Lời dẫn: năm 1952, sau chiến thắng Cao - Lạng (Quân ta giải phóng biên giới Việt Trung), NK tôi (14 tuổi) đang học lớp 5 (hệ 9 năm) Trường cấp 2 huyện Phổ Yên- Thái Nguyên (cả trường có 2 lớp 5, một lớp 6) Trường sơ tán học ở chùa xã Đồng Tiến (Hoàng Đàm)cách vùng quân Pháp chiếm đóng 7 Km (huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên). Một hôm vừa lên lớp thì Thầy giáo Tuyết (Hiệu trưởng) dẫn 1 thằng bé trạc tuổi tôi vào giới thiệu:"Đây là em Nguyễn Bá Dậu - thiếu sinh quân, được cấp trên gửi về trường ta học văn hóa... hắn mặc quần áo bộ đội bạc màu, xem ra có vẻ kẻng trai “dân Hà thành” tinh ranh, nghịch ngợm. Dậu được xếp ngồi bàn đầu cạnh NK (học sinh giỏi). Ngày 19-5 năm ấy, Lớp 5b chúng tôi ra tờ Báo tường (bích báo) để chào mừng Sinh nhật Bác Hồ (mà NK là chủ bút): NK tôi góp 1 bài Văn xã luận, Nguyễn Bá Dậu góp 1 bài Thơ... được cả trường (kể cả Thầy cô) đến xem động viên khen ngợi... thật không ngờ là: Bài thơ của Nguyễn Bá Dậu sau này rất nổi tiếng, được in vào các Tuyển tập thơ Quốc gia, nay xin chép lai để mọi người cùng thưởng thức:
Ảnh minh họa - Internet
CHÁU GỬI BÁC HỒ
Bác Hồ ơi,
Cháu là em bé phương xa
Theo anh Vệ Quốc xa nhà từ lâu
Cháu qua sông Đuống, sông Cầu
Phủ Thông, đèo Khách, An Châu, Lũng Vài...
Qua bao vực thẳm ,sông dài
Giúp anh Vệ Quốc đánh loài Thực dân
Cháu là Thiếu sinh quân
Nhân ngày sinh nhật Bác
Có vài lời chất phác
Kính chúc Bác sống lâu
Không bao giờ bạc đầu
Để lái thuyền Chiến Thắng.
Nguyễn Bá Dậu -1950
*
Lời cảm nhận: đây là bài “Thơ thiếu nhi” ra đời đến nay đã được 63 năm, đọc lại vẫn thấy xúc động bởi lời lẽ chân thành mộc mạc. Sau 1952 - Nguyễn Bá Dậu lại trở về Đơn vị, cho đến nay cũng không thấy tăm hơi gì, không biết sau đó anh có tham gia đánh ở Điện Biên Phủ hay không? Ở thời điểm ấy, đọc văn “Thư Nhà” của Hồ Phương cùng thơ Nguyễn Bá Dậu, chỉ với 2 câu:
“Cháu qua sông Đuống, sông Cầu
Phủ Thông, đèo Khách, An Châu, Lũng Vài”...
Đó là những địa danh gắn với những trận đánh lừng lẫy của “Quân ta” mà Nguyễn Bá Dậu – “chú bé loắt choắt” làm “liên lạc” đều tham gia thì quả là đáng khâm phục, đáng tự hào xứng đáng với những bậc thiếu nhi tiền bối như Trần Quốc Toản, Lý Tự Trọng, Kim Đồng...
Thơ hay không cần dài dòng, cốt lõi là cái Hồn nhập vào từng con chữ để nó cất lên tiếng nói trái tim... đấy là thơ đích thực, để đời là vậy.
Góc thành nam Hà Nội 19-5 2013
Nhà thơ Nguyễn Khôi – Hội nhà văn Hà Nội
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 06/06/2014
|