệ láng giềng – thì không bao giờ cũ.
Vậy thì hiện nay, ai không sống hoà thuận với láng giềng Việt Nam đây? Câu trả lời là: Chính quyền Trung Quốc không sống hoà thuận với láng giềng đấy. Họ ngang ngược, gây hấn, lấn chiếm các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam ta. Mời bạn bè cùng đọc thơ Raxun Gamzatốp qua bản dịch Việt, Tày của Triệu Lam Châu.
Tuy Hoà, ngày 8 tháng 6 năm 2014
Triệu Lam Châu
THƠ RAXUN GAMZATỐP QUA BẢN DỊCH VIỆT, TÀY CỦA TRIỆU LAM CHÂU
81. Кто струны на пандуре рвет?
Глупцы.
Кто ссорится с женой и с горя пьет?
Глупцы.
81. Ai giật đứt dây đàn Panđur?
Những tên ngu.
Ai cãi nhau với vợ và uống rượu?
Những tên ngu.
81. Hâư t’ổc khát slai mảc châư Panđur?
Bại ò tăn.
Hâư mầu lẩu, mà gải oạ miề
Bại ò tăn.
82. С соседями кто мирно не живет?
Глупцы.
Тогда, спрошу я,
— где же мудрецы?
82. Ai không sống thuận hòa với xóm giềng.
Những tên ngu.
Vậy thì tôi hỏi:
- Những nhà thông thái ở đâu?
82. Hâư slổng nắm ngám gần xẩư xảng.
Bại ò tăn.
P’ận lẻ hây xam nỏ:
- Bại gần slỉnh rủng d’ú hâư nò?
83. На всех, на всех в бинокль смотрели мы,
Все видели в большом увеличенье.
Теперь бинокль перевернули мы…
А где же вещи в истинном значенье?
83. Chúng ta mãi nhìn qua ống nhòm
Nên mọi thứ to lên gấp bội
Bây giờ ống nhòm quay ngược lại
Giá trị ròng, đích thực nơi đâu?
83. Boong rà lầng mủng quá chú ngòi
Nhoòng p’ận vè lăng củng luông cải khửn
Cứ này pjẳn thất chú ngòi mủng
Ăn dỉnh chăn đích mỉnh d’ú hâư lo?
84. Уходит вождь, приходит новый вождь,
Законы, заседанья, словопренья…
Земле нужны крестьяне, солнце, дождь,
А не нужны бумажные решенья.
84. Lãnh tụ cũ ra đi, sẽ có lãnh tụ mới
Những sắc lệnh, họp bàn, tranh cãi…
Đất cần có nông dân và nắng mưa
Chứ đâu cần quyết định trên giấy tờ.
84. Tải cốc cáu mừa, d’ỏ mì tải cốc mấư
Bại toóc khoót, p’joọm àn, t’ồng gải…
Tôm cấn mì gần nà wạ đét phân
Bấu tươn thâng toóc àn nưa chỉa mả.
85. Я в жизни столько выслушал речей,
Зевоту подавляя для приличья,
А в это время где-то пел ручей,
И где-то раздавалось пенье птичье.
85. Nghe lời nói nhảm biết bao lần
Tôi cố nén ngáp dài, để tỏ ra lịch sự
Trong khi ấy, một nơi nào bên suối
Nước rì rào hòa tiếng chim vui.
85. T’ỉnh gằm phuối luổn kỷ lai p’ày
Hây chẳn dải rì, sle dửc ăn t’ảo lị
Chang slăm hăn t’ỷ hâư gằn khuổi
Nặm rì roà hênh nổc nim khăn.
Từ Tày mới do Triệu Lam Châu đề xuất được dùng trong các bản dịch này như sau:
Cây đàn: Mảc châư (Dụng cụ thể hiện tiếng lòng của tâm hồn)
Nhà thông thái: Gần slỉnh rủng (Người sắc sảo, thông minh sáng láng)
Lãnh tụ: Tải cốc (Người gốc, đầu tiên, dẫn dắt, lãnh đạo…)
Ra lệnh: Toóc khoót (Toóc là động từ - Toóc teng là Đóng đinh. Nó thể hiện một sự quyết liệt và dứt khoát. Vậy Toóc khoót – là đóng những điều phải thực hiện).
Sắc lệnh: Khoót toóc (Những điều phải làm, phải được Toóc, đóng đinh...)
Nông dân: Gần nà (Người làm ruộng).
Quyết định: Toóc àn (Đóng những điều đã được bàn luận và dự định trước).
Sáu từ trên chưa hề có trong tiếng Tày. Do vậy người Tày khi dùng chúng, thường bê nguyên xi tiếng Việt vào trong cuộc sống và giao tiếp của mình.
Nhà thơ - Nhạc sĩ Triệu Lam Châu - Hội nhà văn Việt Nam
BBT Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 09/06/2014
|