Ảnh: Minh Trí
Với cá nhân tôi, nhà thơ Anh Ngọc là một chỗ ân tình. Anh là một trong những người đầu tiên đã ghé mắt vào những bản dịch thơ từ tiếng Nga và chọn in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1982. Bản dịch thơ đầu tiên đó là bài “Đàn sếu” của nhà thơ Dagestan Rasul Gamzatov, mà tôi đã chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Nga.
Trong những năm học ở Liên Xô theo nghề vô tuyến điện quân sự, tôi đã cần mẫn dịch khá nhiều thơ và truyện ngắn từ tiếng Nga và đã được nhà thơ Anh Ngọc, khi đó là biên tập viên phần văn học nước ngoài, chọn đăng thường xuyên... Chính những cử chỉ như thế đã giúp tôi có thêm cảm hứng để theo đuổi và cuối cùng là chuyển hẳn sang công việc sáng tác như hôm nay... Rồi sau này, khi tôi xuất bản tập thơ sáng tác đầu tiên Trữ tình. Thơ năm 1993, chính anh Anh Ngọc đã viết lời bạt giúp tôi với tấm lòng rộng mở và hào sảng của một người anh trong nghề. Anh đã có con mắt xanh khi đọc thơ tôi và giúp tôi có thêm nghị lực để đi tiếp trên con đường thi ca đầy chông gai và không thể nói trước được điều gì... Ngay ở trong thời bao cấp vốn rất nặng nề thứ bậc và tệ hào phú, Anh Ngọc vẫn giữ nguyên được chất đồ Nghệ hào sảng và hào hoa, thân ái với bất cứ một biểu hiện mỹ cảm nào của những tài hoa trẻ... Anh là một trong những minh chứng rõ rệt nhất của tính liên tài, vốn chỉ tồn tại ở những tâm hồn thơ đích thực... Anh nền nã, hòa nhã, không bao giờ thích xung đột nhưng cũng không dĩ hòa vi quý với thi ca...
Bây giờ, sau rất nhiều thời gian được biết anh, tôi vẫn luôn “ngả mũ kính chào” trước tâm tính hồn nhiên và tươi tắn của anh. Dường như thời gian không thể làm chai sạn được hồn thơ xanh biếc trong anh... Anh là một trong số ít những thi sĩ thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ vẫn giữ lại được nhiệt huyết sống và thơ như ngày còn trẻ. Anh biết cách tiếp cận với công nghệ mới để không bị lạc hậu cùng thời đại... Ở tuổi đã “cổ lai hi”, nhà thơ Anh Ngọc (sinh năm 1943) vẫn có phong cách rất teen, tích cực tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật để vun đắp tình yêu thơ trong xã hội. Anh là một gương mặt rất quen thuộc trên nhiều kênh truyền hình và là một trong những chủ trang Facebook có sức hấp dẫn hôi hổi với bạn đọc...
- Hồng Thanh Quang: Tôi biết anh sinh ra trong một dòng họ giàu truyền thống văn chương, dòng họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc, Nghệ An. Anh có thể nói những mạch nguồn nào từ truyền thống đó đã tiếp sức cho anh khi anh chọn con đường làm thi sĩ?
- Nhà thơ Anh Ngọc: Đúng là dòng họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc, Nghệ An của tôi có truyền thống yêu và hoạt động văn học. Cả họ, không tính dâu rể, có 7 hội viên Hội Nhà văn, ngoài ra có những người không là hội viên nhưng cũng đóng góp rất nhiều, rất tài năng... Nên tôi theo nghiệp văn chương như mũi tên đặt sẵn trên cây cung. Không ai bắt đâu, cũng không có ý thức làm văn, mà thật sự có một tình yêu và thiên hướng nằm sẵn trong máu. Nhưng phần lớn những người trong họ Nguyễn Đức lại đi vào nghiên cứu, phê bình, dịch thuật mà tiêu biểu là cụ Hoài Thanh - Hoài Chân, các anh Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Đức Nam, Phan Hồng Giang, Từ Sơn... Chỉ có bà cô Thúy Bắc (em ông Hoài Thanh) và tôi là máu mê sáng tác. Nhưng trong máu tôi cũng có một nhà phê bình, thậm chí dịch thuật... Tôi làm thơ trong sổ tay từ những năm học cấp hai, 14 - 15 tuổi, vào khoa Văn - Đại học Tổng hợp thì làm nhiều dần... Nhưng ngày ấy khó in lắm, đầu năm 22 tuổi tôi mới in mấy bài đầu tiên...
- Cha anh, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Vân, là một trong hai người cùng dịch “Hoàng Lê nhất thống chí” (người kia là Kiều Thu Hoạch). Anh đọc cuốn sách này lần đầu khi nào? Và có bao giờ cha anh đã trò chuyện với anh về tác phẩm đó không?
- Ông cụ tôi là dịch giả chữ Hán các tác phẩm từ Trung Quốc và Việt Nam cổ, cận đại. Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn không tiêu biểu lắm mà ông cụ đã dịch đâu. Và sự thật cụ chưa bao giờ nói với tôi về cuốn ấy. Tôi đọc nó khi sách đã in ra, rất thích và đến nay vẫn nhớ như in nhiều đoạn, nhiều chi tiết, y như đọc Tam Quốc vậy...
- Nhà phê bình Hoài Thanh là người trong họ Nguyễn Đức của anh. Anh có nhiều dịp tiếp xúc với Hoài Thanh không? Ấn tượng của anh về ông như thế nào?
- Cụ Hoài Thanh là chú họ (bố cụ ấy là em ruột ông nội tôi). Thời 1954 - 1955 còn ở Nghệ An, tôi có thấy cụ vài lần. Nhưng phải đến 1973, khi tôi được giải thưởng thơ báo Văn nghệ, hôm trao giải, tòa soạn bố trí để cụ Hoài Thanh trao cho tôi, còn nhớ cụ chỉ mỉm cười khi trao giải cho tôi và nói khẽ: “Lâu lắm chú cháu mình mới gặp nhau”. Mấy người con cháu cụ bảo cụ khen thơ tôi, nhưng tôi thì chưa may mắn được nghe... Chỉ một lần, trong đám cưới một người bà con, cụ đứng cạnh tôi và cười bảo: “Từ nay chú sẽ gọi cháu là ông (chứ chả nhẽ lại thằng!) “cây xấu hổ”!..”. Chắc là do cụ thấy ông Xuân Diệu khen nên không còn ngại người nhà bênh nhau!!! Cụ rất ít nói, rất sâu sắc và có tài dễ sợ, nhưng có vẻ cũng có tính hay e ngại mọi thứ (y như tôi...)
- Trong thế hệ các nhà thơ thời Thơ mới, anh cảm thấy mình gần gụi với ai nhất về phẩm hạnh thi ca? Vì sao?
- Trong nền Thơ mới lúc trẻ (và cả đời) yêu nhất Xuân Diệu, cả thơ lẫn con người - mẫu mực của thi sĩ trên đời! Khi đã đứng tuổi, tôi đặc biệt thích Huy Cận. Ngoài ra, tôi còn yêu Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, phục trí tuệ của Chế Lan Viên...
- Là một trong những nhà thơ trưởng thành trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, anh cho tới ngày hôm nay vẫn đang rất náo nức với các hoạt động thi ca. Lẽ nào tuổi tác không làm cho anh trở nên mệt mỏi hơn?
- Tôi làm thơ từ tuổi teen, in thơ từ tuổi 20, từ ngày đi lính làm khá nhiều và dù có làm gì thì cũng bị/được xếp vào dòng thơ chống Mỹ... Và thực sự là nghiệp dĩ nên không cách nào bỏ nghề được, kể cả lúc chán nản nhất, thấy nghề này quá bất lực và chẳng giúp gì được cho ai... Tuổi tác dĩ nhiên làm khả năng sáng tác kém đi, nhưng bù lại, sức nghĩ và kinh nghiệm sống giàu có hơn, viết có chất cổ điển hơn, gần với thơ đích thực và vĩnh cửu hơn.
- Ở thời điểm hiện tại, một ngày bình thường của nhà thơ đại tá về hưu Anh Ngọc diễn ra như thế nào? Bao nhiêu thời gian dành cho thơ và bao nhiêu thời gian dành cho... yêu?
- Một ngày lúc này là dành cho đọc trên mạng, gửi bài và giao lưu với bạn bè trên Facebook, viết chút ít theo yêu cầu, nói năng hay làm gì đó cho truyền thông... còn thơ thì chỉ viết khi có ý tứ thật thích thú... Còn nói chuyện yêu thì... trái tim mình bướng bỉnh lắm, nói đùa là... 15 phút trước khi chết có thể vẫn còn yêu... Nhưng tình yêu lúc này hiu quạnh và buồn bã, nhiều lúc tủi thân nữa, vì cách sống và suy nghĩ của xứ ta không hiểu nổi và không chấp nhận những tình cảm thực nhất, bản chất nhất, toàn sống bằng giáo lý và xiềng xích do mình tạo ra. Hỡi ôi, cuộc đời ngắn thế mà chẳng được sống đúng mình thì thật dại dột và bất hạnh cho chúng ta!!!!
- Theo anh, không khí sáng tác văn học bây giờ so với hồi anh còn trẻ có những đổi khác gì? Cái gì hay hơn và cái gì dở hơn? Phải chăng bây giờ các tác giả trẻ dễ cảm thấy cô đơn hơn các thế hệ đi trước?
- Không khí làm thơ thời trước có vẻ náo nức, bây giờ có vẻ lặng lẽ, nhưng đó là bề ngoài, với những người có thiên lương với thơ, không ai ngăn được mạch thơ ở họ. Nhất định thời gian sẽ cho ta những mùa trái chín. Nhưng có vẻ như chưa phải là vào lúc này... Còn cô đơn ư, đó là bản chất của người sáng tạo và thuộc tính tâm hồn của họ.
|
Ảnh do nhà thơ Anh Ngọc cung cấp. |
- Anh có hay đọc các tác phẩm của những tác giả trẻ không? Anh có ấn tượng với những ai?
- Tôi rất ít đọc thơ các bạn trẻ, vì không mấy hứng thú, mặc dù biết rằng có thể đó là do lỗi của mình. Mình đã lạc hậu rồi chăng? Và nói thật, chẳng dám nói là thích ai cả, nhưng cũng không chê ai cả...
- Anh đã bước chân vào làng thơ như thế nào? Tôi biết hồi trẻ anh từng làm giảng viên ở Trường Thương nghiệp... Duyên cớ nào dẫn anh tới với thơ?
- Tôi đến với văn học, thơ... như một tình cảm tự nhiên - đúng là do thơ chọn. Vì vậy khi tốt nghiệp đại học, phải đi dạy học là một thất vọng vô cùng. Giẫy mãi không ra, nếu không nhờ... đi lính thì chắc tôi... không biết sẽ chán đời đến đâu. Nên tuy tôi đi lính là nghĩa vụ quân sự, tổng động viên ngày 6/9/1971, nhưng thực chất là tình nguyện đi lính... Nên dù gian khổ hiểm nguy, tôi vẫn cám ơn những ngày làm lính lắm!
- Những bài thơ đầu tiên của anh được in khi anh chưa vào bộ đội?
- Tôi đã in thơ từ trước khi đi lính, không nhiều, kể cả trên báo Văn nghệ, và tất cả đều mang tinh thần y như thơ... lính vậy. Chẳng hạn, năm 1967, khi còn dạy học ở Thanh Hóa, tôi đã xin lên thực tế ở trận địa Hàm Rồng - mảnh đất ác liệt bậc nhất - và nếm trải cuộc sống của người lính. Chính tôi đã trò chuyện với các nhà văn nhà thơ tương lai của Thanh Hóa như Từ Nguyên Tĩnh và Lê Xuân Giang ở Hàm Rồng, và viết bài thơ Cao điểm in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, trước khi tôi đi lính 4 năm và trước khi về số 4 Lý Nam Đế 12 năm!
- Anh học tiếng Nga cũng từ giai đoạn đó, lúc anh còn trẻ? Nói thực là tôi rất phục những bản dịch thơ và đặc biệt là tiểu thuyết “Những kẻ tủi nhục” của văn hào Nga Fiodor Dostoievsky mà anh đã từng chuyển ngữ...
- Tôi bắt đầu tự học tiếng Nga từ khi học năm cuối cùng của phổ thông (lớp 10). Thi vào đại học xong, sau mấy tháng Giáo sư Hoàng Xuân Nhị cho tôi và 2 anh bạn thi tốt nghiệp tiếng Nga đại học luôn, và tôi... thi đỗ, nghĩa là tốt nghiệp được môn tiếng Nga khi chưa học đại học môn này! Sau đó tôi đọc thơ Nga cổ điển bằng nguyên bản (Puskin, Lermontov), và làm luận văn tốt nghiệp đại học về thơ của Lermontov (dịch khoảng 50 bài, viết bài tiểu luận...). Cho nên từ đó, cứ thấy thơ Nga thích là tìm dịch, tuy nhiên chỉ dịch không nhiều lắm, sau in vào tuyển Độc thoại của Merilyn Monroe ở Nhà xuất bản Văn học, 1993. Còn cuốn tiểu thuyết của Dostoievsky thì do dịch giả Quang Chiến nhờ tôi dịch cho Nhà xuất bản Thuận Hóa, tôi thích cuốn này, nên nhận lời. Lúc đầu cũng đánh vật, nhưng được dăm chục trang thì ok! Có thể đọc cho người nhà chép hộ. Đây là cuốn sách không tiêu biểu của Dostoievsky nhưng vẫn rất đúng Dostoievsky, đọc cảm động lắm!
- Nhìn từ góc độ của ngày hôm nay, anh tự đánh giá thế nào về giai đoạn thơ “Bờ đường 9 có một cây xấu hổ”? Tôi biết, đó là một trong những bài thơ đã mang lại cho anh giải thưởng trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ... Và cho tới hôm nay nhiều người vẫn thuộc bài thơ đó... Những câu thơ thật dễ thương: “Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười / Giữa một vùng lửa cháy bom rơi / Tất cả lộ nguyên hình trần trụi/ Cây xấu hổ với màu xanh bối rối / Tự giấu mình trong lá khép lim dim...”.
- Về bài thơ Cây xấu hổ thì có nhiều điều muốn nói lắm. Có một dạo tôi đã nói nửa đùa nửa thật trên tivi là “tôi xấu hổ vì bài Cây xấu hổ, nhưng xấu hổ không có nghĩa là từ chối, vì nó cũng là một phần của mình, cái thời nó thế, minh họa thật nhưng mình... thật lòng yêu nó. Ôi, ai mà có tài đi trước được thời đại cơ chứ! Trong khi nghe tôi nói thế nhiều bạn trẻ lại ngạc nhiên vì họ yêu bài này thật lòng! Chẳng hiểu trời đất ra sao nữa... Dĩ nhiên, với sự từng trải, tôi biết rằng viết về chiến tranh như thế là chỉ nói được một nửa sự thật, cần bổ sung cái nửa thứ hai, thế thôi...
- Theo anh, những bài thơ như thế liệu có thể có được sức sống dài lâu trong lòng người yêu thơ không, hay là điều kiện xã hội thay đổi thì số phận của những bài thơ như thế cũng thay đổi?
- Những bài như thế cũng có đời sống của nó, trong cốt lõi thì nó cũng có hồn người và chút ít tính muôn thuở chứ không vứt đi cả. Nó sẽ tồn tại cùng những bài sau này được bổ sung thêm - nhưng nên nhớ sự khác nhau giữa bài viết ngay trong chiến tranh và viết sau chiến tranh là hai thứ khác nhau, mang ý nghĩa khác nhau.
- Hồi ấy, những bậc đàn anh đi trước nào đã nâng đỡ anh? Tôi nghe nói, hình như Xuân Diệu đã rất “mê” anh. Sự thật như thế nào? Kỷ niệm nào với Xuân Diệu mà tới giờ anh vẫn còn nhớ?
- Hồi ấy cả nước một lòng mà, ai cũng có chút ít yêu nhau vì kẻ thù còn trước mặt, đời là thế! Nên các nhà thơ lớp trước quý các đàn em, nhưng cách quý ấy thực lòng vừa hay vừa dở, vì nó có vẻ bị xoa đầu, như trẻ con được chiều xem có vẻ ngộ nghĩnh đáng yêu nhưng mãi mãi chỉ là trẻ con thôi, định nho nhoe lớn lên bằng các cụ là các cụ đã lườm cho rồi ấy chứ...
- Xuân Diệu có bao giờ chê thơ anh không?
- Đúng là anh Xuân Diệu có vẻ thích thơ tôi, thích từ khi anh ấy chưa biết tôi, có lẽ vì anh ấy thích kiểu thơ “có chất đẹp đẹp, trữ tình kiểu... thơ mới”... Anh ấy đi hội nghị thơ thế giới ở Bungaria về in tham luận trên Văn nghệ, cả bài chỉ dẫn bài Cây xấu hổ của tôi và Khoảng trời hố bom của chị Lâm Thị Mỹ Dạ. Kỷ niệm về Xuân Diệu của tôi không nhiều bằng các anh Hữu Nhuận, Hoàng Cát v.v... nhưng rất đáng yêu.Tôi cảm thấy rất ấm lòng, khi nhớ lại những tình cảm anh ấy dành cho mình. Có một thứ biệt nhãn rất cảm động. Mãi mãi tôi không quên cảnh anh ấy đã tiễn tôi ra khỏi cổng nhà 24 Cột Cờ (phố Điện Biên Phủ), đã vòng tay khóa cửa, còn gọi tôi lại bảo: “Bắt tay cái nữa nào!”. Và mắt anh sáng ngời sau mắt kính, giễu tôi: “Cậu có thể đổi tên lấy vợ nữa được đấy”. Ôi, anh Xuân Diệu, thi sĩ cổ điển của mọi thời đại!
- Cách khen thơ của Xuân Diệu có gì đặc sắc và đặc biệt?
- Ấy thế mà có lần anh ấy chê (nói “chửi” cho vui nhé!) Tết năm 1983, tôi in đoạn thơ Thị Mầu, anh ấy đang là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nghe nói anh ấy bảo: “Sao có thằng nó lại ca ngợi một... con đĩ nhỉ”. Cụ tức lắm mới nói thế đấy!
- Tôi thì thấy thi ca hay có những bài hay về những người mà nhà thơ Xuân Diệu gọi là con đĩ ấy... Kiều là ví dụ...
- (Cười): Thì đành thế...
- Anh là tác giả bài thơ “Vị tướng già”, viết từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước nhưng phải tới gần đây, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, thì độc giả dường như mới thấu hiểu được hết những thông điệp ẩn chứa trong bài thơ này. Anh có thể nói rõ hơn về bài thơ được không?
- Về bài thơ Vị tướng già thì có thể nói thế này. Tôi viết nó mùa thu 1994, mười chín năm trước ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Ý tưởng quá dài dòng và tôi đã nói quá nhiều rồi, xin không nhắc lại. Chỉ biết rằng, như một người làm nghệ thuật, tôi đã lấy Đại tướng làm nguyên mẫu thôi và sáng tạo ra ông tướng của nghệ thuật, vừa có tính khái quát vừa có cuộc sống cá thể của một tính cách người bình thường. Có một số đồng chí cựu chiến binh cho là tôi... viết chưa đủ chất anh hùng và siêu việt của Đại tướng, vì các ông ấy đánh đồng nhân vật của thơ và con người ngoài đời. Nhưng đến khi Đại tướng qua đời, việc ông quyết định về nằm trên đất quê mẹ Quảng Bình, rồi lại ra đi vào mùa thu... Đặc biệt nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ bài thơ này, đoạn sau khá ấn tượng nên bài thơ có sức sống và tôi cũng được... đại xá cho cái tội “sàm sỡ” với vĩ nhân!!!
- Tôi thấy anh thường xuyên trở lại với những tác phẩm đã khẳng định được giá trị của quá khứ, không chỉ của mình mà của nhiều tác giả khác nữa, để tìm cách đưa chúng tới gần hơn với các tầng lớp độc giả hôm nay. Công việc như thế tạo cho anh thêm những cảm xúc gì?
- Tôi dạo này làm Facebook và hay post lại các bài thơ cũ của mình cùng những bài bình các bài thơ của thời Thơ mới và thơ kháng chiến, đó cũng là việc nên làm. Mỗi người có một khu vực thông thuộc, một sở trường, không sao cả. Các bạn khác hứng thú với việc khác thì cứ việc, tôi cực kỳ tôn trọng!!!
- Trong thế hệ những người trưởng thành cùng thời kỳ với anh, bây giờ anh vẫn tâm đắc với những ai nhất? Vì sao?
- Những nhà thơ cùng thời ư? Nhiều người thực tài, đáng quý lắm. Nhưng yêu ai nhất thì hơi khó trả lời. Có lẽ người tôi yêu nhất là nhà thơ Lưu Quang Vũ vì tài năng và tính cổ điển trong thơ anh ấy. Ngoài ra rất quý trọng Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh...
- Anh đã nhiều năm làm việc ở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 phố Lý Nam Đế, một “địa chỉ đỏ” của nền văn học cách mạng Việt Nam. Nói thực là tôi rất muốn tìm hiểu kỹ hơn về những nhà văn đã từng lập nghiệp ở đó. Chính vì thế tôi rất muốn nghe anh chia sẻ những cảm nhận của anh về họ? Anh có ấn tượng nhất với những ai?
- Tôi đã yêu Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ những năm xa xôi. Khi tôi vừa vào lính, Văn nghệ Quân đội đã cử người về trường cũ xin tôi. Nhưng khi ở chiến trường ra thì báo Quân đội Nhân dân lại xin được tôi trước! Nhưng dạo ấy còn chiến tranh, ở báo cũng có cái hay. Mãi tới năm 1979, tôi mới về Văn nghệ Quân đội, ở đấy 29 năm, đến 2008 mới về hưu. Thật ra, giờ nhìn lại, Văn nghệ Quân đội vẫn là một nơi mà anh em văn nghệ sĩ sống với nhau dễ chịu nhất, có người thế này người thế khác, nhưng không khí chung vẫn là của những tài năng, của lao động nghệ thuật, nói thật, sống trong quân đội mà được như Văn nghệ Quân đội là quý lắm, bao người mơ không được, mình ta thán cái gì! Ở đấy có những tài năng mình nể, nhưng người đáng quý đáng yêu nhất với tôi là nhà văn Nguyễn Minh Châu, sau này thì Trần Đăng Khoa, Vương Trọng cũng rất hợp tính mình... Nói thế không có nghĩa là các anh chị khác mình không quý đâu nhé!!!
- Trong số các tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh khâm phục ai nhất?
- Các tổng biên tập ư? Hỏi thế thì... ai mà trả lời được. Mình vốn lúi húi viết lách, thích ai thì thân hơn một chút, không va chạm, vướng víu với ai, hễ ai cứ để yên cho mình là mình quý. Nói thế là được rồi. Có anh Vũ Cao tuyệt vời nhưng khi mình về thì anh lại đi, tiếc quá!
- Anh có nhận xét gì về nhà thơ Trần Đăng Khoa? Có ý kiến cho rằng, đôi khi trí tuệ sắc sảo quá thì cũng có thể gây nên thiệt thòi cho thơ? Liệu có thể nói về anh Trần Đăng Khoa như thế không?
- Trần Đăng Khoa đúng là một tài năng đích thực. Việc Khoa làm thơ hay từ nhỏ là có lý, lớn lên thực ra Khoa làm vẫn hay, thậm chí sâu hơn ngày xưa nhiều, nhưng một đời người khó có hai đỉnh cao lắm, nên Khoa chuyển sang viết các thứ khác là dĩ nhiên. Sự thông minh sắc sảo của Trần Đăng Khoa là có ích và vì thế nếu nó có hại tý chút cho thơ thì bù đi bù lại, Khoa vẫn là Khoa, không ai thay thế được!
- Liệu có đúng không khi nhận xét, các nhà thơ ở số 4 Lý Nam Đế nhìn bên ngoài thì rất nhã nhặn và hòa đồng với nhau, nhưng thực chất rất khác biệt và rất khó gần nhau? Cá nhân anh cảm thấy gần gụi với nhà thơ nào nhất ở số 4 Lý Nam Đế?
- Tạp chí Văn nghệ Quân đội có một trường hoạt động và một bầu không khí khá đặc biệt. Từng được các nhà văn, nhà thơ rất yêu và trở thành truyền thống tự hào của mình. Còn chuyện trong một tập thể nhà văn có chuyện này chuyện nọ là tất nhiên. Cụ Viên Mai đời nhà Thanh có nói: “Người nông cạn khó giao du, người sâu sắc cũng khó giao du”, cực đúng. Nhà văn khó giao du là lẽ dĩ nhiên. Tôi đã nghe vài ông nhà văn sau khi ra ngoài một thời gian đều nói cuối cùng sống ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn lý tưởng nhất. Tôi nghe thế cũng mừng! Làm văn nghệ ở xứ ta mà có một chỗ như Văn nghệ Quân đội là cũng được an ủi vài phần!
- Trong điều kiện xã hội bây giờ, dường như thơ đang trở nên phổ biến hơn với tư cách một phong trào sáng tác quần chúng. Trong khi đó ảnh hưởng của những tác giả chuyên nghiệp lại có vẻ như bị giảm sút. Anh có thấy như thế không?
- Hồng Thanh Quang nói không sai, thơ ngày nay được phát triển rất rộng, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, tôi đã viết đùa trên Facebook:
Phây là vô thực hữu danh
Ai chơi một tháng thì thành nhà thơ!
Và tôi tin, càng phát triển như thế thì thơ chuyên nghiệp càng khó làm ăn, nhưng đó chính là quy luật hợp lý, có nhiều đầu vào thì đầu ra mới có nhiều cái để lựa chọn và nhất định những giá trị thực sẽ còn lại, và càng ngày càng tinh túy, tin tôi đi!
- Có ý kiến cho rằng, thời nay đang bị khủng hoảng thiếu những ý tưởng lớn và những cảm xúc lớn. Vì thế thơ khó mà phát triển được. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Ý tưởng lớn, cảm xúc lớn thời nào mà chả hiếm. Thật ra đời sống xã hội càng phong phú, đến mức phức tạp (thậm chí nhiễu nhương) càng là mảnh đất tốt cho văn học, thi ca. Mà cái ấy thì xứ ta có thừa... Các đồng nghiệp nhà báo, nhà văn ở các nước thanh bình vô sự phát ghen với ta đấy Hồng Thanh Quang ơi...
- Theo anh, làm thế nào để trả thơ về đúng vị trí của nó?
- Thơ sẽ tiến lên với những dòng thơ biết đứng trên vai của quá khứ và bổ sung cái của hôm nay, ngày mai... Trên một bài post lên Facebook của mình tôi đã đặt câu hỏi: Liệu 100 năm sau thơ có còn sống sót - và dường như câu hỏi ấy là thừa, có bạn comment còn phán là “lãng xẹt” vì bạn ấy cũng nói... y như tôi... Chừng nào còn con người thì còn tình yêu mà còn tình yêu thì còn thơ... Và đến đây, cách tốt nhất là lại mượn câu thơ giản dị và thâm thúy tột cùng của nhà thơ Xuân Diệu làm từ thuở đầu đời: “Làm sao sống được mà không yêu”... Vâng, 15 phút trước khi chết còn yêu mà...
- Xin cảm ơn anh!
|