THÁI VĂN KIỂM
LTS - Học giả Thái Văn Kiểm, bút hiệu Hương Giang, Việt Điều, sinh năm 1922 ở Huế, tác giả các cuốn Cố Đô Huế (1960), Đất Việt Trời Nam (1960). Hiện ông tị nạn tại Paris, đỗ tiến sĩ văn chương Pháp năm 1988, và viết đều cho các tạp chí văn học.
Bài viết sau đây trình bày giai thoại về Rau Sắng Chùa Hương giữa Tản Đà và nữ sĩ Song Khê (hiện sống ở Hoa Kỳ).
Câu chuyện Rau Sắng Chùa Hương chiếm một vị trí khá đặc biệt trong nền văn học Việt Nam cận đại. Câu chuyện này phát xuất từ đầu năm 1923 giữa hai nhân vật trong làng thơ văn thời đó: Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và nữ sĩ Song Khê họ Đỗ, em ruột của nữ sĩ Tương Phố.
Trẩy Hội Chùa Hương
Rau sắng vốn là một thứ rau hiền lành và bổ khỏe, lá trông giong như rau ngót (bồ ngót), mọc ở những vùng núi đá vôi, nhất là ở chung quanh chùa Hương. Ca dao có câu:
Ai đi trẩy hội chùa Hương
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm
Mớ rau sắng, quả mơ non
Mơ chua sắng ngọt, biết còn thương chăng?
Tên gọi là rau, nhưng cây sắng không phải là cây rau như rau cải, rau muống, rau răm, rau diếp... mà thuộc loài mộc. Thân nó to, cao. Muốn hái lá non của nó có khi phải trèo lên cây mà hái. Lá non của nó trông óng ả, mỡ màng. Hoa nó thường gọi là rồng rồng, lấm tấm như hoa ngâu, nấu canh ăn còn ngọt hơn lá non. Quả nó tròn dài hình bầu dục, màu vàng lửa, ăn ngọt, hơi rát lưỡi. Tháng năm, quả chín từng chùm như chùm sung. Lá nó, hái hết lớp này lại ra lớp khác. Mùa đông cây sắng rụng hết lá, mùa xuân lại nẩy lộc. Cứ nẩy lộc là ra rồng rồng. Người ta hái lá sắng mỗi tháng một lần, hái đến tháng sáu thì thôi.
Cây rau sắng sinh ra và lớn lên trên núi đá vôi và chỉ ở núi đá vôi nó mới sống được. Đưa đi nơi khác, dù là núi đất ở đâu, dù là vườn ruộng ngay trong vùng Hương Sơn, nó cũng không hợp thủy thổ. Mọc trên núi đá vôi mà tỷ lệ chất đạm trong lá nó rất cao, cao gấp đôi tỷ lệ chất đạm trong các lá cây khác Đạm là bột ngọt. Vì thế rau sắng nấu canh không cần chất mỡ, chất thịt, cũng không cần cho thêm bột ngọt, chỉ nấu suông với chút mắm muối gia vị là đủ ngọt lắm rồi.
Gỗ rau sắng màu vàng như ngà, thường dùng làm đũa cả, thước kẻ. Cây to, lâu năm, có thể dùng để tiện, đóng những đồ gỗ nhỏ nhẹ như cái khay, cái mâm...
Còn Chùa Hương là danh lam thắng tích lâu đời ở miền Bắc nước ta. Vị trí thuộc thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. Thắng cảnh này gồm các ngọn núi Tuyết Sơn, núi Hương Tích và núi Hình Bồng. Trên núi Tuyết Sơn có tượng Phật bằng đá, có những dãy thông cổ thụ đưa tán lên tận mây xanh. Riêng núi Hương Tích có động lớn, như tiên thánh tạc ra, với nhiều hình tượng kỳ lạ như: đụn gạo, đụn tiền, cây vàng, cây bạc, nong tằm, nong kén, ao sen, ao bèo v.v...
Chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương (1767-1782) có đề nơi cửa động năm chữ đại tự, sơn son thếp vàng: Nam Thiên Đệ Nhất Động. Tương truyền rằng Phật Bà Hương Tích, xuất thân là Công Chúa Diệu Thiện người nước Hưng Lâm phía đông Thiên Trúc, đã tu hành đắc đạo tại động Hương Sơn. Danh hiệu của bà tại đây là Đức Quan Âm Nam Hải hay Quan Âm Diệu Thiện, nay còn tượng bằng đá xanh trong chùa.
Một tấm bia trụ vuông, dựng ở mé trái có nói rõ: trước kia tượng vốn bằng đồng, đúc thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767). Đến năm Bính Ngọ (1786), Tây Sơn ra Bắc đánh Chúa Trịnh, đồ đồng bị Chúa Trịnh tịch thu đúc súng đạn. Năm Quý Sửu (1793) đời vua Cảnh Thịnh mới tạc lại bằng đá xanh thay thế, đồng thời có đúc quả chuông lớn, treo nơi chùa Thiên Trù. Người có công lo việc này là Nhật Quang Hầu, thời Tây Sơn. Như vậy, tượng đá và chuông là hai di tích của triều dại Tây Sơn.
Phía ngoài chùa Hương Tích là núi Hình Bồng, dưới chân núi có sông, hai bên bờ là vách đá dựng đứng, có con đường tắt đi vào. Nơi vách núi có hàng vạn nhũ đá rũ xuống óng ánh như minh châu, soi bóng trên dòng sông xanh uốn khúc giữa núi non hùng vĩ.
Trong những bài thơ về chùa Hương, nổi tiếng nhất có bài Hương Sơn Tức Cảnh của Chu Mạnh Trinh (1862-1905):
Bầu trời cảnh Bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay,
...
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lẳng lơ khe Yến cá nghe kinh,
Thoảng bên tai một tiếng chày kình.
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng
...
Và bài Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), thể hành, ngũ ngôn tứ tuyệt, gồm 136 câu:
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hen sương,
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
...
Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.
...
Ôi chùa trong đây rồi,
Động thẳm bóng xanh ngời,
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
...
Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng.
Em cầu xin Trời Phật.
Sao cho em lấy chàng!
Bài thơ này được nhà thơ ghi thêm: "Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện!" (Ngày Xưa, Hà Nội 1935).
Nhưng, than ôi Sự thật không diễn tiến như ý muốn của hai người. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (con cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), chủ nhiệm Đông Dương tạp chí) mất sớm lúc mới 24 tuổi vì buồn phiền không cưới được cô nàng mặc dầu thương nhau tha thiết từ lúc gặp nhau trên chuyến đò Hương Tích. Theo nhà văn Mai Nguyệt Đái Đức Tuấn thì cô nàng
bị tật bán nam bán nữ (hermaphrodite) không thể lấy chồng nên sinh tuyệt vọng, bèn ra hồ Hoàn Kiếm quyên sinh, kết thúc cuộc đời bạc mệnh trong buổi thanh xuân!
Như nhập đề đã nói trên kia, giữa Tản Đà và Song Khê, chúng ta còn ghi nhớ giai thoại rau sắng chùa Hương rất văn nghệ, xảy ra đầu năm 1923 mà chúng tôi xin thuật lại như sau:
Thời đó, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có rao trên một tờ báo ý muốn ăn rau sắng chùa Hương, qua bốn câu lục bát:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa.
Người đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm!
Liền sau đó, một người hâm mộ đã có mỹ ý gởi cho Tản Đà, qua nhà dây thép, một bó rau sắng với mấy vần thơ sau đây:
Nguyễn tiên sinh nhã giám
Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Đỡ ai tiền tốn con đường đỡ xa
Không đi xin gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Đỗ tang nữ bái tặng
Đỗ tang nữ là cô gái hái dâu họ Đỗ, chính là nữ sĩ Song Khê (1903). Danh hiệu này được bài giải thích như sau: "Song Khê là hai dòng suối. Hai dòng suối này không do Hoàng hà chi thủy thiên thượng lại (Lý Bạch), cũng không bắt nguồn từ sông Tương Thủy, mà, một dòng bắt nguồn từ nguyên quán chúng tôi ở Cẩm Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; dòng thứ hai là Thất Khê, sinh quán chúng tôi. Do đó cha mẹ đặt tên là Song Khê"
Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:
Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử.
Dẹp Man Khê bàn sự Phục Ba..
Man Khê tức là Thất Khê ngày nay, có núi Phục Ba, có đền Mã Viện.
Trở lại việc Song Khê gởi rau sắng. Ít lâu sau, cũng trong năm 1923, có bài cảm tạ của Tản Đà tiên sinh đăng ở truyện Thế Gian:
Mấy lời cảm tạ tri âm,
Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình.
Đường xa rau vẫn còn xanh,
Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào.
Yêu nhau xa cách càng yêu,
Dẫu rằng suông nhạt mà nhiều chứa chan.
Nước non khuất nẻo ngư nhàn,
Tạ lòng xin mượn Thế Gian đưa trình
Nguyễn Khắc Hiếu bái phục Trong thi thập Tản Đà Vận Văn do Hương Sơn, Hà Nội xuất bản năm 1944, chúng ta nghe Tản Đà kể lại câu chuyện rau sắng chùa Hương như sau:
"Khoảng tháng ba năm nay, tôi có tiếp được một gói, gửi do nhà dây thép, ngoài bọc giấy, trong là rau sắng".
"Không thấy có đề tên người gửi, xem dấu nhà dây thép, cho biết là từ Phủ Lý gửi lên. Lại có phong thư cùng tiếp nhận, mở xem cho thấy ở mảnh giấy có mấy câu lục bát, tức là lời gửi rau sắng, trên không để là ở đâu gửi đến, đi báo ngày hôm nào, dưới ký tên như một người đàn bà con gai".
"Lạ thay! Không biết ai như hẳn là một người tình nhân không quen biết đây. Nay đã không biết trả lời về đâu mà cám ơn, vậy nhân Truyện Thế Gian, kính in bức ngọc thư của ai, và xin nói mấy lời cảm tạ".
Lúc bấy giờ (1923) Tản Đà tiên sinh chủ trương Tản Đà Tu Thư Lâu ở Hàng Gai, Hà Nội.
Sau đó ít lâu, vào khoảng 1927, Song Khê đang ở Mông Cáy, đọc An Nam tạp chí của Tản Đà, "thấy tình hình nhà báo lung lay, đường xa gánh nặng, sông cái thuyền nan", Song Khê riêng nghĩ: Nhà văn có lẽ phen này ưu tư không ít, bèn mua bưu phiếu gửi tặng tiên sinh cả một tháng lương và kèm theo mấy lời khuyến khích.
Trong một bức thư ghi ngày 23.3.1968 gửi ông Hồ Đình Chữ ở Huế, Song Khê cho chúng ta biết thêm:
"Tuy sinh cùng nước, cùng thời, với lòng cảm phục văn tài vô hạn, nhưng tôi cũng chưa được hân hạnh quen biết và tìm gặp tiên sinh bao giờ."
"Mãi đến năm 1928, khi tôi ở Kiến An, có một bữa (21 tháng 3), một văn hữu ở Hải Phòng đưa thi sĩ Tản Đà đến thăm tôi mà không hề giới thiệu. Tiếp chuyện độ nửa giờ, người bạn tôi cùng ông khách ra về, sau này tôi mới biết vị khách đó là thi sĩ Tản Đà".
"Câu chuyện văn chương tưởng như mới ngày nào, nửa thế kỷ thấm thoát đã trôi qua, đến nay chỉ là giấc mộng.
Tuổi vô dụng giục người tóc bạc,
Trận phong sương đồn rã cuộc trăm năm.
"Ngót ba mươi năm nay, Tản Đà tiên sinh đã gánh văn lên bán Chợ Trời, chẳng mấy nữa người rau sắng cũng sắp về Hương quy Phật, âu cũng là:
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.
Kính bút,
Song Khê, người rau sắng"
Câu chuyện rau sắng chùa Hương còn được Tản Đà nhắc lại trong bài Tản Đà gửi người tri âm, nguyên văn như sau:
"Muốn hiểu cái hay trong bức thư này, phải đọc cả hai cuốn Giấc Mộng Con và Giấc Mộng Lớn của Tản Đà và phải biết chuyện người tặng rau sắng và gửi măng - đa giúp khi ra An Nam tạp chí".
Chu Kiều Oanh có nói rằng: "Con người ta ở đời. thường hay lấy ít tri âm làm giận, mà không biết thực tự mình đã phụ biết bao người tri âm"
"Tri âm là ai? Ai tri âm với ai, thời ai tự biết với ai vậy".
"Nghĩ như: rau sắng chùa Hương, tấm lòng thơm thảo, măng đa Mông Cái, hậu ý ân cần".
Quan hà chan chứa ái ân,
Nước mây như vẫn như gần như xa.
"Giời Kiến An hai mươi mốt tháng ba, một cơn gió thổi: mơ màng Giấc Mộng Con, Tân Thế Giới, cảm tưởng bồi hồi".
Tri âm ai đó hỡi người,
Để ai sao khỏi như lời của ai?
"Tôi tự khi An Nam tạp chí nghỉ việc, đi Nam về Bắc, láng đáng không ra sao, lại càng trông thấy những chủng tộc với giang sơn, mà cảm hoài lai láng:
Dân hai nhăm triệu, ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.
"Ngày tháng như trôi, mày râu đáng chán. Mỗi những lúc đêm quạnh đèn xanh, chiều thu lá đổ, nghĩ nhớ đến ai ai trong bốn bể, nỗi u sầu không dễ tả nên thơ!"
"Nhất lại từ sau ngày hai mươi mốt tháng ba mới đây, giở xem lại bức thư in ở đầu tạp chí số mười, lại trông thấy những lời chúc mong của ai tự năm xưa, mà cái lo đường xa gánh nặng, sông cái thuyền nan, càng thêm như gợi như khêu không biết cùng ai tính liệu vậy".
"Nay An Nam tạp chí chưa có sức tiến hành, tôi cũng muốn nhân thể mà tĩnh dưỡng một đôi năm, cho được hưởng cái hạnh phúc nhàn tịch. Trong thì giờ nhàn tịch, muốn thu thập
các văn khi xưa, in làm hai tập: một tập văn xuôi, là những bài văn xuôi đã in tản mát ở trong các quyển Khối Tình, Tản Đà Tùng Văn, cùng trong các báo chí, một tập là văn tiểu
thuyết dài ngắn, cũng đã in ở các quyển Truyện Thế Gian, Tản Đà Tùng Văn khi xưa".
"Ngoài hai tập văn ấy, có in ra các quyển văn mới, hoặc làm, hoặc dịch, phần nhiều cũng chỉ là những văn tiêu nhàn khiển muộn, như quyển Nhàn Tưởng đây, tạm gọi là có giao du với xã họi mà thôi:
Riêng ai thân thế trăm năm.
Ai sẽ liệu tìm nơi ký thác.
Con tằm chưa thác,
Cuộc bể dâu còn sẽ lắm tơ duyên.
Cửa Vũ không xa,
Hội rồng cá thử xem lớp sóng.
Thôi vô luận văn chương với sự nghiệp, chia làm hai hay hợp làm một, trong thiên hạ đã có người tri âm, trong thiên hạ tất cũng có người không phụ người tri âm.
Cuối mùa xuân năm Mậu Thìn (1928) Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bái bút
Bà Song Khê hiện sống tại Fairfax (Virginia), Hoa Kỳ, vẫn trao đổi thư từ, thi văn với các bằng hữu văn nghệ xa gần. Vài năm trước đây, nữ sĩ đã gửi sang Paris tặng tôi một món quà quý và bài thơ ngắn, nhắc lại chuyện rau sắng chùa Hương ngày xưa:
Năm xưa Rau Sắng Chùa Hương
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa
Năm nay hổ cốt gửi qua.
Chúc tăng Diên thọ, Thái gia cát tường
Song Khê
Nguồn saigon times
|