“Bội thu” giải thưởng nhà văn trẻ!
(Dân trí) - Nhân ngày Thơ Việt Nam, chiều 14/1 âm lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010-2011 cho 11 tác giả, tác phẩm. Bên cạnh những “lão làng” đã định hình tên tuổi thì số lượng các nhà văn trẻ vượt trội…
>> Thơ trẻ đi về đâu?
Nhân dịp này, Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng các tác giả trẻ Đinh Thị Như Thúy sinh năm 1965 - Đăk Lắk, Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972 - TP Hồ Chí Minh và Đỗ Doãn Phương sinh năm 1977 - Hà Nội.
Trước hết xin chúc mừng giải thưởng của các anh chị. Có lẽ không chỉ cá nhân tôi mà sẽ nhiều người nhận ra rằng, năm nay là năm “được mùa” của những tác giả trẻ vì trong số 11 giải thưởng Hội Nhà văn trong 2 năm 2010 và 2011 đã có nhiều tác giả trẻ tuổi đứng chung “chiếu” với các nhà văn “già”. Bản thân anh, anh có suy nghĩ gì về sự thay đổi này với tư cách là người trong cuộc?
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Quả thực năm nay hội đồng chấm giải ít nhiều đã có những ưu ái dành cho các tác giả trẻ. Đây là một cuộc chuyển giao trên tinh thần khích lệ, rất đáng trân trọng, giữa những người đi trước và lớp trẻ đi sau. Và tôi may mắn nằm trong số tác giả được khích lệ ấy. Chính vì vậy, tôi thấy mình càng cần phải học hỏi nhiều hơn, trên con đường vốn dĩ không ngừng phải học hỏi này. Những lời trên đây, tôi phát biểu rất thực tâm, chứ không phải giả khiêm tốn hay khách sáo.
Ở vào độ tuổi 60- 80 như các bác mà vẫn có được những trang văn sâu xa, bề thế... đó là cả một núi tri thức và tích lũy kinh hoàng. Phải mất nhiều năm mày mò cầm bút tôi mới thấm thía và ý thức được điều này. Ước sao, đến tuổi của các bác, tôi chỉ cần đạt được một phần nhỏ những thành tựu ấy là đã vinh hạnh lắm rồi!
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Tôi rất bất ngờ khi tập thơ của tôi lại được lọt vào danh sách được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011, và sau đó lại được Hội chọn là đề cử cho giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và tiếp tục đoạt giải. Các nhà văn cây đa cây đề trong Hội đồng thơ và trong BCH Hội Nhà văn chắc hẳn đã có những đánh giá và cân nhắc trong việc trao giải.
Từ phía mình, tôi tin rằng, Hội Nhà văn Việt Nam hẳn cũng có những sự ưu ái và kỳ vọng nhất định vào các tác giả trẻ. Sự ưu ái ấy bắt đầu từ sự rộng mở và con mắt xanh khi nhìn vào tác phẩm của những người còn chưa có bề dày sáng tác như tôi. Còn đương nhiên trong đánh giá chất lượng tác phẩm thì sự công tâm và khách quan chắc chắn đã được đặt lên hàng đầu và tuyệt đối.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy: Việc có những tác giả trẻ đoạt được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Năm trong hai năm nay, tôi nghĩ, trước hết có thể bởi đã có sự thay đổi của các Hội đồng chuyên môn và Ban chấp hành Hội Nhà văn, trong cách nhìn nhận, phát hiện, và ghi nhận sự có mặt của những tác giả có tác phẩm tạo được dấu ấn sáng tạo.
Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong một bài viết về Giải thưởng Hội Nhà văn - Người trong cuộc nói gì? Từng nói: Giải thưởng phải tôn vinh một thi pháp mới, một giọng điệu mới, một hệ thẩm mỹ mới… Nếu không thì nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với sự sáng tạo của từng tác giả chứ chưa nói đến việc tôn vinh một tác phẩm. Và nếu như thế thì chúng tôi đã may mắn vì có thể ở những năm trước cũng đã có những khuôn mặt mới như chúng tôi hiện giờ nhưng vì một lý do nào đó đã không được nhìn thấy.
Mỗi nhà văn trẻ đều muốn mang một thông điệp của mình, cách nhìn của mình để phản ánh thế giới đương đại. Và điều mà độc giả chờ đợi từ các nhà văn trẻ là họ phản ánh được điều gì về đời sống thông qua những trang viết của mình. Khi cầm bút viết văn, các anh chị có hướng tới những điều đó?
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Ngay từ tiểu thuyết đầu tay, tôi đã tự nhủ, cứ viết đi đã, nó thành cái gì tính sau. Chính vì vậy, tôi thấy không có áp lực gì ngoài áp lực phải viết đến trang cuối cùng theo đúng đề cương. Tôi nghĩ thông điệp tốt nhất vẫn do độc giả tự rút ra từ văn bản tác phẩm. Tôi thích dùng chữ “độc giả” hơn “bạn đọc”, vì chữ “giả” hình như đã hàm nghĩa một người đọc chủ động.
Tôi không dám nói thêm gì nhiều, sau khi tác phẩm đã được phát hành. Thậm chí ngay trong tác phẩm tác giả cũng đã vắng mặt. Sau này, khi đọc tiểu thuyết “Giữa dòng chảy lạc” của tôi, có nhà phê bình đã nhận xét rằng, thế giới nhân vật trong “Giữa dòng chảy lạc” là một thế giới vô danh, thế giới của những bước lỡ, bước chệch quỹ đạo thông thường, thế giới của những thân phận người bị bắn ra và chìm xuống dưới cái mẫu số chung tầm thường tạo thành xã hội…
Trong mê trận của thế giới lao nhanh vùn vụt hôm nay, đôi khi ấn tượng về xung quanh chỉ còn là những vệt dài loáng nhoáng cùng vượt lên phía trước. Vẫn có những bước chân hụt lại. Những thân phận lạc rơi. Với nỗi đau, với thất bại ghì níu quanh mình. “Giữa dòng chảy lạc”, từ nỗi buồn thấm thía, đắm chìm, gợi lên một cảnh tỉnh. Để đứng dậy và thương yêu, sau khi gập lại trang sách cuối cùng và ngước nhìn cuộc sống còn mênh mông phía trước…
Nhà văn Nguyễn Danh Lam
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy: Cuộc sống đẹp nhưng cuộc sống luôn bất toàn phi lý. Tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” là những suy tư cảm xúc của tôi trước những đa chiều phức tạp đó trong cuộc sống hiện thời. Tôi gửi trong thơ tôi sự phẫn nộ, phản kháng, hoang mang, hoài nghi, yêu thương, hy vọng… Và một mong muốn sẽ có những thay đổi. Để thế giới mục ruỗng bị nhấn chìm. Và thế giới mầm xanh vươn dậy.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Tập thơ “Hoan ca” của tôi gồm 100 bài, nói về tất cả những gì diễn ra trong đời sống của của tôi trong khoảng năm bảy năm nay. Đó là tình yêu, gia đình, Đấng tối cao, cái chết và những suy nghĩ về sự bất tử…, có lẽ tất cả những điều đó không có xa lạ gì với tất cả chúng ta, bởi ai trong chúng ta cũng đã đang và rồi sẽ phải đối mặt.
Từ ngàn đời nay, con người đã phải đối mặt như vậy. Tôi đã để cho tất cả những điều đó – vui sướng tột cùng hoặc sợ hãi tột độ - lặng lẽ đi vào trong đời sống tinh thần của mình, để rồi tôi lắng nghe những phản ứng của tâm hồn chính tôi. Và khi thể hiện nó ra thành bài thơ, tôi tin rằng nó đã động chạm đến những tầng sâu kín tuyệt đỉnh nhất trong tâm hồn mỗi người. Tôi nghĩ đó là những tiếng ca ở tận cùng của cuộc sống. Cái điều đó nghe có vẻ siêu hình nhỉ?
Tôi xin nói rõ hơn bằng một ví dụ như thế này. Tôi nhớ hôm đó là khoảng 16/3/2011, khoảng 1 tuần sau tai hoạ động đất sóng thần ở Nhật Bản, và đêm đó, rất nhiều người Việt Nam nín thở khi hay tin những đám mây phóng xạ đang xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta. Thú thực lúc đó tôi không hình dung được tai hoạ sẽ như thế nào, nếu nó là một đám mây huỷ diệt tất cả thì mình sẽ chống đỡ ra sao? Sau khi liên tục refesh màn hình máy tính để cập nhật tin tức, tôi trở về phòng ngủ, đóng kín các cửa sổ lại và ngồi canh vợ con đang ngủ. Tôi có thể làm gì vào lúc này?
Và tôi viết: “Không có tiếng động nào trong đêm/ Người cha không choàng thức, không cố đánh lên một tia lửa/ Cũng không cố kiếm một thanh sắt hay vật nhọn/ Cũng không chẹn lại các cửa chính, cửa sổ/ Cũng không mở to mắt nhìn sâu vào bóng đêm cả bên ngoài lẫn bên trong/ Cũng không kêu cứu với hàng xóm hay gọi điện cho cảnh sát/ Người cha trở dậy lặng lẽ trong đêm/ Máu rần rật chảy trong người, cơ căng cứng bắp thịt/ Ánh mắt chuyển từ người vợ trẻ đang mỉm cười trong giấc ngủ sâu/ Sang hai đứa con mũm mĩm hai má phụng phịu/ Người cha cứ nhìn mê mải, càng nhìn càng thấy chúng đẹp mê hồn/ Ông cứ nhìn mãi, nhìn mãi như lần đầu tiên biết chúng đẹp/ Ông biết rằng đó là việc đáng giá nhất nên làm vào lúc này/ Đó cũng là điều duy nhất có thể mang đi/ Đó cũng là sức mạnh cuối cùng có thể chống lại/ Những đám mây phóng xạ đang lặng lẽ tràn về (Mang đi).
Tôi muốn thể hiện một chứng nghiệm đơn giản rằng, khi phải đối mặt với tai hoạ kinh hoàng đến với tất cả, điều mà chúng ta cần làm để trấn áp nỗi sợ hãi của mình và có thể mang đi chính là những ký ức đẹp đẽ nhất của mình.
Ngoài nội dung, các anh chị có chú tâm về việc đổi mới về nghệ thuật trong các tác phẩm của mình?
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy: Tôi không chú tâm đổi mới nghệ thuật trong thơ ca. Đơn giản là tôi chỉ ghi chép lại trạng huống tinh thần của mình trước những vấn đề khác nhau của đời sống. Khi viết tôi rất chiều chuộng tôi. Tôi lắng nghe, dò hỏi ý tứ, và tôn trọng trực giác của bản thân tôi. Những gì tôi viết ra trước tiên phải được tôi chấp nhận. Nếu có gì đó đổi mới theo sự nhìn nhận của người đọc thì có thể do cái tạng người tôi nó thế. Tôi rất nhớ câu nói của Maya Angelou: Tôi là người phụ nữ da đen, vì vậy, thơ tôi lúc nào cũng có hơi hướng của một người phụ nữ da đen.
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Tôi quan niệm bài thơ có cốt lõi là ý tưởng (chính là những điều ngộ ra khi trải nghiệm về mọi thứ xảy đến với mình như đã nói ở câu trên), còn phần vỏ là cách thể hiện ý tưởng ấy. Tôi coi trọng cái phần lõi hơn. Cái phần lõi ấy ngay khi hình thành đã thăng hoa và choán ngợp đầu óc mình, thậm chí dù mình có viết ra thành thơ hay không thì cái lõi ấy vẫn cứ cháy sáng để soi rọi cho cuộc sống của mình. Còn phần vỏ thì cố gắng sao càng giản dị càng tốt. Tôi không dùng mỹ từ, không thích tính từ, mà trọng các động từ và các từ bình thường nhất trong cuộc sống.
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Tôi đã đọc khá nhiều những xu hướng sáng tác của các nhà văn trên thế giới. Đủ để hiểu, cái này cổ điển, cái kia hậu hiện đại, cái nọ phi lý, cái khác nữa hiện thực huyền ảo... Và tôi đã có những trang viết đi theo hướng này, hướng khác. Nhưng hiện tại tôi nghĩ, dù cổ điển, hiện đại, hay hậu hiện đại cũng chỉ là những “phương thức xử lý văn bản” mà thôi. Giữa dòng chảy lạc đã bắt đầu xu hướng “đơn giản hóa” của cá nhân tôi. Tôi thuật, và cố gắng giấu mặt trong khi thuật, những gì diễn ra như vốn nó đã diễn ra. Tôi mong, trong khoảng thời gian tới đây, sẽ hướng sáng tác của mình đi về phía tối giản. Nhưng tôi biết đó là cái đích rất xa. Càng đơn giản, càng giản dị càng xa.
Một câu hỏi… cũ nhưng tôi vẫn muốn có câu trả lời: Dự định của anh chị trong thời gian tới?
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Năm nay, tôi cố gắng hoàn thành nốt tập truyện ngắn đã có “lưng lửng” số bản thảo. Thực ra, nếu in ráng cũng đủ rồi. Nhưng viết vài ba cái tôi mới chọn được một cái ưng ý, có thể in vào tập.
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy: Sau “Ngày linh hương nở sáng” tôi đã viết xong một bài thơ dài về Tây Nguyên có tên “Nơi ngày đông gió thổi”. Có thể tôi sẽ in trong năm tới. Và những gì đang làm thì… xin cho tôi được bí mật!
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Tôi vẫn làm việc như một công chức tầm thường và có một sống hết sức bình thường như tất cả mọi người. Và tôi sẽ tiếp tục lắng nghe lòng mình để tìm kiếm những giá trị thật sự khuất lấp trong cái rườm ra, lặp đi lặp lại của cuộc sống hàng ngày. Tôi chợt nhớ đến Walt Whitman tác giả của tập thơ “Lá cỏ”, có một câu viết về ánh nắng, đại ý như sau: “Người chỉ cưỡng đoạt được bề mặt/ Ta cưỡng đoạt cả bề mặt lẫn bề sâu”…
Xin cảm ơn các anh chị!
Lâm Anh thực hiện
|