Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tây Quảng Trị tháng ba - VƯƠNG TRỌNG Tây Quảng Trị tháng ba - VƯƠNG TRỌNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

1 - Trở lại Lao Bảo

Trong khi thời tiết ở thị xã Đông Hà ẩm ướt mưa dầm như thời tiết đặc trưng của mùa xuân Hà Nội, thì thị trấn Lao Bảo khô nóng như thời tiết của Trung Lào. Mùa xuân năm 1986, sau khi rời hậu cứ của Sư đoàn 968 ở Đông Hà, để sang bản doanh của sư đoàn ở Sê Nô, tôi đã qua cửa khẩu Lao Bảo cùng với việc trút bỏ hết áo rét ra khỏi người. Với Quảng Trị, Lao Bảo có riêng một vùng khí hậu. Với tôi, Lao Bảo hôm nay không có dấu vết nào của Lao Bảo gần ba mươi năm trước. Ngày ấy nói đến Lao Bảo là nói đến một vùng heo hút cực tây của Quảng Trị, là con đường len lỏi giữa đôi bờ hoa lau phơ phất, thi thoảng gặp những người dân tộc Vân Kiều mang gùi đứng dạt vào vệ đường để tránh ô tô với cái nhìn ngơ ngác. Lao Bảo hôm nay là thị trấn mang dáng dấp một khu phố hiện đại. Không giống như vùng Cầu Treo Hà Tĩnh và bao cửa khẩu khác, thiên nhiên ban cho Lao Bảo một mặt bằng rộng rãi, dư sức phát triển thành một thị xã “hoành tráng”. Quy hoạch thị trấn khá hiện đại, với đường phố hai làn đường, giải phân cách là vườn hoa dài, điều mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ thị trấn nào trong cả nước. Vỉa hè rộng trên sáu thước, trồng cây bàng Nhật Bản làm cây bóng mát, trông giống như phong cảnh nước ngoài. Biệt thự, khách sạn rộng nhưng chỉ từ hai đến ba tầng với tiện nghi sang trọng. Tôi đã nghỉ lại hai đêm ở khách sạn Bảo Cường, với căn phòng sang trọng ít tìm thấy ở nơi khác. Đặc biệt khách sạn này còn có nhà tiệc cưới, một lúc có thể tiếp đón trên một ngàn người ăn uống rộng rãi. Một nhà tiệc cưới như thế tìm ở Thủ đô cũng khó, ai ngờ lại hiện hữu ở nơi vốn được coi là heo hút này. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh nhất ở Lao Bảo là khu Trung tâm Thương mại gồm các siêu thị miễn thuế của ta, của Thái Lan… xây dựng hiện đại. Khu chợ gồm nhiều ngôi nhà hình nấm to lớn, phong phú các loại hàng của Thái Lan, của Lào và hàng chất lượng cao của Việt Nam. Hình ảnh những người dân Vân Kiều gùi măng, hoa chuối rừng, khoai môn… ngồi bán phía ngoài khu siêu thị được du khách chú ý và ống kính máy ảnh không bỏ qua. Như thế mới là Lao Bảo! Trước đây dân số vùng này thưa thớt, thị trấn bây giờ phần nhiều là người địa phương khác đến, đặc biệt là dân của huyện Triệu Phong, chuyển lên định cư ở đây. So với các thị trấn khác, mật độ người ở Lao Bảo còn thưa, mặt bằng còn rộng, còn đầy tiềm năng để phát triển.

Mở đường thành công - Ảnh: Đoàn Công Tính

Với những người yêu mến lịch sử, đến Lao Bảo bao giờ cũng tìm đến nhà tù Lao Bảo, khi nhà tù chỉ cách trung tâm thị trấn một đoạn ngắn. Nhà tù (còn gọi là nhà đày, nhà lao) này được thực dân Pháp xây dựng năm 1908, trên diện tích 10 hec-ta, để giam giữ “quốc sự phạm” miền Trung, bao gồm thường phạm và những người yêu nước trong phong trào Cần Vương và Văn Thân. Năm 1929 – 1930, nhà lao được mở rộng thêm ba nhà, xây kiên cố bằng sắt thép, bê tông để giam tù cộng sản. Nhiều nhà hoạt động chính trị nối tiếng của ta đã bị giam giữ ở đây, như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu. Năm 1960, sau khi được thành lập, Mặt Trận dân tộc giải phóng đã chọn nhà tù này làm một cơ sở để tổ chức các trận đánh Mỹ ngụy ở khu vực Đường Chín, Khe Sanh, Làng Vây… nên bom đạn Mỹ đã trút xuống, phá hoại tất cả trại giam của nhà tù này, chỉ còn sót lại mấy lô cốt nằm ở góc tường. Những cây ngô đồng lắm gai có từ thời Pháp đã mọc thành rừng, bóng tỏa xuống một đống đổ nát hoen gỉ thép bê tông. Năm 2000 chúng ta đã tôn tạo một phần, cái chính là khu tượng đài căm thù, chứ nhà cửa vẫn nguyên trạng đổ nát. Tượng đài tạo dáng những người tù ngửng mặt, tay xiềng xích giơ cao, bàn tay nắm chặt. Một trong những cánh tay ấy có khắc bốn câu thơ, rút trong một bài thơ của Tố Hữu viết từ năm 1938:

“Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu

Cho da tôi dày dạn với ngày mai

Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu

Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai”.

Đọc lại tập thơ “Từ ấy”, thấy có nhiều bài được Tố Hữu viết ở nhà tù Lao Bảo này, khi ông chưa đầy hai mươi tuổi. Nhớ lại hồi năm 2000, Trần Đăng Khoa và tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Tố Hữu, liên quan với nhà tù này. Tôi hỏi rằng: “ Trong tập “Từ ấy”, có bài thơ “Nhớ Đồng”, ông có đề “Tặng Vịnh”, thì Vịnh là ai?”  Nhà Thơ Tố Hữu: “Vịnh là tên anh Nguyễn Chí Thanh, đầy đủ họ tên là Nguyễn Vịnh, anh ấy là bí thư chi bộ nhà tù, mình là phó bí thư. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ấy cũng xấp xỉ như mình, về sau mới biết anh ấy làm to, người của Xứ ủy”. Tôi hỏi tiếp: “Thế thì họ tên Nguyễn Chí Thanh do đâu mà có”?. Tố Hữu : “Năm 1946, sau khi cách mạng thành công, anh Vịnh ra gặp Bác Hồ ở Hà Nội, Bác Hồ đề nghị anh Vịnh đổi tên thành Nguyễn Chí Thành, nhưng anh Vịnh bảo trong họ có người tên là Thành rồi, nên Bác bảo: Thế thì Thanh vậy. Tên anh Nguyễn Chí Thanh có từ đấy”!

Trong hồi ký của mình, nhà thơ Tố Hữu viết: “Cùng với Sơn La, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo, nhà đày Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng núi heo hút miền tây Quảng Trị, thực tế là mồ chôn hàng ngàn người cách mạng bất khuất”. Đến tháng 3 năm 1945, có hàng ngàn người bị giam giữ tại nhà tù này, trong đó có 350 tù chính trị...

 Những người tù Cộng sản sau năm 1930, luôn nhắc nhau, noi tấm gương của cụ Hồ Bá Kiên, sinh năm 1862, quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, từng tham gia phong trào Đông Du và Duy Tân chống Pháp, bị đày Lao Bảo năm 1907. Cụ đã lãnh đạo và hy sinh trong cuộc khởi nghĩa không thành vào năm 1915. Hiện dân đã lập miếu thờ Cụ trong khuôn viên của nhà tù này. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mất năm 1967, nhà thơ Tố Hữu mất năm 2002. Và có lẽ những người từng bị giam giữ ở nhà lao này đến nay không còn ai nữa, nhưng tinh thần của họ truyền mãi trong dòng máu dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi cuối cùng. Cũng như các tù nhân Lao Bảo, thế hệ sau noi gương dũng cảm hy sinh của người đi trước. Sát với tường thành nhà tù Lao Bảo xưa, đối diện với cổng chính vào, là nhà bia ghi danh 71 liệt sĩ của thị trấn Lao Bảo, bao gồm 21 liệt sĩ chống Pháp và 50 liệt sĩ chống Mỹ, như nối dài thêm truyền thống hy sinh đánh giặc cứu nước của dân tộc ta.

2 - Trong ngày hội Biên phòng

Tôi đến đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào ngày 3 tháng 3, đúng ngày kỷ niệm 55 năm truyền thống của bộ đội biên phòng và 25 năm ngày Biên phòng toàn dân. Nhìn về phía nào cũng gặp sự nô nức chuẩn bị. Trên sân đồn, một sân khấu lớn đã dựng xong đang trang hoàng phần cánh gà, lắp hệ thống âm thanh và chiếu sáng. Đội tuyên truyền văn hóa, văn nghệ của BCH biên phòng tỉnh đang tập lại những điệu múa để phụ họa cho các bài hát của ca sĩ chuyên nghiệp được mời từ Hà Nội vào. Sân bóng chuyền phía trái đang diễn ra trận đấu giao hữu giữa đội tuyển của biên phòng tỉnh với đội tuyển huyện Hướng Hóa. Tiếng còi, tiếng reo, tiễng vỗ tay vang động ra tận ngoài thị trấn, gọi người kéo vào xem mỗi lúc một đông. Trong khi đó, các đoàn khách đại diện cho các cơ quan, các công ty và gia đình quanh khu vực Lao Bảo, Khe Sanh… mang những lẵng hoa vào mừng ngày kỷ niệm biên phòng. Bởi vậy, cán bộ đồn bận tíu tít, chưa có dịp làm việc với nhà báo, nên tôi nhẩn nha chờ đợi.

Tôi tranh thủ trước bữa cơm trưa, tìm gặp chính trị viên đồn để hỏi chuyện. Theo chỉ dẫn, tôi leo lên tầng hai, gỗ cửa. Cánh cửa mở, và tôi không tin ở tai mình, khi nghe lời chào của  một đồng chí thượng tá: “Chào thầy ạ”! Nhìn họ tên trên ngực áo: Nguyễn Thành Phú! Thì ra cách đây 16 năm, năm 1998, Phú đã theo lớp học bồi dưỡng sáng tác văn học do Tạp chí Văn nghệ tổ chức, mà tôi có lên lớp mấy buổi, và kết thúc là trại viết của lớp ở Đồ Sơn, tôi có tham gia đọc tác phẩm. Dạo ấy Phú ở BCH biên phòng tỉnh, sau khi đi học, đã chuyển công tác nhiều nơi, đi học thêm chuyên môn, rồi mới lên làm chính trị viên đồn này. Thế là gặp được người quen, cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên thoải mái. Hơn nữa, mấy lâu nay, Phú vẫn viết các bài bút ký để đăng báo và đọc trên đài phát thanh, nên rất hiểu công việc của tôi, biết những gì tôi cần cho bài viết sắp tới.

Quảng Trị có 14 đồn biên phòng, bao gồm 9 đồn dọc biên giới Việt – Lào và 5 đồn biển đảo. Xa nhất là đồn ở trên đảo Cồn Cỏ. Quan trọng nhất là đồn cửa khẩu này, vì ngoài chức năng như các đồn khác, còn thêm nhiệm vụ quản lý người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Đồn Lao Bảo quản lý 16,5 km đường biên giới, trong đó có 10km là sông Sê Pôn. Nhiệm vụ của đồn biên phòng là đảm bảo an ninh, bao gồm việc kiểm soát người qua lại biên giới, chuyện buôn bán hàng lậu, hàng trái phép, những tệ nạn xã hội và hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn. Với 5 cột mốc, nằm trên biên giới dài và địa hình phức tạp, việc kiểm soát người qua lại thật không dễ dàng chút nào, nếu không được lòng dân của các bản ta và bạn dọc biên giới. BCH biên phòng Quảng Trị là nơi đầu tiên đề xuất chuyện kết nghĩa giữa các cặp bản giữa ta và bạn nằm hai bên biên giới và mô hình này đã được BTL Biên phòng hoan nghênh, nhân rộng lên các đồn biên phòng có chung biên giới với bạn, không chỉ Việt - Lào, mà Việt - Trung, Việt - Campuchia. Đó là biện pháp hữu hiệu giúp bảo đảm an ninh biên giới. Hiện này, biên phòng Quảng Trị có 23 cặp bản kết nghĩa như vậy, riêng đồn Lao Bảo này có năm cặp bản kết nghĩa. Chủ trương này rất được lòng dân dọc biên giới, vì nhiều nơi, mặc dù là hai bản thuộc hai nước khác nhau, nhưng lại là cùng một dân tộc, như vùng Quảng Trị thì đó là dân tộc Vân Kiều. Sự kết nghĩa này, làm cho hai người hai bản gần gũi nhau hơn, mỗi khi có những kẻ bất lương trà trộn vào bản, thì họ sẵn sàng báo với bộ đội biên phòng, để kịp thời ngăn chặn những hành động chống phá của chúng.

Một công việc quan trọng của đồn Lao Bảo là kiểm soát người qua lại cửa khẩu. Lao Bảo là cửa khẩu quốc tế, nên số người qua lại rất đông. Theo con số thống kê trong năm 2013, nhập cảnh có 134.469 lượt người Việt với 10.740 lượt xe, 11.173 lượt người Lào với 8.576 lượt xe; quốc tịch khác có 33.593 lượt người… Và xuất cảnh cũng xấp xỉ như vậy. Đó là qua cửa khẩu, còn qua vùng biên giới, nhập cảnh có 51.688 lượt người Việt, 6.345 lượt người Lào. Qua con số thống kê này, ta biết được lượng qua biên giới rất đông, kiểm soát an ninh thật khó. Như thế mà cán bộ biên phòng đã kiểm tra, phát hiện ra tội phạm, kể cả tội phạm bị truy nã quốc tế, như hai tên mang quốc tịch Nga, khi qua cửa khẩu này để sang Lào, bị bắt và giao cho Tổng cục Cảnh sát. Thành thích này được khen ngợi vì, việc phát hiện những kẻ này qua đường bộ khó hơn rất nhiều khi qua đường hàng không. Đó là chưa kể cán bộ đồn đã phát hiện ra những tội phạm trong nước, sau khi gây tội ác. chúng lẩn trốn sang Lào, thay tên đổi họ rồi về nước qua cửa khẩu này.

Buổi chiều, đợi chỉ huy trưởng Nguyễn Trọng Tiềng duyệt xong tiết mục cuối của chương trình, tôi tranh thủ gặp anh. Không ngờ, anh lại đồng hương Đô Lương với tôi, hai làng cách nhau dăm cây số. Anh tốt nghiệp trường Sĩ quan biên phòng, từng công tác nhiều nơi, trước khi chuyển về đây làm Chỉ huy trưởng BCH biên phòng Quảng Trị, đã một thời làm Phó chỉ huy trưởng BCH biên phòng Hà Tĩnh. Anh tâm sự rằng, hơn ba chục năm là cán bộ bộ đội biên phòng, một trong những nguyên nhân để làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh địa bàn là đoàn kết quân dân, trong đó, cán bộ biên phòng tranh thủ mọi nơi, mọi lúc giúp dân, làm tốt công tác dân vận. Các đồn miền núi thì phải coi mình là lực lượng nòng cốt giúp dân chống thiên tai như lũ ống, lở núi, giúp dân dựng lại nhà cửa sau thiên tai. Ở vùng có đồng bào dân tộc thì giúp dân cấy trồng, bỏ hủ tục lạc hậu, giúp dân chữa bệnh bằng thuốc…Với các đồn miền biển như đồn Cửa Việt, Cửa Tùng… phải chủ động giúp dân trong mùa mưa bão, bằng cách giúp họ neo đậu thuyền nơi an toàn tránh bão, sẵn sàng làm công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển. Các đồn biên phòng đều nằm ở vùng sâu, vùng xa. Mà vùng sâu vùng xa là nơi đời sống khó khăn, nhà cửa ọp ẹp. Từ năm 2008, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm túc và thành công cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”. Kết quả là chúng tôi đã xây dựng cho dân được 161 căn nhà và 5 công trình dân sinh với số tièn và hiện vật 10 tỷ đồng. Hiện nay bộ đội biên phòng tỉnh có khoảng 30% hộ gia đình cán bộ phải sống trong những căn nhà tạm bợ, hoặc phải thuê nhà, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ già, con cái bệnh tật, mình công tác xa… Với thu nhập ít ỏi của đồng lương thì ngôi nhà mãi ngoài tầm mơ ước. Nội bộ cán bộ biên phòng đã có nhiều cuộc vận động để giúp đỡ đồng chí của mình, nhưng số tiền thu được không thấm tháp gì so với nhu cầu, bởi thế, chúng tôi mở cuộc vận động “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” để tiếp nhận sự đóng góp của toàn xã hội…

Tôi may mắn được dự đêm giao lưu văn nghệ từ đầu đến cuối. Có đến hơn một vạn người đến xem, bao gồm cả một số cán bộ, nhân dân Lào ở tỉnh Xa Văn Nà Khệt và các địa phương gần biên giới. Chương trình không chỉ hấp dẫn bởi các tiết mục ca nhạc của các diễn viên Đội tuyên truyền BCH biên phòng tỉnh, mà có cả những ca sĩ bay từ Hà Nội vào như Việt Hoàn, Bùi Lê Mận, Thảo Phương. Bên cạnh những câu chuyện cảm động thể hiện hoàn cảnh khó khăn của một số cán bộ bộ đội biên phòng qua giao lưu, thì những ca khúc đậm đặc chất biên phòng, biên giới trữ tình, những bài hát về tình hữu nghị Việt Lào làm cho nhiều khán giả hết sức cảm động.

Tôi tin rằng, sau buổi giao lưu văn nghệ này, chương trình “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” sẽ đón nhận thêm sự hưởng ứng của nhiều tổ chức và cá nhân mới.

3 - Đây, Cù Bai

Thiếu tá Hoàng Văn Viễn là người đón chúng tôi về đồn Cù Bai. Từ Đông Hà, đi ngược lên Khe Sanh, rẽ hướng tây bắc, đi qua đèo Sa Mù, ngoằn ngoèo, lên xuống đủ kiểu thì sẽ đến Cù Bai. Cù Bai cách Đông Hà trên 150 km nhưng xe chạy mất gần một buổi. Khi qua đèo Sa Mù, xe phải chạy thật chậm, bật đèn vàng vì mù dày đặc, chỉ nhìn được dăm thước về trước. Thiếu tá Viện giải thích tên đèo Sa Mù là vừa xa, vừa mù! Quê anh ở Quảng An, Cao Bằng, hiện là chính trị viên đồn Cù Bai.

Tôi đính chính cho anh cách hiểu, không phải “xa mù”, mà Sa Mù, nghĩa là đèo thường có mù. Sa Mù cũng có nghĩa là mù, mù mịt mà thôi. Nhưng thông cảm cho anh, quê hương tận Cao Bằng, thì đèo này xa thật nên anh hiểu vậy! Nhưng xa nhà là “đặc trưng” của bộ đội nói chung ( “Người lính mấy khi được ở gần nhà”) và càng đúng với bộ đội biên phòng . Đồn biên phòng thường ở nơi xa, heo hút, đường sá đi lại khó khăn, nhiều nơi quá xa trường học, nên rất hiếm cán bộ của đồn “hợp lý hóa” gia đình bằng cách đưa vợ con lên ở gần đồn. Thế là vợ vẫn “nguyên trạng” ở quê hoặc ở cơ quan của vợ. Ở Quảng Trị thì không chỉ cán bộ và chiến sĩ của các đồn phải xa nhà, ngay các cán bộ chủ chốt của BCH, từ chỉ huy trưởng, chính ủy cho đến các cấp phó hàng tháng đều “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân”, thi thoảng mới tranh thủ về thăm nhà hoặc đợi dịp nghỉ phép năm. Điều đó khác xa các cán bộ cấp tương đương bên dân sự!

Đây, Cù Bai! Nhịp cầu qua sông Sê Păng Hiêng hắt nắng xuống tấm biển trên cổng đồn Cù Bai. Hai tiếng Cù Bai với tôi vừa thân thuộc, vừa xa xôi. Ai đã từng tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ thì hai chữ Cù Bai không hề xa lạ. Đây là đồn nằm thượng nguồn sông Bến Hải, sát Quảng Bình và biên giới Việt Lào. Quen tên Cù Bai không chỉ vì đây là đồn biên phòng đã hai lần được phong danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1967 và năm 1973, mà Cù Bai lại nằm trên đường mòn bộ đội miền Bắc thường hành quân qua để thâm nhập vào miền Nam. Không thể thống kê được mấy chục vạn người lính đã qua đây và mấy vạn người không trở lại... Khi bức ảnh đồn Cù Bai của tôi được đưa lên mạng thì nhiều cựu chiến binh, những người đã từng qua Cù Bai non nửa thế kỷ trước tỏ ý ngạc nhiên vì quang cảnh Cù Bai bây giờ.

Sau khi hòa bình lập lại, nước nhà bị chia cắt, con sông Bến Hải làm giới tuyến, thì bọn ngụy ở miền Nam tung biệt kích lén lút do thám và phá hoại vùng biên giới thượng nguồn sông Bến Hải. Thế là các đại đội bảo vệ giới tuyến của ta được thành lập, dần dà về sau, một bộ phận của lực này lập nên đồn Công an vũ trang, lúc đầu mang tên Đồn 325, về sau là đồn Công an vũ trang Cù Bai, rồi đồn biên phòng Cù Bai. Thời kỳ chống Mỹ, không quân Mỹ đánh phác ác liệt, đồn Cù Bai chuyển chỗ nhiêu nơi, kể cả phải chuyển vào ở trong hang đá, nhưng rồi hang đá cũng bị đánh sụp, lại chuyển tiếp vào các khe núi. Chỉ trong hai năm 1968 và 1969, đồn đã có 13 đồng chí hy sinh, trong đó có bảy cán bộ cấp úy và 6 hạ sĩ quan. Chỉ con số thống kê này thôi, cũng nói được sự ác liệt thời chống Mỹ ở vùng đất này như thế nào. Ác liệt là vậy, nhưng đồn Cù Bai luôn hoàn thành xuất săc nhiệm vụ của mình, mà cái chính là bảo vệ an ninh vùng biên giới này, nên mới được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương đơn vị anh hùng như thế.

Theo thời gian, địa bàn hoạt động của đòn Cù Bai cũng thay đổi ít nhiều. Từ năm 2009 đến nay, đồn phụ trách hai xã Hướng Lập và Hướng Viêt (huyện Hướng Hóa) của đồng bào Vân Kiều, đời sống còn khó khăn. Cán bộ chiến sĩ đồn đã hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, xóa nạn mù chữ để phổ cập được tiểu học. Đường sá đi lại khó khăn, trong tổng số 33km đường  thì chỉ 10 km đi xe được, còn lại phải đi bộ, mùa mưa lầy lội, có khi bị chia cắt… nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn bám dân, bám địa bàn, luôn nắm chắc tình hình… Hai xã Hướng Lập và Hướng Việt trên địa bàn của đồn, hầu hết là người dân tộc Vân Kiều, nắm chắc đặc điểm đó nên đội vận động quân chúng, ngoài việc phối hợp với chính quyền, phải có mối liên hệ mật thiết với già làng, trưởng bản, để tuyên tuyên chủ trương, chính sách nhà nước, tuyên truyền cho dân không tiếp tay cho kẻ xấu, hơn thế nữa, khi có kẻ xấu thì xuất hiện thì kịp thời báo với chính quyền, báo với đồn.

Nói về thành tích nổi bật của đồn Cù Bai trong thời gian gần đây, Thượng tá Nguyễn Văn Khoa, trưởng đồn nhắc lại việc lùng bắt ba tên giết năm người dân Quảng Bình đi tìm trầm. Vụ án ấy cách đây đã một năm, đã làm xôn xao dư luận, báo chí đã đăng nhiều bài. Có năm người dân Quảng Bình đi tìm trầm, đã bị kẻ ác trói và giết trên rừng Lào, một năm trước tôi chỉ biết thế, nhưng khi về đây biết thêm nhiều chi tiết cụ thể. Ba đối tượng gây án đã bắt những người tìm trầm trong rừng xã Hướng Lập, thuộc địa bàn đồn quản lý. Chúng giải những người vô tội này đi sâu vào rừng Lào suốt một ngày đường. Đoàn tìm trầm có bảy người, dùng súng AK khống chế, chúng trói sáu người lại, để một người về nhà lấy tiền chuộc. Ý của chúng là khi lấy được tiền chuộc thì sẽ giết hết cả bảy người, để bịt đầu mối. Nhưng trong sáu người chúng trói, một người may mắn tháo được dây, trốn vào rừng. Bọn chúng sợ bị lộ nên đã đập chết năm người còn lại… Vụ án này gây chấn động rất lớn, buộc phải tìm cho ra những kẻ giết người. Bộ đội biên phòng Quảng Trị, phối hợp với công an tỉnh lập chuyên án 313G để truy tìm thủ phạm, mà lực lượng trực tiếp nhất, quan trọng nhất để thực hiện chuyên án này là cán bộ, chiến sĩ đồn Cù Bai. Hơn một tuần lặn lội trong rừng, tìm dấu vết và phục kích, cuối cùng mới phát hiện chúng trốn trong hang đá, và đã bắt được cả ba tên: hai tên người việt quê ở xã Hướng Lập, còn một tên người Lào. Bộ đội đồn đã giải tên người Lào, giao cho lực lượng an ninh của bạn, còn hai tên người Việt được giao cho cơ quan chức năng của ta. Chuyên án đã thành công mỹ mãn, nhưng mấy chiến sĩ mang bệnh sốt rét về đồn bởi cả tuần lặn lội trong rừng, ăn cơm nắm, ngủ không màn. Chiến công xuất sắc này đã được Nhà nước ghi nhận, Chính phủ đã tặng bằng khen cho ba đồng chí và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen ba đồng chí khác. Đó là sáu cán bộ, chiến sĩ của đồn Cù Bai đã lập thành tích xuất sắc trong chuyên án này…

Cuộc trò chuyện của chúng tôi lang thang từ chung qua riêng. Phần “trích ngang” của thượng tá trưởng đồn Nguyễn Văn Khoa làm tôi chú ý vì mang nét đặc trưng rất Quảng Trị. Anh sinh năm 1967 ở Gio Linh, phía nam sông Bến Hải. Thời kỳ chiến tranh ác liệt, phần lớn người dân Gio Linh đều di tản về phía nam để tránh bom đạn, nhưng riêng gia đình anh, do quan hệ đặc biệt với miền Bắc, nên mới được mấy tháng tuổi, anh theo gia đình vượt sông giới tuyến, ra Vĩnh Linh. Nhưng Vĩnh Linh cũng bom đạn chẳng kém gì Gio Linh, anh lại theo người Vĩnh Linh sơ tán ra vùng Tân Kỳ, Nghệ An, đến năm 1972, khi Quảng Trị giải phóng mới quay về quê hương. Anh tâm sự rằng, những chuyện này do gia đình kể lại, chứ khi đó, anh quá bé, chẳng nhớ được gì mấy. Tôi lặng nhìn anh và thầm nghĩ, năm 1973, khi tôi vào Gio Linh và viết những câu thơ “ Đồng Gio Linh cỏ đã chất thành bờ/ Đồi Dốc Miếu cỏ tranh khô bén lửa”, thì anh sáu tuổi và mới trở lại quê nhà được một năm!

Để thay đổi không khí, Thượng tá đồn trưởng dẫn chúng tôi dạo một vòng xem “cơ ngơi” của đồn. Trời nắng đẹp, sân rộng, những hàng hoa mép sân phô sắc. Vườn tăng gia trồng nhiều loại rau, đủ cung cấp rau xanh cho đơn vị. Trong chuồng, đàn lợn chen chúc, có nhiều con rất to… Cảm giác thanh bình thật trọn vẹn, nếu như khi nhìn ra cổng, tôi không gặp mấy chiến sĩ của đồn đi hàng dọc, áo vạt ướt vạt khô, quần bê bết bùn… Đồn trưởng trưởng bảo rằng, “anh em vừa đi địa bàn về”! Cám ơn những người lính trẻ đang lặng lẽ hàng một tiến vào đồn, không nói gì đâu, nhưng chính các anh đã nhắc tôi cùng bao người hiểu rằng, sự bình yên không dễ gì có được, nếu như không có những người lính như thế này. Các anh đã ngày đêm lăn lộn nơi biên giới, bất chấp thời tiết gió mưa, địa hình hiểm trở, hiểm nguy rình rập… để thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của mình là đem lại yên bình cho quê hương, đất nước, bình yên cho mọi người. Bởi các anh là CHIẾN SĨ BIÊN PHÒNG. 

Quảng Trị, 3-2014

V.T

 Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

BBT Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 30/05/2014

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65232026

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July