Tùng Thiện Vương (1819 – 1870) tự Thận Minh, Trọng Uyên, hiệu Thương Sơn, biệt hiệu Bạch Hào Tử. Ông là con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, và là em vua Thiệu Trị đồng thời là một nhà thơ Việt Nam thời nhà Nguyễn
Khi còn thơ ấu, Vương nhiều bệnh tật, lại hay khóc. Mẹ của vương là Thục tân Nguyễn Thị Bửu ngày đêm hết sức chăm nom. Chưa đầy một năm, khóc quá nhiều, hai mắt mờ đi và chảy máu. Bà Thục tân lo ngại, cứu chữa nhiều không khỏi. Chợt có một vị đạo sỹ tên là Vẵn trông thấy bảo rằng: Ðấy là sao Thái Bạch Kim tinh giáng thế, làm lễ tiền thì khỏi. Quả nhiên, đúng như lời nói.
Năm Minh Mạng thứ III, mới 4 tuổi đã bắt đầu học chữ, sách học là Hiếu kinh, rất thông minh đĩnh ngộ. Năm 7 tuổi, đến học Dưỡng Chính đường, không thích chơi đùa, chỉ biết chăm chú vào sách. Vương có trí nhớ tuyệt hảo, gấp sách đọc có khi nhớ đến trăm trang giấy. Một hôm vào hầu Thục tân, thấy trên án có chiếc quạt viết bài thơ thể ngũ ngôn đường luật, trong đó có mấy chữ chưa hiểu nghĩa, bèn cố xin cho được cái quạt ấy. Hôm sau đến hỏi viên giảng tập rằng: Ðấy là thơ gì? Viên giảng tập đem sở kiến của mình để trả lời. Nhân đấy mới hỏi nghĩa toàn bài thơ ấy, lại xin dạy cho luật phép làm thơ Ðường luật. Từ đấy, Vương làm bài nào cũng hợp phép thơ.
Năm thứ 8, mùa xuân Tế Giao Vương được theo đi, có làm bài thơ tế Nam Giao, bấy giờ người mới 9 tuổi. Năm thứ 16, theo Vua lên núi Ngự Bình, Vua sai làm bài thơ, có nhiều câu hay, Vua khen ngợi, phong làm Tùng Quốc Công, cho mở phủ ra phường Liêm Năng, bên cạnh phường ấy tiếp giáp với Tĩnh Phố, tức là phủ của Tuy Lý Vương. Ông cùng Vương ngày ngày vui thưởng xướng hoạ. Ðến khi Hiến Tổ Chương Hoàng Ðế nối ngôi, năm thứ II, Vua đi tuần ra miền Bắc, Vương theo hầu, có tập thơ Bắc hành. Sau, hoặc lên núi Nam Sơn đi săn bắn, hoặc lên núi Thuý Vân xem chơi đều có thơ cả.
Vương chăm chú học tập các sách kinh sử, không sách gì không
thông hiểu. Lại có tính mê sơn thuỷ, hằng ngày cùng danh sỹ giao lưu, kiến văn càng rộng, làm thành nhiều tập thơ bắt đầu từ đây.
Hai câu thơ:
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thị đáo Tùng Tuy thất thịnh Ðường
Đã đánh giá cao tài năng của một thi nhân xứ Huế mà lúc còn nhỏ đã bộc lộ sở trường cùng năng khiếu của mình.
(Sưu tầm)
|